Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Bình Định. Đề thi do các thầy cô giáo giảng dạy môn Ngữ văn tại trường THPT chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Bình Định biên soạn nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh lớp 12 môn Ngữ văn để có kế hoạch tổ chức ôn thi tốt hơn. Mời các bạn cùng tham khảo.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Phòng GD&ĐT Hải Phòng

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Số 2 Tuy Phước, Bình Định

SỞ GD&ĐT BÌNH ĐỊNH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN LÊ QUÍ ĐÔN
KÌ THI TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA 2017
Môn thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm xỉ, danh dự để có tiền. Sự kiếm tiền nào độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư - một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Đó là câu hỏi trăn trở của không biết bao nhiêu người có lương tâm và dường như đến thời điểm này họ vẫn đang bất lực. Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình. Các quan chức chỉ cần bớt lãng phí một chút thôi, sẽ có bao nhiêu bệnh viện được xây và bao nhiêu đứa trẻ được đến trường.

(Lê Bình, trích Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân - Phẳng hay không phẳng, VTV1, 12/2/2016)

Câu 1. Đoạn trích trên được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 2. Tác giả thể hiện thái độ gì đối với các vấn đề còn tồn tại của xã hội? Thái độ đó được bộc lộ qua những yếu tố ngôn ngữ nào?

Câu 3. Theo tác giả, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết là gì?

Câu 4. Từ góc độ cá nhân, anh/chị hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Bill Gate: Bạn đứng thứ mấy trong lớp không quan trọng, nhưng phải thể hiện đẳng cấp khi bước chân ra xã hội''.

Với tư cách là 1 học sinh, Anh (chị) có đồng tình với nhận định trên không? Hãy viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của Anh (chị)?

Câu 2: (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân có đoạn:

"Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không.

Bà lão khẽ thở dài ngửng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được... Thôi thì bổn phận bà là mẹ, bà đã chẳng lo lắng được cho con... May ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này thì thằng con bà cũng có vợ, nó yên bề nó, chẳng may ra ông giời bắt chết cũng phải chịu chứ biết thế nào mà lo cho hết được?

Bà lão khẽ dặng hắng một tiếng, nhẹ nhàng nói với "nàng dâu mới":

- Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...

Tràng thở đánh phào một cái (...) Bà cụ Tứ vẫn từ tốn tiếp lời:

- Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau''.

(Ngữ văn 12, Tập hai, NXB Giáo dục, 2013)

Cảm nhận của anh/chị về tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ được miêu tả trong đoạn trích trên. Từ đó, nêu nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Phần I. Đọc hiểu

1. Đoạn trích được trình bày theo phong cách ngôn ngữ Báo chí/Chính luận kết hợp hai phong cách ngôn ngữ: Báo chí, Chính luận (0,5 điểm)

2. Thái độ của tác giả: day dứt, đau đớn, lên án....

Bộc lộ qua các yếu tố ngôn ngữ:

  • Câu: nhiều câu hỏi, câu nêu giả thiết...
  • Từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm:đánh đổi liêm xỉ, độc ác, tàn nhẫn đến rợn người, nhẫn tâm, chôn sống...(1,0 điểm)

3. Vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết: Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (0,5 điểm)

4. Trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau?

Thí sinh có thể trình bày nhiều cách, sau đây là một phương án:

  • Người Việt thôi độc ác với nhau khi không muốn độc ác: mỗi cá nhân tự nâng cao ý thức đạo đức; giáo dục tác động vào nhận thức, vào lương tri của tất cả mọi người
  • Người Việt thôi độc ác với nhau khi không dám độc ác: có những quy định về xử phạt nặng đủ sức răn đe để họ sợ không dám gây tội ác
  • Người Việt thôi độc ác với nhau khi không thể độc ác: các cơ quan chức năng vào cuộc giám sát chặt chẽ mọi khâu để cái ác cái xấu không có cơ hội tồn tại. Người tiêu dùng phải thông thái, dũng cảm để cái ác cái xấu không có đất tồn tại

Phần II. Làm văn

Câu 1: Đây là đề mở vì vậy giáo viên chấm theo cách hành văn của học sinh, đúng kết cấu đoạn văn nghị luận, trình bày, bàn luận đúng

Câu 2

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

  • Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.
  • Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ khi hiểu ra câu chuyện "nhặt vợ" của con trai.
  • Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung
  • Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc đề.
  • Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng

* Đảm bảo các yêu cầu trên; có thể trình bày theo định hướng sau:

1. Giới thiệu về tác giả, tác phẩm và vị trí đoạn trích

2. Cảm nhận về tâm trạng của nhân vật bà cụ Tứ qua đoạn trích

  • Bằng chiều dài của cuộc đời cơ cực, bà lão ý thức rõ cái éo le, nghịch cảnh cuộc hôn nhân của con bà.
  • Bà tủi phận mình vì người ta dựng vợ gả chồng cho con lúc ăn nên làm ra, còn con mình thì lấy vợ trong lúc đói kém, chết chóc đang bủa vây. Bà cũng hiểu ra cái điều: "có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được". Cái cảm giác buồn tủi ấy đã biến thành giọt lệ: "Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà đã rỉ xuống hai dòng nước mắt". Đó là dòng nước mắt xót xa, buồn tủi, thương cảm, đã chảy xuống bởi sự ám ảnh của cái đói, cái chết.
  • Tuy có buồn, tủi cho cuộc đời mình, cho cái số kiếp éo le của con mình nhưng rồi cái cảm giác ấy cũng dần dần tan đi để nhường chỗ cho niềm vui trước sự thực con bà đã có vợ.
  • Bà lão hi vọng về một ngày mai tươi sáng hơn giữa cái cảnh tối tăm của cái đói, cái chết với niềm tin vào cuộc sống, với cái triết lí dân gian "ai giàu ba họ, ai khó ba đời?"

3. Đánh giá, nhận xét về nghệ thuật miêu tả tâm lí của Kim Lân

  • Đặt nhân vật vào tình huống truyện độc đáo để phát hiện vẻ đẹp tâm hồn nhân vật.
  • Với năng lực phân tích tâm lí tinh tế, ngôn ngữ chọn lọc và lựa chọn những chi tiết đặc sắc, Kim Lân đã diễn tả đúng tâm lí một bà cụ nông dân nghèo khổ, tội nghiệp nhưng rất hiểu đời và có tấm lòng nhân ái cảm động.

* Sáng tạo: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có liên hệ so sánh trong quá trình phân tích, có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Đánh giá bài viết
1 1.732
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm