Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Toàn bộ kiến thức về đọc hiểu thi THPT quốc gia

Phần đọc hiểu thông thường chiếm 3 điểm và là phần không mấy dễ dàng không chỉ đối với học sinh mà ngay cả đối với những thầy cô ôn thi THPT quốc gia môn Văn nói chung. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết bài viết dưới đây nhé.

1. Nhận diện các phong cách ngôn ngữ

Sau khi cung cấp kiến thức về các loại phong cách ngôn ngữ, giáo viên cần nhấn mạnh lại đặc điểm nhận diện của các loại phong cách để học sinh dễ phân biệt khi xác định phong cách đó trong một văn bản.

Phong cách ngôn ngữ

Đặc điểm nhận diện

1

Phong cách ngôn ngữ khoa học

Dùng trong những văn bản thuộc lĩnh vực nghiên cứu, học tập và phổ biến khoa học, đặc trưng cho các mục đích diễn đạt chuyên môn sâu

2

Phong cách ngôn ngữ báo chí (thông tấn)

Kiểu diễn đạt dùng trong các loại văn bản thuộc lĩnh vực truyền thông của xã hội về tất cả các vấn đề thời sự.

3

Phong cách ngôn ngữ chính luận

Dùng trong lĩnh vực chính trị - xã hội, người giao tiếp thường bày tỏ chính kiến, bộc lộ công khai quan điểm tư tưởng, tình cảm của mình với những vấn đề thời sự nóng hổi của xã hội

4

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

Dùng chủ yếu trong tác phẩm văn chương, không chỉ có chức năng thông tin mà còn thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của con người; từ ngữ trau chuốt, tinh luyện...

5

Phong cách ngôn ngữ hành chính

Dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực giao tiếp điều hành và quản lí xã hội.

6

Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt

Sử dụng ngôn ngữ trong giao tiếp hàng ngày, mang tính tự nhiên, thoải mái và sinh động, ít trau chuốt...trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm trong giao tiếp với tư cách cá nhân

⇒ Bản đồ tư duy môn Văn ôn thi THPT Quốc gia

2. Các phương thức biểu đạt

Ở phần lý thuyết về phương thức biểu đạt giáo viên cung cấp cho học sinh kiến thức lý thuyết về 6 phương thức thường xuất hiện trong văn bản. Chú ý đến các đặc điểm để nhận diện các phương thức

Lưu ý cho học sinh: trong một văn bản thường xuất hiện nhiều phương thức như tự sự và miêu tả, thuyết minh và biểu cảm... song sẽ có một phương phương thức nổi bật. Giáo viên kẻ bảng lý thuyết để học sinh dễ so sánh, nhận diện tiếp thu kiến thức.

Phương thức

Đặc điểm nhận diện

Thể loại

Tự sự

Trình bày các sự việc (sự kiện) có quan hệ nhân quả dẫn đến kết quả. (diễn biến sự việc)

- Bản tin báo chí

- Bản tường thuật, tường trình

- Tác phẩm văn học nghệ thuật (truyện, tiểu thuyết)

Miêu tả

Tái hiện các tính chất, thuộc tính sự vật, hiện tượng, giúp con người cảm nhận và hiểu được chúng.

- Văn tả cảnh, tả người, vật...

- Đoạn văn miêu tả trong tác phẩm tự sự.

Biểu cảm

Bày tỏ trực tiếp hoặc gián tiếp tình cảm, cảm xúc của con người trước những vấn đề tự nhiên, xã hội, sự vật...

- Điện mừng, thăm hỏi, chia buồn

- Tác phẩm văn học: thơ trữ tình, tùy bút.

Thuyết minh

Trình bày thuộc tính, cấu tạo, nguyên nhân, kết quả có ích hoặc có hại của sự vật hiện tượng, để người đọc có tri thức và có thái độ đúng đắn với chúng.

- Thuyết minh sản phẩm

- Giới thiệu di tích, thắng cảnh, nhân vật

- Trình bày tri thức và phương pháp trong khoa học.

Nghị luận

Trình bày ý kiến đánh giá, bàn luận, trình bày tư tưởng, chủ trương quan điểm của con người đối với tự nhiên, xã hội, qua các luận điểm, luận cứ và lập luận thuyết phục.

- Cáo, hịch, chiếu, biểu.

- Xã luận, bình luận, lời kêu gọi.

- Sách lí luận.

- Tranh luận về một vấn đề trính trị, xã hội, văn hóa.

Hành chính – công vụ

- Trình bày theo mẫu chung và chịu trách nhiệm về pháp lí các ý kiến, nguyện vọng của cá nhân, tập thể đối với cơ quan quản lí.

- Đơn từ

- Báo cáo

- Đề nghị

⇒ 20 đề và bài văn mẫu nghị luận xã hội 200 chữ

3. Các thao tác lập luận

Trong một văn bản thường kết hợp nhiều thao tác lập luận, song thường có một thao tác chính. Vì thế phần này chúng ta cần cung cấp kiến thức lý thuyết cho học sinh để các em phân biệt được các thao tác trong một văn bản. Để học sinh dễ nắm bắt kiến thức, giáo viên có thể kẻ thành bảng kiến thức và sau bảng kiến thức là bài tập minh họa.

TT

Thao tác lập luận

Đặc điểm nhận diện

1

Giải thích

Giải thích là vận dụng tri thức để hiểu vấn đề nghị luận một cách rõ ràng và giúp người khác hiểu đúng ý của mình.

2

Phân tích

Phân tích là chia tách đối tượng, sự vật hiện tượng thành nhiều bộ phận, yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét kĩ lưỡng nội dung và mối liên hệ bên trong của đối tượng.

3

Chứng minh

Chứng minh là đưa ra những cứ liệu – dẫn chứng xác đáng để làm sáng tỏ một lí lẽ một ý kiến để thuyết phục người đọc người nghe tin tưởng vào vấn đề. (Đưa lí lẽ trước - Chọn dẫn chứng và đưa dẫn chứng. Cần thiết phải phân tích dẫn chứng để lập luận CM thuyết phục hơn. Đôi khi thuyết minh trước rồi trích dẫn chứng sau.)

4

Bác bỏ

Bác bỏ là chỉ ra ý kiến sai trái của vấn đề trên cơ sở đó đưa ra nhận định đúng đắn và bảo vệ ý kiến lập trường đúng đắn của mình.

5

Bình luận

Bình luận là bàn bạc đánh giá vấn đề, sự việc, hiện tượng… đúng hay sai, hay / dở; tốt / xấu, lợi / hại…; để nhận thức đối tượng, cách ứng xử phù hợp và có phương châm hành động đúng.

6

So sánh

So sánh là một thao tác lập luận nhằm đối chiếu hai hay nhiều sự vật, đối tượng hoặc là các mặt của một sự vật để chỉ ra những nét giống nhau hay khác nhau, từ đó thấy được giá trị của từng sự vật hoặc một sự vật mà mình quan tâm.

Hai sự vật cùng loại có nhiều điểm giống nhau thì gọi là so sánh tương đồng, có nhiều điểm đối chọi nhau thì gọi là so sánh tương phản.

4. Các biện pháp tu từ

Sau khi cung cấp kiến thức lý thuyết để học sinh nhận dạng được các biện pháp tu từ thường gặp, giáo viên cần nhấn mạnh: Trong đề thi, câu hỏi thường có dạng, tìm ra biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ ấy. Chính vì thế các em phải nhớ được hiệu quả nghệ thuật mang tính đặc trưng của từng biện pháp. Đáp ứng yêu cầu nhớ kiến thức trọng tâm tôi đã cung cấp cho các em bảng kiến thức sau:

Biện pháp tu từ

Hiệu quả nghệ thuật (Tác dụng nghệ thuật)

So sánh

Giúp sự vật, sự việc được miêu tả sinh động, cụ thể tác động đến trí tưởng tượng, gợi hình dung và cảm xúc

Ẩn dụ

Cách diễn đạt mang tính hàm súc, cô đọng, giá trị biểu đạt cao, gợi những liên tưởng ý nhị, sâu sắc.

Nhân hóa

Làm cho đối tượng hiện ra sinh động, gần gũi, có tâm trạng và có hồn gần với con người

Hoán dụ

Diễn tả sinh động nội dung thông báo và gợi những liên tưởng ý vị, sâu sắc

Điệp từ/ngữ/cấu trúc

Nhấn mạnh, tô đậm ấn tượng – tăng giá trị biểu cảm, tạo âm hưởng nhịp điệu cho câu văn, câu thơ.

Nói giảm

Làm giảm nhẹ đi ý muốn nói (đau thương, mất mát) nhằm thể hiện sự trân trọng

Thậm xưng

Tô đậm, phóng đại về đối tượng

Câu hỏi tu từ

Bộc lộ, xoáy sâu cảm xúc (có thể là những băn khoăn, ý khẳng định…)

Đảo ngữ

Nhấn mạnh, gây ấn tượng sâu đậm về phần được đảo lên

Đối

Tạo sự cân đối, đăng đối hài hòa

Im lặng

Tạo điểm nhấn, gợi sự lắng đọng cảm xúc

Liệt kê

Diễn tả cụ thể, toàn diện nhiều mặt

7 bước để có điểm cao bài nghị luận ý kiến văn học thi THPT Quốc gia

5. Các phép liên kết (liên kết các câu trong văn bản)

Các phép liên kết

Đặc điểm nhận diện

Phép lặp từ ngữ

Lặp lại ở câu đứng sau những từ ngữ đã có ở câu trước

Phép liên tưởng (đồng nghĩa / trái nghĩa)

Sử dụng ở câu đứng sau những từ ngữ đồng nghĩa/ trái nghĩa hoặc cùng trường liên tưởng với từ ngữ đã có ở câu trước

Phép thế

Sử dụng ở câu đứng sau các từ ngữ có tác dụng thay thế các từ ngữ đã có ở câu trước

Phép nối

Sử dụng ở câu sau các từ ngữ biểu thị quan hệ (nối kết) với câu trước

6. Phân biệt các thể thơ

Để phân biệt được các thể thơ, xác định được đúng thể loại khi làm bài kiểm tra, chúng ta cần giúp học sinh hiểu luật thơ: những quy tắc về số câu, số tiếng, cách hiệp vần, phép hài thanh, ngắt nhịp ... Căn cứ vào luật thơ, người ta phân chia các thể thơ Việt Nam ra thành 3 nhóm chính.

Các thể thơ dân tộc: lục bát, song thất lục bát, hát nói; các thể thơ Đường luật: ngũ ngôn, thất ngôn; các thể thơ hiện đại: năm tiếng, bảy tiếng, tám tiếng, hỗn hợp, tự do, thơ - văn xuôi,...

7. Xác định nội dung, chi tiết chính có liên quan đến văn bản

Đặt nhan đề, xác định câu chủ đề: Văn bản thường là một chỉnh thể thống nhất về nội dung, hài hòa về hình thức. Khi hiểu rõ được văn bản, học sinh dễ dàng tìm được nhan đề cũng như nội dung chính của văn bản.

Đặt nhan đề cho văn bản chẳng khác nào người cha khai sinh ra đứa con tinh thần của mình. Đặt nhan đề sao cho đúng, cho hay không phải là dễ. Vì nhan đề phải khái quát được cao nhất nội dung tư tưởng của văn bản, phải cô đọng được cái thần, cái hồn của văn bản.

Học sinh chỉ có thể đặt tên được nhan đề cho văn bản khi hiểu được nghĩa của nó. Vì thế giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh đọc văn bản để hiểu ý nghĩa của văn bản sau đó mới xác định nhan đề. Nhan đề của văn bản thường nằm ở những từ ngữ, những câu lặp đi, lặp lại nhiều lần trong văn bản.

Muốn xác định được câu chủ đề của đoạn, chúng ta cần xác định xem đoạn văn đó trình bày theo cách nào. Nếu là đoạn văn trình bày theo cách diễn dịch thì câu chủ đề thường ở đầu đoạn.

Nếu là đoạn văn trình bày theo cách quy nạp thì câu chủ đề nằm ở cuối đoạn. Còn đoạn văn trình bày theo cách móc xích hay song hành thì câu chủ đề là câu có tính chất khái quát nhất, khái quát toàn đoạn. Câu đó có thể nằm bất cứ vị trí nào trong đoạn văn.

8. Xác định nội dung chính của văn bản

Muốn xác định được nội dung của văn bản giáo viên cần hướng dẫn học sinh căn cứ vào tiêu đề của văn bản. Căn cứ vào những hình ảnh đặc sắc, câu văn, câu thơ được nhắc đến nhiều lần. Đây có thể là những từ khóa chứa đựng nội dung chính của văn bản.

Đối với văn bản là một đoạn, hoặc một vài đoạn, việc cần làm là học sinh phải xác định được đoạn văn trình bày theo cách nào: diễn dịch, quy nạp, móc xích hay song hành... Xác định được kiểu trình bày đoạn văn học sinh sẽ xác định được câu chủ đề nằm ở vị trí nào. Thường câu chủ đề sẽ là câu nắm giữ nội dung chính của cả đoạn. Xác định bố cục của đoạn cũng là căn cứ để chúng ta tìm ra các nội dung chính của đoạn văn bản đó.

9. Yêu cầu xác định từ ngữ, hình ảnh biểu đạt nội dung cụ thể trong văn bản

Phần này trong đề thi thường hỏi anh/ chị hãy chỉ ra một từ ngữ, một hình ảnh, một câu nào đó có sẵn trong văn bản. Sau khi chỉ ra được có thể lý giải phân tích vì sao lại như vậy.

Vì thế giáo viên cần hướng dẫn cho học sinh đọc kĩ đề, khi lý giải phải bám sát vào văn bản. Phần này phụ thuộc nhiều vào khả năng cảm thụ thơ văn của học sinh.

10. Dựa vào văn bản cho sẵn viết một đoạn văn khoảng 5-7 dòng

Trong đề đọc hiểu phần câu hỏi này thường là câu cuối cùng. Sau khi các em học sinh nghiên cứu, tìm hiểu và trả lời các câu trên, đến câu này là câu có tính chất liên hệ mở rộng. Nó thuộc câu hỏi vận dụng. Học sinh dựa vào văn bản đã cho, bằng sự trải nghiệm của bản thân để viết một đoạn văn theo chủ đề.

Phần này giáo viên cần lưu ý cho các em viết đủ số câu quy định, viết thành một đoạn văn trả lời trực tiếp vào câu hỏi.

⇒ Đoạn văn Nghị luận xã hội 200 chữ (5-7 dòng) mẫu

Cô Lê Thị Quỳnh Sen - Trường THPT Dương Quảng Hàm (Hưng Yên)

11. Một số đề đọc hiểu

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 1

I. Đọc hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Cuộc sống quanh ta có biết bao nhiêu điều tốt đẹp đáng quý và cần trân trọng. Chỉ cần ta biết khéo léo nhận ra và chọn lọc, chúng ta không hề thiếu thốn những hạt giống tốt đẹp để gieo trồng. Mặt khác, trong cuộc sống cũng đầy rẫy những cỏ dại xấu xa. Chỉ cần ta sống buông trôi, thiếu hiểu biết, cuộc đời ta sẽ phải trả giá bằng những u ám, tối tăm kéo dài.

(2) Một tâm hồn tươi đẹp đầy hoa thơm trái quý, hay tiêu điều hoang vắng với cỏ dại lan tràn… Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác.

(3) Nuôi dưỡng tâm hồn cũng quan trọng, cần thiết không kém gì việc nuôi dưỡng thể xác, nhưng chúng ta rất thường lãng quên không chú ý đến việc này. Chúng ta đôi khi bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại. Nếu ý thức được điều này và bắt đầu chăm sóc gieo trồng những hạt giống tốt lành, chắc chắn bạn sẽ có được một cuộc sống tươi vui và hạnh phúc hơn nhiều.

(http://www.kynang.edu.vn/ky-nang-mem/nuoi-duong-tam-hon-noi-chinh-ban.html)

1. Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong đoạn (1)

2. Anh/ chị hiểu như thế nào về đoạn (2): Một tâm hồn tươi đẹp đầy hoa thơm trái quý, hay tiêu điều hoang vắng với cỏ dại lan tràn… Điều đó hoàn toàn tùy thuộc vào nhận thức và nỗ lực của chính chúng ta, không phụ thuộc vào bất kỳ ai khác?

3. Việc nuôi dưỡng tâm hồn có ý nghĩa như thế nào đối với con người?

4. Thông điệp mà anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Nêu rõ lí do chọn thông điệp đó.

II. Làm văn

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hậu quả của việc “bỏ mặc tâm hồn mình khô cằn hoặc mọc đầy cỏ dại” đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hôm nay được gợi ở phần Đọc hiểu.

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 2

I. Đọc – hiểu

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới

Cách đây hàng triệu năm, sa mạc Sahara còn là những khu rừng xanh tốt, cây cối um tùm. Các loài cây đều thỏa thuê hút và tận hưởng dòng nước ngầm dồi dào mát lành và thi nhau đâm cành trổ lá xum xuê. Riêng có cây sồi Tenere là vẫn chịu khó đâm xuyên những chiếc rễ của mình xuống tận sâu dưới lòng đất. Cho đến một ngày kia khi nguồn nước ngỡ như vô tận bỗng cạn kiệt dần rồi biến mất hẳn, các loài cây đều không chịu nổi hạn hán và chết dần, duy chỉ có cây sồi Tenere là vẫn còn tồn tại giữa sa mạc Sahara. Tên tuổi của nó được cả thế giới biết đến khi một mình đứng giữa sa mạc, xung quanh bán kính 400km không một bóng cây nào bầu bạn. Người ta kinh ngạc khi phát hiện ra rễ cây đã đâm sâu xuống đất tận 36m để tìm nước.

Bạn có thấy rằng trong cuộc sống cũng có một dòng chảy luôn vận động không ngừng không? Đó chính là thời gian; nó quan trọng như là nước đối với cây cối.

Sẽ có những người chỉ sử dụng thời gian để lớn lên, hưởng những thú vui đời thường và rồi những thách thức cuộc đời sẽ đánh gục họ, khiến họ phải đau khổ, giống như những cái cây chỉ biết “hút và tận hưởng”.

Nhưng có những người có sự chuẩn bị tốt, họ học cách sử dụng thời gian hiệu quả, họ đầu tư cho sự phát triển bản thân cũng giống như cầy sồi đầu tư cho sự phát triển bộ rễ của mình.

Họ hiểu triết lí: Bộ rễ yếu ớt không thể nào giữ được cái thân to khoẻ. Bạn khó có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị tốt về những kĩ năng và kiến thức nền tảng.

(Phỏng theo Hạt giống tâm hồn – Câu chuyện về cây sồi, https://saostar.vn)

Câu 1. Theo tác giả thời gian quan trọng như thế nào?

Câu 2. Theo anh (chị) câu văn sau có ý nghĩa gì: “Nhưng có những người có sự chuẩn bị tốt, họ học cách sử dụng thời gian hiệu quả, họ đầu tư cho sự phát triển bản thân cũng giống như cây sồi đầu tư cho sự phát triển bộ rễ của mình”.

Câu 3. Anh (chị) hiểu như thế nào về ý nghĩa biểu tượng của hai hình ảnh: Hình ảnh cây sồi Tenere với bộ rễ đâm sâu xuống lòng đất để tìm kiếm nguồn nước và hình ảnh những loài cây khác chỉ biết “hút và tận hưởng”?

Câu 4. Thông điệp nào của đoạn trích trên có ý nghĩa nhất đối với anh/chị? Vì sao?

II. Làm văn

Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh (chị) hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến: “Bạn khó có thể thành công nếu không có sự chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức nền tảng”

Đề đọc hiểu Ngữ văn 12 - Đề 3

I. ĐỌC – HIỂU

Celine Dion – một trong những nữ ca sĩ diva nổi tiếng nhất thế giới trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, khi được hỏi về nguồn gốc thành công trong việc ra đời liên tiếp những album có số phát hành hàng triệu bản – đã rất tự tin trả lời rằng cô không hề bất ngờ vì từ khi mới lên năm tuổi, cô đã đam mê với ca hát và đã tưởng tượng được sự thành công của mình. Cô đã nhìn thấy trước viễn cảnh, con đường đi đến vinh quang cùng sự thành đạt đó. Celine Dion không hề tỏ ra kiêu kỳ khi phát biểu như vậy vì tất cả chúng ta đều biết, để có được vinh quang đó, ngoài tài năng, cô đã phải nỗ lực không ngừng. Cô biết nắm bắt sức mạnh của trí tưởng tượng, của ước mơ và hình dung thật sự những gì mà mình mong ước và quyết tâm theo đuổi.

Một số vận động viên thể thao nổi tiếng trên thế giới cũng vận dụng sức mạnh của trí tưởng tượng để hình dung ra chính xác những gì mà họ sẽ thể hiện khi thi đấu hay biểu diễn. Sức mạnh của trí tưởng tượng không phải chỉ cần cho các ca sĩ, vận động viên hay diễn viên mà mọi chúng ta đều cần. Nhưng điều tạo nên sự khác biệt chính là khả năng nắm bắt và vận dụng sức mạnh ấy.

Trí tưởng tượng là khả năng tạo ra những hình ảnh trong tinh thần hay nội tâm. Tâm trí của chúng ta lưu giữ hình ảnh về mơ ước, những khát vọng, các mối quan hệ xã hội,hay cụ thể hơn, một bóng hình, một ánh mắt đưa tâm hồn bạn về một tình yêu thật đẹp, một thành công trong công việc bạn từng ao ước, một công việc mà bạn từng ước ao được làm, khoản thu nhập mà bạn muốn có… Những hình ảnh này được hình thành và lưu giữ trong tâm trí ngay từ khi chúng ta vừa chớm nhận biết cuộc sống xung quanh. Tuổi niên thiếu cho đến lúc trưởng thành thường là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành nên tính cách, ước mơ. Thuở thiếu thời, nếu chúng ta thường bị người lớn phê bình, chỉ trích hoặc nếu như ta tự ti, coi thường bản thân mình, tự xem mình luôn là bản sao của người khác, tư tưởng chúng ta sẽ ghi nhận một cách vô thức những hình ảnh cùng cảm nhận của ta về các sự kiện đó. Giai đoạn đó nếu ta luôn ước mơ và hướng theo những cảm xúc, hoài bão tốt đẹp thì chắc chắn sau này bạn sẽ có sự thôi thúc thực hiện điều đó. Vì vậy, mọi hành động của chúng ta trong tương lai được coi là đa phần ảnh hưởng bởi bản sao, dấu ấn của những tư tưởng ban đầu.

(Thay thái độ đổi cuộc đời – Jeff Keller – NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh)

Câu 1: Văn bản trên tập trung bàn về vấn đề gì?

Câu 2: Dựa vào văn bản, anh/chị hãy chỉ ra các yếu tố tạo nên sự thành công của nữ ca sĩ.

Câu 3: Vì sao tác giả cho rằng: “Mọi hành động của chúng ta trong tương lai được coi là đa phần ảnh hưởng bởi bản sao, dấu ấn của những tư tưởng ban đầu” từ thuở thiếu thời? Điều đó có ý nghĩa như thế nào trong việc lựa chọn cách sống của anh/chị?

Câu 4: Anh/chị có đồng tình với quan điểm mà tác giả đặt ra trong văn bản: “Sức mạnh của trí tưởng tượng tuy cần thiết những điều tạo nên sự khác biệt chính là khả năng nắm bắt và vận dụng sức mạnh ấy”?

II. LÀM VĂN

Từ nội dung văn bản phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết đoạn văn khoảng 200 chữ với chủ đề: sức mạnh của trí tưởng tượng.

12. Lịch thi THPT Quốc Gia 2023

Xem chi tiết lịch thi: Lịch thi THPT Quốc Gia 2023

Gửi đề thi để nhận lời giải ngay: https://www.facebook. com/com.VnDoc

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Toàn bộ kiến thức về đọc hiểu thi THPT quốc gia. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho chúng ta thấy được toàn bộ kiến thức về đề đọc hiểu thi THPT Quốc gia. Mong rằng qua đây các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé. Để giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời các bạn cùng tham khảo thêm kiến thức tài liệu học tập các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, Ngữ văn 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời các bạn tham khảo thêm một số bài phân tích, tài liệu tham khảo, văn mẫu 12, lý thuyết Ngữ văn 12 hay khác như là:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
4
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm