Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2019 - Đề số 2

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2019

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn 2019 - Đề số 2, gồm hai phần: Đọc hiểu và Làm văn, có đáp án và hướng dẫn trả lời chi tiết, VnDoc mời các bạn tham khảo nhằm đạt kết quả cao trong thi THPT Quốc gia 2019.

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Sống trong đời sống.
Cần có một tấm lòng
Để làm gì em biết không?
Để gió cuốn đi
Để gió cuốn đi

(2) Gió cuốn đi cho mây qua dòng sông
Ngày vừa lên hay đêm xuống mênh mông
Ôi trái tim đang bay theo thời gian
Làm chiếc bóng đi rao lời dối gian (…)

(3) Hãy yêu ngày tới.
Dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai
Dù vắng bóng ai

(Trích “Để gió cuốn đi”, Trịnh Công Sơn)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản.

Câu 2. Anh/Chị hiểu như thế nào về thông điệp được đề cập ở đoạn 1?

Câu 3. Hình ảnh “trái tim” ở đoạn (2) sử dụng biện pháp tu từ nào? Phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó.

Câu 4. Anh/Chị cảm nhận được gì từ đoạn (3) của văn bản? (Trả lời từ 5-7 câu).

II. LÀM VĂN

Câu 1. Từ nội dung phần Đọc hiểu, Anh/Chị hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày về vấn đề “cho” và “nhận” trong cuộc sống.

Câu 2.

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây thông qua đoạn trích thơ sau:

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi

(Trích “Tây Tiến”, Quang Dũng)

Từ đó liên hệ với khổ thơ sau trong bài thơ “Tràng giang” để làm rõ quan niệm “thi trung hữu họa” thể hiện trong hai đoạn trích thơ này.

Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu,
Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều.
Nắng xuống, trời lên cao chót vót;
Sông dài, trời rộng, bến cô liêu.

(Trích “Tràng giang”, Huy Cận)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2019

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Câu 2

- “Tấm lòng” là toàn thể tình cảm thân ái, tha thiết, sâu sắc nhất đối với người mình yêu quý hay cảm phục.

- “Có một tấm lòng” không phải để mong được người khác ghi nhận, trả ơn mà đó là một cách sống không toan tính để cuộc đời ta được thanh thản và bình yên.

Câu 3

Biện pháp tu từ hoán dụ: “trái tim”.

Tác dụng: trái tim biểu trưng cho tình cảm nồng ấm của con người, là sự kết nối yêu thương.

Câu 4

HS cần chọn cho mình một thông điệp phù hợp và trình bày từ 5-7 câu.

Gợi ý: Đây là ca từ thể hiện một lối sống đẹp, là điều cần có ở mỗi con người trong cuộc sống. Chúng ta cần rèn luyện phẩm chất đạo đức tốt đẹp, rèn luyện “tấm lòng” mình cho ý nghĩa; phê phán sự thờ ơ, vô tâm, vô cảm trong xã hội.

II. LÀM VĂN

Câu 1. Trình bày về vấn đề “cho” và “nhận” trong cuộc sống.

- Trao đi yêu thương để nhận lại vốn là một quy luật luôn có trong cuộc sống.

  • Cho đi không phải là khó nhưng cho đi phải thật lòng khi đó người nhận mới cảm thấy vui và thoải mái.
  • Mỗi chúng ta phải biết cho đi như chính cái nghĩa của chúng, luôn phải xuất phát từ tấm lòng, từ tình thương.

- Mỗi chúng ta không chỉ sống cho bản thân mà còn sống cho gia đình và xã hội.

- Vì vậy cần biết cho và nhận đúng nghĩa của nó; được vậy thế giới này sẽ tràn ngập tình yêu thương.

Câu 2.

Cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên miền Tây thông qua đoạn trích trong bài thơ “Tây Tiến”. Từ đó, liên hệ với khổ thơ trong bài thơ “Tràng giang” để làm rõ quan niệm “thi trung hữu họa” thể hiện trong hai đoạn trích thơ này

* Mở bài.

- Quang Dũng (1921 – 1988) là một nhà thơ tài hoa “xứ Đoài mây trắng”. Đọc thơ ông, người đọc luôn cảm nhận được một tâm hồn phóng khoáng, hào hoa và lãng mạn. Bài thơ “Tây Tiến” được ông viết vào năm 1948 tại Phù Lưu Chanh. Cảm hứng bài thơ bắt nguồn từ nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ (Tây Tiến). Ban đầu bài thơ có tên là “Nhớ Tây Tiến” nhưng về sau đổi thành “Tây Tiến” và in trong tập thơ “Mây đầu ô” (1986).

- Đoạn trích thơ (dẫn thơ) là một trong những đoạn thơ ấn tượng của bài thơ. Không bởi chỉ vì nó lột tả được vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên núi rừng Tây Bắc mà còn ở giá trị nghệ thuật của nó.

* Thân bài.

- Không gian ở câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm” mở ra theo chiều cao và độ sâu. Vì sao?

  • Vì điệp từ “dốc”, cách ngắt nhịp 4/3 tách biệt hai vế (Dốc lên khúc khuỷu/dốc thăm thẳm) gợi địa hình cao mà chỉ toàn dốc là dốc.
  • Bên cạnh đó, từ láy “khúc khuỷu” gợi hình ảnh những con đường triền dốc ngoằn ngoèo, quanh co hoặc những lát cắt địa hình núi trẻ (núi trẻ là địa hình núi điển hình của vùng núi Tây Bắc).
  • Từ láy “thăm thẳm” vừa gợi ra độ cao, vừa gợi ra chiều sâu thăm thẳm. Một trong những điểm thành công của câu thơ này là cách dùng từ láy giàu nhạc tính (chủ yếu là thanh trắc, nhịp điệu nhanh và mạnh) vừa giàu hình ảnh.

- Tới câu thơ “Heo hút cồn mây súng ngửi trời” thì không gian mở ra theo một điểm nhìn khác: từ trên cao nhìn xuống. Ở trên cao xuất hiện những cồn mây trắng, không gian hoang sơ, heo hút.

+ Điểm đặc sắc nhất trong câu thơ là hình ảnh nhân hóa “súng ngửi trời”. Đây là một phép so sánh liên tưởng thú vị, độc đáo. Hình ảnh này không chỉ khiến người đọc hình dung ra độ cao địa hình (cao đến tưởng như súng có thể chạm trời, mà cao thì hiểm trở) mà còn thấy được tinh thần lạc quan, trẻ trung của Quang Dũng thông qua sự liên tưởng tinh nghịch, thú vị này.

+ Đồng thời, nếu tinh tế ta còn cảm nhận thêm được tầm vóc kì vĩ của người lính giữa thiên nhiên. Người ta thường nói leo ngọn núi này, chinh phục ngọn núi kia.

Ở đây, người lính cũng vậy, leo đến đỉnh cao của những ngọn núi: chinh phục thiên nhiên, nâng tầm hình ảnh con người, mà cụ thể ở đây là người lính.

- Điểm nhìn không gian câu thơ này cũng tương tự như câu thơ “Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm”. Nhưng điểm khác biệt là không gian có sự giãn nở và nguy hiểm hơn. Vì nó không còn chỉ là những con dốc nữa mà câu thơ gợi ra địa hình cao thì cao chót vót mà sâu thì sâu hun hút. Để tưởng tượng ra được hình ảnh cụ thể như vậy là nhờ điệp ngữ “ngàn thước” và tính từ mang tính chất đối nghịch: “lên”, “xuống”. Nhịp thơ (4/3, chia tách hai vế) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc biểu đạt độ cao và chiều sâu của địa hình.

- Câu thơ “Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi” phần nào làm giảm mức độ gay gắt, gân guốc về địa hình qua những câu thơ trên, gợi cảm giác nhẹ nhàng, êm ái.

  • Vì cấu tạo âm điệu của các tiếng đều là thanh bằng, mà thanh bằng vốn gợi âm thanh êm tai. Và còn vì điểm nhìn không gian mở rộng mênh mông, gợi cảm giác mát mẻ với những cơn mưa và gợi sự ấm cúng với mái nhà ai thấp thoáng giữa không gian núi rừng hoang vu.
  • Tuy nhiên, nhìn chung câu thơ này vẫn gợi ra độ cao, chiều rộng của địa hình và sự khắc nghiệt của thiên nhiên – những cơn mưa bất chợt, tạo sự trơn trượt cho chuyến quân hành của những người lính.

Liên hệ với khổ thơ trong bài thơ “Tràng giang”, bình luận về quan niệm “thi trung hữu họa” thể hiện trong hai đoạn trích thơ.

- Quan niệm “thi trung hữu họa” (tức trong thơ có họa/tranh/cảnh) đã chỉ ra một đặc trưng của thơ ca trữ tình là giàu hình ảnh. Nhưng khác với nghệ thuật vẽ, người họa sĩ dùng màu để vẽ tranh còn trong thơ ca, thi sĩ lại dùng chất liệu là ngôn từ để tạo nên chất “họa” trong thơ. Hình ảnh trong thơ là sự khách thể hóa những rung cảm nội tâm bởi thế giới tinh thần vốn vô hình nên nhất thiết phải dựa vào những điểm tựa tạo hình cụ thể để hữu hình hóa.

- Xét ở góc độ quan niệm “thi trung hữu họa” này thì giữa đoạn trích thơ trong “Tây Tiến” và đoạn trích thơ trong “Tràng giang” có điểm tương đồng.

  • Cả hai đoạn trích thơ đều được tác giả vận dụng chất liệu ngôn từ gợi hình để phác họa ra bức tranh thiên nhiên phù hợp với cảm xúc, cảm hứng của mình.
  • Tuy đối tượng cảm hứng của hai đoạn trích thơ này (cả hai bài thơ nói chung) đều là thiên nhiên nhưng cội nguồn cảm hứng lại khác nhau: Một miêu tả vẻ đẹp đẹp thiên nhiên núi rừng Tây Bắc hùng vĩ, hiểm trở (“Tây Tiến”), một bên miêu tả không gian bao la, cô quạnh đến rợn ngợp của sông Hồng về chiều.
  • Để phác họa bức tranh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, trong đoạn trích “Tây Tiến”, Quang Dũng vận dụng ngôn từ tạo hình chủ yếu là từ láy (“khúc khuỷu”, “thăm thẳm”, “heo hút”), phép đối (“lên” - “xuống”), điệp từ dốc, phép nhân hóa súng ngửi trời.

- Còn bức tranh sông nước cô liêu, hiu hắt nhưng cũng rợn ngợp của “Tràng giang” cũng được Huy Cận vận dụng chất liệu ngôn từ giàu tính tạo hình như từ láy (“lơ thơ”, “đìu hiu”, “chót vót”), phép đối (“nắng xuống” - “trời lên”, “Sông dài” -“trời rộng”). Ngoài ra những từ ngữ miêu tả không gian rộng như “cồn nhỏ”, “nắng”, “trời”, “sông”, “bến” cũng được vận dụng hiệu quả trong việc tạo tác không gian rộng lớn. Cách dùng âm thanh để miêu tả không gian cũng rất hiệu quả: “Đâu tiếng làng xa”. Xét về phương diện nghệ thuật, tức là việc vận dụng chất liệu ngôn từ nghệ thuật và phương tiện nghệ thuật (biện pháp nghệ thuật) để tạo hình trong hai khổ thơ có nhiều điểm tương đồng, như việc vận dụng ngôn từ giàu chất tạo hình, phép tương phản.

* Kết bài.

- Nhìn chung, cả hai đoạn trích thơ trên là một trong những đoạn thơ tiêu biểu cho quan niệm “thi trung hữu họa”.

- Nó không chỉ mang lại một nét đẹp riêng về phương diện nghệ thuật cho thơ ca mà còn trở thành một thành công trong việc kiến tạo nên bức tranh thiên nhiên vừa đẹp vừa lãng mạn của Việt Nam.

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Đánh giá bài viết
13 46.527
Sắp xếp theo

    Đề đọc hiểu môn Ngữ Văn

    Xem thêm