Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

Đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ là một yêu cầu trong đề thi THPT Quốc gia các năm. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách viết được đoạn văn nghị luận này. Rất nhiều các bạn học sinh lúng túng trong không biết viết như thế nào cho hay. cho hợp lý. Dưới đây là một số bật bí cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ dành cho các bạn.

Nghị luận xã hội là phương pháp nghị luận lấy đề tài từ các lĩnh vực xã hội, chính trị, đạo đức làm nội dung bàn bạc làm sáng tỏ cái đúng – sai, tốt xấu của vấn đề được nêu ra. Từ đó đưa ra một cách hiểu thấu đáo về vấn đề nghị luận cũng như vận dụng nó vào trong đời sống.

Trong đoạn văn nghị luận 200 chữ thường sử dụng các thao tác lập luận sau:

  • Thao tác lập luận giải thích.
  • Thao tác lập luận phân tích.
  • Thao tác lập luận chứng minh.
  • Thao tác lập luận bình luận.
  • Thao tác lập luận so sánh.
  • Thao tác lập luận bác bỏ.

1. Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ

1. Về hình thức, đề bài yêu cầu viết đoạn văn 200 chữ, học sinh cần trình bày trong 1 đoạn văn (không được ngắt xuống dòng), dung lượng an toàn khoảng 2/3 tờ giấy thi (khoảng trên dưới 20 dòng viết tay), có thể nhiều hơn 1 vài dòng cũng không bị trừ điểm. Thậm chí các em có thể viết lên tới 250 chữ cũng được. Giám khảo không ai ngồi đếm đủ 200 chữ nên các em đừng quá lo lắng về số câu số chữ của bài viết. Nếu viết đủ ý, diễn đạt lưu loát, không mắc nhiều lỗi chính tả, sáng tạo, ... thì lên xuống 1 vài dòng cũng vẫn được điểm cao. Nếu đề bài yêu cần "viết bài văn" thì các em cần trình bài đủ 3 phần của bài NLXH thông thường ( Mở bài - thân bài - kết bài ), phần mở bài viết thành 1 đoạn, thân bài mỗi luận điểm ngắt thành 1 đoạn riêng, kết bài viết 1 đoạn.

2. Về nội dung: Dù dài hay ngắn thì đoạn văn cũng phải đầy đủ các ý chính. Cụ thể:

Câu mở đoạn: có tác dụng dẫn dắt vấn đề. Các em nên viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch, câu chốt nằm ở đầu đoạn, các câu sau triển khai cho câu chủ đề. Đoạn văn nên có 1 câu kết, nêu ý nghĩa, rút ra bài học, hoặc cảm xúc, quan điểm cá nhân về vấn đề đang bàn luận.

Đoạn văn nghị luận về tư tưởng đạo lí cần có các ý: Giải thích (Là gì? Như thế nào? Biểu hiện cụ thể?); phân tích, chứng minh (tại sao nói như thế?); bình luận, mở rộng vấn đề; bác bỏ (phê phán) những biểu hiện sai lệch; nêu ý nghĩa, rút ra bài học nhận thức và hành động.

Đoạn văn nghị luận về hiện tượng đời sống cần có các ý: Nêu hiện tượng (đó là hiện tượng gì? biểu hiện? mức độ?). Phân tích tác dụng/ tác hại của hiện tượng trên. Bàn luận về nguyên nhân, giải pháp ,... Nêu bài học sâu sắc với bản thân. Học sinh cần có cách viết linh hoạt theo yêu cầu của đề bài, tránh làm bài máy móc hoặc chung chung.

Đối với dạng "đề nổi", học sinh có thể dễ dàng nhận ra phạm vi nội dung và phương pháp lập luận. Đối với dạng đề chìm, học sinh phải tự mày mò hướng đi. Ví dụ :

  • Viết 1 đoạn văn 200 chữ về sự hi sinh thầm lặng của mẹ trong cuộc sống ngày hôm nay (đề nổi). Học sinh dễ dàng xác định phạm vi nội dung: Thế nào là sự hi sinh thầm lặng? Biểu hiện? Tác dụng? Phê phán, bài học, ...
  • Viết 1 đoạn văn 200 chữ trình bày suy nghĩ của anh chị về ý nghĩa câu chuyện sau:

NGƯỜI ĂN XIN

Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt áo quần tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay nóng hổi của ông:

– Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

Ông nhìn tôi chăm chăm đôi môi nở nụ cười:

Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

(Theo Tuốc- ghê- nhép)

Với đề bài này, học sinh cần hiểu ý nghĩa câu chuyện, xác định vấn đề nghị luận và thao tác lập luận chủ yếu:

HS tự do bày tỏ cảm nhận của bản thân:

  • Có thể HS trình bày về giá trị của tình yêu thương, sự đồng cảm trong cuộc sống.
  • Có thể HS trình bày bài học về một thái độ, cách ứng xử, ý thức cho và nhận của con người trong cuộc sống
  • Có thể HS trình bày lời chia sẻ với những số phận bất hạnh...

3. Ví dụ minh họa

2. Dàn ý đoạn văn nghị luận xã hội

Câu mở đoạn: Chỉ được dùng 01 câu (Câu tổng – chứa đựng thông tin của đề thi yêu cầu. Câu này mang tính khái quát cao)

Xây dựng thân đoạn

Phải giải thích các cụm từ khóa, giải thích cả câu (cần ngắn gọn, đơn giản)

Bàn luận:

+ Đặt ra các câu hỏi – vì sao – tại sao – sau đó bình luận, chứng minh từng ý lớn, ý nhỏ.

+ Đưa ra dẫn chứng phù hợp, ngắn gọn, chính xác (tuyệt đối không kể chuyện rông dài, tán gẫu, sáo rỗng)

+ Đưa ra phản đề – mở rộng vấn đề – đồng tình, không đồng tình.

Viết kết đoạn

– Viết kết đoạn thường kết lại bằng một danh ngôn hay câu nói nổi tiếng (Nếu được vậy, bài làm sẽ được giám khảo chú ý hơn khi chấm điểm)

Lưu ý: Đoạn văn là không được xuống dòng, không được viết như một bài văn thu nhỏ.

3. Cấu trúc đoạn văn nghị luận xã hội

Đoạn nghị luận hiện tượng đời sống xã hội:

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu luận điểm.

- Sử dụng 1 đến 2 câu văn để dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Thân đoạn: Cần đảm bảo các nội dung sau:

- Nêu được thực trạng của vấn đề (có dẫn chứng, số liệu cụ thể)

- Nguyên nhân của vấn đề (Vận dụng kiến thức để giải thích rõ nguyên nhân của vấn đề).

- Hậu quả (hoặc kết quả) của vấn đề (kết hợp đưa dẫn chứng, số liệu để làm rõ hậu quả hoặc kết quả của vấn đề)

- Đưa ra các giải pháp để thực hiện vấn đề. Trình bày các biện pháp để khắc phục hạn chế hoặc phát huy mặt ưu điểm.

- Liên hệ bản thân, nêu lên những việc cần thiết bản thân cần thực hiện cũng như trách nhiệm của cộng đồng, của thế hệ trẻ hiện nay.

3. Kết đoạn: Sử dụng 1 câu văn để khẳng định tính đúng đắn, tầm quan trọng của vấn đề

Đoạn nghị luận vấn đề tư tưởng đạo lý:

1. Mở đoạn:

- Giới thiệu luận điểm.

- Sử dụng 1 đến 2 câu văn để dẫn dắt, giới thiệu vấn đề nghị luận.

2. Thân đoạn

- Nêu khái niệm, giải thích rõ vấn đề cần nghị luận.

- Bàn luận giải quyết vấn đề. Phân tích và chứng minh những mặt đúng của tư tưởng , đạo lí cần bàn luận:

+ Biểu hiện của vấn đề trong cuộc sống.

+ Tại sao ta cần phải thực hiện đạo lý đó.

+ Chúng ta cần phải làm gì để thực hiện đạo lý đó.

- Bày tỏ quan điểm của người viết:

+ Đánh giá vấn đề: Nêu ý nghĩa của vấn đề, mức độ đúng - sai, đóng góp - hạn chế của vấn đề.

+ Từ sự đánh giá trên, rút ra bài học kinh nghiệm trong cuộc sống cũng như trong học tập, trong nhận thức cũng như trong tư tưởng, tình cảm...

+ Đề xuất phương châm đúng đắn...

3. Kết đoạn: Khẳng định vấn đề

- Khẳng định chung về tư tưởng, đạo lí đã bàn luận ở thân bài (...)

- Lời nhắn gửi đến mọi người (...)

4. Lưu ý làm các dạng bài nghị luận

  • Đây là phần dễ kiếm điểm nhất trong cấu trúc đề thi. Với thiết kế đề thi như vậy, các em sẽ rất dễ dàng triển khai vấn đề.
  • Dung lượng yêu cầu khoảng 200 chữ, vì vậy cần viết ngắn gọn súc tích. Đi thẳng trực tiếp vào vấn đề, chia luận điểm, luận cứ rõ ràng.
  • Thời gian viết bài nghị luận dao động từ 20-25 phút. Tránh tập trung quá nhiều vào dạng bài này mà mất thời gian câu sau.
  • Lưu ý đối với cách trình bày: trình bày như 1 đoạn văn, không có ngắt xuống dòng. Tuy vậy, vẫn đảm bảo đủ 3 phần mở đoạn, thân đoạn và kết đoạn. Bài 200 chữ ứng với khoảng 20 dòng, 2/3 tờ giấy thi.

Tóm lại, nghị luận xã hội là thể văn hướng tới phân tích, bàn bạc các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội. Đoạn nghị luận xã hội chú trọng việc bày tỏ quan điểm cá nhân, nên chúng ta rất khuyến khích các em sáng tạo trong cách nghĩ, cách viết, bộc lộ cá tính. Nhưng cần nhớ sự sáng tạo, khác biệt vẫn phải dựa trên lí lẽ, căn cứ xác đáng với một thái độ chân thành, phù hợp với chuẩn mực xã hội. Bởi lẽ mục đích cuối cùng của nó là tạo ra những tác động tích cực đến con người và các mối quan hệ xã hội, giúp chúng ta ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Vì thế khi làm bài các em nên chú ý lan tỏa những thông điệp tích cực, tốt đẹp.

5. Đoạn văn nghị luận xã hội về đức hi sinh

“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Đúng vậy, trong cuộc sống chúng ta muốn có được những điều tốt đẹp thì chúng ta cần phải biết cho đi, yêu thương mọi người. Một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần có chính là đức hi sinh. Đức hi sinh là sự nhường nhịn, chấp nhận phần thiệt thòi hơn về mình (có thể là vật chất, tinh thần hoặc thậm chí là cả mạng sống) để người khác có được cuộc sống và những điều tốt đẹp hơn. Mỗi chúng ta ai cũng sẽ gặp phải những khó khăn, thử thách nhất định trong cuộc sống của mình. Nếu trong trường hợp đó, có người hi sinh giúp đỡ chúng ta, chúng ta sẽ trở nên tốt hơn. Ngược lại khi người khác gặp hoàn cảnh tương tự, chúng ta có thể giúp đỡ được họ thì hãy cố gắng nhất có thể. Nếu xã hội không có sự hi sinh con người sẽ trở nên ích kỉ, vô cảm chỉ muốn vơ vét những tư lợi về mình, dần dần sẽ dẫn đến tình trạng suy thoái đạo đức, xã hội sẽ đi xuống. Bên cạnh đó, nếu chúng ta sống với đức hi sinh ta sẽ được người khác yêu mến, kính trọng và học tập theo, lan tỏa được nhiều thông điệp tích cực ra cộng đồng. Một thực tế chúng ta có thể nhận ra đó là trong cuộc sống hiện nay vẫn còn nhiều người có tính ích kỉ chỉ biết nghĩ đến bản thân mình và lợi ích của mình mà không quan tâm đến những người xung quanh, cho rằng khi hi sinh là thiệt thòi, là không đáng,… những người này đáng bị phê phán, chỉ trích. Sống trong đời sống, chúng ta cần có một tấm lòng, cần có sự hi sinh cho nhau, cùng giúp nhau tiến bộ, phát triển, như vậy cuộc sống sẽ tốt đẹp và bền vững hơn.

Chẳng hạn có đề bài: hãy viết 1 đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/ chị về vài trò của tình bạn trong cuộc sống của mỗi con người.

Ta có đoạn văn sau:

6. Đoạn văn suy nghĩ về vai trò của tình bạn trong cuộc sống của mỗi người

Rất nhiều người bước vào và ra đi khỏi cuộc đời bạn, nhưng chỉ có người bạn thật sự mới có thể để lại dấu chân trong tim bạn. Thật vậy, tình bạn giúp chúng ta nhận ra cuộc sống thật đẹp, thật đáng yêu. Tình bạn là một thuật ngữ được dùng biểu thị sự hợp tác và hành vi nhiệt tình giữa hai hoặc nhiều con người. Đặc biệt là mối quan hệ cá nhân với nhau, bao hàm một mối quan hệ về kiến thức, sự quý trọng và ảnh hưởng lẫn nhau, nhu cầu hay cơn khủng hoảng. Nhưng tình bạn không đơn thuần là như vậy, cuộc sống không thể thiếu vắng tình bạn. Một tình bạn chân thành sẽ mạng cho ta nhiều niềm vui và động lực cho cuộc sống. Nhiều lúc cảm thấy trống vắng và chẳng muốn những chuyện nhỏ nhặt làm ảnh hưởng đến gia đình, khi đó một cái nắm tay siết chặt của tình bạn cũng làm ta vơi đi phần nào nỗi khổ tâm trong lòng. Thật may mắn cho ai có được người bạn thật sự của mình ở trong cái xã hội mà hiện nay chỉ toàn giẫm đạp lên nhau mà sống. Và điều cần thiết cho một tình bạn đẹp đẽ là ta phải sống thật, sống chân tình, biết yêu thương người bạn của mình. Có như vậy ta mới được tình bạn thật sự cho riêng mình.

7. Viết đoạn văn bàn về lòng vị tha trong cuộc sống

Ta có đoạn văn sau:

Lòng vị tha

Trong cuộc sống luôn có những điều mà ta chẳng bao giờ hài lòng, có những lời nói khiến ta bị tổn thương, có những cách đối xử làm ta buồn rười rượi... Nhưng điều quan trọng là sau tất cả những điều đó, ta vẫn có lòng vị tha. Ngạn ngữ có câu: "Hãy tha thứ và hãy quên!", nhưng phần lớn chúng ta thường cảm thấy quên dễ hơn nhiều so với việc tha thứ cho một người nào đó đã làm ta đau lòng, việc tha thứ đòi hỏi một người phải có tấm lòng nhân hậu sâu sắc, biết yêu thương mọi người và bỏ qua tất cả tội lỗi mà họ đã làm. Nhưng so với thực tế,chẳng mấy ai có thể làm được như vậy. Song nếu nhìn lại, việc tha thứ cho một người nào đó có thể khiến ta cảm thấy thật sự thanh thản, nhẹ nhõm. Nếu cứ gặm nhấm những nỗi đau và âm ỉ sự phục thù, ta sẽ bị hao mòn cả về thể xác lẫn tinh thần. Tha thứ sẽ là một liều thuốc giải độc mạnh mẽ. Tha thứ được thể hiện qua nhiều hành động trong cuộc sống hằng ngày, vui vẻ nở nụ cười khi có ai đó vô tình giẫm phải chân mình, hay chẳng chấp người bạn ngồi cùng bàn hay có tính mượn đồ của mình trong giờ học... Những việc làm đó sẽ khiến cho mình đáng yêu hơn trong mắt của mọi người. Vì vậy, hãy học cách sống mà có lòng vị tha vì nó là đức tính quý báu của mỗi con người chúng ta.

8. Đoạn văn về ý chí nghị lực

Cuộc sống có rất nhiều cám dỗ, dục vọng và không phải ai cũng đủ ý chí để vượt qua nó. Vậy ý chí là gì? Nó cần thiết như thế nào trong đời sống của chúng ta? "Ý chí" được định nghĩa là tinh thần, là khả năng, năng lực của mỗi người để họ có thể vượt qua thử thách, khó khăn để hoàn thành mục tiêu, ước mơ. Ý chí sẽ tạo nên một động lực to lớn để giúp chúng ta vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời. Một con người có ý chí là người biết đứng lên sau thất bại, quyết tâm vượt mọi khó khăn, có mục tiêu rõ ràng trong cuộc sống. Họ luôn có một bản kế hoạch, mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho chính mình và luôn phấn đấu, cần mẫn, trau dồi bản thân để vươn tới ước mơ đó. Có thể nói, ý chí là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành công của một con người. Không có ý chí thì bất cứ việc gì cũng là khó khăn, là thử thách và điều đó sẽ dễ dẫn tới những điều tiêu cực, những bước đi sai lầm. Có ý chí chắc chắn sẽ tạo nên thành công và nhà bác học Edison chính là người đã khẳng định điều đó. Hơn hai ngàn lần thử thách mới tạo nên được chiếc bóng đèn điện đầu tiên. Nếu không có ý chí, liệu ông có quyết tâm thử đến lần thứ hai ngàn đó để giờ đây nhân loại vinh danh ông như một nhà phát minh vĩ đại nhất thế kỉ XX? Vậy nhưng, ở ngoài kia, vẫn còn một số bộ phận người trẻ sống buông thả, không hề quan tâm tới ý chí, hoài bão hay ước mơ. Họ dễ dàng nản lòng trước khó khăn, sẵn sàng "thả trôi" những mục tiêu của mình để sa đà, ngã vào những tệ nạn xã hội. Vậy nên để sống, để vươn lên hãy rèn luyện cho mình một ý chí vững vàng để vượt qua tất cả mọi chông gai trong cuộc sống này!

---------------------------------------------

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Cách viết đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ. Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thêm nhiều tài liệu để học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 12 nhé.

Đánh giá bài viết
37 46.778
Sắp xếp theo

    Môn Văn khối D

    Xem thêm