Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với ngoại ứng

Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với ngoại ứng được VnDoc sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Khi ngoại ứng xuất hiện, thị trường không hoạt động ở mức cao hơn hoặc thấp hơn mức hiệu quả. Can thiệp của Chính phủ trong trường hợp này không phải nhằm xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng gây ra ngoại ứng mà nhằm tác động để quyết định của các bên liên quan đem lại hiệu quả đứng trên quan điểm xã hội. Nói cách khác, chính sách xử lý ngoại ứng của Chính phủ phải được thiết kế sao cho các chi phí hay lợi ích xã hội vốn bị bỏ qua do sự xuất hiện của ngoại ứng lại được cá nhân hay tổ chức tính đến khi ra quyết định. Nếu làm được như vậy, thực chất không còn cái gọi "ngoại ứng". Vì hướng tác động đến hiệu quả của ngoại ứng tiêu cực và tích cực là khác nhau nên cách xử trí của Chính phủ đối với chúng cũng cần phải khác nhau.

1. Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với ngoại ứng tiêu cực

Hướng can thiệp tổng quát của Chính phủ là làm cho sản lượng thị trường cắt giảm về sản lượng hiệu quả xã hội thông qua việc buộc những người gây thiệt hại có tính chất "ngoại ứng" cho người khác giờ đây phải chịu trách nhiệm và trả tiền bồi thường về những thiệt hại mà mình đã gây ra. Khi phải tự gánh chịu các chi phí ngoại ứng, người sản xuất hay tiêu dùng sẽ phải cân nhắc để có các quyết định hợp lý. Để làm được như vậy Chính phủ có thể sử dụng các công cụ khác nhau như: thiệt lập quy chế, luật lệ điều tiết ngoại ứng tiêu cực; thu thuế hay phí ngoại ứng tiêu cực; xác định các quyền sở hữu tài sản một cách rõ ràng…

Trong việc kiểm soát các hành vi gây ô nhiễm môi trường (một loại ngoại ứng tiêu cực điển hình và quan trọng nhất đối với xã hội), quy chế hay luật lệ của Chính phủ đóng vai trò rất quan trọng. Chẳng hạn, Chính phủ có thể đưa ra những quy định về bảo vệ môi trường bằng cách cấm đoán hoặc hạn chế những hoạt động xâm hại môi trường. Doanh nghiệp vi phạm quy định này sẽ bị trừng phạt (bị rút giấy phép kinh doanh, bị phạt tiền…). Với các quy chế kiểm soát như vậy, doanh nghiệp buộc phải sử dụng những cách thức và công nghệ sản xuất thích hợp nhằm đảm bảo được các tiêu chuẩn quy định. So với khi không bị Chính phủ điều tiết, giờ đây chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên do phải bỏ ra khoản chi phí đầu tư để đổi mới công nghệ, nhờ đó mà sản lượng cung ứng trên thị trường sẽ giảm xuống.

Không phải lúc nào Chính phủ cũng dễ dàng kiểm soát "đầu ra" của ô nhiễm (môi trường). Đo lường mức ô nhiễm môi trường thực sự mà các doanh nghiệp gây ra luôn là công việc khó khăn, tốn kém. Trong một số trường hợp, để tránh việc này, Chính phủ thay vì kiểm soát "đầu ra" lại áp dụng phương thức kiểm soát "đầu vào": ví dụ, Chính phủ quy định các doanh nghiệp trong một ngành cụ thể nào đó phải sử dụng các công nghệ ít gây hại về môi trường có tính chất chuẩn mực nào đó. Chắc chắn việc đầu tư cho những công nghệ ít gây hại cho môi trường này cũng gây ra những phí tổn nhất định cho doanh nghiệp. Vì thế, về nguyên tắc, nó cũng tác động đến hành vi của doanh nghiệp theo hướng tính cực đối với xã hội.

