Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng tăng cơ hội đỗ Đại học

Chiếc lược điều chỉnh nguyện vọng hiệu quả tăng cơ hội đỗ đại học 2021

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021 cùng phổ điểm các môn thi, nhiều thí sinh băn khoăn điều chỉnh nguyện vọng thế nào sao cho hợp lý để tăng cơ hội trúng tuyển vào trường và ngành học mình yêu thích. Thay đổi nguyện vọng sau khi có điểm thi tốt nghiệp THPT là cơ hội cuối cùng của thí sinh trong mùa tuyển sinh ĐH năm 2021, nên đây là điều khiến các em rất quan tâm. Mời các em theo dõi bài viết dưới đây của VnDoc về chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng tăng cơ hội đỗ đại học 2021 để có cho mình những thông tin hữu ích nhé.

Tham khảo thêm:

Theo dõi sát sao dự báo điểm chuẩn

Tham khảo: Phổ điểm 2021

PGS.TSKH. Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã đưa ra một số lời khuyên về cách điều chỉnh nguyện vọng “thông minh” để giúp thí sinh tăng khả năng trúng tuyển như ý muốn.

Theo PGS Vũ Hoàng Linh, điều các thí sinh cần làm bây giờ là rà soát lại những ngành và trường đại học mình đã lựa chọn dựa trên sở thích và năng lực của bản thân, xem kỹ các điều kiện và tổ hợp xét tuyển của từng ngành, từng trường.

Bên cạnh đó, thí sinh nên tranh thủ thời gian tìm hiểu thêm thông tin về các ngành nghề, ví dụ như nội dung đào tạo, cơ hội việc làm hoặc cơ hội học lên cao sau khi tốt nghiệp.

Một việc quan trọng không thể bỏ qua là các em cần xem thông tin điểm chuẩn 1-2 năm gần đây của các ngành dự định đăng ký và phổ điểm các môn thi, các tổ hợp thi năm 2021, so sánh với phổ điểm năm 2019 và năm 2020 để có dự đoán về xu hướng tăng hay giảm của điểm chuẩn.

Theo thầy Linh, với những thí sinh có điểm thi không như mong muốn, các em cần bình tĩnh quan sát điểm của mình so với phổ điểm năm nay ra sao? Điểm có thấp hơn so với mặt bằng chung không? Nếu có thì là bao nhiêu?

Các em cũng cần xem lại điểm chuẩn của ngành, trường năm 2020 mà các em đã đăng ký, so sánh xem điểm mình đạt được có thấp hơn nhiều so với điểm chuẩn năm 2020 không?

Điều chỉnh nguyện vọng 2021

“Nếu điểm của các em chỉ thấp hơn một chút (tầm 0,25 – 1 điểm) so với điểm chuẩn của những năm trước, theo tôi, nguyện vọng 1 và 2 các em vẫn nên để những ngành mình yêu thích. Các nguyện vọng tiếp theo là những ngành có điểm chuẩn các năm trước tương đương với điểm thi của mình. Để chắc chắn đỗ đại học, các em nên đặt thêm 2-3 nguyện vọng vào các ngành có điểm chuẩn năm trước thấp hơn điểm thi của mình từ 1 - 3 điểm”, PGS Vũ Hoàng Linh gợi ý.

Trường hợp điểm thi thấp hơn so với mặt bằng chung và thấp hơn quá nhiều so với điểm chuẩn của ngành/trường mà các em đã đăng ký, theo thầy Linh, thí sinh cần phải cân nhắc, điều chỉnh các nguyện vọng phù hợp với điểm thi theo chiến lược tương tự.

Không nên chọn các ngành có dự báo điểm chuẩn cao hơn nhiều, ví dụ từ 3 - 5 điểm so với điểm thi thực tế.

“Dù điểm thi thế nào, chỉ cần đạt trên điểm sàn, nếu khéo léo các em vẫn có cơ hội trúng tuyển vào ngành gần hoặc ngành tương tự ngành mình mong muốn. Không nên cố định một ngành/trường cụ thể mà nên tìm hiểu và lựa chọn một nhóm ngành mà mình ưa thích và có năng lực để tăng cơ hội trúng tuyển”, thầy Linh nói.

Với những em có điểm thi đúng như dự kiến hoặc cao hơn dự kiến, nếu mặt bằng chung điểm ở tổ hợp xét tuyển cũng cao, ngành chọn lại là ngành “hot”, thí sinh cũng nên thận trọng.

“Thực tế các năm trước, có những em đạt điểm cao, thậm chí 25 - 26 điểm nhưng vẫn trượt đại học hoặc trúng tuyển vào ngành ít mong muốn. Theo tôi, vẫn phải tham khảo phổ điểm các môn và tổ hợp xét tuyển. Dù điểm thi khả quan, các em vẫn nên thực hiện chiến lược điều chỉnh nguyện vọng xếp theo thứ tự yêu thích kết hợp với điểm chuẩn từ cao xuống thấp.

Cụ thể, 2 - 3 nguyện vọng đầu là những ngành ưu tiên nhất và dự báo điểm chuẩn có thể bằng hoặc thậm chí cao hơn điểm thi thực tế 1 - 1,5 điểm. Nếu dự báo điểm chuẩn của các nguyện vọng 1 - 2 thấp hơn điểm thi thì vẫn nên chọn thêm một số ngành ưa thích có dự báo điểm chuẩn thấp hơn nữa cho an toàn”, ông Linh gợi ý.

Xếp thứ tự nguyện vọng

PGS.TS Lê Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng cho biết: Khi phân tích phổ điểm, thí sinh cần cẩn trọng và phải tham khảo thêm nhiều thông tin khác. Năm 2020, phổ điểm cao hơn mọi năm nhưng điều này cũng không đồng nghĩa với điểm chuẩn các ngành, trường đều cao.

Thí sinh phải nghiên cứu kỹ đề án tuyển sinh của từng trường, đặc biệt là phương thức tuyển sinh riêng, để có con số chính xác chỉ tiêu tuyển sinh của từng phương thức xét tuyển. Thí sinh cần theo dõi thông tin tư vấn điều chỉnh nguyện vọng của các trường, số lượng chỉ tiêu để điều chỉnh hợp lý.

“Sau khi nghiên cứu kỹ các ngành nghề đào tạo, thí sinh nên lập danh sách các ngành, trường theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới. Với cách thức xét tuyển ưu tiên theo điểm, các NV đều bình đẳng chứ không ưu tiên theo thứ tự NV nên thí sinh cần đăng ký nhiều NV, không đạt NV trên sẽ chuyển xuống xét ở NV dưới. Nếu thí sinh đậu NV trên sẽ không xét NV dưới nữa” – PGS.TS Lê Văn Huy tư vấn.

Theo đó, thí sinh có thể sắp xếp NV theo 3 mức: Cao, ngang bằng và thấp hơn hay còn gọi là mức an toàn so với điểm thi. Việc sắp xếp các thứ tự NV nên theo nguyên tắc trường yêu thích nhất và có điểm chuẩn dự kiến cao hơn điểm thi xếp ở NV trên, trường dự kiến sẽ có điểm thấp hơn xuống dưới. Không nên xếp theo thứ tự ưu tiên trường dễ trúng tuyển lên trên.

Một điểm khác căn bản trong quy chế tuyển sinh năm nay so với các năm trước là hình thức đăng ký điều chỉnh NV. Theo đó, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh được điều chỉnh NV đăng ký xét tuyển 3 lần trong thời gian quy định và chỉ được thực hiện bằng phương thức trực tuyến.

TS Nguyễn Công Hào – Trưởng ban Đào tạo và Công tác SV Đại học Huế chia sẻ: Một kinh nghiệm có thể sử dụng trong hình thức đăng ký online là khi hệ thống ghi nhận đã thành công, các em có thể chụp lại màn hình. Đây được xem là minh chứng trong trường hợp cơ sở dữ liệu của Bộ không cập nhật kịp hoặc có sự trục trặc kỹ thuật đường truyền.

Tìm hiểu kỹ mức học phí

Bên cạnh những thông tin trên, các thí sinh cũng nên tìm hiểu kỹ về mức học phí của các ngành và trường mình đang dự định xét tuyển.

Nhiều thí sinh không tìm hiểu rõ mức học phí nên khi vào học mới biết quá sức chịu đựng so với hoàn cảnh kinh tế gia đình mình. Điều này sẽ là gánh nặng cho gia đình và ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình theo học của sinh viên. Vì vậy, khi chọn trường các em cũng nên cân nhắc lựa chọn trường học và ngành học, không chỉ phù hợp với năng lực, sở thích mà còn với điều kiện hoàn cảnh gia đình.

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, Bộ GD&ĐT đã có sự thay đổi một số mốc thời gian quan trọng để phù hợp với các thí sinh thi đợt 2, theo đó thời gian điều chỉnh nguyện vọng 2021 của thí sinh được chuyển từ ngày 7/8 theo kế hoạch ban đầu sang ngày 29/8. Thời gian kết thúc thay đổi nguyện vọng là 17h00 ngày 5/9.

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới bạn đọc 'Chiến thuật' điều chỉnh nguyện vọng tăng cơ hội đỗ Đại học. Hy vọng đây là những thông tin hữu ích giúp các bạn có cho mình những chiến thuật hay để có thể điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, tăng cơ hội trung tuyển cao vào trường học và ngành học mình yêu thích.

Để biết thêm thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia 2021, mời các bạn tham khảo tại đây: Thi THPT Quốc gia 

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Quy chế tuyển sinh

    Xem thêm