Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với bất ổn vĩ mô

Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với bất ổn vĩ mô được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức lý thuyết môn Kinh tế công cộng để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Bài: Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với bất ổn vĩ mô

Do tính tất yếu của chu kì kinh tế, các giải pháp của Chính phủ sẽ chủ yếu hướng tới giảm biên độ dao động của nền kinh tế, từ đó tạo nên một nền kinh tế vĩ mô ổn định. Các chính sách điều tiết vĩ mô cơ bản hướng tới 3 mục tiêu lớn:

- Giảm thiểu thất nghiệp: Mức độ toàn dụng lao động càng cao càng tăng năng suất sản xuất và giảm sức ép về kinh tế xã hội cho Chính phủ

- Kiềm chế lạm phát: Không chỉ làm giảm các chi phí như chi phí mòn giày, chi phí giao dịch... mà còn giúp tạo niềm tin cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Đảm bảo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế: Đảm bảo tận dụng tối đa lợi thế so sánh của quốc gia nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân và vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Để thực hiện ba mục tiêu lớn trên, các Chính phủ thường có ba công cụ chính: chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách thuế. Như đã biết, chu kì kinh tế là rất khó đoán về thời gian và mức độ. Thêm vào đó, theo lí thuyết đường cong Philips, hai mục tiêu vĩ mô về thất nghiệp và lạm phát sẽ cần thiết phải có sự đánh đổi. Do đó Chính phủ cần xác định được thứ tự ưu tiên của các mục tiêu, quy mô của các chính sách và khả năng kết hợp chính sách với nhau nhằm đạt được hiệu quả lớn nhất cho nền kinh tế. Để làm được điều này, yếu tố cốt lõi nhất là Chính phủ cần nắm được thông tin đầy đủ về các đặc điểm của nền kinh tế, các phản ứng của thị trường trước các chính sách trong lịch sử hay kinh nghiệm thực tiễn ở các nước khác để đưa ra các dự báo chính xác.

1. Chính sách tài khóa

Chính sách tài khóa là các chính sách của Chính phủ thông qua thuế và chi tiêu công để tác động tới nền kinh tế nhằm đạt được mức sản lượng và việc làm mong muốn. Trong điều kiện bình thường, chính sách tài khóa có tác dụng tăng trưởng kinh tế. Trong trường hợp nền kinh tế đang suy thoái hoặc có dấu hiệu phát triển quá "nóng", chính sách tài khóa thường được sử dụng để bình ổn vĩ mô và đưa nền kinh tế về mức sản lượng hiệu quả.

Cơ sở hoạt động của chính sách tài khóa dựa trên khả năng tác động đến tổng cầu thông qua các điều chỉnh về thuế và chi tiêu công của Chính phủ. Hơn nữa, tác động tới nền kinh tế của Chính phủ là lớn hơn so với độ lớn của sự thay đổi ban đầu về thuế hay chi tiêu công. Hiệu ứng là được gọi là hiệu ứng số nhân. Ví dụ, khi Chính phủ tăng đầu tư vào chi mua sắm hàng hóa và dịch vụ từ một doanh nghiệp X, tác động trực tiếp đầu tiên sẽ là tăng lợi nhuận và thu nhập cho người lao động trong doanh nghiệp đó. Tiếp theo, do thu nhập của người lao động và của doanh nghiệp X cao hơn, lượng tiêu dùng hàng hóa cũng sẽ tăng lên. Tiêu dùng tăng sẽ kích thích các doanh nghiệp khác mở rộng sản xuất, thuê thêm nhân công và đạt được lợi nhuận cao hơn. Như vậy, tác động của một đơn vị tiền tệ tăng lên trong chi tiêu công tới tổng cầu sẽ lớn hơn rất nhiều so với tác động ban đầu. Một thành phần khác của chi tiêu công là chi chuyển nhượng nhằm trợ cấp cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, quỹ hỗ trợ thất nghiệp và lương hưu. Quyết định của Chính phủ nhằm tăng chi chuyển nhượng cũng có hiệu ứng số nhân tới tổng cầu. Cụ thể, tăng chi chuyển nhượng sẽ trực tiếp làm tăng sức mua của người tiêu dùng, qua đó kích thích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thuê nhân công và tăng lợi nhuận. Công cụ còn lại của chính sách tài khóa là thay đổi tổng mức thuế. Khi thuế giảm, thu nhập khả dụng của người dân tăng lên, qua đó làm tăng lượng tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ

Nhờ hiệu ứng số nhân, Chính phủ có khả năng sử dụng chính sách tài khóa nhằm bình ổn kinh tế vĩ mô. Khi nền kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái, sản xuất và tiêu dùng đình đốn, Chính phủ có thể áp dụng chính sách tài khóa mở rộng thông qua tăng chi tiêu công hay giảm thuế qua đó kích thích đầu tư và tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp. Hình 7.3a thể hiện cho tác động của chính sách tài khóa mở rộng nhằm tăng tổng cầu. Nền kinh tế đang trong tình trạng suy thoái với mức sản lượng Y1 thấp hơn sản lượng hiệu quả Y0 và tỉ lệ thất nghiệp cao. Bằng chính sách tăng chi tiêu công hay giảm thuế, Chính phủ có thể dịch chuyển đường tổng cầu AD1 tới vị trí AD0. Khi đó sản lượng của nền kinh tế đạt mức tiềm năng , tăng trưởng được phục hồi. Một tác động tiêu cực của chính sách tài khóa mở rộng là mức giá chung tăng lên Po đồng nghĩa với lạm phát gia tăng. Ngược lại, hình 7.3b minh họa khả năng kiềm chế lạm phát và hạn chế tốc độ phát triển "nóng" của nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa thắt chặt của Chính phủ. Thông qua tăng thuế và giảm chi tiêu công, Chính phủ có khả năng dịch chuyển đường tổng cầu AD1 về vị trị hiệu quả AD0. Nền kinh tế trở lại trạng thái cân bằng và lạm phát được kiềm chế.

lý thuyết kinh tế công cộng

Hình 7.3 Tác động của chính sách tài khóa/ tiền tệ mở rộng (a) và thắt chặt (b)

2. Chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là các chính sách nhằm điều chỉnh mức cung tiền của cơ quan quản lí tiền tệ (thường là ngân hàng trung ương), hướng tới lãi suất mong muốn. Trong trường hợp nền kinh tế suy thoái, chính sách tiền tệ sẽ hướng tới giảm thất nghiệp và đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái và tăng trưởng trở lại. Ngược lại, khi nền kinh tế phát triển quá "nóng", các chính sách tiền tệ sẽ hướng tới kiềm chế lạm phát, đảm bảo niềm tin của người dân và đưa nền kinh tế trở về trạng thái cân bằng.

Cơ sở hoạt động của chính sách tiền tệ cũng giống với chính sách tài khóa, đó là tác động tới tổng cầu thông qua ảnh hưởng của chính sách tới thị trường tiền tệ. Các công cụ chủ yếu của chính sách tiền tệ nhằm điều chỉnh mức cung tiền và lãi suất là tỉ lệ dự trữ bắt buộc và các nghiệp vụ thị trường mở. Tỉ lệ dự trữ bắt buộc là quy định của ngân hàng trung ương yêu cầu bảo đảm tỉ lệ tối thiểu trong tổng lượng tiền gửi của khách hàng mà các ngân hàng thương mại phải nắm giữ. Khi tỉ lệ dự trữ bắt buộc giảm, mức cung tiền hay lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường sẽ tăng lên. Nghiệp vụ thị trường là hoạt động mua vào hay bán ra các trái phiếu Chính phủ nhằm tác động trực tiếp đến nguồn cung tiền và gián tiếp tới lãi suất. Khi ngân hàng trung ương mua trái phiếu trên thị trường tự do, cung tiền trên thị trường sẽ tăng lên và ngược lại.

Khi nền kinh tế rơi vào trạng thái suy thoái, ngân hàng trung ương có thể áp dụng chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm tăng mức cung tiền trên thị trường thông qua hạ tỉ lệ dự trữ bắt buộc hoặc mua trái phiếu Chính phủ. Tính thanh khoản của thị trường tăng lên đồng thời lãi suất cho vay giảm, qua đó, kích thích đầu tư và tiêu dùng cá nhân và làm tăng tổng cầu. Đường tổng cầu dịch chuyển sang phải tới mức sản lượng hiệu quả và nền kinh tế phát triển trở lại. Ngược lại, khi nền kinh tế bùng nổ quá mức, Chính phủ áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc hoặc bán ra trái phiếu Chính phủ. Khi đó, mức cung tiền giảm, lãi suất tăng lên, chi phí cơ hội của việc giữ tiền tăng cao, các cá nhân và doanh nghiệp có xu hướng giảm tiêu dùng đầu tư và tăng tỉ lệ tiết kiệm. Đường tổng cầu dịch chuyển về mức cân bằng, lạm phát giảm và nền kinh tế được bình ổn.

3. Chính sách thuế

Trong phần chính sách tài khóa, chúng ta nhắc đến thuế ở một mức độ vĩ mô nhằm tăng hay giảm tổng cầu và ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên như chúng ta đã biết, dao động của chu kì kinh tế là sự tổng hoà và cộng hưởng của các dao động nhỏ trong các thị trường hàng hóa và dịch vụ thành phần của nền kinh tế. Do đó, thuế, ngoài các tác động vĩ mô như làm tăng hoặc giảm tổng cầu thông qua ảnh hưởng tới thu nhập khả dụng của người tiêu dùng, còn có khả năng làm giảm biên độ dao động khi được áp dụng ở các mức khác nhau ở các thị trường khác nhau. Cụ thể, ở các thị trường hàng hóa hay dịch vụ mà mức giá thị trường cao hơn mức độ hiệu quả hoặc tiền lương lao động cao hơn mức trần quy định, Chính phủ sẽ đánh thuế cao hơn nhằm làm giảm sự phát triển nóng của thị trường. Ngược lại, ở các thị trường mà mức giá thấp hơn mức độ hiệu quả, tiền lương thấp, sản xuất bị đình đốn, Chính phủ sẽ có xu hướng giảm thuế hay trợ cấp nhằm kích thích sản xuất và tiêu dùng. Như vậy, thông qua các chính sách thuế khác nhau cho các thị trường khác nhau, Chính phủ có khả năng kiểm soát và ổn định các chu kì kinh tế nhỏ ở các thị trường thành phần, qua đó ổn định kinh tế vĩ mô và đạt các mục tiêu vĩ mô.

---------------------------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với bất ổn vĩ mô về xác định được thứ tự ưu tiên của các mục tiêu, quy mô của các chính sách và khả năng kết hợp chính sách với nhau nhằm đạt được hiệu quả lớn nhất cho nền kinh tế....

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đối với bất ổn vĩ mô. Các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm