Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam. Đề thi do các thầy cô giáo giảng dạy môn Ngữ văn tại trường THPT Lý Tự Trọng tỉnh Quảng Nam biên soạn nhằm kiểm tra, đánh giá năng lực học tập của học sinh để chuẩn bị kế hoạch ôn tập cho kì thi THPT Quốc gia một cách hiệu quả.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Krông Ana, Đăk Lăk

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 3)

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn có đáp án

Mời làm: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam Online

SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
TRƯỜNG THPT LÝ TỰ TRỌNG
ĐỀ KHẢO SÁT THPT QG NĂM HỌC 2016 - 2017
Môn: NGỮ VĂN - LỚP 12
Thời gian làm bài: 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Thuở nhỏ tôi ra ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi hệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn.

(Đò Lèn – Nguyễn Duy, Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2013, tr. 148)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn thơ. (0,5 điểm)

Câu 2. Các từ "lảo đảo", "thập thững" có vai trò gì trong việc thể hiện những hình ảnh cô đồng và người bà. (0,5 điểm)

Câu 3. Sự vô tâm của người cháu và nỗi cơ cực của người bà thể hiện qua những hồi ức nào? Người cháu đã bày tỏ nỗi niềm gì qua những hồi ức đó? (1,0 điểm).

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? (1,0 điểm)

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ đoạn thơ trên, anh chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự vô tâm của con người trong cuộc sống.

Câu 2 (5,0 điểm)

Phân tích vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong tác phẩm: Ai đã đặt tên cho dòng sông? của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập một, NXB Giáo dục 2008)

* Lưu ý: Giám thị không giải thích gì thêm

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

A. Hướng dẫn chung

  • Thầy cô giáo cần nắm bắt được nội dung trình bày của học sinh để đánh giá một cách tổng quát bài làm, tránh đếm ý cho điểm. Cần chủ động và linh hoạt khi vận dụng hướng dẫn chấm này.
  • Trân trọng những bài viết có cách nhìn riêng, cách trình bày riêng.
  • Điểm lẻ toàn bài tính đến 0,25 đ. Sau đó, làm tròn số đúng quy định.

B. Đáp án và thang điểm

I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Học sinh có thể diễn đạt theo các cách khác nhau nhưng vẫn cần tiếp cận với định hướng tổng quát của hướng dẫn chấm.

Câu 1) Xác định phương thức biểu đạt tự sự kết hợp với biểu cảm.

Câu 2) Từ "lảo đảo" gợi tả chân thực và sinh động hình ảnh cô đồng trong trạng thái nhập đồng nửa tỉnh, nửa say; từ "thập thững" gợi tả hình ảnh người bà già nua, tần tảo bước thấp, bước cao trong trí nhớ của tác giả.

Câu 3)

  • Sự vô tâm của người cháu được thể hiện rõ qua câu thơ "Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế".
  • Nỗi vất vả của người bà được thể hiện qua biện pháp liệt kê các công việc của bà "mò cua, xúc tép, đi gánh chè xanh"; các địa danh "Ba Trại, Quán Cháo, Đồng Dao" và qua hình ảnh người bà "thập thững" trong những đêm đông lạnh.
  • Người cháu trong đoạn thơ đã thể hiện tình yêu thương sâu sắc và lẫn niềm ân hận về sự vô tình vô tâm đối với bà qua những hình ảnh tương phản đối lập giữa một bên là người cháu tinh nghịch, hiếu động với một bên là người bà già nua, cơ cực, tần tảo, chắt chiu, thương cháu hết lòng.

Câu 4) Học sinh có thể trình bày một trong các thông điệp sau:

  • Sống trong đời sống, dù trong hoàn cảnh nào cũng không nên sống vô tình, vô tâm.
  • Hãy sống và quan tâm đến những người xung quanh mình, nhất là những người thân.
  • Sống hãy biết ăn năn và cảnh tỉnh sau những lỗi lầm.
  • Lỗi lầm vì vô tình vô tâm là khó tránh khỏi trong đời. Điều quan trọng là hãy biết cảnh tỉnh.

II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

1) Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức (tri thức sách vở và trải nghiệm cuộc sống) và kĩ năng về tạo lập đoạn văn để làm bài. Đoạn văn phải đúng hướng, rõ ràng, chặt chẽ, bảo đảm tính liên kết, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2) Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc 01 đoạn nghị luận (0,5 điểm)

Nếu học sinh viết từ hai đoạn trở lên thì sẽ bị mất 0,5 điểm ở phần này (phần a).

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

Bàn về sự vô tâm của con người trong cuộc sống.

c) Khai triển vấn đề cần nghị luận (1,0 điểm)

Định hướng tổng quát:

  • Sự vô tâm là lỗi lầm khó tránh khỏi của con người trong cuộc đời.
  • Sự vô tâm dễ làm mất đi tình cảm và làm tổn thương những người xung quanh mình.
  • Cần có ý thức tự soi mình thường xuyên để tránh rơi vào sự vô tâm và những lỗi lầm không đáng có để sống tốt, sống trọn vẹn.

Câu 2 (5,0 điểm)

I) Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng để tổ chức bài văn nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

II) Yêu cầu cụ thể:

1) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Trình bày đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần mở bài, thân bài, kết luận nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu mở bài hoặc kết luận, thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

2) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm)

Vẻ đẹp của hình tượng sông Hương trong bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận.
  • Điểm 0,25: Xác định đúng hướng nhưng còn chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

3) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm)

* Giới thiệu về tác giả, tác phẩm (1.0 điểm)

a. Tác giả

  • Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức yêu nước, gắn bó mật thiết với xứ Huế, có vốn hiểu biết sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Ông là nhà văn sở trường về thể loại bút kí và là "một trong mấy nhà văn viết kí hay nhất của văn học ta hiện nay" (Nguyễn Ngọc)
  • Nét đặc sắc trong sáng tác của ông là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất trí tuệ và chất trữ tình, giữa nghị luận sắc bén với suy tư đa chiều được tổng hợp từ vốn kiến thức phong phú về triết học, văn hóa, lịch sử, địa lí...Tất cả được thể hiện qua lối hành văn hướng nội, súc tích, mê đắm và tài hoa.

b. Tác phẩm

  • Ai đã đặt tên cho dòng sông là bút kí được viết tại Huế năm 1981, in trong tập bút kí cùng tên. Đây là tác phẩm bút kí tiêu biểu của nhà văn.
  • Bài kí tập trung khắc họa độc đáo, đa chiều của dòng sông Hương qua cái nhìn thiết tha, say đắm, tự hào của nhà văn đối với con sông quê hương, với xứ Huế và đát nước.

* Phân tích (2,0 điểm)

a) Vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ tình tứ của sông Hương

  • Vẻ đẹp của sông Hương được tác giả so sánh nhân hóa mang tính cách, phẩm chất của con người.
    • Thượng nguồn của sông Hương được ví như cô gái Digan mang vẻ đẹp "phóng khoáng, man dại" và "dịu dàng say đắm"; dòng sông còn được so sánh như "người mẹ phù sa của một vùng văn hóa xứ sở", mang vẻ đẹp "dịu dàng, trí tuệ".
    • Theo thủy trình của dòng sông, tác giả còn so sánh như "người tài nữ" đánh đàn lúc đêm khuya và như "nàng Kiều", mà thành phố Huế là Kim Trọng.
    • Nét trữ tình còn biểu hiện qua hình ảnh dòng sông đi suốt thế kỷ về đánh thức "người gái đẹp ngủ mơ màng" giữa cánh đồng Châu Hóa đầy hoa dại. Sông Hương thật tình tứ "lẳng lơ kín đáo của tình yêu".
  • Vẻ hoang sơ của sông Hương còn gợi ra từ nét "phong kín trong lòng những rừng thông u tịch và niềm kiêu hãnh âm u..."...(thí sinh có thể chon lọc thêm dẫn chứng).
  • Tác giả thể hiện bút pháp tài hoa, khả năng quan sát tinh tế gợi nhiều cảm xúc thẩm mĩ từ những hình ảnh so sánh giàu chất trữ tình.

b) Sông Hương mang vẻ đẹp trầm tích của văn hóa lịch sử Việt Nam

  • Dòng sông không chỉ bồi đắp phù sa cho đôi bờ xanh cành trĩu quả, mà còn bồi đắp cho tâm hồn con người thành vẻ đẹp văn hóa.
    • Sắc màu của Hương giang "sớm xanh, trưa vàng, chiều tím" gợi nét văn hóa của con người, bởi cái màu xanh của hy vọng, màu vàng của nhẫn nại, màu tím của thương nhớ, thủy chung của con người nơi đây.
    • Tính cách con người "Châu Hóa mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở", như dòng sông thuộc về một "thành phố duy nhất".
  • Trong tổng thể vẻ đẹp mang tính cách và phẩm chất của con người, tác giả còn so sánh dòng sông vừa cao cả biết "hiến dâng" đời mình cho những chiến công và "người con gái dịu dàng của đất nước", mang dấu ấn lịch sử sâu sắc.
    • Dòng sông "đã sống những thế kỉ vinh quang với nhiệm vụ lịch sử của nó".
    • Dòng sông cùng thăng trầm với lịch sử với đất nước. (Thí sinh tìm thêm dẫn chứng).

4) Đánh giá chung

  • Với vốn hiểu biết sâu sắc, phong phú và ngôn ngữ tài hoa, các phép ẩn dụ độc đáo, gợi cảm, nhà văn đã miêu tả sống động vẻ đẹp của sông Hương. Đồng thời đã bộc lộ tình yêu nồng nàn tha thiết dành cho quê hương xứ sở.
  • Điểm 3,0: Đảm bảo các yêu cầu trên.
  • Điểm 2,0 - 2,5: Cơ bản đáp ứng được các yêu cầu trên, song một trong các luận điểm còn chưa được trình bày đầy đủ hoặc các ý liên kết chưa thực sự chặt chẽ.
  • Điểm 1,5: Đáp ứng 1/2 đến 2/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 1,0: Đáp ứng được 1/3 các yêu cầu trên.
  • Điểm 0,5: Hầu như chưa đáp ứng được yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.
  • Điểm 0: Không đáp ứng được bất kì yêu cầu nào trong các yêu cầu trên.

5) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc (không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật).
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc (không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật).
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng.

6) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm