Đề thi giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp THCS phòng GD&ĐT Thái Hòa, Nghệ An năm 2015 - 2016

Đề thi giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp THCS

Đề thi giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp THCS phòng GD&ĐT Thái Hòa, Nghệ An năm 2015 - 2016 có đáp án là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho quý thầy cô được VnDoc sưu tầm và giới thiệu giúp các thầy cô ôn lại kiến thức để chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi đánh gia năng lực giáo viên cấp tỉnh.

Đề thi Giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn phần thi năng lực tỉnh Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016

Đề thi giáo viên dạy giỏi môn Toán cấp THCS phòng GD&ĐT Thái Hòa, Nghệ An năm 2015 - 2016

UBND THỊ XÃ THÁI HÒA
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐỀ THI KIỂM TRA NĂNG LỰC GIÁO VIÊN
CỦA HỘI THI GIÁO VIÊN DẠY GIỎI THCS
Năm: 2015 - 2016
Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 120 phút

Câu 1 (5,0 điểm)

a. Xây dựng phân phối chương trình môn học là một trong những nhiệm vụ về phát triển chương trình giáo dục nhà trường. Anh (chị) hãy nêu những nguyên tắc cần đảm bảo khi thực hiện nhiệm vụ nói trên.

b. Dạy học theo chủ đề là một hoạt động góp phần thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học định hướng phát triển năng lực học sinh.

Anh (chị) hãy nêu các bước xây dựng một chủ đề dạy học?

Câu 2 (5,0 điểm)

Anh (chị) hãy thiết kế hoạt động hướng dẫn học sinh tìm hiểu đoạn thơ sau theo hướng phát triển năng lực:

Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc.
Ơi, con chim chiền chiện
Hót chi mà văng trời.
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.

(Trích Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải, Ngữ văn 9, tập hai, NXBGD)

Câu 3 (6,0 điểm)

Trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thị xã môn ngữ văn có đề thi như sau:

Nhà thơ Chế Lan Viên từng viết:

"Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn!"

(Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng?)

Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một tác phẩm thơ mà em yêu thích?

Anh (chị) là người bồi dưỡng đội tuyển, hãy đề xuất phương án hướng dẫn học sinh làm đề văn trên.

Câu 4 (4,0 điểm)

Văn bản Lão Hạc của Nam Cao kết thúc bằng cái dữ dội, thê thảm, đau đớn của Lão Hạc và những suy ngẫm của ông Giáo về con người, cuộc đời. Từ đó, anh/chị hãy ra một bài tập hình thành kỹ năng sống cho học sinh. Có hướng dẫn làm bài kèm theo.

Đáp án đề thi giáo viên dạy giỏi môn Ngữ văn cấp THCS

Câu 1:

a) Các nguyên tắc cần đảm bảo khi xây dựng phân phối chương trình tự chủ:

  • Nâng cao được kết quả thực hiện mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; học sinh được cung cấp kiến thức, kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục phổ thông; được hình thành, phát triển các phẩm chất, năng lực.
  • Đảm bảo tính lôgic của mạch kiến thức và tính thống nhất giữa các môn học và các hoạt động giáo dục.
  • Tổng thời lượng của các môn học và các hoạt động giáo dục không ít hơn thời lượng quy định trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành; hoàn thành kế hoạch theo biên chế thời gian năm học.
  • Đảm bảo tính phù hợp, khả thi với đối tượng và điều kiện cụ thể của từng trường.

b) Các bước xây dựng một chủ đề dạy học:

  • Lựa chọn chủ đề
  • Xác định mục tiêu cần đạt của chủ đề
  • Lập bảng mô tả các mức độ nhận thức theo định hướng năng lực (cả chủ đề)
  • Biên soạn hệ thống câu hỏi, bài tập theo bảng mô tả (theo từng bài, từng tiết)
  • Thiết kế tiến trình dạy học chủ đề (kế hoạch dạy học, giáo án)

Câu 2:

1. Mục tiêu của hoạt động: hình thành, củng cố, phát triển một số kiến thức, kỹ năng, năng lực của học sinh.

a. Về kiến thức:

  • Vẻ đẹp đầy sức sống của mùa xuân thiên nhiên xứ Huế...
  • Niềm say mê, say sưa, rạo rực trước cái đẹp của tạo hóa....
  • Lẽ sống đẹp của Thanh Hải: Yêu và trân trọng cái đẹp; Lạc quan, tin yêu vào cuộc sống (Chú ý hoàn cảnh sáng tác)
  • Tài năng: Tâm hồn tinh tế, sử dụng tài hoa ngôn ngữ, hình ảnh, biện pháp nghệ thuật ...

b. Về kĩ năng:

  • Kĩ năng cảm thụ ngôn ngữ văn chương.
  • Kĩ năng đọc hiểu thơ hiện đại....

c. Về thái độ: khơi dậy, vun đắp tình yêu đối với thiên nhiên và trân trọng con người, đồng cảm với khát vọng sống ....

d. Về năng lực: thu thập thông tin, trình bày một vấn đề, làm việc nhóm, cảm nhận ngôn ngữ nghệ thuật...

2. Phương tiện dạy học:

  • Sách giáo khoa, sách giáo viên
  • Các phương tiện công nghệ thông tin (nếu cần thiết)...

3. Thiết kế hoạt động:

Thí sinh có nhiều cách thiết kế hoạt động dạy học, song cần thể hiện được đúng tinh thần đổi mới theo định hướng phát triển năng lực. Cụ thể:

  • Cần thể hiện được sự tương tác giữa người dạy và người học, chú trọng vào hoạt động của người học
  • Đa dạng các hình thức hoạt động của học sinh (cá nhân, cặp đôi, nhóm nhỏ, nhóm lớn, tập thể lớp, tương tác và hỗ trợ giữa các nhóm, yêu cầu sự hỗ trợ từ giáo viên...)
  • Nhiệm vụ giao nhiệm vụ cho học sinh cụ thể, khoa học, sát với các đối tượng (nêu vấn đề, đặt câu hỏi, chia nhóm, quy định thời gian..)
  • Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của học sinh, kết luận về hoạt động, củng cố, dặn dò.

Câu 3:

1. Hướng dẫn học sinh tìm hiểu đề: xác định vấn đề nghị luận; xác định kiểu bài, thao tác nghị luận.

  • Vấn đề cần nghị luận: đặc trưng của văn học
  • Kiểu bài: nghị luận văn học (bàn một ý kiến về văn học) sử dụng kết hợp các thao tác lập luận.

2. Hướng dẫn học sinh tìm ý, lập dàn ý:

a. Giải thích các từ ngữ then chốt;

"Vị muối" cuộc đời ấy là hiện thực cuộc sống, là những trăn trở, lo âu, buồn phiền, sung sướng, hạnh phúc... Là nhà thơ chân chính, phải lăn lộn ngoài cuộc đời sương gió kia, phải cảm nhận hết nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc của con người rồi thổi hồn vào tác phẩm, thơ mới mặn mà, mới neo chặt vào bến hồn người đọc. Tác phẩm phải bắt chặt, phải cắm rễ vào mảnh đất hiện thực mới có thể trở thành dòng suối trong trẻo chảy vào lòng bạn đọc.

"Cái chất mặn" của những vần thơ ấy chính là cái tình của tác giả gửi gắm, là những rung động sâu xa trước hiện thực cuộc sống.....

b. Trình bày quan điểm của người viết:

Nhận định đã phản ánh đúng bản chất của văn học nghệ thuật phải cắm rễ vào hiện thực cuộc sống, phải là những rung động mãnh liệt của nghệ sỹ trước cuộc sống ấy....

Nhưng nếu chỉ là "vị muối của đời" mà không có tài năng, không có con tim nhạy cảm hơn người của nhà thơ thì cũng khó làm nên những vần thơ nóng bỏng. Cái vị muối cuộc đời ấy phải xuyên qua trái tim thi sĩ, thấm nhuần trong tâm hồn thi sĩ thì mới thành những vần thơ bất hủ.

=> Do đó, một nhà thơ vĩ đại phải là một nhà thơ có tài và trên hết, anh phải có vốn sống, phải tắm mình trong bể muối để những nỗi đau, niềm vui, niềm hạnh phúc sáng bừng trong thơ, thế mới trở thành mạch nguồn trong trẻo qua tim người đọc.

c. Dùng lí lẽ và dẫn chứng (trong một tác phẩm cụ thể) để chứng minh:

Làm rõ 2 ý cơ bản:

  • Vị muối cuộc đời trong bài thơ
  • Chất mặn trong bài thơ ấy.

3. Vận dụng các ý tìm được để tổ chức thành bài viết theo bố cục của một bài văn nghị luận bàn về một vấn đề văn học.

Nhận xét, rút kinh nghiệm về cách làm bài văn nghị luận một ý kiến bàn về văn học; củng cố kiến thức về vấn đề tiếp nhận văn học.

Câu 4

Bài làm của thí sinh cần thực hiện đúng yêu cầu về đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá.

a. Ra bài tập

  • Đáp ứng những yêu cầu về tính khoa học, bám sát chuẩn kiến thức, kĩ năng, hình thành được những kỹ năng sống cần thiết.
  • Chọn vấn đề có ý nghĩa thời sự, phù hợp với học sinh, tránh áp đặt, miễn cưỡng
  • Cách ra bài tập, nêu câu hỏi phải có sự đổi mới, tránh sáo mòn...

(Một số gợi ý: cách đối mặt với hoàn cảnh sống, vấn đề đôi mắt, tình yêu thương...)

b. Hướng dẫn làm bài

  • Cần nêu rõ những yêu cầu về kiến thức và kĩ năng.
  • Đảm bảo tính khoa học nhằm đánh giá đúng năng lực học sinh.
  • Quan điểm, thái độ: đúng đắn, tiến bộ, nhân văn, phù hợp với chuẩn mực đạo đức, pháp luật và yêu cầu của xã hội, thời đại.
Đánh giá bài viết
1 21.443
Sắp xếp theo

    Thi công chức - viên chức

    Xem thêm