Lý thuyết kinh tế công cộng

Hình 4.3 Đánh thuế đối với ngoại ứng tiêu cực

Đánh thuế ô nhiễm hay buộc doanh nghiệp phải trả phí ô nhiễm cũng là một hướng chính sách Chính phủ có thể áp dụng để bảo vệ môi trường và đưa sản lượng thị trường về mức hiệu quả. Trong hình 4.3, đường MPC là đường chi phí biên tư nhân của các doanh nghiệp. Do quá trình sản xuất của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nên nếu tính cả khoản chi phí này thì chi phí biên của xã hội MSC sẽ phải lớn hơn MPC. Khi chưa bị Chính phủ điều tiết, sản lượng thị trường cân bằng ở mức Q1. Khi Chính phủ thu thuế (hay phí) ô nhiễm, đường chi phí biên tư nhân sau thuế MPC sẽ dịch chuyển lên trên và cắt đường lợi ích biên xã hội MSB ở mức sản lượng tối ưu mà xã hội mong muốn (Q0), thấp hơn Q1.

Trên thực tế, việc thiết kế mức thuế (hay phí) ô nhiễm chính xác là không dễ dàng. Vì vậy, trong các trường hợp có thể, Chính phủ thường áp dụng các giải pháp thay thế đơn giản hơn. Việc xác lập một cách rõ ràng các quyền sở hữu về các tài sản, nhất là đối với các nguồn lực chung, mỗi khi có thể thực hiện được là một ví dụ. Một bãi cỏ, khu đất hay hồ nước thường bị người ta khai thác bừa bãi, sử dụng một cách không hiệu quả nếu chúng là sở hữu chung của cộng đồng. Ai cũng có xu hướng khai thác các tài sản trên để thu vén cho lợi ích riêng của mình, bất chấp điều đó tạo ra ngoại ứng tiêu cực. Ngược lại, khi khu đất, hồ nước, bãi cỏ trên trở thành tài sản của các cá nhân cụ thể, chúng sẽ được khai thác và sử dụng một cách hoàn toàn khác. Giải pháp này được phát biểu cụ thể bởi R.H.Coase trong định lý Coase: " Nếu chi phí đàm phán là không đáng kể thì có thể đưa ra được một giải pháp hiệu quả đối với ngoại ứng bằng cách trao quyền sở hữu đối với các nguồn lực được sử dụng chung cho một bên nào đó. Kết quả này không phụ thuộc vào việc bên nào trong số các bên liên quan đến ngoại ứng được trao quyền sở hữu". Như vậy, phương pháp trao quyền sở hữu chỉ có thể được thực hiện nếu chi phí đàm phán không đáng kể hoặc có ít đối tượng trực tiếp tham gia đàm phán. Trong trường hợp ngoại ứng tác động đến quá nhiều đối tượng, ví dụ như tình trạng ô nhiễm không khí, việc đàm phán giữa tất cả các bên là gần như không thể.

2. Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với ngoại ứng tích cực

Can thiệp của Chính phủ trong trường hợp này là nhằm đưa sản lượng thị trường tăng lên theo hướng sản lượng hiệu quả xã hội. Trong trường hợp này, Chính phủ buộc phải đưa ra những khuyến khích cần thiết để mọi người sẵn sàng sản xuất và tiêu dùng ở mức cao hơn. Công cụ chủ yếu được Chính phủ sử dụng ở đây là trợ cấp.

Lý thuyết kinh tế công cộng

Hình 4.4 Trợ cấp đối với ngoại ứng tích cực

Hình 4.4, đường MPB là đường lợi ích biên tư nhân của các doanh nghiệp. Do quá trình sản xuất và tiêu dùng tạo ra ngoại ứng tích cực nên lợi ích biên xã hội MSB sẽ lớn hơn MPB. Khi chưa bị Chính phủ điều tiết, sản lượng thị trường cân bằng mức Q1. Khi Chính phủ trợ cấp, đường lợi ích biên tư nhân MPB sẽ dịch chuyển lên trên và cắt đường chi phí biên xã hội MSC ở mức sản lượng tối ưu mà xã hội mong muốn (Q0), cao hơn Q1.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với ngoại ứng về chính sách xử lý ngoại ứng của Chính phủ phải được thiết kế sao cho các chi phí hay lợi ích xã hội vốn bị bỏ qua do sự xuất hiện của ngoại ứng lại được cá nhân hay tổ chức tính đến khi ra quyết định. Nếu làm được như vậy, thực chất không còn cái gọi "ngoại ứng".....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với ngoại ứng. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm