Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Địa lý lớp 11

Đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11 tỉnh Quảng Bình năm học 2016 - 2017. Đề thi gồm có 5 câu hỏi tự luận trong thời gian làm bài là 180 phút. Phần đáp án và thang điểm chi tiết đã được chúng tôi cập nhật đầy đủ và chính xác để gửi tới các bạn học sinh. Mời các bạn cùng tham khảo.

SỞ GD&ĐT QUẢNG BÌNH

ĐỀ THI CHÍNH THỨC

Họ và tên:…………………..

Số báo danh:………………..

KỲ THI CHỌN HSG CẤP TỈNH NĂM HỌC 2016 - 2017

Khóa ngày 22/03/2017

Môn: ĐỊA LÍ

LỚP 11 THPT

Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

Câu 1 (2,0 điểm)

a. Giới hạn của sinh quyển có trùng với giới hạn của lớp vỏ địa lý không? Tại sao ở Xích Đạo không có đầy đủ các loài sinh vật cư trú trên Trái Đất?

b. Nêu những biểu hiện mang tính địa đới của địa hình.

Câu 2 (1,5 điểm)

a. Nguyên nhân nào làm cho sức tàn phá của thiên nhiên đối với con người ngày càng lớn, biện pháp giải quyết?

b. Tại sao việc trồng cây công nghiệp lâu năm và trồng rừng được đẩy mạnh ở nhiều nước trên thế giới?

Câu 3 (2,5 điểm)

a. Tại sao trong thời kỳ hội nhập, các nước trên thế giới có xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh? Liên hệ Việt Nam trong ASEAN.

b. Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân cư và xã hội đối với sự phát triển kinh tế Châu Phi.

Câu 4 (2,0 điểm)

a. Tìm những điểm giống nhau về tự nhiên của phần lãnh thổ phía tây Hoa Kỳ và phía tây Trung Quốc? Việc khai thác phần lãnh thổ phía tây của hai nước diễn ra như thế nào?

b. Sự khác nhau về quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc. Giải thích sự chuyển dịch đó.

Câu 5 (2,0 điểm)

Cho bảng số liệu: GIÁ TRỊ XUẤT, NHẬP KHẨU CỦA CÁC CHÂU LỤC VÀ KHU VỰC - năm 2010 (đơn vị: tỉ USD)

Châu lục, khu vực

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Tổng giá trị

Hàng hóa

Dịch vụ

Tổng giá trị

Hàng hóa

Dịch vụ

Châu Á

3060

2610,2

449,8

2852

2341,5

510,5

Bắc Mĩ

1709

1329,6

379,4

2284

1948,3

335,7

a. Vẽ biểu đồ thể hiện qui mô và cơ cấu giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của khu vực Bắc Mĩ, Châu Á vào năm 2010.

b. Nhận xét về quy mô và cơ cấu giá trị xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của hai khu vực.

……………….Hết……………….

Thí sinh không được sử dụng Aatlat Địa lí.

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Địa lý lớp 11

Câu 1

a. Giới hạn của sinh quyển có trùng với giới hạn của lớp vỏ địa lý không? Tại sao ở Xích Đạo không có đầy đủ các loài sinh vật cư trú trên Trái Đất?

  • Sinh quyển là một quyển của Trái đất trong đó chứa toàn bộ sinh vật sinh sống. Giới hạn của sinh quyển: Giới hạn phía trên là nơi tiếp giáp tầng ozon của khí quyển (22-25km); Giới hạn phía dưới xuống tận đáy đại dương, ở lục địa tới đáy của lớp vỏ phong hóa.
  • Lớp vỏ địa lý có chiều dày khoảng 30-35km (tính từ giới hạn dưới của lớp ôzôn đến đáy vực thẳm đại dương, ở lục địa xuống hết lớp vỏ phong hóa). Như vậy, mặc dù cấu trúc của lớp vỏ địa lý phức tạp hơn nhưng giới hạn của sinh quyển trùng với giới hạn của lớp vỏ địa lý.
  • Xích đạo không có đầy đủ các loài sinh vật cư trú trên Trái Đất vì:
    • Sự phát triển và phân bố của sinh vật phụ thuộc vào nhiều nhân tố: khí hậu, địa hình, đất, sinh vật, con người. Mỗi loài sinh vật lại thích nghi với 1 điều kiện sinh thái nhất định (đòi hỏi những đặc điểm riêng về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, đất)
    • Ở Xích đạo có nền nhiệt cao, nguồn nước dồi dào, độ ẩm lớn, giàu ánh sáng, đất fralit đỏ vàng với tầng đất dày, đất giàu ẩm và tính chất vật lí tốt, nên có nhiều loài thực vật phát triển, nhiều loại động vật đến sinh sống (các loài thích hợp khí hậu nóng)
    • Xích đạo không có các loài sinh vật vùng khí hậu ôn đới, khí hậu lạnh (gấu, chim cánh cụt...) khí hậu ở vùng cực kể cả trên các vùng núi cao của Xích đạo cũng không thể có các loài này.

b. Nêu những biểu hiện mang tính địa đới của địa hình.

  • Quy luật địa đới là sự thay đổi có quy luật của các thành phần địa lý và cảnh quan địa lý theo vĩ độ (từ xích đạo về hai cực)
  • Địa hình là một nhân tố có tính bảo thủ nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của địa đới. Thể hiện trong quá trình hình thành địa hình trong những đới khí hậu khác nhau:
    • Ở vùng nhiệt đới ẩm ướt: quá trình phong hóa hóa học là chủ yếu, vai trò quá trình hình thành địa hình của dòng nước đóng vai trò quan trọng, điển hình là thung lũng sông…
    • Ở vùng khí hậu khô hạn: quá trình phong hóa vật lý diễn ra chủ yếu, hình thành các dạng địa hình do gió tạo nên (cồn cát, nấm đá…)
    • Ở vùng khí hậu băng giá: phong hóa vật lý do băng diễn ra chủ yếu, vai trò hình thành địa hình do băng hà là chính. Địa hình điển hình như vịnh hẹp băng hà, hồ băng hà, đồng bằng băng tích…

Câu 2.

a. Nguyên nhân nào làm cho sức tàn phá của thiên nhiên đối với con người ngày càng lớn, biện pháp giải quyết?

  • Hiện nay sức tàn phá của thiên nhiên đối với con người ngày càng tăng, biểu hiện qua sự gia tăng các thiên tai: bão, lụt, hạn hán, sóng thần, nhiệt độ Trái Đất nóng lên, biến đổi bất thường về thời tiết khí hậu…
  • Nguyên nhân:
    • Do con người sử dụng nhiều nhiên liệu hóa thạch, thải vào khí quyển quá nhiều khí thải như CO2, NO2, ... gây nên hiệu ứng nhà kính làm TĐ nóng lên, băng tan gây ngập lụt nhiều khu vực.
    • Do các hoạt động của Trái Đất ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến khí hậu. Do tình trạng chặt phá rừng, cháy rừng làm biến đổi khí hậu, gia tăng các thiên tai như sạt lở đất, lũ quét....
  • Biện pháp:
    • Sử dụng nhiên liệu hóa thạch hợp lí để giảm nồng độ các khí gây hiệu ứng nhà kính. Sử dụng nguồn năng lượng sạch: gió, mặt trời, sinh học…
    • Bảo vệ rừng, tích cực trồng rừng; sử dụng phân hữu cơ trong nông nghiệp.
  • Cùng với toàn cầu thực hiện những cam kết từ hội nghị chống biến đổi khí hậu COP 21 tại Paris vào tháng 12/2015.

b. Tại sao việc trồng cây công nghiệp lâu năm và trồng rừng được đẩy mạnh ở nhiều nước trên thế giới.

  • Trồng cây CN lâu năm như cao su, cà phê, chè… làm nguyên liệu cho các ngành CN chế biến và nguồn hàng xuất khẩu thu ngoại tệ.
  • Trồng cây công nghiệp còn nhằm tận dụng các thế mạnh về tài nguyên TN ở mỗi nước (đất, khí hậu) và bảo vệ môi trường…
  • Trồng rừng cung cấp gỗ, lâm sản và đặc sản, các loài cây dược liệu, nhiều lợi ích về môi trường; hiện nay diện tích rừng tự nhiên trên TG bị giảm sút nghiêm trọng…

Câu 3

a. Tại sao trong thời kỳ hội nhập, các nước trên thế giới có xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh. Liên hệ Việt Nam trong ASEAN.

  • Hợp tác để:
    • Cùng phát triển kinh tế - xã hội dựa trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi. Phát huy tiềm năng, thế mạnh và khắc phục những hạn chế, yếu kém của từng quốc gia.
    • Trao đổi khoa học, kỹ thuật và công nghệ để tạo điều kiện cùng phát triển.
    • Giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, đòi hỏi có sự chung tay của toàn thế giới như: dân số, môi trường, hòa bình...
  • Cạnh tranh để:
    • Chống lại sự can thiệp nội bộ của các quốc gia, chống âm mưu thực dân hóa bằng con đường kinh tế. Thiết lập quan hệ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
    • Chiếm vị trí có lợi hơn trên trường quốc tế.

* Việt Nam trong ASEAN:

  • Nhiều nước Đông Nam Á có nền kinh tế cao, việc hợp tác sẽ giúp ta đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc, thu hút vốn đầu tư, học kinh nghiệm quản lý nền kinh tế thị trường, tránh tụt hậu.
  • Việc khai thác tài nguyên biển Đông (hải sản, dầu khí, giao thông vận tải, du lịch); khai thác tổng hợp sông Mê Công, cần có sự hợp tác để cùng có lợi, tránh căng thẳng.
  • Các nước ASEAN có sự tương đồng về tài nguyên thiên nhiên, về nguồn nhân lực dồi dào, đều thiếu vốn và công nghệ tiên tiến nên việc cạnh tranh để thu hút đầu tư nước ngoài là tất yếu.

b. Phân tích ảnh hưởng của đặc điểm dân cư và xã hội đối với sự phát triển kinh tế Châu Phi.

* Tích cực:

  • Dân số đông, gia tăng nhanh có nguồn lao động và thị trường tiêu thụ lớn.
  • Nhiều dân tộc, đa dạng về bản sắc văn hóa, phong tục tập quán, kinh nghiệm sản xuất, thuận lợi cho phát triển du lịch.

* Tiêu cực:

  • Dân số đông, gia tăng tự nhiên cao gây sức ép về kinh tế, tài nguyên môi trường và chất lượng cuộc sống.
  • Bệnh tật, tỉ lệ nhiễm HIV cao (chiếm 2/3 tổng số người nhiễm HIV trên toàn thế giới), ảnh hưởng đến lực lượng lao động và năng lực sản xuất.
  • Các cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người. Trình độ dân trí thấp, nhiều hủ tục, đói nghèo...ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống người dân.

Câu 4.

a. Những điểm giống nhau về tự nhiên của phần lãnh thổ phía tây Hoa Kỳ và phía tây Trung Quốc? Việc khai thác phần lãnh thổ phía tây của hai nước diển ra…

* Giống nhau:

  • Đều là vùng lãnh thổ rộng lớn, nhiều vùng núi cao, cao nguyên và bồn địa.
  • Khí hậu khắc nghiệt, ít mưa (khô hạn), nhiều hoang mạc.
  • Giàu tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, đất đồng cỏ chăn nuôi.

* Khai thác lãnh thổ:

  • Miền tây Hoa Kỳ: tốc độ phát triển nhanh hơn TQ, cơ cấu ngành đa dạng từ các ngành công nghiệp hiện đại đến lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc du lịch, kinh tế biển…, nhiều trung tâm kinh tế lớn.
  • Miền tây Trung Quốc: tốc độ phát triển chậm hơn, phát triển chủ yếu các ngành công nghiệp khai khoáng, chăn nuôi du mục.

b. Sự khác nhau về quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hoa Kỳ và Trung Quốc; nguyên nhân

  • Hoa Kỳ: Giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, công nghiệp; tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (dẫn chứng). Vì: Hoa kỳ đang chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức.
  • Trung Quốc: Giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp và dịch vụ. Vì: Trung Quốc đang chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, đang tiến hành công nghiệp hóa và HĐH

Câu 5

a. Vẽ biểu đồ

  • Vẽ biểu đồ: 2 nửa tròn (2 biểu đồ). Vẽ kiểu khác không cho điểm.

Yêu cầu: chính xác, có tên biểu đồ, chú giải, tỷ lệ. Thiếu mỗi ý trừ 0,25 đ

  • Tính bán kính hình tròn: RXK(Bắc Mĩ) = 1 đvbk; RNK(Bắc Mĩ) = 1,15

RXK(C. Á)=1,3; RNK(C. Á)=1,3

  • Bảng số liệu: Cơ cấu giá trị (%)

Châu lục, khu vực

Xuất khẩu

Nhập khẩu

Tổng giá trị

Hàng hóa

Dịch vụ

Tổng giá trị

Hàng hóa

Dịch vụ

Châu Á

100

85,3

14,7

100

82,1

17,9

Bắc Mĩ

100

77,8

22,2

100

85,3

14,7

b. Nhận xét về quy mô và cơ cấu giá trị xuất nhập khẩu.

* Nhận xét:

  • Qui mô: kim ngạch XNK của Châu Á lớn hơn Bắc Mĩ. Xuất khẩu của Châu Á gấp 1,8 lần, nhập khẩu gần 1,3 lần Bắc Mĩ.
  • Cơ cấu XNK:
    • Cơ cấu XNK đều có hàng hóa chiếm ưu thế so với dịch vụ (d/c)
    • Tỉ trọng dịch vụ xuất khẩu của Bắc Mĩ lớn hơn Châu Á; còn Châu Á có nhập khẩu dịch vụ nhiều hơn Bắc Mĩ
Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi học sinh giỏi lớp 11

    Xem thêm