"Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" suy nghĩ của bạn về câu nói trên
Những bài văn mẫu hay lớp 10
Văn mẫu lớp 10: "Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" suy nghĩ của bạn về câu nói trên gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.
- Suy nghĩ về câu nói: ''Ai cũng có một nơi để quay về, đó là nhà!'
- Suy nghĩ về câu nói của nhà văn Nga Lep Tônxtôi: “Bạn đừng nên chờ đợi những quà tặng bất ngờ của cuộc sống mà hãy tự mình làm nên cuộc sống”
"Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" suy nghĩ của bạn về câu nói trên
Thời gian vẫn lạnh lùng trôi đi, cuộc đời này là gì? 80 năm? 100 năm? Cuộc sống của con người chỉ là chớp mắt của vũ trụ bao la. Và cái chết, hiển nhiên trở thành một điều thật đáng sợ! Nhưng "Cái chết không phải là điều mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" (Nooc-man Kusin – Những vòng tay âu yếm)
Chết là sự chấm dứt cuộc sống, chấm dứt sự tồn tại hữu hình của con người. Còn sống, sống là sự tồn tại sóng đôi giữa hai mặt: cuộc sống vật chất và đời sống tinh thần. Cuộc sống tinh thần đầy đủ là sống có khát vọng, có lý tưởng, biết rung động trước cuộc đời, biết yêu, biết ghét, yêu cái đẹp và ghét cái xấu xa, không để tâm hồn chai sạn, vô cảm. Nếu cuộc sống vật chất là sự phát triển về mặt thể xác, thì cuộc sống tinh thần là sự phát triển của tâm hồn. Nói "Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" có nghĩa là: Điểm kết thúc của cuộc đời, cái thời khắc mà con người ra đi mãi mãi không phải là điều mất mát lớn nhất mà chính cách bạn trở nên vô cảm, lạnh lùng mới là mất mát lớn nhất, là điều đáng nuối tiếc nhất ngay cả khi còn sống!
"Có ba việc nhân loại đều phải trải qua: sinh ra, sống và chết" (Bruyere). Chúng ta được sinh ra bởi một định mệnh cao hơn bất cứ sinh vật nào trên thế giới này, trên một xứ sở mà ánh cầu vồng không bao giờ phai, những vì sao trải dài vô tận như những hòn đảo ngủ say trên đại dương bao là, và là nơi những người lữ khách đi qua để lại những chiếc bóng còn mãi theo năm tháng. Chúng ta sống bằng cả trái tim và khối óc, với cả tâm hồn và trí tuệ. Rồi chúng ta chết đi, tan biến, hoặc trở về với đất mẹ bao la, hoặc dưới hình hài tro cốt mà bay theo ngọn gió. Sống – chết là một quy luật, cái gì được sinh ra rồi cũng sẽ chết đi. Cái chết có mong manh thì con người mới cảm nhận được sự quý giá, nếu cuộc sống cứ kéo dài mãi mãi thì có lẽ con người sẽ ngồi ôm mặt thở dài cho cái sự lê thê, tẻ nhạt, nhàm chán trong vũng ao tù mỏi mệt. Con người càng yêu cuộc sống thì càng e sợ cái chết, nhất là khi họ còn chưa sống hết mình, khi họ còn những điều đáng để nuối tiếc. Tôi sẽ kể bạn nghe câu chuyện có thật về một cô bé người Nhật tên Aya Kitou. Aya đã là một cô bé bình thường cho đến tuổi 15 – cái tuổi mà thanh xuân dường như mới chỉ bắt đầu. 15 tuổi, Aya đã phải mang trong mình căn bệnh quái ác mang tên Thoái hóa tiểu não. Căn bệnh này khiến cơ thể Aya trở nên suy yếu, các cơ trên cơ thể cô gần như trở nên teo cứng, ngay cả việc phát âm đối với Aya cũng ngày càng khó khăn. Nỗi đau thể xác và tinh thần đè nặng lên đôi vai gầy của đứa trẻ mới 15 tuổi thật đớn đau và nghiệt ngã. Aya đã khóc, đã buồn, đã hận và đớn đau đến khôn cùng, cô gần như rơi xuống dưới đáy sâu một chiếc giếng tối tăm, lạnh lẽo. Tưởng chừng như tất cả đều kết thúc, nhưng không, Aya chọn mạnh mẽ đối diện với nỗi đau và mất mát, bằng tất cả niềm tin trong trái tim, cô đã sống hết mình cho đến ngày cuối cùng của tuổi 25, sau 10 năm ròng rã chống chọi với căn bệnh Thoái hóa tiểu não. Vậy đấy, cái chết không con đáng sợ trước những năm tháng tuy ngắn ngủi mà nồng nhiệt, vui tươi. Bởi "Nỗi nỗi sợ cái chết đến từ nỗi sợ cuộc sống, người sống được hết mình luôn sẵn sàng chết bất cứ lúc nào" và sống như câu nói của người Ả Rập "Nếu cho tôi hai cái bánh mì, tôi sẽ bán đi một cái để mua hoa hồng, bởi vì tâm hồn tôi cũng cần ăn uống".
Cuộc sống mỗi con người là hành trình mê mải của những khát vọng kiếm tìm và chinh phục. Đôi khi người ta quá vật chất hóa mà lún sâu vào những tham vọng do chính mình đề ra. Con người ta bắt đầu sùng bái vật chất mà bỏ đói tâm hồn. Cuộc sống hiện đại với quyền lực vô hình có khả năng chi phối suy nghĩ và hành vi của mỗi chúng ta, tiền tài và vật chất lên ngôi thiêu rụi giá trị phẩm chất và vẻ đẹp nội tâm của mỗi con người. Con người ta không rõ từ bao giờ đã thờ ơ lạnh lùng trước những số phận đớn đau, tủi khổ. Có lẽ cô bé bán diêm đã không chết vì cái làng của đêm đồng mà ra đi mãi mãi bởi sự giá rét của lòng người, bởi sự nhẫn tâm của người cha, bởi sự vô cảm của biết bao kẻ qua đường! Một tâm hồn tàn lụi vừa đáng thương lại vừa đáng trách nhưng lại cần được lên án mạnh mẽ trong xã hội đầy rẫy những tên máu lạnh, những con thú đội lốt người. Mỗi con người đều được sinh ra với nội tâm đẹp đẽ, ngay cả khi vấy bẩn vẫn có thể trở lại trong sạch. Chỉ sợ người ta quá chai sạn và bịt tai với tất cả những lời khuyên hay quá rượt đuổi những tham vọng mà không một lần ngoái đầu nhìn lại xem họ đã thực sự có gì. "Cuộc sống cũng giống như một quyển sách, kẻ ngu dốt sẽ đọc lướt qua thật nhanh còn người khôn ngoan sẽ đọc thật chậm để thấm thía từng chữ vì họ biết họ chỉ có thể đọc duy nhất một lần". Bạn chỉ sống và cống hiến một lần rồi ra đi mãi mãi, như sao băng bùng lên trong một khoảnh khắc thì để mãi mãi biến mất và bóng đêm vô tận, như những bông hoa chỉ nở một lần rồi chết nó nở hết mình rồi héo úa tàn phai. Như ai kia đã từng viết: "Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt / Còn hơn le lói suốt ngàn thu", hãy sống bằng tất cả trái tim, vì bạn sẽ không bao giờ biết, lúc nào mình sẽ phải ra đi.
Bản thân tôi chưa lần nào để tâm hồn "tàn lụi". Có thể vì với độ tuổi của mình tôi chưa cần bon chen trong xã hội bộn bề những lo toan, những tham vọng về tiền tài và vật chất. Nhưng nhiều hơn vì tôi đã nhận biết được vẻ đẹp tâm hồn của bao người sống cuộc đời chẳng e sợ đến hai từ: "cái chết". Bởi vì tôi biết đến một trái tim đẹp đẽ đến thế nào chấp nhận sự đóng băng của đêm đông giá rét vẽ lên tường một kiệt tác để đổi lấy nhịp đập yếu ớt của trái tim người trẻ, trái tim ấy tuy ngừng đập giữa cái buốt lạnh của mùa đông, của bệnh tật, nhưng lại đập mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong hơi ấm của tình người. Không sai, trái tim tôi nhắc đến chính là trái tim của cụ Bơ-men trong tác phẩm Chiếc Lá Cuối Cùng của nhà văn Ô-hen-ri. Cũng bởi vì tôi biết đến Hộ, một người sống cuộc đời thừa, cuộc đời mà tâm hồn lương tri đã chết đi hơn nửa, Hồ sống một cuộc đời như đã chết, sống trong bụi gai đớn đau và tăm tối. Hộ hiện lên thật đáng thương dưới ngòi bút của Nam Cao trong truyện ngắn "Đời Thừa". Có lẽ văn học đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc xây dựng nhân cách, suy nghĩ và tư duy. Tuy chưa từng để tâm hồn khô héo, lụi tàn nhưng cũng không ít lần tôi hụt bước, không ít khi cuộc sống tưởng như quay lưng lại với tôi, tôi hoài nghi lo lắng và mất niềm tin vào cuộc sống. Nhưng may mắn hơn những người khác, tôi đủ sức để vực lại tinh thần, sống dậy những cảm xúc. Tôi biết khóc và biết cười, khóc cho những nghiệt ngã và cười hạnh phúc trước những niềm vui. Tôi biết mình phải sống như thế nào, phải hành động ra sao để có một cuộc đời "không hối hận".
"Sống trong đời sống cần có một tấm lòng… "
Thời gian vụt trôi như bóng câu lướt qua cửa. Nhanh đến mức, khi ta giật mình ngoái lại, thời gian đã là một quá khứ dần xa. Chỉ một tích tắc, một thoáng dây cũng đủ để ta hối tiếc một đời. "Có những việc ngày mai làm được, cũng có những việc ngày mai không làm được nữa". Hãy sống một cuộc đời tươi đẹp bằng cả tấm lòng, vì CHẾT CHẲNG LÀ GÌ, KHÔNG SỐNG MỚI ĐÁNG SỢ. Bạn của tôi, bạn đang sống như thế nào?
----------------------------------
"Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" suy nghĩ của bạn về câu nói trên vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho ta thấy được câu nói muốn nói với chúng ta rằng, trong cuộc sống của mỗi người, cái chết, sự ra đi về thể xác của con người không phải là điều đáng sợ nhất mà điều khiến con người sợ hãi nhất đó chính là con người ta sống nhưng bị trơ lì, chai sạn về tâm hồn, cảm xúc. Câu nói là một ý kiến hoàn toàn đúng đắn, đã đưa đến cho chúng ta nhiều suy ngẫm và bài học có giá trị. Những con người ấy dù chết đi, dù thể xác họ đã trở về với đất mẹ thân yêu nhưng hình ảnh của họ, lẽ sống tốt đẹp của họ vẫn còn mãi với thời gian và còn sống mãi trong tâm trí của lớp lớp thế hệ sau. Còn cái chết về mặt tâm hồn, sự lụi tàn về tâm hồn ngay cả khi còn sống mới là điều đáng sợ nhất với tất cả mỗi người. Mỗi người chúng ta phải luôn biết tự làm giàu, làm đẹp cho tâm hồn mình, phải biết rung động trước cái đẹp, cảm thương, khổ đau trước những hoàn cảnh bất hạnh, kém may mắn trong cuộc sống để cuộc sống của chúng ta thật sự có ý nghĩa. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và thêm ý tưởng để xây dựng bài viết cho mình nhé.
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 10: "Cái chết không phải mất mát lớn nhất trong cuộc đời, sự mất mát lớn nhất là để tâm hồn tàn lụi ngay cả khi còn sống" suy nghĩ của bạn về câu nói trên. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 10 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 10.
Bài tiếp theo: Suy nghĩ về câu nói: Tuổi trẻ như một cơn mưa rào, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để ướt thêm lần nữa