Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2015 trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên là đề thi thử đại học môn Ngữ văn có đáp án dành cho các bạn ôn thi đại học môn Văn được làm nhiều đề thi thử, làm quen nhiều dạng đề, các câu hỏi, chuẩn bị tốt nhất và sẵn sàng cho kì thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn sắp tới.

Đề thi thử Quốc gia môn Ngữ văn

SỞ GD & ĐT THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG THPT LƯƠNG NGỌC QUYẾN
ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA NĂM 2015
MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu I (2,0 điểm).

Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng muốn cướp nước ta lần nữa! Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào! Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già người trẻ, không phân biệt đảng phái, tôn giáo, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu tổ quốc; ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc. Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để giữ gìn đất nước. Dù phải gian lao kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm!

Kháng chiến thắng lợi muôn năm!

(Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Hồ Chí Minh toàn tập, tập IV,
NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995. tr.480)

Đọc văn bản trên và thực hiện các yêu cầu sau:

  1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản? (0,5 điểm)
  2. Tóm tắt ngắn gọn nội dung văn bản? (1,0 điểm)
  3. Kiểu câu cầu khiến được lặp lại nhiều lần có tác dụng gì? (0,5 điểm)

Câu II (3,0 điểm).

Nhà văn Pháp nổi tiếng Đi-đơ-rô có nói:

Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường.

Anh/chị có suy nghĩ gì về câu nói trên của Đi-đơ-rô. Câu nói đã gợi cho anh (chị) điều gì về quan niệm sống của bản thân hiện nay?

Câu III (5,0 điểm).

Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12).

…………………Hết…………………………..

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

Họ và tên thí sinh……………………………… Số báo danh…………………………

Đáp án đề thi thử Quốc gia môn Ngữ văn

Câu I:

Đọc kĩ văn bản và trả lời các câu hỏi.

1. Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản?

- Phong cách ngôn ngữ của văn bản: Phong cách chính luận

2. Tóm tắt nội dung văn bản:

  • Nguyện vọng hòa bình của nhân dân ta trái ngược với âm mưu xâm lược của thực dân Pháp;
  • Kêu gọi toàn dân đứng lên đánh Pháp bằng những hành động phù hợp với hoàn cảnh của mình;
  • Kêu gọi binh sĩ, tự vệ dân quân chiến đấu dũng cảm;
  • Bày tỏ niềm tin mãnh liệt vào cuộc kháng chiến chính nghĩa;

3. Kiểu câu cầu khiến được lặp lại nhiều lần có tác dụng: làm tăng tính hiệu triệu của lời kêu gọi với toàn thể đồng bào; duy trì sự chú ý, lắng nghe và tác động trực tiệp tới nhận thức và tình cảm của họ, thôi thúc họ hành động.

Câu II: Nhà văn Pháp nổi tiếng Đi-đơ-rô có nói:

Nếu không có mục đích, anh không làm được gì cả. Anh cũng không làm được cái gì vĩ đại nếu như mục đích tầm thường.”

Anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên của Đi-đơ-rô. Câu nói đã gợi cho anh (chị) điều gì về quan niệm sống của bản thân hiện nay?

Yêu cầu chung

- Về kĩ năng:

Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội: Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, luận điểm rõ ràng, lý lẽ và dẫn chứng hợp lí, lời văn trong sáng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

- Về kiến thức:

Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng phải bám sát yêu cầu của đề bài, cần làm rõ được các ý sau:

Ý 1:

  • Giới thiệu vấn đề bàn luận: mục đích trong cuộc sống của con người.
  • Trích dẫn nhận định.

Ý 2:

Giải thích

  • Mục đích: là yêu cầu cần đặt ra trước khi thực hiện một công việc; là cái ta cần phấn đấu để đạt được trong quá trình thực hiện công việc.
  • Mục đích tầm thường: yêu cầu cần đạt được ở mức độ thấp, có thể chỉ phục vụ cho lợi ích ở phạm vi hẹp với bản thân.
  • Cái vĩ đại: cái lớn lao, cao cả, có ý nghĩa với nhiều người, với tập thể.
  • Câu nói: Đi-đơ-rô đề cập đến tính mục đích trong mọi công việc, hoạt động của con người và mỗi người cần xác định cho mình một mục đích sống cao đẹp.

Ý 3:

Bàn luận:

- Vai trò của mục đích sống với con người:

  • Hành động có mục đích là hành động của con người có trí tuệ soi sáng, khác hẳn với hành động bản năng tự nhiên của loài thú.
  • Mục đích mở ra phương hướng, dẫn dắt mọi hành động của con người, giúp hành động của con người đạt kết quả.
  • Sống không có mục đích, con người sẽ trở nên vô dụng, cuộc đời mất hết ý nghĩa.

- Khẳng định tính chất đúng đắn của câu nói:

  • Mục đích cao thượng, tốt đẹp là động lực thúc đẩy con người không ngừng vươn lên trong cuộc sống. Và khi cần, sẵn sàng hi sinh cả bản thân mình để thực hiện mục đích cao thượng.
  • Sống có mục đích cao thượng, con người sẽ trở nên hữu ích cho gia đình, xã hội. Có mục đích, lí tưởng tốt đẹp, con người sẽ giàu ý chí, nghị lực, sẽ đạt được những ước mơ cao đẹp.

- HS lấy dẫn chứng trong lịch sử và thực tế để chứng minh.

Ý 4: Phê phán những kẻ sống không có mục đích hoặc mục đích sống tầm thường. Bởi nó khiến con người ta trở nên thụ động, bạc nhược, vô dụng, cuộc đời mất hết ý nghĩa.

Ý 5:

Suy nghĩ về quan niệm sống của bản thân:

  • Ngay từ tuổi học sinh, chúng ta phải xác định cho mình một mục đích, lí tưởng sống cao đẹp: Mình vì mọi người, mọi người vì mình.
  • Trước mắt, xác định động cơ, mục đích học tập đúng đắn: học để nắm được kiến thức vững vàng; làm chủ khoa học, kĩ thuật, làm chủ cuộc đời mình; đóng góp được nhiều hơn, tốt hơn cho đất nước, dân tộc.

Ý 6: Khẳng định lại ý nghĩa, tác dụng của câu nói với bản thân và với mọi người.

Câu III: Cảm nhận của anh (chị) về chi tiết “Tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp thị Nở (Chí Phèo - Nam Cao, Ngữ văn 11) và chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12).

Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài nghị luận so sánh về chi tiết có trong tác phẩm văn xuôi. Kết cấu chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…

Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết về tác gia Nam Cao và truyện ngắn Chí Phèo; tác giả Tô Hoài và truyện ngắn " Vợ chồng A Phủ", học sinh có thể cảm nhận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ được các ý cơ bản sau

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và các đối tượng so sánh:

  • Nam Cao, cây bút hiện thực xuất sắc và thấm đẫm tinh thần nhân đạo. Chí Phèo (1941) là kiệt tác đã kết tinh cao nhất cho đặc điểm nghệ thuật của nhà văn. Chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” là một trong những chi tiết đặc sắc thể hiện giá trị nhân đạo của tác phẩm.
  • Tô Hoài là một nhà văn lớn của nền văn học Việt Nam hiện đại. Ông đã đạt nhiều thành tựu rực rỡ khi viết đề tài miền núi, trong đó có tác phẩm Vợ chồng A Phủ - đạt giải Nhất, Giải thưởng hội văn nghệ Việt Nam 1954-1955. Tác phẩm có giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc. Thể hiện rõ điều đó có lẽ phải kể đến chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi”.

Làm rõ các đối tượng so sánh

- CHI TIẾT "TIẾNG CHIM HÓT NGOÀI KIA VUI VẺ QUÁ"

* Về nội dung:

  • Cuộc gặp gỡ giữa Thị Nở và trận ốm đã làm cho con quỷ dữ có sự thay đổi hẳn cả về sinh lí lẫn tâm lý.
  • Từ khi mãn hạn tù trở về, đây là lần đầu tiên Chí Phèo hết say, hoàn toàn tỉnh táo. Và lần đầu tiên Chí nghe thấy những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi tha thiết của cuộc sống.
  • Khi tỉnh táo, Chí phèo đã nhìn lại cuộc đời mình cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Lần đầu tiên tỉnh táo, suy nghĩ, Chí nhận thấy tình trạng bi đát, tuyệt vọng của cuộc đời mình.

* Về nghệ thuật:

  • Là chi tiết quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển của cốt truyện, khắc họa sâu sắc nét tính cách tâm lí và bi kịch của nhân vật.
  • Qua chi tiết này, Nam cao khẳng định: chất người không bao giờ mất đi được ngay cả khi họ bị xã hội thối nát, tàn bạo cướp mất đi cả nhân hình lẫn nhân tính.

- CHI TIẾT "MỊ NGHE TIẾNG SÁO VỌNG LẠI, THIÊT THA BỔI HỔI"

* Về nội dung:

  • Mùa xuân trên miền núi Tây Bắc được miêu tả rất đẹp: Thiên nhiên Tây Bắc vào xuân, màu sắc của những chiếc váy hoa, tiếng cười nói của đám trẻ chơi quay đợi tết, đặc biệt là tiếng sáo da diết xoáy sâu vào trái tim tưởng như băng giá của Mị. Ngoại cảnh đã làm thức dậy trong Mị ý thức về tình yêu và hạnh phúc.
  • Khi nghe tiếng sáo, Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp, nhận thức được hiện tại, thấm thía thân phận và dẫn đến hành động (uống rượu, thắp đèn cho sáng căn buồng, lấy váy hoa để đi chơi,…) nhưng A Sử dập tắt ý định của Mị một cáh bạo tàn. Trong khi bị trói, Mị vẫn không biết mình đang bị trói, tâm hồn Mị vẫn nương theo tiếng sáo để đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. Tiếng sáo đã xúc tác mạnh tới tâm hồn Mị, đẩy tình huống truyện lên cao trào, ý muốn tự do của cô Mị lên đỉnh điểm, để cho tới khi quyết tâm cắt dây trói cứu A Phủ trong đêm đông và cùng bỏ trốn thì nút thắt của câu truyện được hóa giải.

- Về nghệ thuật:

  • Là một trong những chi tiết góp phần làm thay đổi trạng thái tâm lý của nhân vật.
  • Là chi tiết góp phần khẳng định sức sống tiềm tàng, mãnh liệt trong tâm hồn Mị, góp phần bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

So sánh

- Sự tương đồng

  • Đó là những âm thanh hết sức kì lạ, nó len lỏi vào tận sâu tâm hồn vốn tưởng như đã chết của nhân vật để khơi dậy trong họ niềm ham sống và khát khao sống mãnh liệt.
  • Đây cũng là những chi tiết góp phần tô đậm giá trị nhân đạo cho hai tác phẩm
  • Là những chi tiết cho thấy sự tài năng của hai nhà văn.

- Sự khác biệt

  • Tiếng chim hót trong truyện ngắn "Chí Phèo" là âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh, âm thanh ấy hôm nào cũng có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy vì chỉ đến hôm hay, Chí mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới được đánh thức. Âm thanh ấy thổi bùng khát khao được làm người lương thiện của Chí.
  • Tiếng sáo trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" là âm thanh gợi cho Mị nhớ về quá khứ tươi đẹp và khát khao một cuộc sống tự do. Tiếng sáo làm cho sức sống tiềm tàng trong Mi trỗi dậy một cách mãnh liệt.

- Lý giải sự khác biệt:

  • Do sự khác biệt về bối cảnh mà chi tiết tồn tại.
  • Do sự khác biệt về phong cách của hai nhà văn.

- Khái quát vấn đề và nêu cảm nghĩ của bản thân.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm