Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2) là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án đi kèm. Đây là tài liệu ôn tập môn Văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 12, những bạn chuẩn bị bước vào kì thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 tỉnh Vĩnh Phúc

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh (Lần 1)

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

(Đề thi có 02 trang)

------------------

ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2

NĂM HỌC 2015 - 2016

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Ăn tết rừng xong
từ giã chú tắc kè
chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ
các binh đoàn tràn vào thành phố
đang mùa thay lá những hàng me

Lá me vàng lăn tăn trải thảm phố hè
chồi xanh lăn tăn nơi đầu cành run rẩy
cơn gió thoảng chút hương rừng đâu đấy
hạt mưa đầu mùa trong suốt giữa lòng tay

Người bạn tôi không về tới nơi này
anh gục ngã bên kia cầu xa lộ
anh nằm lại trước cửa vào thành phố
giây phút cuối cùng chấm dứt cuộc chiến tranh

Đồng đội, bao người không "về tới" như anh
nằm lại Cầu Bông, Đồng Dù, và xa nữa ...
tất cả họ, suốt một thời máu lửa
đều ước ao thật giản dị:
sắp về!

Thành phố Hồ Chí Minh, Tết Mậu Ngọ, 1978

(Trích Tiếng tắc kè kêu trong thành phố - Nguyễn Duy, Ánh trăng, NXB Tác phẩm mới, 1984)

Câu 1. Những phương thức biểu đạt nào được sử dụng trong đoạn thơ?

Câu 2. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: chúng tôi xuôi – ào ào cơn lũ đổ.

Câu 3. Điều ước ao thật giản dị được nói tới ở cuối đoạn thơ đã thể hiện niềm mong mỏi gì của người lính nói riêng và của toàn dân tộc nói chung?

Câu 4. Đoạn thơ gợi cho anh/chị tình cảm gì với những người lính? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

(1) Cái quý giá nhất trên đời mà mỗi người có thể góp phần mang lại cho chính mình và cho người khác đó là "năng lực tạo ra hạnh phúc", bao gồm năng lực làm người, năng lực làm việc và năng lực làm dân.

(2) Năng lực làm người là có cái đầu phân biệt được thiện – ác, chân – giả, chính – tà, đúng – sai..., biết được mình là ai, biết sống vì cái gì, có trái tim chan chứa yêu thương và giàu lòng trắc ẩn. Năng lực làm việc là khả năng giải quyết được những vấn đề của cuộc sống, của công việc, của chuyên môn, và thậm chí là của xã hội. Năng lực làm dân là biết được làm chủ đất nước là làm chủ cái gì và có khả năng để làm được những điều đó. Khi con người có được những năng lực làm việc này thì sẽ thực hiện được những điều mình muốn. Khi đó mỗi người sẽ trở thành một "tế bào hạnh phúc", một "nhà máy hạnh phúc" và sẽ ngày ngày "sản xuất hạnh phúc" cho mình và cho mọi người.

(3) Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là "nhỏ bé" trên cuộc đời này, trừ khi tự mình muốn "nhỏ bé". Ai cũng có thể trở thành những "con người lớn" bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm được những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn. Và khi biết chọn cho mình một lẽ sống phù hợp rồi sống hết mình và cháy hết mình với nó, mỗi người sẽ có được một hạnh phúc trọn vẹn. Khi đó, ta không chỉ có những khoảnh khắc hạnh phúc, mà còn có cả một cuộc đời hạnh phúc. Khi đó, tôi hạnh phúc, bạn hạnh phúc và chúng ta hạnh phúc. Đó cũng là lúc ta thực sự "chạm" vào hạnh phúc.

(Để chạm vào hạnh phúc - Giản Tư Trung, Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 3/2/2012)

Câu 5. Xác định thao tác lập luận chính được sử dụng trong đoạn (2) của đoạn trích trên.

Câu 6. Nêu ngắn gọn nội dung của đoạn trích.

Câu 7. Tại sao tác giả lại cho rằng: Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là "nhỏ bé"?

Câu 8. Anh/Chị chọn cách "chạm" vào hạnh phúc bằng việc "làm những việc lớn" hay "làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn". Vì sao? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Giáo sư Ngô Bảo Châu khi nói về sự thành công đã chia sẻ: Tôi không có bí quyết nào cả. Phương pháp của tôi chỉ tóm tắt trong ba từ: kỉ luật, đam mê và quả cảm.

Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

Câu 2 (4,0 điểm)

Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chết chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân. Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau.

Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?...

- Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân.

Bà lão nhìn người đàn bà, lòng đầy thương xót. Nó bây giờ là dâu là con trong nhà rồi. Người đàn bà khẽ nhúc nhích, thị vẫn khép nép đứng nguyên chỗ cũ. Bà lão hạ thấp giọng xuống thân mật:

- Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà mình nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái lúc này. Cốt làm sao chúng mày hòa thuận là u mừng rồi. Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...

Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng.

(Trích Vợ nhặt - Kim Lân, Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.28-29)

Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ: biểu cảm, tự sự, miêu tả.

2. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ là biện pháp so sánh.

Hiệu quả: Làm nổi bật những bước chân dồn dập, tâm trạng đầy háo hức của những người lính trong ngày trở về.

3. Niềm mong mỏi đoàn tụ của người lính và khát vọng hòa bình của cả dân tộc.

4. Bày tỏ được tình cảm chân thành, sâu sắc dành cho người lính, như: xúc động, thương tiếc trước sự hi sinh của người lính; xót xa, day dứt trước những đau thương, mất mát do sự tàn khốc của chiến tranh; biết ơn, cảm phục, tự hào về họ.

5. Thao tác lập luận chính là giải thích.

6. Nội dung chính của đoạn trích: Bàn về năng lực tạo ra hạnh phúc và cách thức để chạm đến hạnh phúc của con người.

7. Theo tác giả, Xã hội mở ngày nay làm cho không ai là "nhỏ bé", bởi vì: Ai cũng có thể trở thành những "con người lớn" bằng hai cách, làm được những việc lớn hoặc làm được những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn.

8. Trình bày được sự lựa chọn lối sống theo quan điểm riêng của bản thân: hoặc làm những việc lớn, hoặc làm những việc nhỏ với một tình yêu cực lớn, hoặc kết hợp cả hai tùy vào từng thời điểm trong cuộc đời.

Nêu lí do thuyết phục để khẳng định sự lựa chọn theo quan điểm riêng của bản thân.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm) Viết một bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ về ý kiến: Tôi không có bí quyết nào cả. Phương pháp của tôi chỉ tóm tắt trong ba từ: kỉ luật, đam mê và quả cảm.

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phương pháp của thành công là: kỉ luật, đam mê và quả cảm.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

  • Giải thích:
    • Kỉ luật: tuân theo những quy định có tính chất bắt buộc đối với hành động của các thành viên trong một tổ chức, cộng đồng; tự đưa ra nguyên tắc quy định cho bản thân để tạo nề nếp, thói quen tốt.
    • Đam mê: những trạng thái cảm xúc mãnh liệt vượt trên trạng thái cảm xúc bình thường; làm việc gì đó với tất cả sự nhiệt tình, vui thích, hứng thú.
    • Quả cảm: có quyết tâm, có dũng khí, dám đương đầu với những nguy hiểm để làm những việc nên làm.
    • Ý kiến của Ngô Bảo Châu khẳng định: biết sống theo khuôn khổ kỉ luật, có niềm đam mê và có dũng khí, dám đương đầu với thử thách sẽ thành công.
  • Bàn luận:
    • Con người sống có kỉ luật sẽ kiểm soát được suy nghĩ và hành động, tạo nề nếp thói quen tốt, có ý thức trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ một cách cao nhất và tự giác nhất.
    • Đam mê, hứng thú mãnh liệt sẽ tạo ra nguồn năng lượng bất ngờ, thổi bùng lên nhiệt huyết, giúp con người tỏa sáng.
    • Quả cảm sẽ giúp con người có ý chí, nghị lực, tự tin, dám gánh vác những khó khăn, dám đối đầu với thất bại, tạo ra những đột phá, bước ngoặt trong cuộc sống.
    • Sự kết hợp của ba phẩm chất đó là chìa khóa của sự thành công.
  • Bài học nhận thức và hành động:
    • Kỉ luật, đam mê, quả cảm là chìa khóa đi đến thành công. Phê phán lối sống vô kỉ luật, sống thụ động, không có đam mê, không dũng cảm đương đầu với khó khăn thử thách.
    • Từ đó, nêu hướng hành động riêng của bản thân.

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2 (4,0 điểm) Cảm nhận của anh/chị về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích trên; tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

  • Giới thiệu tác giả, tác phẩm, đoạn trích, nhân vật bà cụ Tứ.
  • Cảm nhận về nhân vật bà cụ Tứ trong đoạn trích:
    • Cuộc đời, số phận: nghèo khổ, bất hạnh (sống phận mẹ góa con côi ở xóm ngụ cư, con trai lại nhặt được vợ trong bối cảnh nạn đói khủng khiếp).
    • Tính cách, phẩm chất: giàu tình thương con; nhân hậu; nhạy cảm và từng trải; lạc quan, tin yêu vào cuộc sống.
    • Nghệ thuật xây dựng nhân vật: đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo, éo le và cảm động; miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế và sắc sảo; ngôn ngữ nhân vật có màu sắc riêng; nghệ thuật kể chuyện sinh động, tự nhiên.
  • Nhận xét về tư tưởng nhân đạo của nhà văn Kim Lân trong tác phẩm Vợ nhặt:
    • Xót thương cho cuộc đời đau khổ, tủi nhục, thân phận rẻ rúng, bèo bọt, vô giá trị của người nông dân trong nạn đói năm 1945.
    • Tố cáo tội ác của bọn thực dân, phát xít, phong kiến gây ra nạn đói, đẩy người nông dân đến bờ vực của cái đói, cái chết.
    • Phát hiện, trân trọng những phẩm chất tốt đẹp của người lao động: tình người cao đẹp, khát vọng hạnh phúc gia đình, lạc quan và tin yêu mãnh liệt vào cuộc sống.
  • Đánh giá:
    • Nhân vật bà cụ Tứ là một hình tượng nghệ thuật độc đáo, thể hiện được chủ đề, tư tưởng của truyện ngắn.
    • Tư tưởng nhân đạo sâu sắc của Kim Lân đã góp phần đưa tác phẩm Vợ nhặt trở thành một trong những kiệt tác của văn xuôi hiện đại Việt Nam.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

Đánh giá bài viết
1 1.930
Sắp xếp theo

    Môn Văn khối D

    Xem thêm