Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 7

Đề thi thử Văn THPT Quốc gia 2021 có đáp án

Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 7 là tài liệu ôn thi hay dành cho các em học sinh lớp 12. Tài liệu bao gồm 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Thí sinh làm đề trong thời gian 120 phút. Mời các bạn cùng tham khảo tại đây.

Đối với các em học sinh, việc luyện đề rất quan trong để đạt điểm cao trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới. Để giúp các em có tài liệu ôn thi hiệu quả, VnDoc giới thiệu bộ đề ôn thi THPT Quốc gia. Đây là bộ tài liệu hay cho các em tham khảo, chuẩn bị cho kì thi sắp tới đạt kết quả cao.

Tham khảo thêm: Bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Ngữ văn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích dưới đây và thực hiện các yêu cầu sau:

Warren Buffet từng nói: "Không bao giờ có ai giống bạn." Một ý tưởng rất thâm thúy. Một con người khôn ngoan. Không bao giờ có ai giống như tôi. Và không bao giờ có ai giống như bạn. Sẽ có người cố gắng bắt chước cách bạn suy tư, nói năng, hành động. Nhưng dù cố gắng hết sức họ cũng chỉ đứng hàng thứ hai mà thôi. Vì bạn là duy nhật. Một bản thể duy nhất tồn tại hôm nay. Giữa hàng tỷ người khác. Hãy dừng lại và suy nghĩ về điều này. Bạn chợt nhận ra rằng mình đặc biệt. Và không thể có ai tranh giành được.

Thế thì hôm nay, bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những con người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn có là chính mình? Hãy tự hỏi. Bởi vì không còn lúc nào thể hiện chính mình tốt hơn lúc này. Và nếu không phải bây giờ thi khi nào? Tôi nhớ đến lời của triết gia Herodotus: "Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra." Một lời nói tuyệt đẹp.

(Trích “Hãy là chính mình” - Robin Sharma)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích trên là gì?

Câu 2. Anh/chị hiểu câu nói: “Không bao giờ có ai giống bạn” thế nào?

Câu 3. Nêu hiệu quả của hàng loạt các câu hỏi tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn trích.

Câu 4. Câu nói: “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra" gợi cho anh chị suy nghĩ gì?

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc ý thức là chính mình của giới trẻ hiện nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Trong bài thơ “Tây Tiến", nhà thơ Quang Dũng miêu tả về hình ảnh người lính:

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Và:

Tây Tiểu đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ trên, từ đó làm sáng tỏ nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bi lụy, ngược lại rất bi tráng” - Trần Lê Văn.

Hết

Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn 2021 số 7

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1

- Phương thức biểu đạt chính của đoạn trích: Nghị luận.

Câu 2.

- Câu nói: “Không bao giờ có ai giống bạn” được hiểu:

+ Bản thân chúng ta là một bản thể độc lập và duy nhất, không ai có thể giống như mình, hay bắt chước để giống như mình từ suy nghĩ đến hành động, cách nói năng hay ngoại hình...

+ Qua đó, tác giả muốn chúng ta phải biết trân trọng bản thân.

Câu 3.

- Các câu hỏi tu từ: Bạn làm gì khi bước vào thế giới cần những người thể hiện vượt trội trong cuộc sống từ trước đến giờ? Bạn đã bộc lộ hết mọi khả năng tiềm ẩn chưa? Bạn đã tiết lộ con người chân thật của mình chưa? Bạn có là chính mình?

+ Hiệu quả của hàng loạt các câu hỏi tu từ được tác giả sử dụng nhằm tạo giọng điệu suy tư, trăn trở về việc chúng ta sống còn giấu mình, chưa bộc lộ, chưa phát huy hết khả năng sẵn có trong con người thực sự của chính mình.

+ Thông qua đó, tác giả nhắc nhở chúng ta, đặc biệt là giới trẻ sống phải biết phát huy năng lực, cống hiến hết mình, thể hiện bản thân sao cho xứng đáng.

Câu 4. Câu nói: “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nữa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước, còn hơn giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra", gợi suy nghĩ:

- Khi ta xác định “sống là chính mình" hoặc thay đổi cuộc sống, công việc, mục tiêu hiện tại thì sẽ có những khó khăn, những trở ngại vì phải thích nghi với những điều mới, làm quen với những điều mà ta chưa từng trải qua. Nhưng:

+ “Thà chấp nhận rủi ro phải gánh chịu một nửa những chuyện xấu mà ta từng dự đoán trước”; có nghĩa là chúng ta chấp nhận những khó khăn, những rủi ro thất bại, những vấp ngã để cho ta kinh nghiệm, để giúp ta trưởng thành còn hơn là đứng yên một chỗ không chịu thay đổi. Những rủi ro, những chuyện xấu mà ta gánh chịu có thể là một nửa hoặc thậm chí thất bại hoàn toàn, thì ít nhất cũng cho ta những bài học, Điều đáng quý hơn cả là ta dám chấp nhận rủi ro mà hành động.

+ “Giữ mãi sự vô danh hèn nhát vì sợ những điều có thể xảy ra”; “những điều có thể xảy ra" ở đây chính là rủi ro, những khó khăn thất bại, những trở ngại, “Giữ mãi sự tố danh hèn nhát” là chúng ta không dám thay đổi, không dám vượt qua mặc cảm của bản thân, không dám sống là chính mình, không tự tin phát huy khả năng tiềm ẩn, không dám tiết lộ con người chân thật của mình.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) về việc ý thức là chính mình của giới trẻ hiện nay.

Mở đoạn: Khi con người hiểu rõ về bản thân mình, sẽ là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công có đến với họ hay không. Điều đó như đánh thức suy nghĩ là chính mình trong chúng ta, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.

Thân đoạn:

1. Là gì? (Giải thích vấn đề: “Chính mình” là gì?)

+ “Chính mình” là sống đúng với tính cách, con người, suy nghĩ, sở thích của mình; Sống thật với những gì tự nhiên vốn có, không gò ép, không áp đặt, không sống để làm vui lòng hay chiều theo ý của người khác.

+ “Ý thức là chính mình” nghĩa là bản thân mình phải hiểu, phải xác định được những gì mình cần, những gì mình thích, những gì mình mong muốn trong cuộc sống. Nếu bạn mạnh mẽ hãy cứ dũng cảm khoác lên mình những bộ đồ cá tính, đừng vì “không phù hợp” mà tỏ ra dịu dàng. (Nếu bạn thích trường Đại học Ngoại thương hãy cứ mạnh dạn đăng ký và quyết tâm để đạt được mục tiêu, đừng vì lời gièm pha của bạn bè mà từ bỏ.)

2. Tại sao cần “ý thức là chính mình”?

+ Bởi xã hội ngày càng phức tạp, để sống là chính mình không phải chuyện dễ dàng. Chúng ta thường bị đầu hàng trước những nỗi sợ hãi, bị mê hoặc bởi những cám dỗ hay thiếu bản lĩnh, không có quan điểm rõ ràng, thích chạy theo số đông, không muốn làm mất lòng người khác...

+ Nếu không được sống là chính mình thì chúng ta sẽ chỉ biết sống một cách gượng ép, hôm nay giống người này, ngày mai giống người kia, hôm nay theo ý người này, ngày mai theo ý người khác... Như vậy, ta sẽ mãi không tìm được lối đi riêng.

+ Đến lúc tuổi trẻ qua đi, hoặc đã quá mệt mỏi khi phải gồng mình lên sống theo ý người khác, chúng ta sẽ thấy mệt mỏi, chán nản và thất vọng, và chắc chắn sẽ phải - sống trong sự tiếc nuối vì đã không sống là chính mình.

3. Làm thế nào để “ý thức là chính mình”?

+ Chúng ta phải xây dựng, học tập, rèn luyện cho mình một cái tâm vững vàng, một trí tuệ sắc sảo, một nền kiến thức vững vàng, tự hình thành cho mình những kỹ năng sống, những quan điểm sống rõ ràng.

+ Không chạy theo số đông, không mù quáng tin tưởng, không sống theo ý người khác, cũng không nên ích kỉ chỉ vì bản thân.

+ Phải xác định rõ: bản thân cần gì, mong muốn gì, mục tiêu trong cuộc sống là gì để cố gắng theo đuổi, ra sức học tập để đạt được.

4. Dẫn chứng chứng minh: Hoa hậu hoàn vũ H'Hen Niê.

Đăng quang ngôi vị cao nhất cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam nhưng không được công chúng đón nhận. Tuy nhiên cô gái người Ê-đê mạnh mẽ vẫn luôn tự ý thức được bản thân, ý thức được nhan sắc của mình có thể đáp ứng đầy đủ tiêu chí của cuộc thi “Hoa hậu Hoàn vũ thế giới” mà H'Hen đã không quản ngày đêm rèn luyện kỹ năng, trau dồi kiến thức để mang chuông đi đánh xứ người. Kết quả chung cuộc, H'Hen lọt vào TOP 5 Hoa hậu hoàn vũ thế giới - thành tích cao nhất mà đại diện Việt Nam từ trước đến nay đạt được. Qua đó, H'Hen Niê đã giúp cho giới trẻ hiểu rõ hơn về việc “ý thức là chính mình” để tự tin bước vào đời, bước vào tương lai, cống hiến một phần sức lực nhỏ bé của mình cho sự phát triển của xã hội của đất nước.

Kết thúc vấn đề.

Câu 2. Cảm nhận của anh chị về hai đoạn thơ trên, từ đó làm sáng tỏ nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bi lụy, ngược lại rất bi tráng” - Trần Lê Văn.

Mở bài

- Nêu được vấn đề sẽ triển khai trong bài viết:

+ Hình ảnh người lính: Hình ảnh người lính hi sinh giữa bao khó khăn gian khổ trên con đường hành quân hùng vĩ dữ dội và tâm hồn vừa lãng mạn hào hoa vừa gợi lên kiêu hùng, bi tráng giữa bao gian khổ, thiếu thốn trong kháng chiến.

+ Dẫn dắt được nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bị lụy, ngược lại rất bi tráng”.

- Đôi nét về tác giả, tác phẩm:

+ Nhà thơ Quang Dũng: là một nghệ sĩ đa tài (làm thơ, vẽ tranh, soạn nhạc...), nhưng trước hết ông là một thi sĩ mang hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu và tài hoa.

+ Bài thơ “Tây Tiến”: Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng và thơ ca kháng chiến chống Pháp.

Thân bài

1. Nêu khái quát về bài thơ:

+ Nguồn cảm xúc chủ đạo và xuyên suốt bài thơ chính là nỗi nhớ da diết của tác giả về vùng núi Tây Bắc và binh đoàn Tây Tiến.

+ Nổi bật lên giữa thiên nhiên vừa hùng vĩ dữ dội, đầy hiểm trở vừa thơ mộng trữ tình là hình ảnh người lính không ngại khó khăn gian khổ, hi sinh thiếu thốn với quyết tâm bảo vệ Tổ quốc, với lý tưởng cao đẹp: “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

2. Cảm nhận hai đoạn thơ:

a. Đoạn thơ thứ nhất: Hình ảnh người lính hi sinh giữa bao khó khăn gian khổ trên con đường hành quân hùng vĩ dữ dội giữa thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người.

Dẫn dắt vào phân tích: Đoạn thơ thứ nhất với bốn câu thơ đầu là hình ảnh người lính hi sinh giữa bao khó khăn, gian khổ trên con đường hành quân hùng vĩ, dữ dội giữa thiên nhiên núi rừng Tây Bắc khắc nghiệt...

- 2 câu đầu: Sự hi sinh của người lính giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

Anh bạn dãi dầu không bước nữa

Gục lên súng mũ bỏ quên đời!

+ Người lính Tây tiến trong cuộc hành quân gian khổ trên những cung đường hùng vĩ dữ dội đã có người ngã xuống vì kiệt sức: “Dãi dầu” là dầm mưa dãi nắng, thấm đẫm sương đêm, trải qua biết bao vất vả khó nhọc; “Không bước nữa” là kiệt sức, là không còn sức lực để bước tiếp: “Gục lên súng mũ” là ngã xuống, nằm xuống “bỏ quên đời” là hi sinh, mất mát.

+ Cách nói giảm nói tránh: “không bước nữa”, “bỏ quên đời” để làm giảm cái bi lụy đi thay vào đó là chất bi tráng, hào hùng.

+ Câu cảm thán: Bày tỏ sự thương tiếc, sự biết ơn đến những người lính đã không màng tuổi trẻ, tuổi xuân của mình để sống và chiến đấu.

- 2 câu sau: Thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang vu, hẻo lánh luôn ẩn chứa những hiểm nguy, cái chết luôn rình rập và có thể đến bất cứ lúc nào.

Chiều chiều oai linh thác gầm thét

Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người

+ Phép nhân hóa: “cọp trêu người – thác gầm thét” để tô đậm sự hoang vu, bí hiểm của núi rừng Tây Bắc.

+ Điệp ngữ: “Chiều chiều”, “đêm đêm” gợi ra không gian về khuya, khi bóng tối tràn ngập thì những hiểm nguy từ thú dữ “cọp” luôn rình rập.

b. Đoạn thơ 2: Hình ảnh người lính Tây Tiến vừa lãng mạn hào hoa vừa gợi lên kiêu hùng, bi tráng giữa bao gian khổ, thiếu thốn trong kháng chiến.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng hiểu thơm

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

Dẫn dắt vào phân tích đoạn thơ thứ hai: Nếu ở đoạn thơ thứ nhất là thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hoang vu luôn ẩn chứa hiểm nguy, để làm nổi bật lên sự hi sinh của người lính, thì đến với đoạn thơ thứ hai ta bắt gặp hình ảnh người lính Tây Tiến của lãng mạn, hào hoa vừa kiêu hùng, bi tráng, giữa bao gian khổ trong kháng chiến…

- 2 câu thơ đầu: Là hình ảnh người lính Tây Tiến kiêu hùng trong gian khổ.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

+ Ngoại hình: ốm yếu, tiều tụy “không mọc tóc” (đầu trọc), “quân xanh màu lá” (da dẻ xanh ngắt, tím tái).

+ Hiện thực cuộc sống chiến đấu gian khổ: do những ngày tháng hành quân vất vả vì đói, vì khát, vì những trận sốt rét rừng ác tính đã làm tóc rụng không mọc lại được, da dẻ héo úa xanh xao...

+ Bên cạnh cái bi ta còn thấy cái hào hùng nhờ thủ pháp nghệ thuật đối lập giữa ngoại hình ốm yếu và tâm hồn bên trong toát lên vẻ “oai hùm”. Điều đó cho thấy người lính Tây Tiến vẫn rất lạc quan, yêu đời, coi thường gian khổ.

- 2 câu thơ sau: Ý chí mãnh liệt và tâm hồn mộng mơ, lãng mạn của người lính.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm

+ Hình ảnh “Mắt trừng” gợi nhiều liên tưởng: “Mắt trùng” là mắt mở to nhìn thẳng về phía kẻ thù với chí khí mạnh mẽ, thể sống chết với kẻ thù. Hoặc cũng là đôi mắt “gửi mộng qua biên giới”: mộng giết giặc, mộng lập công, mộng hòa bình.

+ “Mắt trừng” còn là đôi mắt có tình, đôi mắt “mộng mơ” thao thức nhớ về quê hương, nhớ về Hà Nội, và trong bóng Hà Nội là một “dáng kiều thơm”. Với ý thơ này, ta thấy người lính Tây Tiến không chỉ biết cầm súng, cầm gươm đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc mà còn rất hào hoa, lãng mạn.

- 2 câu thơ tiếp: Là vẻ đẹp của người lính Tây Tiến còn được thể hiện qua lý tưởng và sự hi sinh cao đẹp.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

+ “Biên cương”, “viễn xứ” gợi không gian biên giới xa xôi, hẻo lánh, hoang vu.

+ Câu thơ gợi lên ý niệm về cái chết: nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự thật khốc liệt của chiến tranh, đã chiến tranh là phải có mất mát, phải có hi sinh. Quang Dũng miêu tả về cái chết chứ không hề né tránh hiện thực.

* Cái bị thương bị át bởi vẻ đẹp lý tưởng:

“Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”.

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

+ “Chiến trường” là nơi có bom đạn rơi khốc liệt, nơi cái chết cận kề, dữ dội và gian nan có thể khiến những người lính trẻ hi sinh bất cứ lúc nào. “Đời xanh” là tuổi trẻ, là cuộc sống non xanh mơn mởn, tràn đầy nhựa sống.

+ Thế nhưng, họ đã ra đi mà “chẳng tiếc đời xanh”, hai chữ “chẳng tiếc” đặt giữa câu thơ nói lên thái độ thanh thản dứt khoát, hoàn toàn tự nguyện của những con người quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Tuổi trẻ với bao mơ mộng, hi vọng nhiều là thế, đẹp là thế, đáng yêu là thế mà sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc, hỏi có sự hy sinh nào cao đẹp hơn thế?

- 2 câu thơ cuối: Người lính Tây Tiến với tinh thần sẵn sàng hi sinh, dâng hiến sự sống, tuổi trẻ.

Áo bào thay chiếu anh về đất

Sông Mã gầm lên khúc độc hành

+ Hiện thực cái chết của người lính gợi lên bao niềm thương cảm xót xa khi các anh về nơi an nghỉ cuối cùng một manh chiếu che ngang thi thể cũng không có, nhưng vẫn có một cách hiểu khác về câu thơ “áo bào thay chiếu” (là có chiếu mà không có áo bào) nhưng qua cái nhìn lãng mạn thì chiếc áo bạc vì mưa nắng, rách vì bom đạn đã trở thành chiếc áo bào” sang trọng. Cách nói “áo bào thay chiếu” là cách nói bi tráng hóa, tráng lệ hóa sự hi sinh của người lính.

+ Người lính ra đi dẫu không có tiếng kèn đưa tiễn của đám quân nhạc thì đã có khúc độc hành của dòng sông Mã, với chữ “gầm”, sông Mã đã “gầm lên khúc độc Thành”, tác giả đã trao cho con sông khúc nhạc hồn tử sĩ vừa đau thương vừa uất hận. Dường như cả đất trời, cả quê hương đang nghiêng mình tiễn đưa người lính về nơi an nghỉ cuối cùng.

+ Nghệ thuật nói giảm, nói tránh: “Anh về đất”, vừa làm vơi đi nỗi đau thương vừa vĩnh viễn hoá sự hy sinh cao đẹp. Đối với người lính Tây Tiến chết chưa phải là hết, các anh về đất là về với đất mẹ.

+ Cái chết của người lính có gợi lên sự bị thương nhưng không bị lụy, trái lại vẫn mang vẻ đẹp hào hùng tráng lệ.

3. Làm sáng tỏ nhận xét: “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bị lụy, ngược lại rất bi tráng” - Trần Lê Văn.

- Giải thích:

+ “Nét buồn, nét đau”: là hiện thực cuộc sống kháng chiến đầy gian khổ, thiếu thốn, ở đó là sự hi sinh, mất mát của người lính khi ra chiến trường.

+ “Bi tráng” là vừa đau thương mất mất nhưng lại vừa hào hùng, kiêu hãnh. Câu nói: “Bài thơ Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương, nhưng buồn đau mà không bi lụy, ngược lại rất bi tráng” có nghĩa là sự buồn đau, mất mát, bi lụy chỉ là phảng phất thoáng qua còn vẻ đẹp đọng lại là sự hào hùng, kiêu hãnh, đầy bi tráng.

- Làm sáng tỏ ý kiến:

* “Tây Tiến phảng phất nét buồn, nét đau thương”:

+ Cuộc sống chiến đấu quá gian khổ, quá khắc nghiệt, những người lính phải đánh đổi bằng cả tính mạng, cả tuổi trẻ của mình, phải “bỏ quên đời” trên quãng đường Thành quân; phải gửi thân xác nơi “viễn xứ” xa xôi, hẻo lánh.

+ Cuộc sống chiến đấu trong thiếu thốn: “Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc / Quân xanh màu lá dữ oai hùm” và hi sinh cũng trong sự thiếu thốn: “Áo bào thay chiếu anh về đất”.

* Nhưng “buồn đau mà không bi lụy, ngược lại rất bi tráng”:

+ Tâm hồn người lính vẫn rất lãng mạn hào hoa giữa những vất vả, khó khăn, thiếu thốn, vẫn mơ mộng về một “dáng kiều thơm”.

+ Được khắc họa rõ nét qua sự đối lập giữa ngoại hình ốm yếu, tiều tụy bên ngoài và tinh thần kiên định bên trong “oai hùm”.

+ “Bi tráng” bởi lý tưởng chiến đấu cao đẹp “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, dù biết phía trước là cái chết, xông lên là hi sinh nhưng vẫn tiến lên.

- Đánh giá lại ý kiến: Ý kiến tuy bàn về hai nội dung khác nhau là cái Bi và cái Tráng trong bài thơ Tây Tiến. Nhưng hai nội dung này không tách rời mà ngược lại chúng vừa bổ sung cho nhau vừa cùng nhau tạo nên sức hấp dẫn cho bài thơ.

4. Nghệ thuật:

- Bài thơ sử dụng hệ thống ngôn từ, hình ảnh ấn tượng, thủ pháp nghệ thuật cường điệu, tương phản được vận dụng một cách linh hoạt nhằm tô đậm những nét độc đáo khác thường, những vẻ đẹp cao cả của người lính Tây Tiến.

- Qua đó, làm nổi bật chất hào hoa, kiều dùng của người lính, thể hiện hồn thơ phóng khoáng, lãng mạn, tài hoa của ngòi bút mang tên Quang Dũng.

5. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Nguồn: Trích từ sách "Kỹ năng xử lý và Luyện đề 2020" - cô Trần Thùy Dương

...................................

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Đề thi thử THPT Quốc gia 2021 môn Văn có đáp án số 6. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12... được cập nhật liên tục trên VnDoc.com.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm