Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng (Lần 2)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Với mong muốn cung cấp đến quý thầy cô và các bạn học sinh thật nhiều đề thi hay VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu tới bạn: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Trần Nguyên Hãn, Hải Phòng (Lần 2). Đề thi do các thầy cô giáo giảng dạy môn Ngữ văn tại trường THPT Trần Nguyên Hãn biên soạn nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn Sở GD&ĐT Thanh Hóa
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Quang Trung, Đà Nẵng
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO HẢI PHÒNG TRƯỜNG THPT TRẦN NGUYÊN HÃN | KỲ THI THỬ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG QUỐC GIA NĂM 2017 LẦN 2 Môn thi: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút |
I. ĐỌC HIỂU: 3,0 điểm
"... Để hiểu rõ hơn quan niệm của các bà mẹ Pháp về tương lai của con cái, chúng tôi xin dẫn một ví dụ khác từ bà mẹ có ba người con đang học phổ thong:
"Không ai biết trước được tương lai, nhưng nếu mong đợi thì trước tiên là cháu có một việc làm mà cháu thích. Tôi không muốn cháu cứ phải học thật nhiều, nếu mà cháu không thích thú gì sự học hành đó. Nếu có cháu nào thích làm thợ nề thì cứ làm thợ nề. Điều quan trọng là chúng hạnh phúc với công việc của chúng. Tôi không thúc đẩy chúng học nhiều nếu điều đó không phù hợp với cháu, không nên làm như vậy. Quan trọng là có một công việc để kiếm sống, tôi không nói với cháu là dứt khoát con phải làm bác sĩ. Các bậc cha mẹ đều muốn con mình trọn vẹn, thập toàn, nhưng tôi thì không, vì "nhân vô thập toàn" mà. - chị nói.
Nhiều bà mẹ Pháp đã cho biết mục tiêu ưu tiên của họ là giáo dục con trưởng thành, phát triển về mọi mặt, nhất là khả năng tự lập để bước vào đời, để sống cuộc sống của chính mỗi người con và biết sống với người khác trong một xã hội nhiều khác biệt, chứ họ không ép con theo đuổi bất kỳ hình mẫu nào theo sự hình dung của họ nếu điều đó không phù hợp với con.
Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc. Chuyện học hành bằng cấp cũng cần thiết vì điều này tăng thêm sự lựa chọn nghề nghiệp cho con về sau, nhưng chỉ là một trong nhiều con đường của cuộc sống, chứ không quyết định cho tương lai và hạnh phúc của con..."
(Trích bài viết Cha mẹ Pháp tự hào điều gì về con cái? – Tác giả Nguyễn Khánh Trung- Báo Tuổi trẻ online)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 2: Xác định nội dung của văn bản trên. (0,5 điểm)
Câu 3: Theo tác giả bài viết, mục tiêu quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái là gì? Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả không? Vì sao? (1,0 điểm)
Câu 4: Từ đoạn trích trên anh/chị có suy nghĩ gì về vấn đề định hướng, lựa chọn nghề nghiệp của học sinh THPT? (1,0 điểm)
II. LÀM VĂN: 7,0 điểm
Câu 1: 2,0 điểm
Hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần đọc hiểu: "...Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc..."
Câu 2: 5,0 điểm
Cảm nhận của anh/chị về hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và những nét độc đáo trong nghệ thuật miêu tả nhân vật của tác giả.
--------- Hết ---------
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
I. ĐỌC HIỂU
Câu 1. Phương thức biểu đạt: Nghị luận, tự sự
Nếu học sinh chỉ nêu được một trong hai phương thức biểu đạt thì được 0,25 điểm.
Câu 2. Trong đoạn trích, tác giả đã đề cập đến quan điểm định hướng nghề nghiệp và mục tiêu giáo dục của các bà mẹ ở Pháp đối với con mình. Cụ thể là chú trọng về tính tự chủ của con khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp theo năng lực, sở thích của bản thân, khả năng tự lập của con để bước vào đời.
HS nêu được chung chung không cụ thể hoặc chỉ được ½ các ý trên thì được 0,25 điểm
Câu 3. Theo tác giả bài viết trên, mục tiêu quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái là hình thành tính tự làm chủ cuộc sống cho con.
HS nêu được quan điểm của bản thân đồng tình hay không và giải thích ngắn gọn hợp lý
Câu 4. Bày tỏ suy nghĩ chân thành, sâu sắc của bản thân, thể hiện suy nghĩ hợp lí, thuyết phục về vấn đề hướng nghiệp.
HS có thể trình bày theo hướng:
- Tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp của học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường
- Các yếu tố cần thiết để quyết định lựa chọn nghề nghiệp (sở thích, năng lực, điều kiện hoàn cảnh...)
- Hiện trạng nhiều học sinh trong quá trình học tập chưa có định hướng rõ ràng, còn dựa dẫm ỷ lại vào gia đình, lựa chọn một cách thực dụng hoặc chỉ chạy theo xu thế xã hội
- Cách để quyết định lựa chọn đúng đắn (nhận thức giá trị bản thân, tham khảo ý kiến tư vấn của những người xung quanh, tìm kiếm thông tin thực tê...)
II. LÀM VĂN
Câu 1. Viết bài văn bàn luận về vấn đề: "...Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc..."
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: "...Với họ, quan trọng là từng người con cảm thấy hạnh phúc, ham thích nghề nghiệp trong tương lai của mình, dẫu đó là nghề chân tay hay trí óc..."
- Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
c. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
d. Nội dung cần đạt:
* Giải thích: Nội dung ý kiến: thể hiện quan điểm đúng đắn, đề cao yếu tố quan trọng - thái độ tích cực, say mê, yêu thích đối với công việc. Đó là nền tảng cho lựa chọn nghề nghiệp, định hướng cho tương lai
* Chứng minh: Thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một số hướng giải quyết:
- vai trò quan trọng của công việc đối với cuộc sống của mỗi người
- thái độ tích cực, say mê, yêu thích nghề nghiệp có những tác động tích cực như thế nào đối với con người.
* Bàn luận, nêu bài học nhận thức và hành động:
- Phê phán những quan niệm chưa đúng trong việc lựa chọn nghề nghiệp: chọn nghề theo xu hướng thời thượng, chỉ chú trọng những nghề được xã hội đề cao, hứa hẹn thu nhập cao mà không tính đến khả năng, niềm đam mê của bản thân, nhiều gia đình chưa hiểu con mình, còn định hướng nghề nghiệp mang tính gò ép...
- Giải pháp:
- Nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của thái độ lao động;
- Rèn luyện thái độ nghiêm túc về việc lựa chọn hướng về một công việc trong tương lai
- Gia đình có sự tôn trọng quyết định lựa chọn của con cái nhưng vẫn cần theo sát, tư vấn giúp con lựa chọn tốt hơn
Câu 2 Nêu cảm nhận của em về hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và những nét độc đáo trong cách miêu tả nhân vật ông lái đò của Nguyễn Tuân.
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề gồm nhiều ý/ đoạn văn, kết bài kết luận được vấn đề.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: hình tượng người lái đò trong tác phẩm Người lái đò sông Đà (Nguyễn Tuân) và những nét độc đáo trong cách miêu tả nhân vật ông lái đò của Nguyễn Tuân.
- Triển khai vấn đền nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
- Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.
c. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
d. Nội dung cần đạt:
* Giới thiệu khái quát về tác giả, hoàn cảnh sáng tác của tác phẩm.
* Phân tích hình tượng người lái đò sông Đà:
- Giới thiệu khái quát về người lái đò:
- công việc
- ngoại hình
- Các phẩm chất nổi bật của nhân vật được thể hiện qua cuộc giáp chiến căng thẳng với con sông Đà hung bạo
- Diễn biến trận chiến: các trùng vây hiểm trở, cách người lái đò vượt thác dữ và chiến thắng, phong thái ung dung sau khi vượt thác sông Đà.
- Những phẩm chất của người lái đò: bình tĩnh, can đảm, thông minh, táo bạo, giàu kinh nghiệm, tài hoa khéo léo...
Lưu ý: HS có thể trình bày theo cách khác nhau (xen kẽ nhận xét các phẩm chất của người lái đò với diễn biến cuộc chiến với sông Đà hoặc miêu tả trận chiến rồi nhận xét chung về phẩm chất nhân vật) nhưng cần đảm bảo tính thống nhất, hợp lý trong mạch bài, bám sát các dẫn chứng để làm nổi rõ đặc điểm, tính cách của nhân vật trong tác phẩm.
* Đánh giá chung:
- Ông lái đò là một hình tượng đẹp về người lao động mới bình dị vừa cần cù, dũng cảm vừa khéo léo tài hoa – một chất vàng mười của Tây Bắc, của đất nước trong thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội.
- Ý nghĩa quan trọng của việc khắc họa vẻ đẹp hình tượng nhân vật trong việc thể hiện tư tưởng, quan niệm về cái đẹp của tác giả: qua hình tượng này, Nguyễn Tuân thể hiện quan niệm người anh hùng đâu chỉ có trong chiến đấu mà có thể xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống lao động bình dị.
* Phân tích những nét độc đáo trong cách miêu tả nhân vật ông lái đò của Nguyễn Tuân:
- Tô đậm nét tài hoa, nghệ sĩ ở ông lái đò: nét tài hoa, nghệ sĩ của con người không chỉ thể hiện trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật mà còn trong nhiều lĩnh vực hoạt động khác nữa.
- Ý thức tạo nên tình huống đầy thử thách để nhân vật bộc lộ rõ phẩm chất của mình: càng nhấn mạnh thách thức ghê gớm của "thạch trận" sông Đà, tác giả càng khắc họa sinh động sự từng trải, mưu mẹo, quyết đoán và gan dạ của ông lái đò.
- Sử dụng từ ngữ phong phú, sống động, giàu hình ảnh và có sức gợi cảm cao; những ví von, so sánh, liên tưởng, tưởng tượng độc đáo, bất ngờ và rất thú vị.....