Bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 năm 2023 môn Tiếng Việt có đáp án
Bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt có đáp án được soạn nhằm giúp các em học sinh đang chuẩn bị bước vào lớp 5, cùng các phụ huynh và quý thầy cô tham khảo trong quá trình ôn luyện, chuẩn bị vào năm học mới.
Bộ 6 đề ôn hè lớp 4 môn Tiếng Việt có đáp án
- Bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt
- 1. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 1
- 2. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2
- 3. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 3
- 4. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 4
- 5. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 5
- 6. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 6
- Đáp án bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt
- 1. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 1
- 2. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2
- 3. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 3
- 4. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 4
- 5. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 5
- 6. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 6
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay và để chuẩn bị cho năm học mới, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 5.
- Trọn bộ Bài tập Toán cơ bản lớp 4 - Ôn tập hè
- Ôn tập hè môn Toán và Tiếng Việt lớp 4 lên lớp 5
- Bộ đề thi ôn tập hè môn Toán lớp 4
Bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt có đáp án gồm có 6 đề thi. Mỗi đề sẽ gồm phần đề kiểm tra (đầy đủ nội dung cần củng cố) và đáp án chi tiết. Riêng phần đề có chèn sẵn ô li cho HS làm bài trực tiếp. Mời quý thầy cô, phụ huynh và các bạn học sinh tham khảo.
Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc. Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép với mục đích thương mại.
Bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt
1. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 1
Phần 1: Trắc nghiệm
Rùa học bay
Trong lùm cỏ, một chú rùa đang ra sức tập bay. Một chú chim sẻ bay ngang qua thấy thế liền hỏi:
- Anh rùa ơi, anh đang làm gì thế?
Rùa thở dài đáp:
- Tôi đang tập bay đấy, chim sẻ ạ.
- Sao cơ? Chẳng phải anh đã chiến thắng trong cuộc thi chạy với thỏ đó sao? Tất cả là nhờ bốn chiếc chân của anh mà.
- Thôi thôi, chú đừng nhắc nữa. Tôi và thỏ đã thi lại lần nữa. Thỏ không ngủ quên giữa cuộc đua nữa nên đã dễ dàng thắng tôi. Lần này, khi tập bay được tôi sẽ quyết đấu một trận nữa với thỏ.
Chim sẻ bật cười:
- Nhưng mà anh đâu có cánh!
- Bất kể thế nào tôi cũng phải học bay cho bằng được, sẻ ạ.
Kết thúc cuộc trò chuyện, rùa đi kiếm về rất nhiều lông chim, may cho mình một đôi cánh tuyệt đẹp. Nó ra sức tập luyện, nhưng đã mấy ngày trôi qua mà vẫn không có gì tiến triển. Nó nghĩ: “Thế này không ổn. Mình phải đi mời thầy về dạy mới được”.
Ngày hôm sau, rùa lên đường đi tìm thầy dạy bay. Ròng rã mấy ngày, nó đi đến một vách núi cheo leo hy vọng sẽ tìm được thầy giáo. Một hôm, rùa đi tới một vách đá, đột nhiên có một đôi cánh lớn liệng qua. Rùa ta vô cùng ngưỡng mộ, nghĩ bụng: “Đây chính là người thầy mà mình đang kiếm tìm”. Thế là rùa liền hét to:
- Anh Chim ưng ơi, xin hãy dạy em biết bay nhé!
Chim ưng ân cần nhắc nhở Rùa:
- Em rùa à, em và anh không giống nhau, em không có cánh, làm sao mà bay được?
Rùa cầm ra đôi cánh tự làm, liên tục xin:
- Anh xem, em có cánh rồi đây này, xin anh hãy nhận em làm đồ đệ đi.
Chim ưng đành phải chấp nhận lời thỉnh cầu của rùa. Chim ưng nhấc bổng rùa lên, khi bay lên không trung thì bỏ rùa ra. Rùa ta giống như diều đứt dây, rơi vập xuống một tảng đá to, khiến cho mai rùa bị vỡ rạn.
Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng:
1. Chim sẻ nhìn thấy chú rùa đang làm gì trong lùm cỏ? (0,5 điểm)
A. Đang ngủ trưa
B. Đang tập hát
C. Đang tập bay
D. Đang học bài
2. Vì sao chú rùa lại muốn tập bay? (0,5 điểm)
A. Vì muốn được bay đến những vùng đất mới
B. Vì muốn đánh bại thỏ
C. Vì muốn làm bạn với chim sẻ
D. Vì không muốn bò dưới mặt đất nữa
3. Tại sao chim sẻ cho rằng rùa không thể bay được? (0,5 điểm)
A. Vì rùa không có cánh
B. Vì rùa quá nặng
C. Vì rùa không có thầy dạy
D. Vì sẻ xem thường rùa
4. Rùa đã không làm gì để có thể bay được như chim? (0,5 điểm)
A. Ra sức tập luyện suốt ngày
B. Tự may một đôi cánh thật đẹp
C. Tìm một người thầy giỏi
D. Đi chơi cùng chim sẻ
5. Chim ưng đã tập bay cho rùa bằng cách nào? (0,5 điểm)
A. Chở rùa bay trên bầu trời
B. Thả rùa xuống từ trên không trung
C. Cho rùa đọc sách tập bay
D. Đưa rùa đến nhà chú đại bàng
6. Kết quả sau chuyến tập bay của rùa với chim ưng là gì? (0,5 điểm)
A. Mai rùa bị vỡ rạn
B. Rùa có thể bay lượn như chim
C. Rùa bị thả xuống hồ nước
D. Rùa bị thầy phạt
Phần 2: Tự luận
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Ngày nào em bé cỏn con
Bây giờ em đã lớn khôn thế này.
Cơm cha áo mẹ chữ thầy,
Lo sao cho bõ những ngày ước ao.
Câu 2: Luyện từ và câu (3 điểm)
1. Em hãy tìm trong câu văn dưới đây các từ đơn, từ ghép, từ láy
Ròng rã mấy ngày, nó đi đến một vách núi cheo leo hy vọng sẽ tìm được thầy giáo.
- Từ đơn: _______________________________________________________________
- Từ láy: ________________________________________________________________
- Từ ghép: _______________________________________________________________
2. Đọc đoạn hội thoại sau và trả lời câu hỏi:
Chủ nhật, Minh sang nhà Tuấn chơi. Đến nơi, thấy Tuấn đang ngồi trên hiên nhà, Minh gọi:
- Tuấn ơi, bọn mình đi đá bóng đi!
- Không được đâu Minh ơi, tớ phải trông nhà cho mẹ đi chợ. - Tuấn trả lời.
- Thật sự không đi được sao? - Minh hỏi lại
- Không được đâu. Cậu cứ ra sân đá bóng với các bạn đi. - Tuấn ủ rũ trả lời.
Nghe vậy, Minh suy nghĩ một lát rồi nói:
- Vậy thì tớ sẽ ở đây chơi với cậu, chờ mẹ cậu về thì mình ra sân đá bóng.
- Tớ đồng ý! - Tuấn vui sướng reo lên.
a. Em hãy phân tích cấu tạo câu “Chủ nhật, Minh sang nhà Tuấn chơi.”
b. Em hãy liệt kê câu hỏi có trong đoạn hội thoại trên và chỉ ra từ nghi vấn trong câu đó.
c. Em hãy nêu công dụng của các dấu hai chấm có trong đoạn hội thoại trên.
Câu 3: Tập làm văn (3 điểm)
Em hãy kể lại một buổi dọn vệ sinh lớp học mà mình đã tham gia.
2. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2
Phần 1: Trắc nghiệm
Chú cáo trồng đậu, trồng dưa
Mùa xuân tới, cáo tới mảnh vườn nhỏ ném mấy hạt đậu, lấy chân khỏa đất lên trong mưa xuân lun phun, ấm áp. Mấy ngày sau, hạt đậu nảy mầm rồi đội đất lên, lộ ra cái đầu tròn tròn, non xanh, nói vui vẻ: “Chào ông cáo”. “Tốt, tốt lắm!”, mặt cáo tươi như hoa.
Cáo xin đâu được mấy hạt dưa lại hì hục đem vùi xuống đất, xới cho đất phía trên tươi xốp. Mấy ngày sau, hạt dưa cũng nhú mầm non mảnh mai, nói: “Chào ông cáo !”. “Tốt, tốt lắm!”.
Cáo thực sự khoái chí, nhảy cẫng lên và tự nói với mình: “Trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu. Mùa thu tới ta sẽ có dưa, có đậu để ăn rồi!”. Từ đấy, cáo phởn chí chạy đi chơi, lúc băng qua cánh đồng, lúc vượt qua con mương nhỏ, lúc luồn qua các nhánh cây trong rừng, miệng luôn ca hát: “Là lá la la, là lá la…”.
Thấy vậy, chú chim nhỏ khuyên cáo: “Anh không về mà chăm cây thì mùa đông tới chẳng có gì mà ăn đâu”. Cáo dỏng tai lên nghe nhưng bỏ qua như chẳng hề nghe thấy gì rồi bỏ đi. Chuột đồng cũng nhắc nhở cáo: “Anh không về chăm cây thì mùa đông tới lấy gì mà ăn ?”. Cáo trừng mắt dọa chuột rồi tiếp tục rong chơi qua mùa hè, mùa thu.
Một hôm, cáo nói với chim nhỏ và sau đó nói với chuột đồng: “Nào, đến mảnh vườn của ta sẽ thấy có bao nhiêu là dưa, bao nhiêu là đậu cho mà xem”. Cáo dẫn chim nhỏ và chuột đồng vượt qua con suối nhỏ tới mảnh vườn bên hốc suối của nó với vẻ tự tin, hào phóng lắm.
Nhưng tới nơi thì đâu còn ra mảnh vườn nữa, cỏ dại mọc um tùm. Cáo rúc đầu vào trong các bụi cỏ cao, rậm rạp mà tìm đậu và dưa. “Thấy không, có nhiều không?” - chuột đồng và chim nhỏ đều sốt ruột hỏi. “Đừng nóng vội”. Cáo đáp nhưng trong bụng đã thấy bồn chồn, lo lắng. Cáo tìm hoài, tìm hoài, đầm đìa mồ hôi mà đâu thấy một quả dưa, một nhánh đậu. Chuột đồng và chim nhỏ đều chán ngắt, trước khi bỏ đi, chúng nói: “Không chăm xới, không chịu lao động thì không có quả nào mà ăn đâu”. Nghe vậy cáo ủ rũ, hối hận vô cùng.
1. Mảnh vườn của chú cáo nằm ở đâu? (0,5 điểm)
A. Bên một dòng sông lớn
B. Bên một cây sồi già
C. Bên một hốc suối nhỏ
D. Bên một cánh đồng rộng lớn
2. Chú cáo đã trồng những gì trong mảnh vườn của mình? (0,5 điểm)
A. Trồng hoa hướng dương
B. Trồng đậu và dưa
C. Trồng lúa mì
D. Trồng cây sầu riêng
3. Cáo đã không rong chơi ở nơi nào trong suốt mùa hè và mùa thu? (0,5 điểm)
A. Băng qua những cánh đồng
B. Vượt qua con mương nhỏ
C. Luồn qua các nhánh cây trong rừng
D. Bơi lội trên bãi biển
4. Chuột đồng đã nhắc nhở cáo điều gì? (0,5 điểm)
A. Anh không về mà chăm cây thì mùa đông tới chẳng có gì mà ăn đâu
B. Anh không về chăm cây thì mùa đông tới lấy gì mà ăn
C. Anh nên đi chơi ở những cánh đồng phía xa kia
D. Anh nên về nhà trồng thêm các loại rau củ khác nữa
5. Khi trở về khu vườn của mình thì Cáo nhìn thấy điều gì? (0,5 điểm)
A. Những trái dưa hấu to tròn, mọng nước
B. Cỏ dại mọc um tùm khắp khu vườn
C. Rất nhiều những trái đậu xinh xắn
D. Một khu vườn tràn đầy các loại hoa
Phần 2: Tự luận
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu.
Câu 2: Luyện từ và câu (2,5 điểm)
1. Em hãy đọc đoạn văn sau và trả lời câu hỏi:
Mùa xuân tới, cáo tới mảnh vườn nhỏ ném mấy hạt đậu, lấy chân khỏa đất lên trong mưa xuân lun phun, ấm áp. Mấy ngày sau, hạt đậu nảy mầm rồi đội đất lên, lộ ra cái đầu tròn tròn, non xanh, nói vui vẻ: “Chào ông cáo”. “Tốt, tốt lắm!”, mặt cáo tươi như hoa.
a. Em hãy chỉ ra các từ láy có trong đoạn văn trên.
- Các từ láy là ____________________________________________________________
b. Em hãy xác định cấu tạo của câu “Mùa xuân tới, cáo tới mảnh vườn nhỏ ném mấy hạt đậu, lấy chân khỏa đất lên trong mưa xuân lun phun, ấm áp.”
c. Em hãy nêu tác dụng của các dấu ngoặc kép xuất hiện trong đoạn văn.
d. Em hãy chỉ ra biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn văn.
2. Cho câu kể: “Bạn Lan được 10 điểm môn Toán”. Em hãy chuyển câu kể đó thành 1 câu cảm và 1 câu hỏi.
Câu 3: Tập làm văn (3 điểm)
Em hãy viết một bài văn miêu tả cây tre.
3. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 3
Phần 1: Đọc hiểu
Sự tích hoa cúc trắng
Ngày xưa có một cô bé vô cùng hiếu thảo sống cùng mẹ trong một túp lều tranh dột nát. Thật không may mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên không có tiền mua thuốc chữa. Điều này khiến cho cô vô cùng đau khổ. Một lần khi cô bé đang ngồi khóc bên đường, bỗng có một ông lão đi qua thấy lạ bèn đừng lại hỏi han. Khi biết sự tình ông già nói với cô bé :
- Cháu hãy vào rừng và đến bên gốc cây cổ thụ to nhất. Dưới gốc cây có một bông hoa rất quý màu trắng. Cháu hãy hái bông hoa ấy mang về làm thuốc cho mẹ. Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.
Nghe vậy, cô bé liền vào rừng và rất lâu sau mới tìm thấy bông hoa trắng đó. Phải khó khăn lắm cô mới trèo lên được để lấy bông hoa, nhưng khi đếm chỉ có một cánh hai cánh ba cánh bốn cánh. Chỉ có bốn cánh hoa thôi, chẳng nhẽ mẹ cô chỉ sống được từng đấy ngày thôi sao? Sau một hồi suy nghĩ, cô liền dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ và bông hoa cũng theo đó mà nhiều cánh dần lên. Cuối cùng số cánh của bông hoa nhiều đến mức không còn đếm được nữa. Nhờ bông hoa mà người mẹ đã cùng cô bé sống hạnh phúc bên nhau rất lâu, rất lâu.
Từ đó người đời gọi bông hoa ấy là bông hoa cúc trắng để nói về lòng hiếu thảo của cô bé đó dành cho mẹ mình.
Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng
1. Cô bé trong câu chuyện là một người con như thế nào? (0,5 điểm)
A. Là một người con hiếu thảo
B. Là một cô bé hay nói dối
C. Là một người con học giỏi
D. Là một cô bé khéo tay
2. Điều gì đã khiến cho cô bé vô cùng đau khổ? (0,5 điểm)
A. Mẹ cô bé đánh cô vì cô không chịu học bài
B. Cô bé muốn mua cặp sách mới những mẹ không đồng ý
C. Mẹ của cô bé lại bị bệnh rất nặng nhưng vì nhà nghèo nên không có tiền mua thuốc chữa
D. Cô bé bị thầy giáo phạt do không làm bài tập về nhà
3. Ông già đã chỉ cách gì cho cô bé cứu mẹ của mình? (0,5 điểm)
A. Tìm một củ nhân sâm nghìn năm ở trên ngọn núi xa
B. Hái bông hoa màu trắng dưới gốc cổ thụ to nhất trong rừng về làm thuốc
C. Bắt con chim lông trắng về nấu cháo cho mẹ ăn
D. Xuống biển tìm ngọc trai để bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ
4. Cô bé đã làm gì để mẹ có thể sống thật lâu bên cạnh mình? (0,5 điểm)
A. Dán thêm các cánh hoa mới để bông hoa có nhiều cánh hơn
B. Tự cắt giấy để tạo ra một bông hoa trắng nhiều màu
C. Xin ông già chỉ cho mình phương thuốc khác
D. Dùng tay xé nhẹ dần từng cánh hoa lớn thành những cánh hoa nhỏ
Câu 2: Em hãy gạch chân dưới các từ ghép có trong câu sau (0,5 điểm):
Nhờ bông hoa mà người mẹ đã cùng cô bé sống hạnh phúc bên nhau rất lâu, rất lâu.
Câu 3: Trong câu chuyện trên có sử dụng một dấu hai chấm. Em hãy nêu tác dụng của dấu hai chấm đó (0,5 điểm)
Câu 4: Em hãy phân tích cấu tạo của câu sau (1 điểm):
Bông hoa ấy có bao nhiêu cánh thì tức là mẹ cháu sống được bằng đấy ngày.
Câu 5: Em có suy nghĩ gì về cô bé trong câu chuyện trên (1 điểm)
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi,
Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh,
Trên con đường viền trắng mép đồi xanh,
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Câu 3: Tập làm văn
Em hãy kể về một buổi đi dạo chợ Tết cuối năm mà em đã từng được tham gia.
4. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 4
Phần 1: Đọc hiểu
Sự tích ngày và đêm
Ngày xửa ngày xưa, Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống cùng sống với nhau trên trời. Mặt Trăng mặc cái áo màu trắng, Gà Trống đội một chiếc mũ màu đỏ. Mặt Trăng thích cái mũ đỏ của Gà Trống lắm. Một hôm, Mặt Trăng nói với Gà Trống:
- Chúng mình đổi áo và mũ cho nhau được không?
- Tớ không thích cái áo màu trắng của cậu. Tớ không đổi mũ lấy áo đâu! - Gà Trống đáp
Mặt Trăng cứ đòi đổi mãi nhưng Gà Trống nhất định không chịu. Mặt Trăng liền giật mũ của Gà Trống và vứt xuống đất. Thấy vậy, Gà Trống vội bay xuống đất để nhặt mũ. Nhưng mặt đất tối đen nên Gà Trống không tìm thấy mũ. Gà Trống sực nhớ tới Mặt Trời, Gà Trống liền ngửa cổ lên trời và cất tiếng gọi:
- Ò ó o, Mặt Trời ơi! Mặt Trời ơi!
Mặt Trời vội vén màn mây nhìn xuống dưới đất. Những tia nắng rực rỡ tỏa sáng khắp nơi. Nhờ có ánh nắng Mặt Trời chiếu xuống, Gà Trống nhìn thấy cái mũ đỏ của mình mắc trên một cành cây. Gà Trống sung sướng bay lên cây để lấy chiếc mũ và đội lên đầu. Gà Trống định bay về trời nhưng bầu trời quá xa nên chú không thể bay về trời được. Vì vậy, Gà Trống cất tiếng gọi:
- Mặt Trời ơi! Kéo tớ lên với!
Nhưng Mặt Trời không thể kéo Gà Trống lên được. Mặt Trời đành an ủi Gà Trống:
- Gà Trống ơi! Bạn hãy ở lại dưới mặt đất vậy. Buổi sáng sớm bạn hãy gọi "Ò ó o... ! Mặt Trời ơi!", tôi sẽ thức dậy và trò chuyện với bạn nhé!
Từ đó trở đi, Gà Trống luôn dậy sớm và cất tiếng gáy "ò ó o" để đánh thức Mặt Trời dậy. Ở tít trên cao, Mặt Trời chiếu ánh sáng rực rỡ xuống Trái Đất. Còn Mặt Trăng thì cảm thấy rất xấu hổ vì đã đối xử không tốt với bạn Gà Trống. Vì thế, Mặt Trăng cứ đợi đến khi Mặt Trời lặn xuống, Gà Trống lên chuồng đi ngủ mới dám xuất hiện.
Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
1. Ngày xưa Gà Trống sống ở đâu? (0,5 điểm)
A. Trên biển
B. Trên ngọn núi
C. Trên bầu trời
D. Trên cánh đồng
2. Không xin đổi được chiếc mũ của bạn Gà Trống, Mặt Trăng đã làm gì? (0,5 điểm)
A. Đi mua một chiếc mũ màu đỏ giống của bạn Gà Trống
B. Giật mũ của bạn Gà Trống và vứt xuống đất
C. Lấy bánh kẹo để xin bạn Gà Trống đổi mũ cho
D. Trộm lấy mũ của bạn Gà Trống để đeo
3. Sau khi sà xuống đất để nhặt mũ thì bạn Gà Trống gặp phải chuyện gì? (0,5 điểm)
A. Bị con cáo ở dưới mặt đất bắt lại
B. Bị mắc bẫy nên không bay về trời được
C. Thấy đồ ăn ở dưới mặt đất ngon quá nên không muốn quay về trời
D. Bầu trời cách mặt đất quá xa nên không thể bay về trời được
4. Sau khi thấy bạn Gà Trống không thể bay về trời được nữa, Mặt Trăng đã có thái độ thế nào? (0,5 điểm)
A. Vui vẻ vì không phải gặp lại bạn Gà Trống nữa
B. Cảm thấy xấu hổ vì hành động của mình nên chỉ dám ra ngoài khi đêm tối
C. Chạy xuống mặt đất để vui chơi cùng bạn Gà Trống
D. Bỏ đi biệt xứ vì quá xấu hổ với việc mình đã làm
Câu 2: Em hãy gạch chân dưới từ nghi vấn trong câu sau (0,5 điểm):
Chúng mình đổi áo và mũ cho nhau được không?
Câu 3: Em hãy đặt câu hỏi cho bộ phận in đậm của câu sau (0,5 điểm):
Gà Trống sung sướng bay lên cây để lấy chiếc mũ và đội lên đầu.
Câu hỏi: ___________________________________________________________
Câu 4: Em hãy phân tích cấu tạo câu sau (1 điểm)
Ngày xửa ngày xưa, Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống cùng sống với nhau trên trời.
Câu 5: Theo em bạn Mặt Trăng là một người bạn như thế nào? (1 điểm)
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Chú gà trống nhỏ
Cái mào màu đỏ
Cái mỏ màu vàng
Đập cánh gáy vang
Dưới giàn bông bí
Cái đuôi màu tía
Óng mượt làm sao!
Câu 2: Tập làm văn
Em hãy tả lại một dụng cụ học tập mà em yêu thích nhất.
5. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 5
Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Gió và Mặt Trời
Một ngày nọ, Gió và Mặt Trời tranh cãi nhau kịch liệt. Gió cho rằng mình mạnh mẽ hơn nhưng Mặt Trời không đồng ý. Gió nói đầy tự hào:
- Tôi có thể thổi đổ cây, lật tung các mái nhà.
- Nhưng tôi đem lại sự ấm áp đến với mọi người và giúp cho cây lớn mau. - Mặt Trời phản đối nói.
Đúng lúc Gió đang khăng khăng tự nhận mình mạnh mẽ hơn thì có một vị khách đi qua đường. Gió chợt nảy ra ý nghĩ so tài:
- Nếu tôi làm cho ông ta cởi quần áo ra thì anh phải công nhận rằng tôi mạnh mẽ hơn. Và ngược lại, nếu như anh làm được điều đó thì tôi sẽ công nhận anh mạnh hơn tôi. Đồng ý không?
Mặt Trời vui vẻ nói: "Đồng ý!". Cuộc thi bắt đầu, Gió xung phong trổ tài trước. Mặt Trời núp ra phía sau đám mây, còn Gió bắt đầu ra sức thổi. Người khách cảm thấy lạnh lẽo bởi gió thổi mỗi lúc một mạnh hơn. Vì thế người khách không cởi quần áo mà thậm chí còn mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng. Cuối cùng thì Gió cũng mệt nhoài và ngừng thổi. Mặt Trời cười to và nói: "Bây giờ đến lượt tôi nhé!"
Mặt Trời đẩy mây ra và bắt đầu chiếu sáng. Ánh nắng dần chuyển từ rực rỡ sang gay gắt. Người khách bắt đầu thấy nóng nực và ông ta vừa cởi chiếc áo khoác mỏng vừa than phiền: "Thời tiết hôm nay thật là lạ. Mới có gió lạnh mà đã nóng được ngay". Mỗi lúc người khách càng cảm thấy nóng hơn. Ông ta cởi quần áo từng cái một: đầu tiên là cái áo len, rồi đến áo sơ mi, mũ rồi ủng. Khi đi qua con sông, ông ta cởi bỏ hết quần áo và nhảy xuống sông tắm.
Kết quả cuộc so tài đã rõ, Gió phải công nhận Mặt Trời mạnh mẽ và thông minh hơn mình.
Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng
1. Câu chuyện trên kể về cuộc thi tài giữa những ai? (0,5 điểm)
A. Mặt Trời và Mặt Trăng
B. Mặt Trời và Gà Trống
C. Gió và Mặt Trời
D. Gió và Nắng
2. Ai là trọng tài của cuộc thi? (0,5 điểm)
A. Người khách qua đường
B. Mặt Trời
C. Không có trọng tài
D. Gió
3. Luật của cuộc thi là gì? (0,5 điểm)
A. Ai làm cho người khách qua đường mặc thêm quần áo thì sẽ thắng.
B. Ai làm cho người khách qua đường cởi quần áo trước thì sẽ thắng.
C. Ai làm cho người khách qua đường mua thêm áo quần thì sẽ thắng.
D. Ai làm cho người khách qua đường đội thêm nón lá thì sẽ thắng.
4. Khi Gió thổi những làn gió lạnh lẽo thì người khách qua đường đã làm gì? (0,5 điểm)
A. Cởi chiếc áo và khăn quàng cổ ra
B. Mặc thêm một chiếc áo khoác dày
C. Mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng
D. Mặc thêm mũ len và găng tay
5. Đến lượt Mặt Trời trổ tài thì người khách qua đường đã làm gì? (0,5 điểm)
A. Vui sướng vì không khí trở nên ấm áp
B. Cởi hết tất cả áo quần và nhảy xuống sông tắm
C. Cởi chiếc áo khoác mỏng vừa mặc vào lúc nãy
D. Mua một cốc kem để ăn cho mát mẻ
6. Kết thúc cuộc thi, Gió đã phải công nhân điều gì? (0,5 điểm)
A. Mặt Trời mạnh mẽ và thông minh hơn Gió.
B. Mặt Trời có khả năng khiến thời tiết trở nên nóng bức.
C. Gió có thể khiến cho thời tiết trở nên lạnh lẽo.
D. Người đi qua đường luôn mang theo một chiếc áo khoác mỏng.
Câu 2: Em hãy tìm ra trong câu chuyện trên một cặp từ trái nghĩa. (0,5 điểm)
Cặp từ trái nghĩa là __________________________________________________
Câu 3: Em hãy phân tích cấu tạo của câu dưới đây (1 điểm)
Vì thế người khách không cởi quần áo mà thậm chí còn mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng.
Câu 4: Em hãy gạch 1 gạch dưới từ ghép và gạch 2 gạch dưới từ láy trong câu dưới đây (0,5 điểm):
Đúng lúc Gió đang khăng khăng tự nhận mình mạnh mẽ hơn thì có một vị khách đi qua đường.
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Bầu trời xanh cao tít
Nhấp nháy ngàn mắt sao
Bao đêm rồi thao thức
Cùng gió thu lao xao
Câu 2: Tập làm văn (3 điểm)
Em hãy viết một bài văn tả cảnh bãi biển.
6. Đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 6
Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Củ cải trắng
Mùa đông đã đến rồi, trời trở nên lạnh buốt và thức ăn cũng ngày càng khan hiếm hơn. Thỏ con không có gì để ăn cả, nên đã mặc áo vào rồi ra ngoài kiếm thức ăn. Nó đi mãi đi mãi cuối cùng cũng tìm được một củ cải trắng. Thỏ con vui sướng reo lên:
- Ôi, ở đây có củ cải trắng, mình thật là may mắn!
Thỏ con đói bụng, muốn ăn lắm rồi. Nhưng Thỏ lại nghĩ: “Trời lạnh thế này, chắc Dê con cũng không có cái gì để ăn đâu. Mình phải mang sang cho Dê con mới được”. Thế là Thỏ con đi sang nhà bạn Dê con nhưng Dê con không có nhà nên Thỏ đặt củ cải lên bàn rồi đi về.
Dê con sau khi đi chơi về thấy có một củ cải trắng ở trên bàn. Dê thèm ăn lắm, nhưng lại nghĩ: “Trời lạnh thế này chắc Hươu con không có cái gì để ăn rồi, mình phải mang cho Hươu con mới được”. Thế là Dê con đến nhà Hươu nhưng Hươu lại đi vắng, Dê con bèn đặt củ cải ở trên bàn rồi về.
Khi Hươu con về nhà, thấy củ cải ở trên bàn, Hươu ngạc nhiên lắm: “Ồ, củ cải trắng ở đâu mà ngon vậy nhỉ. Thích quá. Nhưng chắc trời lạnh thế này, Thỏ con cũng không có gì ăn đâu.Mình phải mang sang cho Thỏ mới được”.
Khi Hươu đến thì Thỏ con đang ngủ rất say. Khi tỉnh dậy Thỏ lại thấy trên bàn mình xuất hiện một củ cải trắng. Thỏ vui vẻ lắm, nó chạy đi gọi các bạn:
- Bạn Hươu, bạn Dê ơi hãy đến nhà tôi, chúng ta cùng ăn củ cải trắng thơm ngon này.
Thế là cuối cùng, củ cải trắng ấy được chia sẻ cho cả ba người bạn tốt bụng của chúng ta.
Câu 1: Em hãy khoanh tròn vào chữ cái đứng trước câu trả lời đúng.
1. Câu chuyện trên kể về tình bạn của những loài vật nào? (0,5 điểm)
A. Thỏ con, Dê con, Gà con
B. Thỏ con, Hươu con, Gấu con
C. Hươu con, Dê con, Thỏ con
D. Hổ con, Gấu con, Nai con
2. Khi mùa đông đến thì điều gì đã xảy ra? (0,5 điểm)
A. Thời tiết trở nên ấm áp hơn trước
B. Trời trở nên lạnh buốt và thức ăn cũng ngày càng khan hiếm hơn
C. Các loại quả chín đầy trong các khu vườn
D. Các lá cây trong khu rừng chuyển dần sang màu vàng và rụng xuống mặt đất.
3. Bạn Thỏ con đã tìm thấy gì khi ra ngoài tìm thức ăn? (0,5 điểm)
A. Một rổ xoài vàng ươm
B. Một chiếc bánh bao nóng hổi
C. Một củ cải trắng
D. Một trái dưa hấu
4. Khi nhìn thấy củ cải trắng, các bạn nhỏ trong câu chuyện đã làm điều gì? (0,5 điểm)
A. Chia sẻ củ cải trắng cho bạn của mình
B. Dấu củ cải trắng để ăn một mình
C. Đem củ cải trắng ra vườn để trồng
D. Tặng củ cải trắng cho bà
Câu 2: Em hãy tìm 2 từ đồng nghĩa với nhau trong văn bản trên (0,5 điểm)
Cặp từ đồng nghĩa là __________________________________________________
Câu 3: Em hãy phân tích cấu tạo câu sau (1 điểm)
Thế là Thỏ con đi sang nhà bạn Dê con nhưng Dê con không có nhà nên Thỏ đặt củ cải lên bàn rồi đi về.
Câu 4: Em hãy gạch 1 gạch dưới các từ ghép, gạch 2 gạch dưới các từ láy trong câu sau (0,5 điểm):
Mùa đông đã đến rồi, trời trở nên lạnh buốt và thức ăn cũng ngày càng khan hiếm hơn.
Câu 5: Hãy nêu cảm nhận của em về tình bạn của 3 bạn nhỏ trong câu chuyện trên (1 điểm)
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả (2 điểm)
Cậu bé hí hoáy cắt giấy rồi gấp thành một chiếc thuyền giấy xinh xinh. Xong xuôi cậu cẩn thận vẽ lên thành thuyền những bông hoa, hình sao ngộ nghĩnh. Cậu sửa lại cho đáy thuyền rộng ra hơn một chút rồi đem thả ở dòng sông cạnh nhà. Thế là bắt đầu cuộc phiêu lưu của chiếc thuyền giấy.
Câu 2: Tập làm văn (3 điểm)
Nghỉ hè, em có phụ giúp bố mẹ làm công việc nhà nào không? Em hãy viết một bài văn kể về những điều đó nhé.
Đáp án bộ 6 đề ôn hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt
1. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 1
Phần 1: Trắc nghiệm
1. C | 2. B | 3. A | 4. D | 5. B | 6. A |
Phần 2: Tự luận
Câu 1: Chính tả
Câu 2: Luyện từ và câu
1.
- Từ đơn: nó, đi, đến, một, sẽ, tìm, được
- Từ láy: ròng rã, cheo leo
- Từ ghép: mấy ngày, vách núi, hy vọng, thầy giáo
2.
a. Phân tích cấu tạo câu “Chủ nhật, Minh sang nhà Tuấn chơi.”
- Trạng ngữ: chủ nhật
- Chủ ngữ: Minh
- Vị ngữ: sang nhà Tuấn chơi
b. Câu hỏi: Thật sự không đi được sao?
Từ nghi vấn: sao
c. Công dụng: báo hiệu lời nói của nhân vật phía sau nó.
Câu 3: Tập làm văn
Gợi ý dàn bài:
1. Mở bài
- Giới thiệu thời gian, địa điểm và những người tham gia buổi dọn vệ sinh.
2. Thân bài
- Trước khi bắt đầu dọn vệ sinh:
- Mọi người đến lúc nào? Có bạn nào đến muộn hay sớm hơn không?
- Trang phục của mọi người khác ngày thường như thế nào?
- Dụng cụ được mang theo bao gồm những gì?
- Diễn ra buổi dọn vệ sinh:
- Cô giáo phân công, giao nhiệm vụ và chia nhóm để công việc diễn ra nhanh chóng, gọn gàng hơn.
- Các bạn nhận nhiệm vụ và bắt đầu vào vị trí
- Miêu tả các công việc có trong buổi dọn vệ sinh: quét lớp, lau bảng, lau nhà, lau cửa sổ, đổ rác, tưới cây… - miêu tả chi tiết các hành động
- Miêu tả không khí, thái độ của mọi người: vui vẻ, rộn ràng, mọi người vừa làm vừa trò chuyện, đùa nghịch…
- Kết thúc buổi dọn dẹp:
- Mọi người tuy mệt nhưng mà vui
- Cô giáo khen ngợi sự cố gắng của mọi người
- Các bạn thu dọn đồ đạc và trở về nhà
3. Kết bài
- Nêu những suy nghĩ, cảm xúc của em về buổi dọn vệ sinh mình vừa tham gia.
2. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 2
Phần 1: Trắc nghiệm
1. C | 2. B | 3. D | 4. B | 5. B |
Phần 2: Tự luận
Câu 1: Chính tả
Câu 2: Luyện từ và câu
1.
a. Các từ láy: lun phun, ấm áp, tròn tròn
b. Cấu tạo câu đó gồm:
- Trạng ngữ: mùa xuân tới
- Chủ ngữ: cáo
- Vị ngữ: tới mảnh vườn nhỏ ném mấy hạt đậu, lấy chân khỏa đất lên trong mưa xuân lun phun, ấm áp
c. Tác dụng của dấu ngoặc kép: trích dẫn trực tiếp lời nói của hạt đậu và cáo.
e. Biện pháp tu từ so sánh. So sánh vẻ mặt tươi cười của cáo với những bông hoa rạng rỡ, tươi sáng.
2.
- Câu cảm: Bạn Lan được những 10 điểm môn Toán!
- Câu hỏi: Bạn Lan được 10 điểm môn Toán có phải không?
Câu 3: Tập làm văn
Dàn ý:
1. Mở bài
- Giới thiệu hình ảnh cây tre
2. Thân bài
a. Giới thiệu khái quát:
- Bụi tre năm nay đã bao nhiêu tuổi, được ai trồng
- Vị trí của cây tre
b. Tả bao quát:
- Tre không mọc một mình mà thành từng bụi, các thân cây mọc san sát, đan lồng vào nhau
- Nhìn từ xa như một bức tường xanh khổng lồ
- Dù đứng từ phía xa, cũng có thể nhìn thấy cây tre
c. Tả chi tiết:
- Rễ tre: mọc thành chùm, từng chiếc rễ nhỏ nhưng rất cứng đan vào nhau thành một bó to cắm sâu xuống đất; 1 ít rễ bò lên cả trên mặt đất
- Thân tre:
- Cao vút, thẳng tắp hiên ngang
- Chia thành nhiều đốt, càng lên cao các đốt càng ngắn hơn
- Dưới gốc có màu xanh sẫm, càng lên đến ngọn thì màu xanh nhạt dần đi
- Cuối mỗi đốt là phần vỏ và mắt tre
- Lá tre:
- Nhỏ bằng ngón tay, thân dẹt, không mềm mà hơi cứng (lá non thì sẽ hơi mềm), màu xanh sẫm như thân tre
- Mọc tua tủa, đan xen nhau tạo nên tấm màn xanh che chắn cho xóm làng
- Lúc nhỏ, cây tre là những búp măng non chui thẳng từ dưới đất lên, mỗi khi cao lên nó sẽ có thêm một đốt. Cứ như vậy mà lớn lên ngày càng cao.
d. Công dụng của cây tre
- Búp măng - đồ ăn
- Thân tre - đồ dùng gia đình (bàn ghế, lọ đựng bút, đũa, giỏ…)
- Dùng làm gậy gộc, vũ khí bảo vệ người dân
e. Kỉ niệm của em với cây tre
3. Kết bài
- Nêu tình cảm, suy nghĩ của em về cây tre.
3. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 3
Phần 1: Đọc hiểu
Câu 1:
1. A | 2. C | 3. B | 4. D |
Câu 2:
“Nhờ bông hoa mà người mẹ đã cùng cô bé sống hạnh phúc bên nhau rất lâu, rất lâu.”
Câu 3:
- Dấu 2 chấm giúp báo hiệu phần nội dung phía sau là lời nói trực tiếp của ông già.
Câu 4:
Bông hoa ấy | có bao nhiêu cánh (thì tức là) mẹ cháu | sống được bằng đấy ngày.
- Chủ ngữ 1: bông hoa ấy - Vị ngữ 1: có bao nhiêu cánh
- Chủ ngữ 2: mẹ cháu - Vị ngữ 2: sống được bằng đấy ngày
(thì tức là: từ nối 2 vế câu)
Câu 5:
Cô bé trong câu chuyện là một người con rất hiếu thảo, yêu thương mẹ của mình. Đồng thời cô bé cũng rất dũng cảm khi một mình vào rừng tìm thuốc, và rất thông minh khi tìm ra cách giúp mẹ sống lâu. Em rất ngưỡng mộ bạn ấy.
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả
Câu 2: Tập làm văn
Dàn ý:
1. Mở bài
- Giới thiệu về hoàn cảnh em được đến xem chợ Tết cuối năm.
2. Thân bài
a. Trước khi xuất phát:
- Em có tâm trạng như thế nào? (hồi hộp, háo hức, mong chờ…)
- Mẹ dặn dò em những gì? (luôn đi sát mẹ, cẩn thận kẻo bị lạc, không đi theo người lạ…)
b. Khi đã đến chợ:
- Khung cảnh chợ có gì khác với thường ngày:
- Người xe ra vào đông đúc hơn rất nhiều
- Không khí vui tươi, rạng rỡ bao trùm lên khuôn mặt mọi người
- Âm thanh mua bán rộn ràng cả khu chợ
- Các loại hàng bày bán có gì mới hơn thường ngày:
- Có thêm rất nhiều mặt hàng chỉ Tết mới có (hạt dưa, bánh mứt, bánh chưng, hoa đào, hoa mai, câu đối đỏ…)
- Các mặt hàng thường ngày cũng bày bán nhiều hơn (thịt cá, áo quần, bát đũa…)
- Em và mẹ đã làm gì trong khu chợ:
- Đi dạo và ngắm nghía các gian hàng đủ sắc màu
- Mua sắm những món đồ cần thiết cho năm mới
- Sắm áo quần Tết cho mọi người trong nhà
c. Khi ra về
- Trên đường về nhà em có cảm giác gì? (nuối tiếc vì chưa được ngắm thỏa thích, mong chờ những ngày Tết sắp đến); cảm thấy tuy mệt nhưng mà vui
- Tâm sự với mẹ những điều đã thấy
3. Kết bài
- Nêu những cảm xúc, suy nghĩ của em về buổi chợ Tết.
4. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 4
Phần 1: Đọc hiểu
Câu 1:
1. C | 2. B | 3. D | 4. B |
Câu 2:
Chúng mình đổi áo và mũ cho nhau được không?
Câu 3:
Câu hỏi: Gà Trống sung sướng bay lên cây để làm gì?
Câu 4:
Ngày xửa ngày xưa,| Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống | cùng sống với nhau trên trời.
- Trạng ngữ: Ngày xửa ngày xưa
- Chủ ngữ: Mặt Trăng, Mặt Trời và Gà Trống
- Vị ngữ: cùng sống với nhau trên trời
Câu 5:
Bạn Mặt Trăng là một người bạn xấu tính, có hành động khung đúng với bạn bè. Em sẽ không bao giờ có những hành động như vậy.
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả
Câu 2: Tập làm văn
Dàn ý tả cây thước kẻ:
1. Mở bài
- Giới thiệu hoàn cảnh mà em nhận được cây thước kẻ
2. Thân bài
- Cây thước kẻ thuộc hãng nào, có chất liệu gì?
- Kích thước của cây thước (dài, rộng và độ dày như thế nào)
- Cây thước có màu gì, được trang trí những hoa văn, họa tiết như thế nào?
- Em thường sử dụng cây thước với mục đích gì?
- Kể một kỉ niệm của em với cây thước.
3. Kết bài
- Nêu tình cảm, suy nghĩ của em dành cho cây thước.
5. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 5
Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
1. C | 2. C | 3. B | 4. B | 5. B | 6. A |
Câu 2:
Cặp từ trái nghĩa là lạnh lẽo - nóng nực.
Câu 3:
- Chủ ngữ: Người khách
- Vị ngữ: không cởi quần áo mà thậm chí còn mặc thêm một chiếc áo khoác mỏng.
(Vì thế là từ nối)
Câu 4:
- Từ ghép: tự nhận, vị khách, qua đường
- Từ láy: khăng khăng, mạnh mẽ
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả
Câu 2: Tập làm văn
Gợi ý dàn bài:
1. Mở bài
- Nêu hoàn cảnh, thời gian em được đến bãi biển.
- Giới thiệu khái quát về bãi biển: tên là gì, nằm ở đâu, được mọi người đánh giá như thế nào…
2. Thân bài
a. Tả bao quát cảnh biển
- Bãi cát trên bờ biển (màu sắc, độ mịn, cảm giác khi chạm vào…)
- Nước biển (màu sắc, độ trong, cảm giác khi xuống nước như thế nào, nước biển có sâu không…)
- Dưới đáy biển (gần bờ là phần cát, ra xa hơn là rặng san hô…)
- Bầu trời (trong xanh, ánh nắng chan hòa, những chú chim hải âu bay lượn trên sóng biển…)
- Những cây dừa cao lớn, được trồng dọc theo bãi biển
b. Tả cảnh biển vào các thời điểm khác nhau trong ngày
- Buổi sáng (không khí yên tĩnh, nước biển màu xanh lơ, sóng biển nhẹ nhàng, hiền hòa vỗ từng đợt vào bãi cát…)
- Buổi trưa (không khí ồn ã hơn bởi tiếng sóng vỗ dồn dập vào bờ tạo nên những khối bọt trắng xóa, nước biển chuyển màu xanh sẫm…)
- Buổi chiều tà (biển đổi màu xanh đen, tím biếc dưới ánh hoàng hôn, những đợt sóng cũng dịu nhẹ hơn…)
- Buổi tối (nước biển nhìn không rõ màu, trên mặt nước biển là những gợn bàng bạc do ánh trăng chiếu xuống, tiếng sóng biển trở nên rõ ràng hơn, rì rào rì rào đều đặn…)
c. Hình ảnh con người trên bãi biển
- Người đến thăm thú, du lịch (các du khách với nhiều hoạt động như tắm biển, lặn xuống đáy ngắm san hô, chơi bóng chuyền trên bãi biển, chơi trò xây lâu đài cát, nằm ngắm cảnh…)
- Các nhà hàng, quán ăn kinh doanh ở bãi biển, cung cấp nhiều dịch vụ tiện ích như: cho thuê phao bơi, đồ lặn, ô che nắng; các món đặc sản ở biển như tôm, cua, cá, ốc, ghẹ…
d. Những giá trị đóng góp của bãi biển
- Là nơi vui chơi giải trí, thư giãn
- Cung cấp nguồn hải sản phong phú, đa dạng
- Thu hút nguồn khách du lịch đông đúc cho địa phương
3. Kết bài
- Nêu những cảm xúc, suy nghĩ của em khi được đến bãi biển.
6. Đáp án đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt - Đề 6
Phần 1: Đọc hiểu văn bản
Câu 1:
1. C | 2. B | 3. C | 4. A |
Câu 2:
Cặp từ đồng nghĩa là vui sướng, vui vẻ.
Câu 3:
- Chủ ngữ 1: Thỏ con - Vị ngữ 1: đi sang nhà bạn Dê con.
- Chủ ngữ 2: Dê con - Vị ngữ 2: không có nhà
- Chủ ngữ 3: Thỏ con - Vị ngữ 3: đặt củ cải lên bàn rồi đi về.
(Thế là, nhưng, nên là các từ nối)
Câu 4:
Mùa đông đã đến rồi, trời trở nên lạnh buốt và thức ăn cũng ngày càng khan hiếm hơn.
Câu 5:
Em cảm thấy tình bản của 3 bạn nhỏ trong truyện vô cùng thắm thiết, cảm động. Các bạn ấy luôn nghĩ đến nhau trong mọi hoàn cảnh. Em mong muốn cũng có được một tình bạn đẹp như vậy.
Phần 2: Bài tập
Câu 1: Chính tả
Câu 2: Tập làm văn
Gợi ý dàn bài:
1. Mở bài
- Giới thiệu khái quát hoàn cảnh, thời gian mà em đã làm các công việc nhà giúp bố mẹ.
2. Thân bài
- Kể lý do mà em làm các công việc nhà giúp bố mẹ.
- Kể lại quá trình em đã làm các công việc nhà đó (theo trình tự thời gian)
- Trong quá trình đó em có gặp phải những khó khăn nào không? Em có tìm đến sự giúp đỡ của bố mẹ không? Em cảm thấy như thế nào về các công việc đó?
- Thành quả sau khi em làm việc nhà là gì? (nhà cửa sạch sẽ, áo quần gọn gàng, nồi cơm dẻo thơm…)
- Thái độ, hành động của bố mẹ khi nhìn thấy em phụ giúp các công việc nhà
- Những cảm xúc, suy nghĩ của em sau khi làm việc nhà giúp bố mẹ.
3. Kết bài
- Nêu những cảm nhận, suy nghĩ của em về những điều mình đã làm được.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
Ngoài Bộ đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Tiếng Việt trên đây, chúng tôi còn sưu tầm và chọn lọc nhiều đề thi KSCL đầu năm lớp 5, đề thi giữa kì 1 lớp 5 và đề thi học kì 1 lớp 5. Mời quý thầy cô, phụ huynh và học sinh tham khảo.
Tài liệu tham khảo:
- Bộ đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 năm 2020 môn Toán - Tiếng Việt
- Bộ 10 đề ôn tập hè lớp 4 lên lớp 5 môn Toán