Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng việt năm 2019 - 2020 - Đề 1

Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng việt

Đề ôn thi vào lớp 6 môn Tiếng việt năm 2019 - 2020 bao gồm 2 phần Trắc nghiệm và tự luận cho các em học sinh cùng các bậc phụ huynh tham khảo cho con em mình ôn luyện, chuẩn bị kiến thức cho kì thi tuyển sinh vào lớp 6 trường Chuyên năm học mới đạt hiệu quả cao. Mời thầy cô cùng các em học sinh tham khảo.

Đề bài: Đề thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt

PHẦN I. TRẮC NGHIỆM (4,0 điểm)

Đọc kỹ các câu hỏi và trả lời bằng cách khoanh tròn vào chữ cái (A, B, C…) đầu dòng câu trả lời đúng.

Câu 1: Cặp từ nào dưới đây là cặp từ láy trái nghĩa?

A. rộng lớn - chật hẹp.

B. mập mạp - gầy gò.

C. vui tươi - buồn bã.

D. mạnh khỏe - yếu ớt.

Câu 2: Kết hợp hai tiếng nào sau đây không phải từ ghép?

A. Khoai lang.

B. Khoai sắn.

C. Luộc khoai.

D. Khoai luộc.

Câu 3: Câu nào sau đây là câu ghép?

A. Lưng con cào cào và đôi cánh mỏng mảnh của nó tô màu tía, nom đẹp lạ.

B. Tôi chạy theo bác ấy đến khu nhà góc bệnh viện.

C. Mùa xuân, cây cối đâm chồi nảy lộc.

D. Máu chảy, ruột mềm.

Câu 4: Dấu phẩy trong câu "Khi lớn lên, con người tìm thấy hạnh phúc trong cuộc đời thực.” có tác dụng gì?

A. Ngăn cách các bộ phận trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

B. Ngăn cách các bộ phận cùng làm chủ ngữ trong câu.

C. Ngăn cách các bộ phận cùng làm vị ngữ trong câu.

D. Ngăn cách các bộ phận cùng làm định ngữ.

Câu 5: Chủ ngữ của câu "Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối chảy thầm dưới chân đua nhau tỏa mùi thơm.” là:

A. Hoa lá, quả chín.

B. Hoa lá, quả chín, những vạt nấm.

C. Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối.

`D. Hoa lá, quả chín, những vạt nấm ẩm ướt và con suối chảy thầm dưới chân.

Câu 6: Vị ngữ trong câu "Cây tre nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm.” có cấu tạo như thế nào?

A. Danh từ.

B. Cụm danh từ.

C. Tính từ.

D. Cụm tính từ.

Câu 7: Hai câu thơ trong bài "Dòng sông mặc áo” của Nguyễn Trọng Tạo sử dụng biện pháp tu từ nào?

"Dòng sông mới điệu làm sao

Nắng lên mặc áo lụa đào thướt tha”

A. So sánh.

B. Nhân hóa.

C. Điệp ngữ.

D. Ẩn dụ.

Câu 8: Trong các từ sau, từ nào được viết đúng chính tả?

A. Cao xu.

B. Sách nước

C. Đơn xơ.

D. Sơ suất

PHẦN II. TỰ LUẬN (16,0 điểm)

Câu 1:(1,5 điểm)

Dựa vào cấu tạo từ, hãy xếp các từ phức sau thành ba nhóm cho phù hợp:

Tươi tốt, làng báo, yêu thương, chăm chỉ, hạt đỗ, hư hỏng, đỡ đần, chăn màn, bồn chồn, học vẹt, đắn đo, non nước, bút chì, mặt mày, kính lão.

Câu 2: (3,5 điểm)

Xác định chủ ngữ, vị ngữ và trạng ngữ trong các câu sau? Cho biết mỗi câu thuộc kiểu câu đơn hay câu ghép?

a. Buổi chiều, ở quê, bọn trẻ thường rủ nhau ra triền đê thả diều, hóng mát.

b. Từ trên cao nhìn xuống, hồ sen như một tấm chăn hoa nổi bật giữa khung cảnh đồng quê yên ả.

c. Giặc tra tấn anh rất dã man khiến anh chết đi sống lại, nhưng chúng không moi được bí mật gì ở anh.

Câu 3: (1,5 điểm)

Em hãy giải nghĩa từ “xuân” trong các câu sau và cho biết từ nào nghĩa gốc, từ nào nghĩa chuyển.

a. Ngày xuân mơ nở trắng rừng

Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang...

b. Nhân dân ta ra sức xây dựng đất nước ngày một thêm xuân.

Câu 4: (2,5 điểm)

Trong bài thơ Vàm Cỏ Đông (Tiếng Việt 3, tập một), nhà thơ Hoài Vũ có viết:

“Đây con sông như dòng sữa mẹ

Nước về xanh ruộng lúa, vườn cây

Và ăm ắp như lòng người mẹ

Chở tình thương trang trải đêm ngày.”

Hãy viết một đoạn văn ngắn chỉ rõ biện pháp tu từ so sánh và nêu cảm nhận cái hay của biện pháp tu từ đó trong khổ thơ trên.

Câu 5: (7,0 điểm)

Cho đoạn thơ sau:

"Khi con tu hú gọi bầy

Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần.

Vườn râm dậy tiếng ve ngân

Bắp rây vàng hạt đầy sân nắng đào.

Trời xanh càng rộng càng cao,

Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không.”

(Khi con tu hú – Tố Hữu)

* Chú thích: Bắp: ngô

Dựa vào những hình ảnh trong đoạn thơ trên, kết hợp với sự tưởng tượng của mình, em hãy viết một bài văn tả cảnh một buổi chiều của làng quê khi mùa hè về.

Đánh giá bài viết
87 11.144
Sắp xếp theo

Thi vào lớp 6 môn Tiếng Việt

Xem thêm