Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đặng Thúc Hứa, Nghệ An (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đặng Thúc Hứa, Nghệ An (Lần 2) có đáp án đi kèm, là tài liệu ôn thi THPT Quốc gia, luyện thi Đại học, Cao đẳng 2016 hiệu quả. Đề thi được biên soạn theo cấu trúc giống đề thi minh họa của Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành, mời các bạn tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn trường THPT Đặng Thúc Hứa, Nghệ An (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Ngọc Tảo, Hà Nội

SỞ GD & ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT ĐẶNG THÚC HỨA

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA - LẦN 2, NĂM 2016

MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài 180 phút)

I/ PHẦN ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm):

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Thương biển lắm cha ơi

Đứng dậy đi cha!
Cha ngồi đó đã nhiều ngày.
Mắt ráo hoảnh nhìn ra phía biển
Chiếc điếu cày mấy ngày cha không động đến
Con thấy đau nhói tận tim mình
Tấm lưới trên tay cha đặt xuống, nâng lên
Con biết cha đứt từng khúc ruột.
"Biển chết rồi con ơi"!
Cha khóc.
Lần đầu tiên nước mắt người đàn ông đi biển như cha
vỡ ra như tia máu chảy quanh hốc má gầy gò.
Dân Miền Trung quê tôi
Mấy tuần nay không còn tiếng reo hò
Câu chuyện ra khơi không còn trong bữa ăn làng biển
Mẹ bỏ chợ, thuyền úp mình trên bến
Người ngư dân rồi sẽ ra sao
Làng biển quê tôi vốn dĩ đã quá nghèo
Cuộc sống mưu sinh từ con tôm con cá
Thuyền lưới ra khơi một đời cha chằm vá
Nuôi con nuôi cháu trưởng thành.
Có biển nơi mô như biển quê mình
Cá dưới lòng sâu cá trên mặt nước
Bao nhiêu cá chết vì nhiễm độc
Biển gào lên thủy táng những linh hồn
Làng biển quê tôi chìm ngập nỗi buồn
Cá chết hồn oan mắt chưa kịp nhắm.
Đứng dậy đi cha
Con thương cha nhiều lắm
Con biết người thương nhớ biển cha ơi!
.........

Hoa Trần 26/4/2016

Câu 1. Bài thơ được viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Xác định các từ ngữ thể hiện tâm trạng trong bài thơ?

Câu 3. Chỉ ra các phương thức biểu đạt chính trong bài thơ?

Câu 4. Điều gì trong bài thơ tạo nên sự bất ngờ và gây được ấn tượng mạnh đối với người đọc. Theo anh/chị thái độ của nhân vật trữ tình trong bài thơ được thể hiện như thế nào? (Trình bày trong khoảng 5 dòng).

Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 5 đến câu 8:

"Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi. Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước".

(Hồ Chí Minh)

Câu 5. Anh/ chị hãy đặt tên cho đoạn trích.

Câu 6. Chỉ ra phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn.

Câu 7. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật nào trong câu "Nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước"? Với hai cụm động từ lướt qua... và nhấn chìm..., tác giả đã khẳng định điều gì? Sự khẳng định đó đã được chứng minh như thế nào trong lịch sử giữ nước oanh liệt của dân tộc?

Câu 8. Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về lòng yêu nước của con người Việt Nam thời hiện đại? (trình bày trong khoảng 5- 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

"Ông trồng chè khoe họ được uống chè từ khu trồng sạch nhà quây riêng dành cho gia đình, khu còn lại tất nhiên là chè bẩn để bán. Bà bán rau cũng hân hoan nói nhà mình được ăn rau ở khu trồng sạch, khu nhiều thuốc là để bán. Ông bán thịt lợn cũng vậy.

Nhưng họ không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác... Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi..."

(Chia sẻ của Trần Nhất Hoàng - cựu thành viên ban nhạc Bức Tường khi nhắc đến kỷ niệm về cố nhạc sỹ Trần Lập).

Anh chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về thực trạng được nói đến trong đoạn trích trên bằng bài viết (khoảng 600 chữ)?

Câu 2. (4,0 điểm)

Anh (chị) hãy cảm nhận hai đoạn thơ sau:

"Sao anh không về chơi thôn Vĩ"?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền"...

(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mặc Tử)

Và:

"Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi!
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha luông mưa xa khơi

(Tây Tiến - Quang Dũng)

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Câu 1 (0,25 điểm)

Bài thơ được viết theo thể thơ tự do

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 2 (0,25 điểm)

Các từ ngữ thể hiện tâm trạng trong bài thơ: đau nhói, nỗi buồn, thương cha nhiều lắm, thương nhớ biển, thương biển lắm ....

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 3. (0,5 điểm)

Các phương thức biểu đạt chính trong bài thơ: Biểu cảm, Tự sự.

  • Điểm 0,5: Trả lời đúng, đủ cả hai phương án trên.
  • Điểm 0,25: Đúng một trong hai phương án trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 4. (0,5 điểm)

Điều tạo nên sự bất ngờ và gây được ấn tượng mạnh đối với người đọc: Hiện tượng ô nhiễm môi trường những tác động của con người đến thiên nhiên: khiến cho không chỉ con người chết dần chết mòn mà kể cả thiên nhiên cũng không "sống" nổi: "Biển chết rồi con ơi"...

Thái độ của nhân vật trữ tình trong bài thơ: Đồng cảm, sẻ chia trước những nhọc nhằn vất vả, mất mát của những người dân miền biển vốn dĩ đã quá nghèo, tương lai còn mờ mịt. Ngầm lên án, phê phán tác động của con người đến môi trường sống,...

  • Điểm 0,5: Đáp ứng được các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đúng một trong hai ý trên.
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 5. (0,25 điểm)

Đặt tên cho đoạn trích: "Tinh thần yêu nước của nhân dân ta" ...

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 6. (0,25 điểm)

Phép liên kết chủ yếu được sử dụng trong đoạn văn: Phép thế với các đại từ "đó, ấy, nó"

  • Điểm 0,25: Trả lời đúng
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không trả lời.

Câu 7. (0,5 điểm)

  • Tác giả đã sử dụng nghệ thuật ẩn dụ khi ngầm so sánh sức mạnh của lòng yêu nước với "một làn sóng..."; sử dụng phép điệp trong cấu trúc "Nó kết thành... nó lướt qua... nó nhấn chìm...", điệp từ "nó"; phép liệt kê trong cả ba vế câu...
    • Với hai cụm động từ lướt qua... và nhấn chìm..., tác giả đã khẳng định sức mạnh vô địch của lòng yêu nước giúp nhân dân ta có thể vượt qua mọi khó khăn để chiến thắng mọi kẻ thù đe dọa chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
    • Có thể chứng minh bằng những trang sử hào hùng của dân tộc, từ những cuộc chiến chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh... tới hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ..., khi chúng ta là một nước nhỏ nhưng chưa hề khuất phục trước bất cứ kẻ thù xâm lược nào.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng được các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đúng một trong hai ý trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không có câu trả lời.

Câu 8. (0,5 điểm)

  • Lòng yêu nước của con người Việt Nam thời hiện đại (thời kì của kinh tế thị trường, hội nhập...)
    • Con người Việt Nam vừa tiếp nối truyền thống cha ông, thể hiện lòng yêu nước trong ý thức bảo vệ, giữ gìn chủ quyền thiêng liêng của dân tộc;
    • Có ý thức bảo vệ truyền thống văn hóa, những giá trị tinh thần của dân tộc như phong tục, tập quán, những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể;
    • Thể hiện ý thức tự tôn dân tộc bằng những hành động cụ thể, thiết thực;
    • Xây dựng đất nước giàu mạnh để có thể tự hào sánh vai các cường quốc trên thế giới;
    • Bảo vệ danh dự con người Việt Nam trước cộng đồng quốc tế...
  • Điểm 0,5: Đáp ứng được các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đúng một trong hai ý trên
  • Điểm 0: Trả lời sai hoặc không có câu trả lời.

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận xã hội để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được nhận thức của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu như trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
  • Điểm 0, 25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm, biết kết hợp giữa nêu lí lẽ vàđưa dẫn chứng; dẫn chứng phải lấy từ thực tiễn đời sống, cụ thể và sinh động (1,0 điểm):

  • Điểm 1,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:
    • Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách nhưng cần làm nổi bật các ý sau đây:
    • Giải thích ý kiến:
      • Thế nào là thực phẩm bẩn (là những thực phẩm chứa các chất độc hại, tác động tiêu cực đến sức khỏe và tính mạng con người.
      • "Tính ích kỷ, hẹp hòi" là bản tính chỉ nghĩ đến lợi ích của bản thân, lợi ích trước mắt mà không nghĩ đến lợi ích lâu dài, lợi ích của người khác.

-> Đoạn trích trên đã nói đến thực trạng một bộ phận người dân khi sản xuất, vì tính ích kỷ, hẹp hòi và độc ác nên chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho thực phẩm mình dùng, còn thực phẩm đem bán, cho thì không quan tâm.

-> Đoạn trích trên là lời chia sẻ đầy xót xa của cựu thành viên ban nhạc Bức Tường- Trần Nhất Hoàng về hiện tượng biến chất trong lương tâm của những người làm nhiệm vụ sản xuất, cung cấp nhu cầu vật chất cho xã hội. Đó là sự lo lắng sâu sắc trước thái độ không màng đến sức khỏe người tiêu dùng thực phẩm. những người nông dân hàng ngày vẫn tạo ra hàng nghìn, hàng tỉ tấn " thực phẩm bẩn" làm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

    • Bàn luận vấn đề
      • Bàn luận thực trạng về thực phẩm bẩn và tính ích kỷ, hẹp hỏi của một bộ phận người trong xã hội.
        • "Trên thực tế, không chỉ có người dân sản xuất nhỏ lẻ để bán mà còn có các nhà máy, xí nghiệp sản xuất hàng loạt sản phẩm kém chất lượng, những thực phẩm độc hại cung cấp cho người tiêu dùng nhằm thu lợi. Bộ phận người này chỉ chú ý đảm bảo an toàn cho những thực phẩm mà mình sử dụng hàng ngày còn coi thường chất lượng của sản phẩm đem bán, tiêu thụ." (dẫn chứng).
      • Bàn luận về nguyên nhân và hậu quả của thực trạng nói trên.
      • Nguyên nhân khiến những người tiêu dùng không quan tâm sức khỏe của người khác chính là vấn đề lợi nhuận. Vì lợi nhuận nên khi trồng trọt, chăn nuôi họ thường sử dụng các loại chất kích thích, các hóa chất độc hại thì cây trồng vật nuôi sẽ phát triển nhanh, ít sâu bệnh, nhanh thu lợi.
        • Đi liền mục đích lợi nhuận chính là sự xuống cấp về lương tâm, đạo đức và là biểu hiện của một trình độ nhận thức hẹp hòi, ích kỷ.
      • Hậu quả của việc chỉ nghĩ đến bảo vệ mình và xem thường sức khỏe, tính mạng của người khác là tình trạng mọi người đang tìm cách giết hại lẫn nhau, vì "chúng ta không thể cả đời chỉ uống trà, ăn rau hay ăn thịt, họ uống trà sạch nhưng vẫn phải ăn rau bẩn của kẻ khác, ăn rau nhà sạch nhưng vẫn ăn thịt bẩn của kẻ khác... Chúng ta đang giết nhau trong khi cảm thấy an tâm đã bảo vệ được gia đình mình ở một góc nhỏ hẹp hòi...".
      • Trong phần này, nên lấy dẫn chứng từ những sự việc gây phẫn nộ như tiêm thuốc siêu nạc, thuốc an thần, tiêm thuốc chất salbutamol... là nguyên nhân gây ra biến tướng về mặt sức khỏe, thậm chí là nguyên nhân của bệnh ung thư.
      • Giải pháp
        • Nâng cao ý thức, tuyên truyền về nhận thức của người sản xuất trong xã hội về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và đảm bảo sức khỏe của xã hội
        • Tăng cường kiểm soát, ra những quy định xử phạt các cơ quan sản xuất thực phẩm bẩn nghiêm minh từ nhà nước.
        • Mỗi cá nhân cần tỉnh táo hơn trong việc lựa chọn thực phẩm cho mình và gia đình
    • Bài học nhận thức và hành động: rút ra bài học cho bản thân mình,
      • Nêu cao ý thức tự giác trong việc cung cấp thực phẩm sạch, an toàn cho mình và cho người khác
      • Lên án những kẻ chạy theo lợi ích trước mắt, xem thường sức khỏe, tính mạng người khác...
      • Những bài học này cần đưa ra một cách tự nhiên, chân thành, tránh sáo rỗng, hô khẩu hiệu.
  • Điểm 0,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (giải thích, chứng minh, bình luận) còn chưa đầy đủ hoặc liên kết chưa thật chặt chẽ.
  • Điểm 0,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; thể hiện được quan điểm và thái độ riêng, sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

Câu 2. (4,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc sơ sài.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: khám phá, sáng tạo riêng của mỗi nhà thơ qua hai đoạn trích
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (2,0 điểm):

- Điểm 2,0: Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

1. Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hai đoạn thơ.

2. Phân tích, cảm nhận về hai đoạn thơ

2.a. Đoạn thơ "Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử

  • Nội dung:
    • Vẻ đẹp thôn Vĩ Dạ xứ Huế buổi bình minh: Thanh khiết, tinh khôi, sum suê, tươi tốt.
    • Tâm trạng: Khao khát ước mong, đắm say mãnh liệt hướng về tình yêu, cuộc đời.
  • Nghệ thuật
    • Bút pháp lãng mạn trữ tình
    • Ngôn ngữ cực tả, trong sáng súc tích
    • Những hình ảnh thơ giàu sức gợi
    • Các biện pháp tu từ: Câu hỏi tu từ, phép điệp, so sánh...

2b. Đoạn "Tây tiến" Quang Dũng

  • Nội dung: Nỗi nhớ của nhà thơ về thiên nhiên và những cuộc hành quân của đoàn binh Tây Tiến.
    • Thiên nhiên: Dữ dội, hoang sơ mà hùng vĩ thơ mộng.
    • Đoàn binh Tây Tiến: Vất vả, gian lao, những cuộc hành quân giữa núi rừng khắc nghiệt; anh hùng, lãng mạn hào hoa.
  • Nghệ thuật:
    • Bút pháp lãng mạn, tinh thần bi tráng.
    • Sử dụng các thủ pháp: Tương phản, cường điệu, điệp từ...
    • Ngôn ngữ: Giàu tính tạo hình, giàu chất hoạ, chất nhạc.

3. Sự tương đồng, khác biệt

  • Tương đồng:
    • Cả hai đoạn thơ đều thể hiện qua hồi tưởng, niềm gắn bó tha thiết, sâu sắc về cảnh về người
    • Bằng thể thơ bảy chữ hiện đại.
    • Chính cái tôi lãng mạn chắp cánh cho cảnh vật thêm thơ mộng, huyền ảo, lung linh. Cả hai đoạn thơ đều cho thấy nét bút tài hoa của hai thi sĩ
  • Khác biệt:
    • Trong "Đây thôn Vĩ Dạ": Hồi ức về cảnh và người thôn Vĩ Dạ xứ Huế với những nét đặc trưng và mang đậm tâm tình, ước mong khao khát của thi nhân hướng về tình yêu, cuộc đời.
    • Trong "Tây Tiến": Nỗi nhớ da diết về đồng đội về thiên nhiên hoang sơ dữ dội, hùng vĩ thơ mộng của miền Tây một thời Tây Tiến không thể nào quên. Đó là tình cảm đồng chí đồng đội, ân tình cách mạng, những kỉ niệm trong kháng chiến chống Pháp

4. Lí giải sự tương đồng và khác biệt:

  • Cả Quang Dũng và Hàn Mặc Tử đều là những hồn thơ lãng mạn, tài hoa
  • Mỗi nhà thơ đều mang một cảm xúc riêng khi đứng trước cảnh và người
  • Hoàn cảnh sáng tác: cảnh ngộ riêng của mỗi nhà thơ và hoàn cảnh thời đại để lại dấu ấn trong cảm xúc và hình ảnh thơ của mỗi nhà thơ

5. Đánh giá chung

  • Hai đoạn thơ là những cảm nhận khác nhau về cảnh thiên nhiên về con người
  • Hai đoạn thơ thể hiện cho vẻ đẹp tâm hồn của hai nhà thơ ở hai thời cuộc, hai cảnh ngộ khác nhau
  • Điểm 1,5 - 1,75: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm (phân tích, so sánh) còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,0 -1,25 : Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5 - 0,75: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,25: Hầu như không đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...) ; văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm