Đề thi thử THPT Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Lịch sử trường THPT Bến Cát, Bình Dương
Đề thi thử THPT Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Lịch sử trường THPT Bến Cát, Bình Dương là đề thi thử đại học môn Sử, đề thi thử tốt nghiệp môn Sử dành cho các bạn học sinh khối 12 tham khảo và luyện tập. Hi vọng tài liệu này giúp các bạn ôn tập kiến thức môn Lịch sử hiệu quả hơn.
Đề thi minh họa và đáp án kỳ thi THPT quốc gia môn Lịch Sử
Đề thi thử Quốc gia lần 1 năm 2015 môn Lịch Sử trường THPT Lê Hồng Phong, Phú Yên
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử
SỞ GD – ĐT BÌNH DƯƠNG | ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN I – 2015 MÔN LỊCH SỬ THỜI GIAN: 120 phút (Ngày thi 5 / 5 / 2015) |
Câu 1. (3,0 điểm)
Từ năm 1920 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc có vai trò như thế nào đối với cách mạng Việt Nam? Nêu tính đúng đắn, sáng tạo của Cương lĩnh chính trị đầu tiên được Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua.
Câu 2 (2,0 điểm)
Vì sao nói, từ khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh đến những ngày đầu tháng 9 năm 1945 là thời cơ “ngàn năm có một” của dân tộc Việt Nam? Việc chớp thời cơ giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám năm 1945 của Đảng Cộng sản Đông Dương và Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện qua những sự kiện nào?
Câu 3. (2,0 điểm)
Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới trong hoàn cảnh lịch sử nào? Em hiểu như thế nào về đường lối đổi mới?
Câu 4. (3,0 điểm)
Nêu những thành tựu chủ yếu của Liên Xô trong công cuộc xây dựng CNXH từ năm 1950 đến đầu những năm 70 của thế kỉ XX. Những thành tựu này có tác dụng như thế nào đối với Liên Xô và cách mạng thế giới?
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Lịch sử
Câu 1. (3,0 điểm)
a. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc
- Xác định con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam, mở đầu cho việc giải quyết khủng hoảng đường lối lãnh đạo cách mạng. Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê nin. Tháng 12 – 1920, Người tham dự đại hội Tua, bỏ phiếu tán thành quốc tế Cộng sản, tham gia sang lập Đảng cộng sản Pháp. Từ đây, Nguyễn Ai Quốc đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản cho cách mạng Việt Nam. (0,5đ)
- Nguyễn Ái Quốc có vai trò to lớn trong việc chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức tiến tới thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam: tích cực truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam bằng nhiều hình thức như viết sách, báo, tham luận, mở lớp huấn luyện cán bộ, sang lập hội Việt Nam cách mạng thanh niên… (0,5đ)
- Nguyễn Ái Quốc có vai trò quyết định trong việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam: triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành một chính đảng duy nhất. (0,5đ)
- Vạch ra cho cách mạng Việt Nam đường lối chiến lược và sách lược đúng đắn, sang tạo: soạn thảo Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt… có giá trị lí luận và thực tiễn lâu dài đối với cách mạng Việt Nam. (0,5đ)
b. Tính đúng đắn, sáng tạo của Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt
- Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt phản ánh những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa mác – Lê nin và thực tiễn cách mạng việt Nam, đó là kết hợp độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng giai cấp. (0,5đ)
- Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lê nin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, đề ra đường lối chiến lược và sách lược cho cách mạng Việt Nam, kết hợp đúng đắn quan điểm dân tộc và giai cấp, trong đó độc lập, tự do là tư tưởng cốt lõi, xác định lực lượng cách mạng Việt Nam là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức, …gắn cách mạng Việt Nam với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. (0,5đ)
Câu 2 (2,0 điểm)
a. Thời cơ “ngàn năm có một” của dân tộc Việt Nam:
- Trước ngày 15 – 8 – 1945, khi Nhật chưa đầu hàng Đồng minh, thì kẻ thù còn mạnh nên thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền chưa xuất hiện. (0,25đ)
- Vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 – 1945, khi quân Đồng minh kéo vào nước ta thì thời cơ đã qua, nhân dân Việt Nam không còn cơ hội khởi nghĩa giành chính quyền, nếu đứng lên khởi nghĩa thì phải đối mặt với nhiều kẻ thù cùng một lúc. (0,25đ)
- Từ khi Nhật đầu hàng đến khi quân Đồng minh kéo vào nước ta, “thời cơ ngàn năm có một” xuất hiện tạo điều kiện vô cùng thuận lợi cho nhân dân ta khởi nghĩa giành chính quyền: quân Nhật ở Đông Dương rệu rã, chính phủ Trần Trọng Kim hoang mang, tầng lớp trung gian ngả hẳn về phía cách mạng, Đảng ta đã chuẩn bị đầy đủ, nhân dân đã sẵn sàng,… (0,25đ)
b. Những sự kiện thể hiện việc chớp thời cơ:
- Ngày 13 – 8 – 1945, ngay sau khi nhận được tin Nhật sắp đầu hàng, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt minh đã thành lập Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc, ban bố “Quân lệnh số 1”, chính thức phát lệnh Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc. (0,25đ)
- Các ngày 14, 15-8-1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), quyết định phát động Tổng khởi nghĩa trong cả nước, thông qua những vấn đề đối nội, đối ngoại sau khi giành được chính quyền. (0,25đ)
- Tiếp đó, từ ngày 16 đến 17-8-1945, Đại hội quốc dân ở Tân Trào tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa, thông qua 10 chính sách của Việt Minh, cử ra Uỷ ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. (0,25đ)
- Chiều ngày 16-8-1945, một đơn vị của đội Việt Nam Giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, tiến về giải phóng thị xã Thái Nguyên, mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta chớp lấy thời cơ giành chính quyền ở Hà Nội (19 – 8), Huế (23-8-1945), Sài Gòn (25-8-1945), quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám trong cả nước. (0,5đ)
Câu 3. (2,0 điểm)
a. Hoàn cảnh:
- Trong thời gian thực hiện hai kế hoạch nhà nước 5 năm (1976 – 1985), Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng, trước hết là khủng hoảng kinh tế - xã hội. (0,5đ)
- Sai lầm về chủ trương, chính sách lớn, về chỉ đạo chiến lược và tổ chức thực hiện diễn ra nghiêm trọng và kéo dài. (0,25đ)
- Cuộc khủng hoảng ở Liên Xô và Đông Âu đang diễn ra trầm trọng. (0,25đ)
b. Hiểu về đường lối đổi mới:
- Đổi mới không phải thay đổi mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà làm cho mục tiêu ấy được thực hiện có hiệu quả hơn bằng những hình thức, bước đi và biện pháp thích hợp. (0,5đ)
- Đổi mới phải toàn diện, đồng bộ từ kinh tế, chính trị đến tổ chức, tư tưởng, văn hóa: đổi mới kinh tế phải gắn với đổi mới chính trị, song đổi mới kinh tế là trọng tâm. (0,5đ)
Câu 4. (3,0 điểm)
a. Thành tựu:
- Kinh tế:
- Công nghiệp: LX trở thành cường quốc công nghiệp đứng thứ hai thế giới (Sau Mĩ), đi đầu thế giới nhiều ngành công nghiệp như: công nghiệp vũ trụ, nghiệp điện hạt nhân (0,5đ)
- Nông nghiệp: Trung bình hàng năm tăng 16% dù gặp nhiều khó khăn. (0,25đ)
- KHKT đạt nhiều tiến bộ vượt bậc. Năm 1957, LX là nước đầu tiên phóng thành công vệ tinh nhân tạo. năm 1961, Liên Xô đã phóng tàu vũ trụ đưa con người bay vòng quanh trái đất, mở đầu kỉ nguyên chinh phục vũ trụ của loài người (0,5đ)
- Văn hoá – xã hội có nhiều biến đổi, ¾ dân số có trình độ đại học và trung học. Xã hội luôn ổn định về chính trị. (0,5đ)
- Về đối ngoại: Liên Xô thực hiện chính sách bảo vệ hòa bình thế giới, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc và giúp đở các nước XHCN. (0,5đ)
b. Tác dụng:
- Liên Xô có đủ sức mạnh để bảo vệ chế độ Xô Viết và trở thành một cực trong thế giới hai cực Ianta. (0,25đ)
- Là điều kiện để Liên Xô duy trì hòa bình thế giới, cho sự tồn tại của phe xã hội chủ nghĩa, ủng hộ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân của các dân tộc bị áp bức. Liên Xô trở thành chỗ dựa vững chắc của hòa bình và cách mạng thế giới. (0,5đ)