Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn năm 2016

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đăk Lăk (Lần 1) gồm 3 đề thi hoàn chỉnh, mỗi đề 7 câu đọc hiểu và 2 câu làm văn, cùng đáp án đi kèm. Đây là tài liệu luyện tập môn Văn hữu ích dành cho các bạn thí sinh chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội

SỞ GD&ĐT ĐĂK LĂK

THCS THCS – THPT ĐÔNG DU

KIỂM TRA NĂNG LỰC THPT QUỐC GIA LẦN I

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP: 12

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

Đề 1

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3:

"Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?"

(Trích Vợ Nhặt - Kim Lân)

Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó? (0,5 điểm)

2. Đọc văn bản và trả lời câu hỏi từ câu 4 đến câu 7:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, trang 144)

Câu 4. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. (0,25 điểm)

Câu 5. Văn bản sử dụng biện pháp tu từ gì? Cách sử dụng biện pháp tu từ ấy ở đây có gì đặc sắc? (0,5 điểm)

Câu 6. Em hiểu thế nào về cụm từ "con gặp lại nhân dân" ở văn bản? (0,25 điểm)

Câu 7. Hãy nói rõ niềm hạnh phúc của nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện trong văn bản trong một đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 câu)? (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm): Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

Em hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Câu 2 (4,0 điểm):

Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Văn

ĐÁP ÁN - THANG ĐIỂM - HƯỚNG DẪN CHẤM

A, Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và kĩ năng viết bài nghị luận văn học. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp. Chấm riêng từng ý, sau đó xem xét tương quan giữa các ý để cho điểm toàn bài. Làm tròn đến 0,25 điểm (0,25 lên 0,5; 0,75 lên 1 điểm).

B. Yêu cầu cụ thể:

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm)

  • Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn: biểu cảm, tự sự.
  • Điểm 0,5: trả lời như đáp án.
  • Điểm 0,25: trả lời 1 phương thức.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. (0,5 điểm)

  • Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản diễn tả tâm trạng bà cụ Tứ khi biết con trai (nhân vật Tràng) dẫn người đàn bà xa lạ về.
  • Điểm 0,5: trả lời như đáp án.
  • Điểm 0,25: trả lời gần như đáp án hoặc trả lời lan man, dài dòng.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. (0,5 điểm)

  • Các thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn: dựng vợ gả chồng; sinh con đẻ cái; ăn nên làm nổi.
  • Hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ: các thành ngữ dân gian quen thuộc trong lời ăn tiếng nói nhân dân được sử dụng một cách sáng tạo, qua đó dòng tâm tư của người kể hòa vào với dòng suy nghĩ của nhân vật bà cụ Tứ; suy nghĩ, cảm xúc của nhân vật trở nên thật gần gũi, được thể hiện rất tự nhiên; nỗi lòng, tâm trạng của người mẹ thương con được diễn tả thật chân thực.
  • Điểm 0,5: trả lời như đáp án.
  • Điểm 0,25: trả lời 1 trong 2 nội dung trên hoặc trả lời không đầy đủ cả hai nội dung trên.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4. (0,25 điểm)

  • Phương thức biểu đạt mà văn bản sử dụng là phương thức biểu cảm.
  • Điểm 0,25: trả lời như đáp án.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 5. (0,5 điểm)

  • Trong đoạn thơ trên, tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ so sánh. Nét đặc sắc ở đây là tác giả đã đưa ra một loạt hình ảnh so sánh (nai về suối cũ, cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa, đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa, chiếc nôi ngừng gặp cánh tay đưa) để làm nổi bật một yếu tố được so sánh (con gặp lại nhân dân). Đây là kiểu so sánh phức hợp, ít gặp trong thơ.
  • Điểm 0,5: trả lời như đáp án.
  • Điểm 0,25: trả lời 1/2 đáp án.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6. (0,25 điểm)

  • Cụm từ "con gặp lại nhân dân" được hiểu: trước cách mạng, nhà thơ sống xa rời nhân dân, bó hẹp trong cái tôi cá nhân. Sau cách mạng, nhà thơ được hòa mình vào cuộc đời rộng lớn, cảm thấy thân thiết, gắn bó, gần gũi máu thịt với nhân dân.
  • Điểm 0,25: trả lời như đáp án.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7. (0,5 điểm)

  • Bốn câu thơ trên đã thể hiện cảm xúc mãnh liệt của Chế Lan Viên khi trở về với nhân dân. Một loạt hình ảnh so sánh được đưa ra nhằm diễn tả sự hồi sinh của một hồn thơ. Đối với một người nghệ sĩ, đó là niềm hạnh phúc lớn lao, vô bờ...
  • Điểm 0,5: trả lời như đáp án (thành một đoạn văn hoàn chỉnh)
  • Điểm 0,25: trả lời gần giống với đáp án, hoặc đầy đủ nội dung nhưng chưa hoàn thành một đoạn văn.
  • Điểm 0: trả lời sai hoặc không trả lời.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận và cảm thụ tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25)Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

c, Nội dung (2,0 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

  • Giới thiệu vấn đề nghị luận.
  • Giải thích: Khẳng định mình là phát huy cao nhất năng lực, in dấu ấn cá nhân trong không gian cũng như trong thời gian, cụ thể là trong môi trường và lĩnh vực hoạt động riêng của mình.... Ở các thời đại và xã hội khác nhau, việc tự khẳng định mình của con người luôn theo những tiêu chuẩn và lí tưởng không giống nhau.
  • Bàn luận:
    • Trong thời đại ngày nay, việc khẳng định mình mang một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Sự phát triển mạnh mẽ của nền văn minh vật chất đưa tới nguy cơ làm tha hoá con người, khiến con người dễ sống buông thả, phó mặc cho sự lôi cuốn của dòng đời. Sự bi quan trước nhiều chiều hướng phát triển đa tạp của cuộc sống, sự suy giảm lòng tin vào lí tưởng dẫn đường là những nguyên nhân quan trọng khiến ý thức khẳng định mình của mỗi cá nhân có những biểu hiện lệch lạc. Do đó việc nhận thức được khẳng định mình một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết.
    • Khẳng định bản thân là biết đặt kế hoạch rèn luyện để có được những phẩm chất xứng đáng, đáp ứng tốt những yêu cầu của lĩnh vực hoạt động mà mình tham gia, có thể khiến cộng đồng phải tôn trọng. Tất cả, trước hết và chủ yếu, phải phụ thuộc vào chính năng lực của mình. Bởi thế, rèn luyện năng lực, bồi đắp năng lực cá nhân là con đường tự khẳng định mình phù hợp và đúng đắn. Mọi sự chủ quan, ngộ nhận, thiếu căn cứ không phải là sự tự khẳng định mình đúng nghĩa.
    • Khi khẳng định bản thân là khi chúng ta thực sự thúc đẩy sự phát triển bền vững của cuộc sống, của xã hội. Sự khẳng định mình bước đầu không nhất thiết phải gắn liền với những kế hoạch đầy Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau: tham vọng. Nó có thể được bắt đầu từ những việc làm nhỏ trên tinh thần trung thực, trọng thực chất và hiệu quả.
  • Rút ra bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

* Biểu điểm chung:

  • Điểm 1,5 - 2: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc.
  • Điểm 0,75 - 1,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.
  • Điểm 0,25 -0,5: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.
  • Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

  • 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận...

e. Chính tả:

  • Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).
  • Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.

Câu 2 (4,0 điểm):

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng nghị luận và cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: (0,25) Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân. Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.)

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: (0,25) hình tượng rừng xà nu trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

c. Nội dung (3 điểm)

Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng.

Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

Giới thiệu vài nét về tác giả Nguyễn Trung Thành và tác phẩm "Rừng xà nu".

Phân tích hình tượng rừng xà nu:

  • Ẩn dụ về người dân Tây Nguyên.
  • Mang hai lớp nghĩa: tả thực và tượng trưng.
    • Nghĩa tả thực:
      • Hình dáng: "nhọn hoắt như mũi lê", như "mũi tên lao thẳng lên bầu trời".
      • Màu sắc: "xanh rờn".
      • Mùi hương: "thơm ngào ngạt", "thơm mỡ màng".
      • Đặc tính: "ham ánh sáng mặt trời".
      • Có sức sống mạnh mẽ và sức sinh sôi nảy nở diệu kì: "Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời".

→ Quan sát tinh tế, miêu tả kết hợp so sánh. Tái hiện trước mắt người đọc hình ảnh những cánh rừng xà nu ở Tây Nguyên.

    • Nghĩa biểu tượng: Rừng xà nu biểu tượng cho con người Tây Nguyên.
      • Rừng xà nu bị tàn phá với rất nhiều vết thương "Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương".

→ Nỗi đau của con người Tây Nguyên trong chiến tranh: bị tra tấn, bị giết hại.

      • Hình dáng đặc biệt, sự "ham ánh sáng mặt trời" của cây xà nu.

→ Biểu tượng cho phẩm chất tốt đẹp của người Tây Nguyên: yêu tự do, có khát vọng sống mãnh liệt.

      • Sự sinh sôi nảy nở diệu kì của xà nu.

→ Biểu tượng cho sự hiên ngang, anh dũng, bất khuất trước kẻ thù, sự tiếp nối của các thế hệ người dân Tây Nguyên đứng lên đánh giặc.

      • Hóa thân thành ngọn lửa.

→ Chứng nhân cho mọi sự kiên trọng đại, đau thương và anh dũng của làng Xô Man.

→ Với các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, thậm xưng, tác giả làm cho rừng xà nu trở thành biểu tượng đẹp đẽ của con người Tây Nguyên, con người miền Nam, con người Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ.

→ Hình ảnh cây xà nu nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, là một biểu tượng nghệ thuật đẹp, giàu giá trị thẩm mĩ, góp phần thể hiện chủ đề và tạo không khí Tây Nguyên độc đáo.

  • Đánh giá chung về nội dung, nghệ thuật và thành công của tác phẩm, đặc biệt là hình tượng rừng xà nu.

* Biểu điểm chung:

  • Điểm 2,5 - 3: làm được trọn vẹn các ý trên, diễn đạt trôi chảy, văn viết có hình ảnh cảm xúc, có sáng tạo.
  • Điểm 1,5 - 2,25: trình bày được 2/3 các ý trên, diễn đạt còn có một số đoạn chưa lưu loát.
  • Điểm 0,25 - 1,25: trình bày được ½ các ý trên, diễn đạt lủng củng, chữ viết cẩu thả, khó đọc.
  • Điểm 0: làm sai đề, lạc đề.

d. Sáng tạo:

  • 0,25 điểm: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Văn viết còn thiếu cảm xúc, chưa sử dụng thao tác lập luận...

e. Chính tả:

  • Điểm 0,25: Không sai Chính tả, dùng từ, đặt câu (Hoặc có 1 vài lỗi nhỏ, không đáng kể).
  • Điểm 0: chữ viết cẩu thả, sai từ 5 lỗi chính tả trở lên.
Đánh giá bài viết
1 685
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm