Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 tỉnh Hải Dương năm học 2015 - 2016
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10
Đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10 tỉnh Hải Dương năm học 2015 - 2016 có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn tập môn Sử hữu ích dành cho các bạn học sinh lớp 10, giúp các bạn củng cố và nâng cao kiến thức môn Sử, từ đó chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi môn Sử các cấp.
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI DƯƠNG ---------------- ĐỀ CHÍNH THỨC | KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI TỈNH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2015 - 2016 MÔN THI: LỊCH SỬ Thời gian làm bài: 180 phút (Đề thi gồm 01 trang) |
Câu 1 (3,0 điểm)
Điều kiện tự nhiên có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế, chính trị của các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây? Sự tác động đó đã khẳng định quy luật nào trong lịch sử?
Câu 2 (1,0 điểm)
Cho các thông tin sau:
Thời gian | Nội dung |
Đầu thế kỷ XVI | Các công trường thủ công ra đời ở Tây Âu, thay thế các phường hội |
Đầu thế kỷ XVII | Sản xuất công trường thủ công đã chiếm ưu thế ở nước Anh |
Giữa thế kỷ XVIII | Các công trường thủ công rất phát triển ở bắc Mĩ |
Cuối thế kỷ XVIII | Công nghiệp nước Pháp phát triển với những xí nghiệp tập trung hàng nghìn công nhân |
(Sách giáo khoa Lịch sử lớp 10)
Hãy làm rõ hoàn cảnh ra đời và vai trò của tổ chức sản xuất công trường thủ công đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước Âu – Mỹ.
Câu 3 (2,0 điểm)
Trình bày những hiểu biết về tín ngưỡng phổ biến của cư dân Văn Lang – Âu Lạc và giá trị của nó đối với dân tộc Việt Nam. Những nội dung tín ngưỡng đó được duy trì như thế nào trong xã hội Việt Nam hiện nay?
Câu 4 (2,0 điểm)
Phân tích sự phát triển và vai trò của Nho giáo đối với nhà nước phong kiến Việt Nam trong các thế kỷ X – XV. Xã hội Việt Nam hiện nay có cần phát huy những yếu tố tích cực của Nho giáo không? Tại sao?
Câu 5 (2,0 điểm)
Tóm tắt diễn biến cuộc kháng chiến chống quân Thanh và phân tích nghệ thuật quân sự độc đáo của Quang Trung trong cuộc kháng chiến đó.
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Lịch sử lớp 10
Câu 1 (3,0 điểm): Điều kiện tự nhiên có tác động như thế nào đến sự phát triển kinh tế, chính trị của các quốc gia cổ đại phương Đông và phương Tây? Sự tác động đó đã khẳng định quy luật nào trong lịch sử?
- Các quốc gia cổ đại phương Đông (1,25đ)
- Khái quát về điều kiện tự nhiên ...
- Từ thuận lợi về tự nhiên... nên kinh tế nông nghiệp là chủ đạo; nặng tính tự cấp tự túc khép kín....
- Do yếu tố trị thủy là sống còn nên nhà nước mang tính chất chuyên chế trung ương tập quyền....
- Các quốc gia cổ đại phương Tây (1,25đ)
- Khái quát về điều kiện tự nhiên...
- Do điều kiện tự nhiên... nên kinh tế công – thương nghiệp phát triển mạnh; tính chất kinh tế hàng hóa ...
- Từ điều kiện tự nhiên và kinh tế... nên nhà nước mang tính dân chủ chủ nô....
- Quy luật: Càng về thời xa xưa, điều kiện tự nhiên càng có vai trò quyết định đối với sự phát triển của các quốc gia.... (0,5đ)
Câu 2 (1,0 điểm). Hãy làm rõ hoàn cảnh ra đời và vai trò của tổ chức sản xuất công trường thủ công đối với sự phát triển kinh tế, xã hội của các nước Âu - Mỹ.
- Hoàn cảnh ra đời của các công trường thủ công: Từ sự phát triển của các thành thị trung đại và tác động từ cuộc phát kiến địa lý, kinh tế hàng hóa nhanh chóng phát triển...đưa đến sự hình thành các công trường thủ công.... (0,25đ)
- Vai trò đối với kinh tế: Thúc đẩy kinh tế tư bản phát triển (hàng hóa tăng, thương nghiệp phát triển, tạo điều kiện cho quan hệ sản xuất TBCN phát triển) ... (0,25đ)
- Vai trò đối với xã hội: Thúc đẩy sự phân hóa xã hội; giai cấp tư sản ngày càng lớn mạnh, đủ sức tiến hành cách mạng.... (0,25đ)
- Những chuyển biến về kinh tế, xã hội đã đẩy mâu thuẫn giữa giai cấp tư sản với nhà nước phong kiến ngày càng sâu sắc dẫn đến bùng nổ các cuộc cách mạng tư sản trong các thế kỷ XVII – XVIII, đưa các nước Âu – Mỹ phát triển sang thời kỳ TBCN.... (0,25đ)
Câu 3 (2,0 điểm). Trình bày những hiểu biết về tín ngưỡng phổ biến của cư dân Văn Lang – Âu Lạc và giá trị của nó đối với dân tộc Việt Nam. Những nội dung tín ngưỡng đó được duy trì như thế nào trong xã hội Việt Nam hiện nay?
- Tín ngưỡng phổ biến của cư dân Văn Lang – Âu Lạc (1,0đ)
- Tín ngưỡng sùng bái tự nhiên: Thờ các yếu tố tự nhiên như thần Mặt Trời thần Sông, thần Núi, thần Mây, thần Mưa, thần Sấm, thần Chớp...
- Tín ngưỡng sùng bái con người: Thờ cúng tổ tiên, những người có công với làng, nước....
- Tín ngưỡng phồn thực: Thờ sinh thực khí, cầu cho sự sinh sôi, mùa màng bội thu...
- Giá trị của các tín ngưỡng: Làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người Việt cổ; Tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc. (0,5đ)
- Các nội dung tín ngưỡng trên vẫn được duy trì trong đời sống văn hóa, xã hội Việt Nam ngày nay (ví dụ: thờ các yếu tố tự nhiên, thờ Mẫu; thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng làng, các anh hùng dân tộc, thờ Tứ Bất Tử...) (0,5đ)
Câu 4 (2,0 điểm). Phân tích sự phát triển và vai trò của Nho giáo đối với nhà nước phong kiến Việt Nam trong các thế kỷ X – XV. Xã hội Việt Nam hiện nay có cần phát huy những yếu tố tích cực của Nho giáo không? Tại sao?
- Sự phát triển của Nho giáo trong các thế kỷ X – XV (1,0đ)
- Nho giáo dần trở thành hệ tư tưởng chính của giai cấp thống trị, được đặt thành những nguyên tắc cơ bản trong quan hệ vua – tôi; cha – con; chồng – vợ và là tư tưởng chi phối nội dung giáo dục, thi cử....
- Thời Lê sơ, Nho giáo được nâng lên địa vị độc tôn...
- Vai trò của Nho giáo: Tư tưởng Nho giáo giúp tăng cường tính chất chuyên chế của nhà nước phong kiến, góp phần hoàn chỉnh bộ máy nhà nước phong kiến... (0,5đ)
- Tư tưởng Nho giáo có những yêu tố tích cực như tạo nên tôn ti, trật tự trong gia đình, dòng họ; tạo nên những chuẩn mực đạo đức... vì vậy nó góp phần ổn định xã hội. Do đó, xã hội Việt Nam cần phát huy những yếu tố tích cực của Nho giáo... (0,5đ)
Câu 5 (2,0 điểm). Tóm tắt diễn biến cuộc kháng chiến chống quân Thanh và phân tích nghệ thuật quân sự độc đáo của Quang Trung trong cuộc kháng chiến đó.
- Tóm tắt diễn biến (1,0đ)
- Năm 1788, lấy cớ giúp đỡ nhà Lê đánh Tây Sơn, 29 vạn quân Thanh tiến sang nước ta nhằm thực hiện mục tiêu xâm lược, Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, chỉ huy kháng chiến chống quân Thanh...
- Năm 1788, Quang Trung rút toàn bộ quân ở phía Bắc; một mặt tích cực xây dựng lực lượng tại Tam Điệp, một mặt đưa thư vờ cầu hòa nhà Thanh...
- Năm 1789, đúng đêm 30 tết Kỷ Dậu, quân Tây Sơn tiến công ra Bắc, lần lượt tiêu diệt các vị trí quan trọng (Gián Khẩu, Hà Hồi, Ngọc Hồi) và ngày 5/Giêng giải phóng Thăng Long...
- Phân tích nghệ thuật quân sự của Quang Trung: (1,0đ)
- Nghệ thuật nghi binh: Việc rút quân của Tây Sơn từ phía Bắc về Tam Điệp đã khiến quân Thanh chủ quan. Việc đưa thư cầu hòa của Quang Trung càng khiến quân Thanh chủ quan đến đỉnh cao, lơ là, mất cảnh giác...
- Nghệ thuật tấn công bất ngờ: Thực hiện tấn công đánh nhanh, thắng nhanh đúng thời điểm kẻ thù mất cảnh giác nhất (30 tết) và giành thắng lợi....