Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 3)

Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 3) được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm tài liệu ôn thi kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới nhé.

1. Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 3

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Áp lực mới tạo nên kim cương.

Lò xo phải bị nén thì mới có sức bật.

Con người càng có sức ép càng dễ tạo nên kì tích nếu biết cách kiên cường đến tận cùng.

Hãy yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây, bình tĩnh gấp thuyền giấy thả xuống dòng nước lũ. Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước. Đường đời chẳng mấy khi bằng phẳng. Nhưng không ai sướng mãi và cũng chẳng ai khổ hoài. Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng. Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình. Đó là lối sống mạnh mẽ nhất.

Nếu trong lòng bạn có một ước mơ nặng hơn cả sinh mệnh, vậy thì đừng né tránh áp lực. Đừng sợ hãi độ cao. Cũng đừng chối bỏ những cảm xúc tiêu cực luôn ẩn nấp sau lồng ngực. Hãy thẳng thắn đối diện và tìm cách giải quyết tất cả mọi khúc mắc. Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm. Nếu bạn cảm thấy điều gì đó không ổn, đơn giản chỉ cần tìm cách thay đổi. Thay đổi bằng cách nào tạm thời chưa cần rạch ròi, nhưng trước hết bắt buộc phải có một ý thức không ngại va chạm, sẵn sàng hi sinh để thay đổi.

(Theo Xu, Mình phải sống như biển rộng sông dài, NXB Thế giới, 2022, tr.74 - 75)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra những biểu hiện của lối sống mạnh mẽ nhất theo quan điểm của tác giả.

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ ẩn dụ được sử dụng trong những câu văn sau: "Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục."

Câu 4. Anh/Chị có đồng ý với nhận định của tác giả "Cuộc sống này là của bạn. Nếu nó không ổn thì bạn là người duy nhất phải chịu trách nhiệm"? Vì sao?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cách vượt qua áp lực trong cuộc sống?

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong bài thơ Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết:

Nhớ gì như nhớ người yêu

Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương

Nhớ từng bản khói cùng sương

Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.

Nhớ từng rừng nứa bờ tre

Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

Ta đi ta nhớ những ngày

Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi…

Thương nhau, chia củ sắn lùi

Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng.

Nhớ người mẹ nắng cháy lưng

Địu con lên rẫy, bẻ từng bắp ngô.

(Ngữ văn 12, Tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2010, tr.110 - 111)

Anh/Chị hãy phân tích đoạn trích trên, từ đó, liên hệ với những lời ướm hỏi của người ở lại liên tiếp xuất hiện trong phần đầu của bài thơ để rút ra nhận xét về truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người và dân tộc Việt Nam.

2. Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 3

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Nghị luận

Câu 2. Biểu hiện của lối sống mạnh mẽ nhất: Yêu lấy hết thảy những áp lực bủa vây; Ở trong bóng tối, không có ai dẫn lối thì tự mình mò mẫm, hiên ngang tiến bước; Gặp hòn sỏi thì nhẹ nhàng bước qua. Gặp tảng đá lớn thì hiên ngang đối diện. Gặp ngọn núi cao thì vui vẻ chinh phục. Mỉm cười điềm nhiên khi tất cả đang than vãn. Cắn răng xông lên khi tất cả đã đầu hàng; Ngược dòng đám đông nhưng thuận theo tâm mình.

Câu 3.

- Biện pháp tu từ ẩn dụ:

Hòn sỏi – áp lực nhỏ, tảng đá lớn – áp lực lớn, núi cao – áp lực rất lớn.

- Tác dụng:

+ Làm cho các câu văn tăng sức gợi hình, gợi cảm, sinh động, hấp dẫn.

+ Khuyên chúng ta phải biết chấp nhận áp lực, khó khăn, trở ngại vì đó là một phần tất yếu của cuộc sống; đối diện và vượt qua nó bằng tâm thế thoải mái, vui vẻ, bằng bản lĩnh kiên cường và khát vọng chinh phục để tạo ra những kì tích.

Câu 4.

- Bày tỏ quan điểm của bản thân: đồng tình/ không đồng tình/ đồng tình một phần.

- Lý giải hợp lí, thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cách để vượt qua áp lực trong cuộc sống

c. Triển khai vấn đề nghị luận: Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng cần làm rõ vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng sau:

– Giải thích: áp lực trong cuộc sống là những sức ép từ xã hội, từ đời sống tác động, đè nặng lên mỗi người. Đó có thể là khó khăn thử thách gặp phải, công việc nặng nề phải đảm nhận, trách nhiệm lớn lao phải gánh vác… Nó thường tạo ra tâm lí căng thẳng, nặng nề, lo lắng. Tuy nhiên, áp lực cũng có ý nghĩa quan trọng trong quá trình trưởng thành của bản thân mỗi người, cũng như đối với thành công.

– Cách vượt qua áp lực trong cuộc sống:

+ Hãy đón nhận áp lực bằng tâm thế sẵn sàng, chủ động. Áp lực là một phần tất yếu của cuộc sống mà không ai tránh khỏi nhất là trong xã hội hôm nay. Vì vậy, thay bằng sợ hãi, căng thẳng, mỗi người cần bình tĩnh, vui vẻ đón nhận. Từ đó sẽ có trạng thái tâm lí tích cực để vượt qua áp lực.

+ Kiên cường, hiên ngang đối diện; nỗ lực phát huy cao độ các năng lực của bản thân; trau dồi kĩ năng, không ngừng học hỏi kinh nghiệm từ người khác và các khóa học để có cách xử lí, giải quyết những áp lực của cuộc sống. Đó là con đường dẫn ta vượt qua áp lực và đi tới thành công.

+ Tạo lập một kế hoạch học tập và làm việc bài bản, khoa học, kỉ luật. Hãy cân đối giữa thời gian dành cho công việc và thời gian thư giãn để có thêm tinh thần sảng khoái và hứng thú làm việc.

+ Tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng có thể vượt qua được áp lực. Nếu cảm thấy những áp lực đó là quá sức, vượt khỏi tầm kiểm soát và khả năng của bản thân thì hãy học cách chia sẻ với người thân, bạn bè để có sự giúp đỡ, tương trợ, có được giải pháp tích cực để thoát khỏi bế tắc; đừng cố chịu đựng, quá dồn nén cảm xúc, mà hãy hoặc hãy học cách buông bỏ bớt gánh nặng cho lòng nhẹ nhàng, thanh thản; hãy học cách giải phóng cảm xúc tiêu cực của mình để tìm kiếm nguồn năng lượng tích cực.

+ Gia đình, xã hội cần thấu hiểu, gần gũi hơn, có sự kết nối sâu sắc và chăm lo tốt hơn đến đời sống tinh thần của mỗi cá nhân. Đó cũng là cách giúp mỗi người dám đối diện và vượt lên áp lực.

– Bài học nhận thức hành động.

(Học sinh rút ra bài học nhận thức và hành động phù hợp với bản thân)

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ nghĩa, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận.

Câu 2.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận (gồm 3 phần), rõ ràng, lập luận thuyết phục, diễn đạt mạch lạc, xác định đúng vấn đề nghị luận.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Nỗi nhớ cảnh và người Việt Bắc; truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người và dân tộc Việt Nam.

c. Triển khai vấn đề nghị luận theo các luận điểm; kết hợp linh hoạt các thao tác lập luận

1 Giới thiệu khái quát về tác giả Tố Hữu, bài thơ Việt Bắc, đoạn trích

2. Phân tích đoạn trích

- Nội dung:

+ Câu 1: Người ra đi khẳng định nỗi nhớ chung về Việt Bắc: khó diễn tả nhưng thiết tha, sâu nặng: Nhớ gì như nhớ người yêu.

+ 5 câu tiếp theo: Nhớ thiên nhiên Việt Bắc: Nỗi nhớ gắn với những cảnh sắc, địa danh quen thuộc, bình dị mà cũng rất nên thơ (trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương, bản khói cùng sương, ngòi Thia, sông Đáy…); trong cảnh thấp thoáng hình bóng con người thân thương, cần mẫn (sớm khuya bếp lửa người thương đi về).

+ 6 câu còn lại: Nhớ con người và cuộc sống Việt Bắc: Nhớ người Việt Bắc cùng đồng cam cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi, cưu mang cán bộ cách mạng trong những ngày kháng chiến đầy gian khó (Mình đây ta đó, đắng cay ngọt bùi, chia củ sắn lùi, bát cơm sẻ nửa…); Nhớ nhất là người mẹ Việt Bắc lam lũ, tảo tần, chăm chỉ lao động (nắng cháy lưng, địu con, bẻ từng bắp ngô).

=> Cảnh và người Việt Bắc trong những năm tháng kháng chiến đã trở thành những kỉ niệm, những ấn tượng sâu sắc, đẹp đẽ, không thể phai mờ. Nỗi nhớ thể hiện tình cảm thủy chung, lòng biết ơn với đồng bào và quê hương Việt Bắc của người cán bộ về xuôi.

- Nghệ thuật:

+ Sử dụng nhuần nhuyễn thể thơ lục bát, âm điệu ngọt ngào, nhẹ nhàng, tha thiết.

+ Từ ngữ, hình ảnh thơ gần gũi, bình dị, giàu sức gợi.

+ Vận dụng linh hoạt, hiệu quả các biện pháp tu từ: so sánh, liệt kê, điệp từ, lặp cấu trúc… góp phần thể hiện nỗi nhớ thiết tha, sâu nặng của người ra đi.

- Đánh giá chung:

+ Qua nỗi nhớ, Tỗ Hữu đã tái hiện một Việt Bắc bình dị mà nên thơ, một giai đoạn kháng chiến đầy khó khăn, gian khổ nhưng chất chứa ân tình. Đoạn trích là một giai điệu đẹp của bản tình ca tri ân Việt Bắc.

+ Đoạn trích cũng rất tiêu biểu cho phong cách thơ Tố Hữu: trữ tình chính trị sâu sắc, đậm đà tình dân tộc.

3. Liên hệ với những lời ướm hỏi của người ở lại liên tiếp xuất hiện ở phần đầu của bài thơ để rút ra nhận xét về truyền thống đạo lí tốt đẹp của con người và dân tộc Việt Nam.

- Đoạn trích là lời hồi đáp của người ra đi với nỗi nhớ thương thiết tha, sâu nặng với cảnh và người ở lại. Từ đó, ta liên tưởng tới những lời ướm hỏi mà người Việt Bắc đã thiết tha gửi gắm cho người ra đi: Mình về mình có nhớ ta, Mình về mình có nhớ không, Mình đi có nhớ những ngày, Mình đi có nhớ những nhà, Mình về còn nhớ núi non… Lời ướm hỏi đâu chỉ để hỏi mà còn để nhắc nhớ kỉ niệm, ân tình, ân nghĩa cách mạng cho người ra đi và bộc lộ nỗi nhớ thương sâu nặng của người ở lại. Người đi, kẻ ở đồng thanh tương ứng trong nỗi nhớ thương.

- Viết về tình cảm sâu nặng của người cán bộ cách mạng về xuôi và đồng bào nhân dân Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định truyền thống đạo lí tốt đẹp: thủy chung, uống nước nhớ nguồn của con người và dân tộc Việt Nam.

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện sâu sắc vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-----------------------------------------

Bài tiếp theo: Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 4)

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 3). Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Thi THPT Quốc gia 2024.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm