Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 5 năm 2015 Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 5 năm 2015 Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc là đề thi thử đại học môn Ngữ văn có đáp án dành cho các bạn tham khảo, ôn tập, hệ thống kiến thức, ôn thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn được chắc chắn. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên
SỞ GD-ĐT VĨNH PHÚC | ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 5 NĂM HỌC 2014-2015 MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 180 phút không kể thời gian phát đề) |
Câu 1.( 2,0 điểm)
"Cứ nhìn dòng người đang cuộn chảy trên đường phố trong cái ngột ngạt của trưa hè nóng bức, càng ngạt thở vì chất thải của động cơ xe máy, xe ô tô mà cho dù khẩu trang che kín mũi miệng, cũng không sao thoát khỏi những chất độc ấy chui vào phổi. Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người, khó mà lường được. Nhưng trước mắt thì vẫn cứ phải tồn tại bằng thở hít cái khói bụi độc hại đó để mà bươn chải với cuộc mưu sinh. Cứ ngỡ như chỉ cư dân đô thị mới trực tiếp gánh chịu tai họa đó. Song, như nhận định có trách nhiệm của một nhà khoa học trong Hội thảo về "Phát triển nông thôn" vừa rồi, thì cư dân nông thôn cũng cùng chung thảm họa đó. Đấy là chưa nói đến một thực trạng mà theo ông, sự ô nhiễm môi trường ở nông thôn còn có khía cạnh nặng nề hơn. Mới đó, nông thôn thơ mộng với những "con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Tế Hanh), mà nay đang "có những dòng sông sắp qua đời"…! "
(Theo Tương Lai - Môi trường và phát triển)
Đọc đoạn văn và trả lời các câu hỏi:
a. Đoạn trích trên đây bàn về vấn đề gì? (0,5 điểm)
b. Hãy chỉ ra những phương thức biểu đạt và biện pháp tu từ trong đoạn trích? (0,5 điểm)
c. Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8-10 câu) bàn về giải pháp bảo vệ môi trường (1,0 điểm)
Câu 2. (3,0 điểm)
Bàn về “Văn hóa Việt” có ý kiến cho rằng:“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.
Anh/chị hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên trong khoảng 600 từ.
Câu 3. (5,0 điểm):
Có ý kiến cho rằng: Ở Tnú không có vấn đề tìm đường, nhận đường như nhân vật A Phủ. Câu chuyện về Tnú được mở ra từ chính chỗ A Phủ dần khép lại.
Anh/ chị hãy so sánh hai nhân vật A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và Tnú (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành) để thấy được những phẩm chất mới mẻ ở Tnú.
………….Hết………….
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm
Họ và tên thí sinh:………………………………… SBD: ………………….............
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn
Câu 1:
Đọc đoạn văn trích trong bài viết Môi trường và phát triển và trả lời câu hỏi:
a, Đoạn trích bàn về vấn đề:
Ô nhiễm môi trường.
(Sự ô nhiễm môi trường ở thành thị và nông thôn hoặc Ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường đối với cuộc sống con người)
b, Các phương thức biểu đạt được sử dụng là:
- Nghị luận:
- Về ô nhiễm môi trường (thực trạng, hậu quả…)
- Phân tích khí thải, khói bụi độc hại ở đô thị, ô nhiễm nguồn nước ở nông thôn…
- Biểu cảm:
- Hậu quả sẽ ra sao với sức khỏe của con người, khó mà lường được.
- Mới đó, nông thôn thơ mộng với những "con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Tế Hanh), mà nay đang "có những dòng sông sắp qua đời"
- Các biện pháp tu từ:
- Nghệ thuật đối ý: Mới đó, nông thôn thơ mộng với những "con sông xanh biếc/Nước gương trong soi tóc những hàng tre" (Tế Hanh), mà nay đang "có những dòng sông sắp qua đời"…!
- Nhân hóa: “Có những dòng sông sắp qua đời”
c, Các giải pháp bảo vệ môi trường
(HS có thể trình bày các giải pháp khác nhau GV linh hoạt chấm và cho điểm)
1 vài giải pháp cơ bản:
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có những quy định xử phạt .
- Chú trọng công tác quy hoạch phát triển các khu, cụm, điểm công nghiệp, các làng nghề, các đô thị, đảm bảo tính khoa học cao.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường trong xã hội nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường….
Câu 2:
Trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến:
“Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”.
a, Yêu cầu chung
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận xã hội của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động những hiểu biết xã hội, tư tưởng đạo lí, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng bày tỏ quan điểm của mình trước các ý kiến khác nhau.
- Thí sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải có căn cứ lí lẽ xác đáng, thái độ tích cực, phù hợp chuẩn mực đạo đức xã hội
b, Yêu cầu cụ thể:
1. Giải thích ý kiến
- Tự hào: là sự hãnh diện.
- 4000 năm văn hiến: là quá trình lịch sử dân tộc gắn liền với công cuộc dựng nước và giữ nước, tạo nên những truyền thống văn hoá lâu đời.
- Xấu hổ: cảm giác hổ thẹn vì lỗi lầm hoặc sự kém cỏi, không xứng đáng.
- 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường”: những được thể hiện trong cuộc sống đời thường.
→ Ý kiến trên là một lời nhắc nhở đối với người truyền thống văn hoá lâu đời tốt đẹp chỉ là lý thuyết trong sử sách, văn hóa ấy chưa Việt: Không chỉ hãnh diện về truyền thống văn hoá lâu đời của dân tộc mà cần phải phát huy truyền thống văn hoá tốt đẹp trong thực tế.
2. Bàn luận
2.1. Dân tộc Việt Nam tự hào vì có 4000 năm văn hiến bởi:
- Trong thực tế không phải dân tộc nào cũng có lịch sử phát triển lâu đời như vậy.
- Trong suốt 4000 năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã tạo ra những giá trị vật chất và tinh thần, hình thành bản sắc văn hoá của dân tộc với những nét tốt đẹp, biểu hiện phong phú ở nhiều lĩnh vực của đời sống.
2.2. Sẽ thật là xấu hổ nếu 4000 năm văn hiến của dân tộc chỉ đóng khung trong sách lịch sử, không được thể hiện trong cách hành xử đời thường
- Quả thực 4000 năm văn hiến là nền tảng, hành trang quý báu, nhưng nó hoàn toàn là thành tựu của quá khứ.
- Không thể chỉ tự hào về những điều trong sử sách, vì văn hoá của một dân tộc cần biểu hiện thành những điều cụ thể trong cuộc sống hiện tại.
2.3 Gắn ý kiến trên với tình hình thực tế Việt Nam
- Các thế hệ người Việt luôn nỗ lực để bảo vệ và phát huy truyền thống đó trong đời sống.
- Tuy nhiên có một hiện tượng đáng cảnh báo đó là sự xuống cấp của những giá trị văn hoá trong lối sống. (VD: Thói vô cảm và chủ nghĩa cá nhân;chủ nghĩa thực dụng và toan tính....)
2.4 Đánh giá:
- Ý kiến trên có tác dụng nhắc nhở mỗi người Việt Nam nhìn lại chính mình, để biết trân trọng quá khứ của cha ông và có ý thức gìn giữ và phát triển những truyền thống văn hoá tốt đẹp trong hiện tại.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Nhận thức đúng đắn giá trị của truyền thống, lịch sử dân tộc. Trân trọng, giữ gìn những giá trị tinh thần bền vững ấy.
- Bằng những hành động thiết thực để phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc trong đời sống.
Câu 3:
So sánh hai nhân vật A Phủ (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài) và Tnú (Rừng xà nu - Nguyễn Trung Thành) để thấy được những phẩm chất mới mẻ ở Tnú.
a, Yêu cầu chung:
- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh; đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác giả, tác phẩm văn học, kĩ năng so sánh, tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương của mình.
- Thí sinh có thể trình bày bằng nhiều cách khác nhau nhưng phải đảm bảo được cơ bản những yêu cầu cụ thể và không thoát li văn bản
b, Yêu cầu cụ thể:
1. Giải thích
- Tìm đường, nhận đường là vấn đề nhận thức về lý tưởng - mục đích cao nhất của cuộc sống.
- Nhân vật A Phủ của Tô Hoài được coi là nhân vật đang trên đường đi tìm lý tưởng và nhận thức lý tưởng. Nhân vật Tnú đã có lý tưởng ngày khi anh còn nhỏ.
→ Ở Tnú không có vấn đề tìm đường, nhận đường như nhân vật A Phủ, câu chuyện về Tnú được mở ra từ chính chỗ A Phủ dần khép lại. Có nghĩa Tnú là hệ nối tiếp, đi sau sẽ có những bước phát triển và phẩm chất mới mẻ hơn so với nhân vật đàn anh A Phủ.
2. Điểm gặp gỡ và khác biệt của hai nhân vật
2.1. Điểm gặp gỡ
- Đều sinh ra từ những vùng cao xa xôi, hẻo lánh:
- A Phủ sinh ra tại vùng núi Tây Bắc.
- Tnú sinh tại vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.
- Đều mồ côi:
- Cha mẹ A Phủ mất trong dịch đậu mùa khi đó cậu chừng 10 tuổi. Lần lần đi làm thuê cho nhà người.
- Tnú cũng mồ côi từ nhỏ được dân làng STrá nuôi dưỡng.
- Lớn lên đều là những chàng trai khỏe mạnh, cường tráng:
- A Phủ được ví như con trâu tốt trong làng.
- Tnú được ví như cây xà nu cường tráng bất chấp đạn bom.
- Cả hai đều có phẩm chất dũng mãnh, căm thù cái ác, sự bất công và đi theo cách mạng:
+ A Phủ
- Chống lại A Sử - con quan khi hắn phá cuộc chơi → không sợ cường quyền.
- Sau khi được Mị cắt dây cởi trói, chạy đến vùng Phiềng Sa, được người cán bộ A Châu giác ngộ, anh đã là du kích hoạt động rất tích cực.
+ Tnú:
- Gan góc quả cảm ngay từ nhỏ (Chi tiết: Nuôi giấu cán bộ, nuốt thư khi bị bắt)
- Chỉ huy dân làng mài vũ khí, chuẩn bị lực lượng chiến đấu.
- Mặc dù chịu nhiều đau thương: vợ con mất, bàn tay bị đốt nhưng anh vẫn đi lực lượng cầm vũ khí chiến đấu.
2.2. Sự khác biệt
a. A Phủ
- Cảnh ngộ của A Phủ rất đáng thương.
- A Phủ mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ
- Nạn nhân của những tập tục phong kiến lạc hậu
- Kiếp sống nô lệ ngựa trâu cho nhà thống lí.
- Tính cách của A Phủ rất đặc biệt:
- Gan góc, có ý thức phản kháng mỗi khi không chịu nổi điều gì (chi tiết: đánh A Sử; để hổ bắt mất một con bò, anh không van xin, không cầu cứu, đêm cúi xuống nhay đứt hai vòng dây trói; khi được Mị cứu, anh quật sức chạy thoát)
- Tuy nhiên do bị đọa đày triền miên khiến trong anh còn rơi vào tình trạng chấp nhận, cam chịu (chi tiết: tập tễnh đi giết lợn phục dịch những kẻ vừa hành hạ mình; một mình rong ruổi ngoài rừng mà không chạy trốn; nghe lời thống lí tự đi lấy cọc, đóng cọc, lấy dây để hắn trói mình) → thói quen cam chịu, cam phận của người nông dân trên các vùng núi cao, khi ánh sáng của Đảng chưa vươn tới. Họ sống như trong đêm tối không biết đường ra, không ai chỉ đường vạch lối. Đến khi cái chết cận kề, họ mới biết dựa vào nhau để giành giật lấy sự sống.
→ Tô Hoài rất biện chứng trong hai mặt đối lập của nhân vật và chỉ ra cho người đọc thấy đó là bước tìm đường, nhận đường của A Phủ để sau này sang Phiềng Sa gặp A Châu (cán bộ Đảng), anh được giác ngộ và sẵn sàng cầm súng trở thành du kích quay về giải phóng quê hương.
b. Tnú:
- Khác với A Phủ, câu chuyện về cuộc đời của Tnú được mở ra từ chính câu chuyện về A Phủ được khép lại.
- Tnú mồ côi nhưng được sống trong vòng tay yêu thương đùm bọc của dân làng Xô Man.
- Được gần cán bộ cách mạng là anh Quyết, được dạy chữ để sau này tiếp nối làm cán bộ, lãnh đạo phong trào cách mạng ở quê hương.
→ Tnú có những điều kiện mà các nhân vật anh hùng miền sơn cước trước đó chưa có, hay chỉ có khi đã trải qua vô vàn đau khổ, gian truân.
Vì thế, ở Tnú không còn là nhân vật tìm đường nữa, anh đã có những điều kiện thuận lợi và phẩm chất mới mẻ, vượt xa với A Phủ
- Tnú có một bi kịch đau đớn nhưng vượt lên hoàn cảnh đau thương, anh lên đường vào lực lượng vũ trang tiếp tục chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước.
3. Đánh giá chung
- Tnú - người anh hùng mà cụ Mết kể trong cái đêm dài ấy có những phẩm chất thật đáng quý. Anh may mắn hơn so với thế hệ đàn anh của mình như anh hùng Núp và A Phủ:
- Không phải sống kiếp tội đòi cam phận, cam chịu.
- Được thừa hưởng phong trào cách mạng từ cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
- Được giác ngộ lí tưởng cách mạng ngay từ tuổi nhỏ.
- Nhưng “Lớp cha trước, lớp con sau / Đã thành đồng chí chung câu quân hành” tất cả các anh đều là những người con ưu tú của núi rừng Tây Bắc, Tây Nguyên trong các cuộc chiến tranh vệ quốc, mang trong mình chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam, mãi mãi là tấm gương sáng cho các thế hệ tiếp nối.
III. Kết bài:
- Đánh giá lại vấn đề
- Bài học nhận thức và hành động cho thế hệ trẻ trong cuộc sống, xã hội mới.
Lưu ý chung:
- HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, giám khảo chấm linh hoạt.
- Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đảm bảo các yêu cầu, bố cục chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, cảm xúc.
- Khuyến khích những bài viết có sự sáng tạo, chấp nhận cả ý kiến ngoài đáp án nhưng phải có lí lẽ xác đáng, thuyết phục.
- Cần trừ điểm các lỗi hành văn, chính tả, ngữ pháp.