Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2014 - 2015

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Đoàn Thượng, Hải Dương năm học 2014 - 2015 gồm 2 đề chẵn và lẻ, được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, là tài liệu ôn tập môn Ngữ văn hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 10 muốn ôn tập và chuẩn bị cho kì thi cuối năm lớp 10 môn Văn. Dưới đây mà đáp án và đề thi của mã đề chẵn, mời các bạn tham khảo.

Đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10 trường THPT Trần Hưng Đạo, TP Hồ Chí Minh năm học 2015 - 2016

Đề cương ôn tập học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT ĐOÀN THƯỢNG

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2014 – 2015

MÔN: NGỮ VĂN 10

(Thời gian làm bài: 90 phút)

ĐỀ CHẴN (Dành cho thí sinh có số báo danh chẵn)

Phần I. Đọc – hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi bên dưới:

... Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống,
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

Câu 1. Đoạn trích thuộc văn bản nào? Do ai sáng tác? (0,5 điểm)

Câu 2. Xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích. (0,5 điểm)

Câu 3. Tìm phép điệp được sử dụng trong đoạn trích và phân tích tác dụng của chúng? (1,0 điểm)

Câu 4. Chỉ ra phép đối được sử dụng trong đoạn trích và phân tích tác dụng của chúng? (1,0 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Tâm trạng người chinh phụ qua đoạn thơ:

Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen.
Ngoài rèm thước chẳng mách tin,
Trong rèm, dường đã có đèn biết chăng?
Đèn có biết dường bằng chẳng biết,
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi.
Buồn rầu nói chẳng nên lời,
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.

(Chinh phụ ngâm, Đặng Trần Côn - bản dịch Đoàn Thị Điểm).

-------------- Hết------------

Thí sinh không được sử dụng tài liệu.

Đáp án đề thi học kì 2 môn Ngữ văn lớp 10

ĐÁP ÁN ĐỀ CHẴN

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm).

Câu 1. Đoạn trích thuộc văn bản Nhàn. Do Nguyễn Bỉnh Khiêm sáng tác.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên.
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 ý trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2. Phong cách ngôn ngữ: nghệ thuật (hoặc: văn chương).

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng 1 trong 2 cách như trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3.

* Phép điệp: điệp từ ăn, tắm; điệp câu 1 và câu 2 (Thu ăn măng trúc, đông ăn giá/ Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao).

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên.
  • Điểm 0,25: Chỉ trả lời được điệp từ hoặc điệp câu.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

* Tác dụng: Tô đậm cuộc sống, sinh hoạt đạm bạc mà thanh cao, hoà hợp với tự nhiên trong cái thú 'nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên, hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong các ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không trả lời.

Câu 4.

* Phép đối: Câu 1 và câu 2: thu/xuân; đông/hạ; ăn/tắm; trúc/sen; giá/ao.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên.
  • Điểm 0,25: Chỉ trả lời đối câu 1 với câu 2 (hoặc chỉ trả lời đối các từ như đã nêu).
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

* Tác dụng: Gợi sự phong phú, mùa nào thức ấy trong đời sống sinh hoạt của tác giả. Đồng thời, phép đối còn tác dụng tạo âm hưởng, nhịp điệu cho lời thơ.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng như trên, hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Học sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc, thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng người chinh phụ qua 8 câu thơ.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (4,5 điểm):

  • Điểm 4,5: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm;
    • Phân tích làm rõ tâm trạng người chinh phụ qua 8 câu thơ: Học sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được diễn biến tâm trạng nhân vật; từ đó khái quát được nghệ thuật khắc hoạ tâm trạng nhân vật và tư tưởng của nhà thơ.
      • Tâm trạng người chinh phụ:
        • Nhớ chồng, mong ngóng: Thể hiện qua hành động lặp đi lặp lại, hết đứng lại ngồi, hết đi ngoài hiên lại vào trong phòng, cuốn rèm lên để trông tin chim thước rồi lại buông rèm xuống...
        • Cô đơn, khát khao sự đồng cảm chia sẻ: Thể hiện qua hình ảnh ngọn đèn trong đêm.
        • Nỗi buồn triền miên, ngậm ngùi, đau đớn: Thể hiện qua hình ảnh hoa đèn; thời gian từ ngày sang đêm, lê thê...
      • Nghệ thuật khắc hoạ tâm trạng:
        • Dùng các từ ngữ trực tiếp diễn tả tâm trạng: bi thiết, buồn rầu, nói chẳng nên lời, thương.
        • Tả cảnh ngụ tình.
        • Miêu tả tâm trạng qua cử chỉ, hành động.
        • Câu hỏi tu từ; ngôn ngữ chọn lọc kết hợp một số biện pháp tu từ khác...
      • Tư tưởng của nhà thơ: Tư tưởng nhân đạo sâu sắc thể hiện qua niềm đồng cảm, xót thương với nỗi buồn khổ của người chinh phụ trong tình cảnh chia lìa, đề cao hạnh phúc lứa đôi, tố cáo chiến tranh phong kiến.
  • Điểm 3,0 - 4,0: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, bình luận) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 2,0 - 3,0: Đáp ứng được 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 1,0 - 2,0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (1,0 điểm).

  • Điểm 1,0: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện sự tinh tế, khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,5: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; có quan điểm và thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Mời các bạn tải file đầy đủ về tham khảo.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 10

    Xem thêm