Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 4)

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 4) để bạn đọc cùng tham khảo. Hi vọng qua bài viết này bạn đọc có thêm tài liệu để ôn thi kì thi tốt nghiệp THPT Quốc gia sắp tới nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 4

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích:

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay. Vậy nên bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, tức là bạn đã bắt đầu trở thành một người sống tối giản.

(Nguồn: Internet)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Chỉ ra tác hại của việc Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết được nêu trong đoạn trích.(0.5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, tại sao bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản? (0.5 điểm)

Câu 3. Anh chị hiểu như thế nào về ý kiến Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu? (1.0 điểm)

Câu 4. Bài học ý nghĩa nhất anh/chị nhận được từ đoạn trích? (1.0 điểm)

II.LÀM VĂN(7,0 điểm)

Câu 1.(2,0 điểm)

Viết một đoạn văn ngắn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ về đức tính giản dị của con người .

Câu 2.(5,0 điểm)

Trong Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài viết:

“Ngày Tết, Mị cũng uống rượu.Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị làm mặt ngồi đấy nhìn người nhảy đồng, người hát. Nhưng lòng Mị đang sống về ngày trước.Tại Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng.Ngày trước Mị thổi sáo giỏi.Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo.Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị.

Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết.Mị vẫn ngồi trợ một mình giữa nhà.Mãi sau Mị mới đứng dậy. Nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà Mị từ từ bước vào buồng.Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra.Mà tiếng sáo gọi bạn vẫn lửng lơ bay ngoài đường.

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi.... “

(Trích Vợ chồng A Phủ, Tô Hoài, Ngữ văn 12, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, trang 7-

Anh/ chị hãy phân tích tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn văn bản trên. Từ đó nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả nhân vật của Tô Hoài.

2. Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn - Đề số 4

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1.

Tác hại của việc Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết: sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn.

Câu 2.

Theo tác giả, bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối | 0,5 giản là bởi Chẳng có ai từ khi sinh ra đã có tài sản, đồ đạc gì trong tay.

Câu 3.

- Giải nghĩa từ ngữ khóa: “Giá trị bản thân chúng ta” là yếu tố vô hình, thiêng liêng, không dễ dàng xác lập và tồn tại bền vững. Bởi thế nó “không đo bằng” “những đồ đạc mà chúng ta sở hữu” - những vật chất hữu hình, dễ lượng hóa, có thể mất đi chóng vánh.

- Chốt: Như vậy, ý kiến phủ định thước đo của giá trị cá nhân là của cải, đồ đạc; từ đó ngầm khẳng định yếu tố cốt lõi minh định một con người là những giá trị tinh thần.

Câu 4.

- Nêu: Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình (bài học là một trích dẫn từ ngữ liệu)

- Lí giải: “mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết – vượt quá nhu cầu bình thường, lãng phí của cải khiến ta luôn phải choàng khoác chúng trên vai, lo lắng giữ gìn, ngay ngáy bất an, cuộc sống lúc nào cũng nặng nề. Đó chẳng phải lấy mất tự do của chính mình – tự mình hủy hoại trạng thái không ràng buộc, chủ động, phóng khoáng hay sao.

- Liên hệ: Bài học thực ý nghĩa đã cho thấy rõ bản chất, hậu quả của cách sống thừa mứa về vật chất; từ đó cảnh tỉnh tuổi trẻ – giai đoạn vốn dễ đua đòi chúng bạn.

II. LÀM VĂN

Câu 1: Nghị luận xã hội:

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: suy nghĩ về đức tính giản dị của con người

c. Triển khai vấn đề cần nghị luận:

1. Giải thích: Giản dị là sống không xa hoa cầu kì, mà sống đơn giản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh bản thân, gia đình, môi trường xung quanh.

2. Đánh giá, bàn luận:

Biểu hiện:

- Lối sống giản được thể hiện trên nhiều phương diện từ trang phục đến cách ăn uống, sinh hoạt, lời nói, cách cư xử...

- Người giản dị thường chọn cho mình trang phục đơn giản nhưng vẫn gọn gàng, lịch sự, chọn nếp sống dân dã, lời nói chân thật, dễ hiểu, cách cư xử chan hòa, thân ái...

Vậy vì sao con người lại phải giản dị?

- Lối sống giản dị là một trong những đức tính tốt đẹp của dân tộc, ông cha ta thường nhắc nhở con cháu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”.Tính giản dị rất cần thiết trong cuộc sống.

- Giản dị giúp ta tiết kiệm thời gian, không mất thời gian vào những việc làm vô bổ, dành thời gian vào làm những việc có ích như học tập, chơi thể thao, tham gia các hoạt động xã hội, làm việc...nhờ vậy mà thành công. - Người sống giản dị dễ dàng hòa nhập với mọi người xung quanh, nhờ vậy được mọi người yêu quý, từ đó xây dựng một cuộc sống tốt đẹp.

Chứng minh: Bác Hồ là tấm gương sáng ngời về sự giản dị để chúng ta noi theo. Ở Bác có sự nhất quán giữa cuộc đời hoạt động chính trị lay trời chuyển đất với đời sống vô cùng giản dị. Sự giản dị của Bác không chỉ thể hiện ở cách ăn mặc mà thể hiện cả trong lời nói, trong quan hệ với mọi người. Nét đẹp ấy trong con người Bác thật khiến ta cảm phục

3. Bàn luận mở rộng

- Phản đề Giản dị mà một đức tính tốt đẹp của con người. Thế nhưng thật đáng buồn là trong cuộc sống hôm nay có rất nhiều người chạy theo lối sống xa hoa, lãng phí, đặc biệt có một số bạn trẻ chạy đua theo lối sống gấp, ăn chơi đua đòi..Hiện tượng này thật đáng lên án.

- Phân biệt: Tuy nhiên cũng cần phân biệt giản dị với lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác. Giản dị là sống không xa hoa cầu kì, kiểu cách mà sống đơn giản phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân, gia đình, môi trường xung quanh. Còn lôi thôi, luộm thuộm, nhếch nhác đi liền với sự bẩn thỉu, cẩu thả, tuềnh toàng . Giản dị là tốt tuy nhiên trong một số trường hợp vẫn phải ăn mặc đẹp, lịch sự, trang nhã để phù hợp với hoàn cảnh như đi hội nghị, lễ hội, dạ tiệc... nếu không sẽ bị chê cười, bị lạc lõng...

4. Bài học:

- Mỗi con người chúng ta phải nhận thức rõ vai trò của đức tính giản dị trong cuộc sống.

- Cần ra sức rèn luyện tính giản dị trong ăn mặc, trong đời sống hằng ngày đồng thời phải có bản lĩnh, nghị lực vượt qua mọi cám dỗ tầm thường.

- Liên hệ: Là học sinh, trong môi trường học đường, chúng ta cần rèn lối sống giản dị để phù hợp với môi trường học đường từ đó hình thành cho mình những phẩm chất tốt đẹp cần có.

d.Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2: Nghị luận văn học

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề

Thân bài triển khai được vấn đề

Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

c.Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

MỞ BÀI: Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, vấn đề nghị luận

Giới thiệu tác giả, tác phẩm:

- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện đại Việt Nam. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.

– “Vợ chồng A Phủ” là một truyện ngắn xuất sắc trong đời văn Tô Hoài nói riêng và văn học hiện đại Việt Nam nói chung. Nhân vật Mị được tác giả tập trung xây dựng, khắc họa, trở thành điển hình cho số phận cay đắng, tủi cực của người lao động miền núi Tây Bắc thời kì trước cách mạng tháng Tám và quá trình họ tự đấu tranh, giải phóng mình.

Nêu vấn đề cần nghị luận: Đoạn trích “Ngày Tết, Mị cũng uống rượu... Em không yêu, quả pao rơi rồi.” là một phần diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân. Qua đó người đọc thấy được đặc sắc trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của Tô Hoài

THÂN BÀI:

1. Khái quát tác phẩm:

- Hoàn cảnh sáng tác: Trong chuyến đi thực tế dài 8 tháng cùng bộ đội và giải phóng Tây Bắc. “Vợ chồng A Phủ” In trong tập “Truyện Tây Bắc“- Giải nhất Hội Văn nghệ Việt Nam 1954-1955.

- Bố cục: “Vợ chồng A Phủ” gồm hai phần: phần đầu kể về cuộc sống tủi nhục của Mị và A Phủ ở Hồng Ngài, là nô lệ nhà thống lí Pá Tra; cuối phần một là cảnh Mị cứu và chạy theo A Phủ. Phần sau kể về Mị và A Phủ ở Phiềng Sa. Họ trở thành vợ chồng, được giác ngộ cách mạng.

- Tóm tắt tác phẩm:

- Đoạn trích: Với tấm lòng nhân đạo cao cả, nhà văn đã không nhấn chìm Mị trong tăm tối, khổ đau. Bằng những cách khác nhau, nhà văn đã vực dậy sức sống vốn dĩ rất tiềm tàng và mãnh liệt bên trong “con rùa lùi lũi” kia. “Nhà văn phải biết khơi lên ở con người niềm trắc ẩn, ý thức phản kháng cái ác; cái khát vọng khôi phục và bảo vệ những cái tốt đẹp”. (Ai ma tập). Nhà văn Tô Hoài quả thực đã làm được điều đó khi thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. Những tưởng Mị sẽ cam chịu, chấp nhận kiếp sống ấy cho đến chết nhưng bằng một trái tim đầy yêu thương nhà văn Tô Hoài đã khám phá phát hiện ra đằng sau sự cam chịu, chấp nhận ấy của Mị là sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Và chính sức sống tiềm ẩn bên trong một khi sống dậy thì rất mãnh liệt ấy đã giúp Mị từng bước tháo cũi sổ lồng, tìm được hạnh phúc cho cuộc đời mình. Tiếng sáo và những đêm tình mùa xuân đã đánh thức khát vọng sống và giấc mộng lứa đôi, khơi dậy sức sống tiềm tàng ở Mị. Đoạn văn này nằm ngay sau đoạn văn miêu tả thiên nhiên Tây Bắc, tiếng sáo gọi bạn lấp ló nơi đầu núi vào dịp tết đến xuân về và nhằm miêu tả tâm trạng và hành động của Mị. Cao trào của xúc cảm chính là hành động Mị muốn đi chơi.

2. Triển khai VĐNL

Yêu cầu 1: Tâm trạng và hành động của nhân vật Mị trong đoạn trích

1. Mị uống rượu

Tiếng sáo đã dẫn đến hành động “nổi loạn” của Mị. Dịp Tết, mọi người uống rượu, đi chơi và Mị cũng tìm đến rượu "Ngày Tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, cứ uống ực từng bát. Tồi Mị say". Đó cũng không phải là cách uống của người thưởng xuân cũng không phải uống vì thèm rượu. Cách uống rượu của Mị là cách uống để giải sầu, uống rượu như nuốt căm, nuốt hận vào lòng. Sức chịu đựng của Mị là có hạn, đã đến lúc cần bùng cháy. Rượu chính là chất men xúc tác để nhân vật có đủ sức mạnh và can đảm làm những việc mà khi tỉnh táo Mị không thể bởi bao áp chế đè nặng. Vì thế mới có những diễn biến đầy phức tạp trong tâm lí và hành động của Mị trong đêm tình mùa xuân. Có thể nói rượu và tiếng sáo chính là chất men say đánh thức phần đời đã mất, khơi dậy sức sống tiềm tàng vốn bị vùi chôn ở nơi sâu kín nhất trong tâm hồn của Mị. Mị lịm mặt ngồi đấy nhưng tâm hồn Mị đang hồi sinh. Sự hồi sinh trong tâm hồn đã dẫn đến hàng chuỗi các tâm trạng, hành động cả vô thức lẫn ý thức nhưng chứa đựng đầy sức sống của nhân vật.

- ĐT “ực”: uống cay đắng, tủi nhục, uất hận

2. Lòng Mị sống lại những ngày trước khi còn trẻ

Khi ngập mình trong hơi men nồng nàn, tha thiết, với tiếng sáo đang đang “văng vắng gọi bạn đầu làng », lòng Mị đang sống về ngày trước, hồi tưởng lại mùa xuân tươi đẹp thời con gái. Từ láy văng vẳng âm thanh vừa thực — hư, thực tại – quá khứ nghệ thuật miêu tả đặc sắc : thân xác ở hiện tại nhưng tâm hồn ở quá khứ -> chuỗi hồi tưởng. Lượng câu văn dành cho ngày trước nhiều -Mị miên man trong quá khứ: Ngày ấy, Mị là người con gái xinh đẹp, tài hoa, yêu đời, chỉ cần một chiếc lá là “Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo”. Ngày ấy, Mị có “biết bao nhiêu người mê, cứ ngày đêm thổi sáo đi theo Mị”. Những hồi ức thanh xuân tươi đẹp ấy sống dậy cho thấy Mị đã bắt đầu thức tỉnh, Mị đã ý thức được về sự tồn tại, về cuộc đời của mình. Mị như ý thức được mình đang sống giữa hai thế giới: quá khứ và hiện tại; tỉnh và say; hạnh phúc và bi kịch. Sức sống mãnh liệt đang trỗi dậy trong tâm hồn Mị và khát vọng sống như ngọn lửa đã làm bừng sáng lại tâm hồn Mị. Nhà văn Tô Hoài ở đây thực sự đã chứng tỏ sự am hiểu về tâm lí, tính cách của người dân vùng cao Tây Bắc. Tâm lí của Mị không chỉ có lí trí của một người tỉnh táo mà còn phải có sự chếnh choáng trong hơi men nồng nàn của rượu, trong kí ức của tiếng sáo năm xưa. Cũng như tâm lí của nhân vật Chí Phèo đang chơi vơi giữa hai bờ say, tỉnh của Nam Cao khi xách dao đến nhà Bá Kiến để đòi lương thiện. Tâm trạng lưỡng cực đầy tinh tế ấy của nhân vật không phải người viết mà là thần viết».

3. Mị ý thức rằng mình vẫn còn trẻ

Sự vượt lên hoàn cảnh của Mị diễn ra không hề dễ dàng. Tô Hoài đã rất tinh tế khi đặt nhân vật Mị vào sự giao tranh giữa một bên là sức sống tiềm tàng, một bên là ý thức về thân phận. Ngòi bút của nhà văn như hóa thân vào nhân vật, để nâng niu, để trân trọng những khát vọng của con người, đồng thời lại rất tỉnh táo, khách quan khi phân tích, mổ xẻ những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật. Rượu tan, người về hết, Mị ngồi trơ một mình giữa nhà rồi Mị bước vào buồng, ngồi xuống giường, trông ra cái cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trắng trắng. Từ trơ thể hiện Mị đang một mình trở trọi và hơn thế cảm xúc của Mị chai sạn. Căn buồng ấy chính là thực tại, là ngục thất giam cầm tuổi thanh xuân và hủy hoại hạnh phúc của Mị. Cái lỗ vuông mờ mờ trăng trắng kia vốn là những hình ảnh nhiều sức gợi, thể hiện Mị đã tê liệt đến mức quên cả ý niệm về không gian, thời gian. Nhưng giờ đây khát vọng sống và khát vọng hạnh phúc mãnh liệt khiến Mị có thể phá tan mọi gông cùm, áp chế. Để lúc này “Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui như những đêm Tết ngày trước”. Quá khứ và hiện tại như đan xen khiến Mị trở lại là cô Mị trẻ trung, yêu đời ngày nào để Mị nhận ra bây giờ Mị vẫn còn rất trẻ và Mị muốn được đi chơi “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Điệp từ ‘trẻ, Mị, hai từ vẫn còn kết hợp câu văn ngắn, sự tăng tiến trong lượng chữ ( 3-4) và tính chất trẻ lắm – còn trẻ cho thấy sự tồn tại dai dẳng của sức sống, sức trẻ dù vùi dập đã lâu. Mị còn trẻ nghĩa là còn sức sống, còn khao khát, còn muốn yêu thương. Giọng điệu càng về cuối càng náo nức, phấn chấn, mê say, tràn trẻ khao khát Nghệ thuật tương phản: bất động bên ngoài và những xáo động bên trong mở đầu cho cuộc vượt ngục tâm hồn.

4. Tâm trạng phẫn uất khi nhận thức về hiện thực phũ phàng là cuộc hôn nhân không tình yêu

Khát vọng sống như ngọn lửa bùng cháy mãnh liệt bao nhiêu thì Mị lại phẫn uất bấy nhiêu. Phẫn uất và đau khổ cho thân phận và số phận trớ trêu đầy bi kịch. Mị nhớ ra chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi. Mị nhận ra những người phụ nữ có chồng vẫn đi chơi ngày Tết: “Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau!” Nghệ thuật đối lập không có lòng nhưng phải ở với nhau. Mong muốn đi chơi song hành với thực tại đắng cay đầy tính chất nghịch lí và bất công .Lời văn nửa trực tiếp, giọng điệu chất chứa bao chua cay, bất lực và cuộc vượt thoát chỉ trong tư tưởng, từ đó dấy lên nỗi tủi phận Muốn chết ngay nước mắt ứa ra. Cách sử dụng từ Chết ngay khẳng định mạnh mẽ, quyết liệt sự thoát khỏi bước đường cùng, khát khao sống cho ra sống.Mị đã có chồng nhưng người chồng ấy không tình yêu, không hạnh phúc. Còn gì đau khổ bằng lấy một người mà mình không có tình yêu. Còn gì đau khổ bằng phải sống với một kẻ vũ phu chỉ xem mình là món đồ chơi và bị khinh rẻ như con vật. Sức sống tiềm tàng đã được đánh thức, Mị không thể cam chịu mãi kiếp nô lệ, kiếp làm dâu gạt nợ. Nhớ lại kiếp sống trâu ngựa chỉ thấy nước mắt muốn ứa ra. Mị muốn phản kháng lại hoàn cảnh, không chấp nhận cuộc sống trâu ngựa này nữa. Mị muốn chết để không phải đối diện với thực tại, không phải nhớ lại quá khứ cùng với những ước mơ khao khát của mình Muốn chết để giải thoát nỗi đọa đày, muốn chết để thoát khỏi bi kịch, điều này tiêu cực nhưng dễ thông cảm và hơn hết đã cho thấy sự thay đổi ở Mị. Mị muốn chết chính là biểu hiện của sức sống, của khát vọng sống đích thực là một con người. Đây phải chăng là tình yêu, lòng nhân đạo của tác giả đối với nhân vật.

5. Tiếng sáo một lần nữa thôi thúc sự trỗi dậy của Mị

Nhưng Mị không có lá ngón trong tay mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ở ngoài đường. Phía sau ô cửa nhỏ kia là cả thiên đường hạnh phúc, là mùa xuân đang nồng nàn:

Anh ném pao, em không bắt

Em không yêu, quả pao rơi rồi.”

Tiếng sáo của tình yêu tuổi trẻ lại thôi thúc Mị, dìu hồn Mị theo những đám chơi, những cuộc chơi để từ đây khát vọng sống ở Mị vốn đã sống dậy giờ càng trở nên mãnh liệt. Vậy là hóa ra Mị vẫn luôn khao khát tình yêu, tự do và khao khát ấy vẫn âm ỉ ở bên trong, chưa bao giờ bị dập tắt.

*Đánh giá

Nhận xét sự tinh tế khi diễn tả sự hồi sinh trong tâm hồn nhân vật Mị của nhà văn Tô Hoài.

Sự hồi sinh của tâm hồn nhân vật Mị được tác giả miêu tả tinh tế, phù hợp với tính cách của nhân vật. Nhà văn sử dụng khá nhiều những yếu tố bên ngoài tác động vào nhân vật, được miêu tả rất tự nhiên như mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình...Sở trường phân tích tâm lí cho phép ngòi bút tác giả lách sâu vào những bí mật của đời sống nội tâm, phát hiện nét đẹp và nét riêng của tính cách. Trang văn trong đoạn trích đầy ắp chất thơ với ngôn ngữ sinh động, chọn lọc, câu văn giàu tính tạo hình, biểu cảm cùng với tấm lòng nhân hậu, một tài năng phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy, Tô Hoài đã khám phá, diễn tả chiều sâu tâm hồn cùng những biến thái thăng trầm, gấp khúc, tuần tự và đột biến trong tâm trạng Mị.

Ý nghĩa của đoạn trích

Đoạn trích góp phần hoàn thiện chân dung nhân vật Mị. Dù nghèo khó, bị áp bức nhưng trong sâu thẳm tâm hồn vẫn tiềm tàng một sức sống mãnh liệt. Qua đó, nhà văn khám phá, trân trọng, ngợi ca những khao khát tình yêu, hạnh phúc của con người, thể hiện niềm tin vào sức sống của con người không bị hủy diệt. Đồng thời lên án những thế lực tàn bạo chà đạp lên cuộc sống con người. Sức sống tiềm tàng mãnh liệt của Mị trong đoạn trích cũng như tác phẩm đã để lại trong lòng bao thế hệ bạn đọc một ấn tượng khó phai mờ, đã góp phần nêu bật giá trị nhân đạo của tác phẩm và khẳng định tên tuổi của nhà văn Tô Hoài.

Yêu cầu 2: Nhận xét ngắn gọn về nghệ thuật miêu tả nhân vật của Tô Hoài:

Trong đoạn văn, nhà văn Tô Hoài xây dựng nhân vật Mị với nhiều điểm nghệ thuật đặc sắc như: lối kể chuyện ngắn gọn, dẫn dắt tình tiết khéo léo, đặc biệt hành động và diễn biến tâm trạng của Mị được miêu tả, lí giải cụ thể, hợp lí. Đi sâu vào tâm lí nhân vật, Tô Hoài đã xây dựng nhân vật theo kiểu con người phân lập, có một cô Mị ở hiện tại và một cô Mị ở quá khứ hòa chung vào nhau. Hai con người ấy đan xen, khi tách ra khi hòa vào một tạo nên một nhân vật Mị hết sức sinh động, mới lạ.

KẾT BÀI:

- Kết luận lại vấn đề

- Cảm nghĩ bản thân

d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề cần nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

------------------------------------------

Bài tiếp theo: Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 5)

VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPTQG môn Ngữ văn năm 2024 (đề số 4). Mời các bạn cùng tham khảo thêm tại mục Thi THPT Quốc gia 2024.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này! VnDoc PRO - Tải nhanh, làm toàn bộ Trắc nghiệm, website không quảng cáo! Tìm hiểu thêm
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Thi THPT Quốc gia môn Văn

    Xem thêm