Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 8
Đề thi thử Văn THPT Quốc gia 2021 có đáp án
Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 8 là tài liệu ôn thi hay dành cho các em học sinh lớp 12. Tài liệu bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.
Đối với các em học sinh, việc luyện đề rất quan trong để đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Để giúp các em có tài liệu ôn thi hiệu quả, VnDoc giới thiệu bộ đề ôn thi THPT Quốc gia. Đây là bộ tài liệu hay cho các em tham khảo, chuẩn bị cho kì thi sắp tới đạt kết quả cao.
Tham khảo thêm: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Ngữ văn
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau:
“Nên biết ngay độc đáo không có nghĩa là lập dị, và ngang tàng không có nghĩa là phá phách. Độc đáo chỉ có nghĩa là mỗi người được sinh ra với những điều kiện thể chất và tinh thần khác hẳn nhau (gia đình giàu hay nghèo, đạo hạnh hay thất đức, êm ấm hay chia rẽ, rồi chỗ đứng của tôi trong hàng ngũ anh em, tôi có nhiều chị hay nhiều anh em trai; học đường; chỗ giao du của tôi và của cha mẹ anh em tôi; sức khỏe của tôi, tính khí của tôi; những cái may và những cái rủi đã đánh dấu đời tôi v.v…): như vậy, tôi không nên và không thể lấy lí tưởng của anh bạn N làm lí tưởng sống của tôi, cả đời sống của anh trai tôi cũng khác đời sống của tôi. Nếu tôi hiểu rằng tôi có những khả năng khác người ta, - khác không có nghĩa là trội hơn, vì có thể kém, nhưng kém một cách khác, chớ không phải kém như kiểu một người có một ngàn đồng và người kia có mười triệu đồng; khả năng con người không tính bằng lượng, mà tính bằng phẩm, - phải, nếu tôi hiểu khả năng của tôi và biết tôi phải tận dụng khả năng đó để thể hiện ý nghĩa của cuộc nhân sinh của tôi, tất nhiên tôi sẽ không thể sống một cách vô vị, vật vờ như bóng ma và ỷ lại như một người sống bám”.
(Trích “Triết học hiện sinh” – Trần Thái Đỉnh – Công ty sách Thời Đại & NXB Văn Học)
Thực hiện các yêu cầu:
1. Theo tác giả, thế nào là sự độc đáo ?
2. Anh / chị hãy phân biệt các khái niệm: “độc đáo” và “lập dị”; “ngang tàng” với “phá phách”?
3. Anh / chị hiểu như thế nào về quan niệm: “Khả năng con người không tính bằng lượng, mà tính bằng phẩm” ?
4. Từ việc đọc nội dung đoạn trích, anh / chị rút ra được bài học gì cho bản thân ?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về chủ đề: Tôi là duy nhất.
Câu 2 (5,0 điểm)
“Cái mà nhân loại thiếu, đó là một lòng tốt bình thường” (Remarque)
Hãy làm rõ quan niệm ấy qua hai đoạn trích sau:
1. “Cũng may Thị Nở vào. Nếu thị không vào, cứ để hắn vẩn vơ mãi, thì đến khóc được mất. Thị vào cắp một cái rổ, trong có một nồi gì đậy vung. Đó là một nồi cháo hành còn nóng nguyên. Là vì lúc còn đêm, thị trằn trọc một lát, thị bỗng nhiên nghĩ rằng: cái thằng liều lĩnh ấy kể ra thì đáng thương, còn gì đáng thương bằng đau ốm mà nằm còng queo một mình. Giá thử đêm qua không có thị thì hắn chết. Thị kiêu ngạo vì đã cứu sống một người. Thị thấy như yêu hắn: đó là một cái lòng yêu của một người làm ơn. Nhưng cũng có cả lòng yêu của một người chịu ơn. Một người như thị Nở càng không thể quên được. Cho nên thị nghĩ: mình bỏ hắn lúc này thì cũng bạc. Dẫu sao cũng đã ăn nằm với nhau! Ăn nằm với nhau như “vợ chồng”. Tiếng “vợ chồng”, thấy ngường ngượng mà thinh thích (…)
(…) Phải cho hắn ăn tí gì mới được. Đang ốm thế thì chỉ ăn cháo hành. Ra được mồ hôi thì là nhẹ nhõm người ngay đó mà... Thế là vừa sáng thì đã chạy đi tìm gạo. Hành thì nhà thị may lại còn. Thị nấu bỏ vào cái rổ, mang ra cho Chí Phèo”.
(Trích “Chí Phèo” – Nam Cao)
2. “Lần thứ hai, Tràng vừa trả hàng xong, ngồi uống nước ở ngoài cổng chợ tỉnh thì thị ở đâu sầm sập chạy đến. Thị đứng trước mặt hắn sưng sỉa nói:
– Điêu ! Người thế mà điêu !
Hắn giương mắt nhìn thị, không hiểu. Thật ra lúc ấy hắn cũng chưa nhận ra thị là ai. Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt.
– Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt.
À, hắn nhớ ra rồi, hắn toét miệng cười:
– Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
– Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu.
Thị vẫn đứng cong cớn trước mặt hắn.
– Đây, muốn ăn gì thì ăn.
Hắn vỗ vỗ vào túi:
– Rích bố cu, hở!
Hai con mắt trũng hoáy của thị tức thì sáng lên, thị đon đả:
– Ăn thật nhá! ừ ăn thì ăn sợ gì.
Thế là thị ngồi sà xuống ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì. ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở:
– Hà, ngon! Về chị ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố.
Hắn cười:
– Làm đếch gì có vợ. Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về.
Nói thế Tràng cũng tưởng là nói đùa, ai ngờ thị về thật. Mới đầu anh chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Sau không biết nghĩ thế nào hắn chặc lưỡi một cái:
– Chặc, kệ!
Hôm ấy hắn đưa thị vào chợ tỉnh bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con đựng vài thứ lặt vặt và ra hàng cơm đánh một bữa thật no nê rồi cùng đẩy xe bò về…”.
(Trích “Vợ nhặt” – Kim Lân)
Hết
Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 số 8
I. ĐỌC HIỂU
1. Theo tác giả, “Độc đáo chỉ có nghĩa là mỗi người được sinh ra với những điều kiện thể chất và tinh thần khác hẳn nhau”
2.
- “Độc đáo” nghĩa là mỗi người được sinh ra với những điều kiện thể chất và tinh thần khác hẳn nhau; trong khi “lập dị” là cố gắng tỏ ra khác người.
- “Ngang tàng” là ý chí hùng cường, thái độ can đảm trước những thử thách của cuộc sống; trong khi “phá phách” lại là thái độ bất hợp tác, thể hiện sự bất lực trước hoàn cảnh.
3.
- Khả năng của con người được đánh giá bằng phẩm chất, giá trị của người đó và chất lượng của những hành động mà người đó thực hiện; chứ không căn cứ vào hình thức bên ngoài, những lời nói và hành động vô nghĩa.
4.
Thí sinh tự do rút ra bài học, miễn là tích cực và liên quan đến nội dung đoạn trích.
Tham khảo:
- Hãy sống là chính mình
- Hãy thể hiện sự độc đáo của bản thân
- Không nên sống như một bản sao của người khác
II. LÀM VĂN
Câu 1
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về chủ đề: Tôi là duy nhất.
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích, song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận
Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ vấn đề mà đề bài yêu cầu. Có thể theo hướng sau:
- Mỗi người đều được sinh ra với những tố chất và hoàn cảnh khác nhau, cho nên, mỗi người là một cá thể độc đáo, duy nhất.
- Khi ý thức được rằng mình là duy nhất, bạn sẽ có đủ tự tin để phát huy những tiềm năng của bản thân
- Khi ý thức được mình là duy nhất, bạn sẽ không ỷ lại, không sống bám, không lấy hình ảnh, cuộc đời của người khác làm phương châm sống cho mình. Do vậy, bạn cũng không bị người khác chi phối một cách mù quáng.
- Phê phán những người không tự tìm hiểu bản thân, không ý thức về giá trị bản thân.
v.v...
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo:
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
Câu 2
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận
Mở bài nêu được vấn đề; thân bài triển khai được vấn đề; kết bài khái quát được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận
c. Triển khai vấn đề nghị luận:
1. Khái quát
- Tác giả Nam Cao và “Chí Phèo”
- Tác giả Kim Lân và “Vợ nhặt”
- Vị trí và nội dung khái quát của hai đoạn trích
2. Giải thích ý kiến:
“Lòng tốt bình thường” mà Remarque nói đến ở đây chính là những tình cảm tự nhiên nhất, thiết yếu nhất, căn cốt nhất mà con người cần có khi đối nhân xử thế: sự đồng cảm với những số phận bất hạnh, sự sẻ chia đối với những thiếu thốn của đồng loại. Tóm lại, đấy chính là sự chân thành giữa người với người. Tuy nhiên, “lòng tốt bình thường” ấy, vô lý thay, lại là mà nhân loại đang đánh mất.
3. Chứng minh:
a. Đoạn 1:
- Chí Phèo vốn là người lương thiện, nhưng vì bị đẩy vào những hoàn cảnh vô nhân tính, hắn trở nên tha hóa.
- Trước sự tha hóa ấy, Chí hầu như bị cả xã hội quay lưng: Bá Kiến lợi dụng, dân làng Vũ Đại chối bỏ.
- Nhưng thật may mắn, Chí Phèo lại được Thị Nở dùng lòng tốt mà đối đãi:
+ Thị Nở biết Chí Phèo bị ốm, nên đã nấu bát cháo hành mang cho hắn
+ Thị Nở biết Chí Phèo cô độc, nên đã bên cạnh Chí Phèo để giúp hắn thoát khỏi sự cô độc.
=> Với một người dở hơi như Thị Nở, những hành động quan tâm về cả mặt vật chất lẫn tinh thần ấy chỉ xuất phát từ bản tính thiện của con người, một thái độ sống mà một con người bình thường cần phải có để đối xử với đồng loại của mình.
b. Đoạn 2:
- Nhân vật Thị trong truyện ngắn Vợ nhặt là một cô gái tốt tính, hồn nhiên, vui vẻ, chỉ vì nạn đói nên cả nhân hình và nhân tính bị biến dạng.
- Tràng là một gã ngờ nghệch, chính vì ngờ nghệch nên trước thái độ trơ trẽn của người vợ nhặt, Tràng không cảm thấy mếch lòng. Với bản tính và suy nghĩ tự nhiên nhất của một con người căn tính thiện, anh chỉ nhìn thấy rằng:
+ Cô gái này đang đói, vì vậy Tràng cho cô ta ăn
+ Cô gái này đang không nơi nương tựa, nên Tràng đã ngỏ ý muốn cô gái này theo mình về nhà.
=> Thái độ và hành động của Tràng đối với người vợ nhặt, trước khi bàn đến khát khao hạnh phúc, thì đó là sự quan tâm bình thường của một con người bình thường đối với đồng loại của mình.
4. Bàn luận:
- Cách hành xử của Thị Nở với Chí Phèo, của Tràng đối với người vợ nhặt quả thật là những hành động rất đỗi bình thường mà mỗi một con người cần phải có khi đối diện với những bất hạnh của đồng loại.
- Thế nhưng trong cả hai tác phẩm, những hành động đấy lại mang một màu sắc bất thường. Sự bất thường ấy cho thấy hoàn cảnh mà các nhân vật đang sống phi nhân tính đến mức nào. Sự bất thường ấy vừa mang giá trị tố cáo, nhưng cũng vừa mang giá trị nhân đạo vô cùng sâu sắc. Quả thực, cái mà nhân loại thiếu không phải là những thứ cao siêu, xa xỉ, cái mà nhân loại thiếu chính là sự chân thành nguyên thủy giữa người với người, một thứ tình cảm tự nhiên, không vụ lợi, không tính toán.
5. Khái quát vấn đề, khái quát tác giả và tác phẩm
d. Chính tả, ngữ pháp
Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt
e. Sáng tạo
Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.
...................................
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 8. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.