Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Hai Bà Trưng, Thừa Thiên Huế

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 2 năm 2015 trường THPT Hai Bà Trưng, Thừa Thiên Huế là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án mà VnDoc.com xin gửi tới các bạn tham khảo và nghiên cứu, chuẩn bị ôn tập tốt nhất cho kì thi Quốc gia đang tới rất gần. Mời các bạn tham khảo và chúc các bạn đạt kết quả tốt trong các bài thi quan trọng sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 3 năm 2015 trường THPT Hai Bà Trưng, Thừa Thiên Huế

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2015 môn Ngữ văn trường THPT Trần Thị Tâm, Quảng Trị

SỞ GD&ĐT THỪA THIÊN HUẾ
TRƯỜNG THPT HAI BÀ TRƯNG
(ĐỀ CHÍNH THỨC)
THI THỬ KỲ THI THPT NĂM HỌC 2014-2015
Lần thứ hai - Môn: Ngữ văn
Thời gian làm bài: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

Họ và tên thí sinh: ................................................................... Số báo danh: .....................

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến Câu 4:

...(1)Vậy tìm hứng thú học văn ở đâu?

Trước hết, cần tìm ngay ở môn Ngữ văn, một môn học rất hay.Văn chính là môn học chứa đựng và truyền tải đi những thông điệp của tình cảm, cảm xúc đẹp ở con người. Học văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung quanh.

(2) Môn Văn ở bất cứ nước nào cũng được coi là môn học làm người. Tôi nhớ khi còn đi học, vào ngày tựu trường, mẹ tôi cũng dắt tay tôi đến trường, lúc đó tôi không biết gọi cảm xúc lòng mình đang có là gì, chỉ đến khi cô giáo của tôi đọc một đoạn trong bài Tôi đi học của Thanh Tịnh, tôi mới hiểu được cái hơi thu se lạnh, cái siết tay nắm chặt của mẹ và cảm giác vừa hân hoan vừa lo sợ của tôi,...Nếu không có áng văn đó chắc phải lâu lắm tôi mới hiểu được những tình cảm và cảm xúc tốt đẹp ngây thơ khi còn nhỏ dại.

(3) Cùng những tình cảm đẹp mà các em học được từ những áng văn hay, kết hợp với suy nghĩ trong sáng, học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng. Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành. Chính sự lớn lên và trưởng thành đó sẽ tặng các em hứng thú học văn."

(Trích Tìm hứng thú học văn - Phong Thu, Tạp chí Văn học và tuổi trẻ số 2, NXB Giáo dục, 2015)

Câu 1. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích trên. (0,5 điểm)

Câu 2. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn (2)? (0,25 điểm)

Câu 3. "Học văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung quanh... học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng. Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành."

Anh/chị hãy cho biết quan điểm trên của tác giả là nhằm khẳng định điều gì? (0,5 điểm)

Câu 4. Khi có hứng thú học văn, anh/ chị sẽ rút ra được điều bổ ích nào cho bản thân? Trả lời trong khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ Câu 5 đến Câu 8:

...Muốn nói bao nhiêu, muốn khóc bao nhiêu
Bài hát đầu xin hát về trường cũ
Một lớp học bâng khuâng màu xanh rủ
Sân trường đêm-Rụng xuống trái bàng đêm.
Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?
"-Có một nàng Bạch Tuyết các bạn ơi
Với lại bảy chú lùn rất quấy"
"- Mười chú chứ, nhìn xem trong lớp ấy"
(Ôi những trận cười trong sáng đó lao xao).

(Trích Chiếc lá đầu tiên- Hoàng Nhuận Cầm, Theo Tình bạn tình yêu thơ, NXB Giáo dục, 1987)

Câu 5. Đoạn thơ trên được viết theo thể thơ nào? (0,25 điểm)

Câu 6. Xác định biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong bốn dòng thơ sau: (0,5 điểm)

Nỗi nhớ đầu anh nhớ về em
Nỗi nhớ trong tim em nhớ về với mẹ
Nỗi nhớ chẳng bao giờ nhớ thế
Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?

Câu 7. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên. (0,5 điểm)

Câu 8. Ghi lại cảm xúc của anh/ chị khi đọc đoạn thơ trên.Trả lời khoảng 5-7 dòng. (0,25 điểm)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Viết bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến sau của GWelles:

"Thử thách lớn nhất của con người là lúc thành công rực rỡ''

Câu 2. (4,0 điểm)

Hình ảnh người mẹ trong các truyện ngắn: Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu).

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Câu 1. Câu văn nêu khái quát chủ đề của văn bản: Vậy tìm hứng thú học văn ở đâu?

  • Điểm 0,5: Ghi lại đúng câu văn trên
  • Điểm 0: Ghi câu khác hoặc không trả lời

Câu 2. Phương thức biểu đạt tự sự/ tự sự.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo một trong các cách trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 3. ... "Học văn sẽ giúp các em hiểu hơn về những điều đáng quý, đáng yêu trong cuộc sống, biết yêu những con người bình dị xung quanh.";..."học Văn sẽ kích thích trí tưởng tượng của các em, khiến các em biết ước mơ, biết hi vọng.Có ước mơ các em sẽ lớn lên và trưởng thành."

Tác giả muốn khẳng định: tầm quan trọng, tác động của việc học văn đối với tình cảm, nhận thức con người; đồng thời đó cũng là động lực để tạo nên niềm hứng thú học văn.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, chặt chẽ.

  • Điểm 0,5: Trả lời theo cách trên
  • Điểm 0,25: Câu trả lời chung chung, chưa thật rõ ý
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 4. Câu trả lời phải chặt chẽ, có sức thuyết phục, thể hiện nhận thức tích cực của người học.

  • Điểm 0,25: Rút ra được điều bổ ích cho bản thân theo hướng trên
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Nêu nhưng không hợp lí;
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý, không có sức thuyết phục;
    • Không có câu trả lời.

Câu 5. Thể thơ tự do/ tự do.

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng theo 1 trong 2 cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 6. Hai biện pháp tu từ: Điệp từ (Nỗi nhớ....nhớ), câu hỏi tu từ (trong câu Bạn có nhớ trường, nhớ lớp, nhớ tên tôi?)

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0,25: Trả lời đúng 1 trong 2 biện pháp tu từ theo cách trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời

Câu 7. Nội dung chính của đoạn thơ: Đoạn thơ là kí ức của tác giả về những kỉ niệm tuổi học trò (trường cũ, lớp học năm xưa, bạn bè, những trò nghịch ngợm...và cả tình yêu đầu tiên của mình); là tình cảm trong sáng, là nỗi bâng khuâng nhớ tiếc, là gắn bó thiết tha vừa ấm áp ngọt ngào, vừa chân thật hồn nhiên.

Có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đầy đủ 2 ý trên hoặc diễn đạt theo cách khác nhưng hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trả lời được 1 trong 2 ý trên; trả lời chung chung, chưa thật rõ ý.
  • Điểm 0: Trả lời không hợp lí hoặc không có câu trả lời.

Câu 8. Ghi lại cảm xúc chân thành, suy nghĩ trong sáng, lời lẽ thuyết phục.

  • Câu trả lời phải hợp lí.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ theo hướng trên.
  • Điểm 0: Cho điểm 0 đối với một trong những trường hợp sau:
    • Câu trả lời chung chung, không rõ ý;
    • Không có câu trả lời.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:Thử thách trong cuộc đời không chỉ gặp lúc khó khăn mà ngay cả khi thành công.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác giải thích, chứng minh, bình luận); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Giải thích ý kiến để thấy được: Ý nghĩa câu nói (thành công là khi con người đạt được mục đích, lí tưởng và mang lại thành quả tốt đẹp và vinh quang; thử thách là những thách thức, những khó khăn trong cuộc sống...câu nói muốn nhấn mạnh thử thách trong cuộc đời không chỉ khi gặp khó khăn mà kể cả lúc gặt hái thành công); con đường dẫn đến thành công phải trải qua nhiều chông gai nhưng giữ được thành quả còn khó khăn hơn nữa, đó là thử thách lớn nhất của đời người; khi thành công dễ tự kiêu, tự đại; khi thành công dễ đánh mất giá trị bản thân, chạy theo lối sống hưởng thụ; khi thành công dễ bằng lòng với kết quả, thiếu ý chí phấn đấu; khi thành công dễ tham vọng và sống gần với thủ đoạn....
    • Chứng minh tính đúng đắn (hoặc sai lầm; hoặc vừa đúng, vừa sai) của ý kiến bằng việc bày tỏ sự đồng tình (hoặc phản đối; hoặc vừa đồng tình, vừa phản đối) đối với ý kiến. Lập luận phải chặt chẽ, dẫn chứng tiêu biểu có sức thuyết phục.
    • Bình luận mở rộng và rút ra bài học cho bản thân , những người xung quanh: Biết tận hưởng, tự hào về những thành công của bản thân nhưng không nên ngủ quên trong chiến thắng; không ngừng phấn đấu để đạt được thành công mà không đánh mất mình.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Hình ảnh người mẹ trong các truyện ngắn Vợ nhặt (Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu)
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

  • Giới thiệu về hai tác giả, hai tác phẩm;
  • Về hình ảnh hai người mẹ:
    • Nhân vật bà cụ Tứ trong tác phẩm Vợ nhặt:
      • Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật đặc điểm nhân vật (hoàn cảnh, số phận, phẩm chất) và chỉ rõ nghệ thuật nhà văn sử dụng để xây dựng nhân vật:
      • Đó là người mẹ nông dân nghèo của nạn đói năm 1945; là người mẹ với cuộc đời vất vả và đầy hờn tủi; là người mẹ của tình yêu thương, của tấm lòng nhân hậu, bao dung, là người mẹ thắp sáng niềm tin của tương lai...
      • Ngòi bút Kim Lân tài tình trong cách xây dựng nhân vật từ việc khéo tạo tình huống truyện độc đáo, bất ngờ đến việc xuất hiện cuối cùng của bà cụ Tứ trong cốt truyện hay giọng kể chậm rãi kéo dài theo tâm trạng ...
    • Nhân vật người đàn bà hàng chài trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa:
    • Thí sinh có thể trình bày theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật đặc điểm nhân vật (hoàn cảnh, số phận, phẩm chất) và chỉ rõ nghệ thuật nhà văn sử dụng để xây dựng nhân vật:
      • Đó là người mẹ có số phận bất hạnh và éo le, là người mẹ cam chịu đau đớn đòn roi như một phần cuộc đời mình, là người mẹ giàu đức hi sinh, vị tha bao dung, là người mẹ thấu hiểu lẽ đời, là biểu tượng của tình mẫu tử...
      • Nguyễn Minh Châu có cách triển khai cốt truyện sáng tạo, khắc họa nhân vật sắc sảo, lối kể chuyện trầm tĩnh, lời văn mộc mạc nhiều dư vị; có tình huống độc đáo thể hiện rõ tính cách nhân vật và thông điệp nhà văn gửi gắm.
  • Nét tương đồng và khác biệt giữa hai nhân vật:
    • Thí sinh có thể diễn đạt theo những cách khác nhau, nhưng cần làm nổi bật được:
    • Sự tương đồng:
      • Đều là những người phụ nữ có số phận hẩm hiu, thiệt thòi.
      • Đều có phẩm chất, vẻ đẹp tâm hồn tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam truyền thống: tấm lòng nhân hậu, giàu đức hi sinh, tình mẫu tử...
      • Đều được xây dựng từ những chi tiết nghệ thuật chân thực, thấm đẫm tinh thần nhân đạo.
    • Sự khác biệt:
      • Hai người mẹ sống trong hai hoàn cảnh xã hội ở hai giai đoạn lịch sử khác nhau nên có nét khác biệt về hoàn cảnh, cá tính và biểu hiện phẩm chất.
      • Bút pháp miêu tả nhân vật có nét riêng: nhân vật bà cụ Tứ được miêu tả bằng bút pháp hiện thực gắn liền với cảm hứng nhân đạo sâu sắc, người đàn bà hàng chài được miêu tả bằng cảm hứng thế sự đời thường, giọng văn giàu triết lí.
  • Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

- Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.

- Điểm 1,0 -1,25: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.

- Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

- Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm