Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 2)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Trước khi đến với kỳ thi THPT các bạn học sinh luôn mong muốn làm quen với dạng đề, rèn luyện và nâng cao trình độ của mình. Biết được mong muốn trên, thư viện đề thi VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu đến bạn: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Sĩ Liên, Bắc Giang (Lần 2)
Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn có đáp án
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Lý Tự Trọng, Quảng Nam
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Thực hành Cao Nguyên, Đăk Lăk (Lần 1)
SỞ GD&ĐT BẮC GIANG TRƯỜNG THPT NGÔ SĨ LIÊN | ĐỀ THI THỬ KỲ THI THPT QUỐC GIA LẦN 2 NĂM HỌC 2016 - 2017 Bài thi: NGỮ VĂN 12 Thời gian làm bài: 120 phút (Không kể thời gian phát đề) |
Phần 1 - ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)
Đọc bài thơ sau đây và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:
NƠI DỰA
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào...
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứi ném về phía trước, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đã đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người chiến sĩ kia đi qua những thử thách.
(Trích Nguyễn Đình Thi, Tia nắng - NXBVH, Hà nội, 1983)
Câu 1. Xác định phương pháp biểu đạt chính? (0.5 điểm)
Câu 2. Giải thích nhan đề "Nơi dựa" của bài thơ? (0.5 điểm)
Câu 3. Hai phần của bài thơ có gì giống nhau? (1.0 điểm)
Câu 4: Các hình ảnh "em bé" và "bà cụ" gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về "nơi dựa" của con người trong cuộc sống? (1,0 điểm)
Phần 2 - LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1: Nghị luận xã hội (2.0 điểm)
Hãy viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tầm quan trọng của "nơi dựa" trong cuộc sống của mỗi người?
Câu 2: Nghị luận văn học (5.0 điểm)
Những cảm nhận và thể hiện mới mẻ của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước trong đoạn thơ sau:
"Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong cái ngày xửa ngày xưa mẹ thường hay kể.
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó..."
(Trích bài thơ Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm – SGK Ngữ Văn 12)
----------- Hết --------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
Họ, tên thí sinh............................ ....Số báo danh..................
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Phần đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt chính: biểu cảm
Câu 2. Nhan đề "Nơi dựa": chỗ (nơi, vị trí, người, vật) để ta tựa vào nhằm có thêm sức mạnh (cả vật chất và tinh thần). Nơi dựa trong bài thơ là nơi dựa về mặt tinh thần, tình cảm của mỗi con người.
Câu 3. Hai phần của bài thơ có cách cấu trúc và hình tượng tương tự nhau.
Cụ thể là: số lượng câu thơ mỗi phần như nhau và mỗi phần đều có hai hình tượng nghệ thuật cùng làm nổi bật chủ đề bài thơ.
Câu 4.
- Học sinh trả lời theo cách riêng của mình, lập luận càn chặt chẽ, có sức thuyết phục.
- Hs có thể trả lời theo hướng sau: Hình ảnh em bé và bà cụ cho thấy trong cuộc sống, nhiều khi "nơi dựa" vững chắc cho mỗi người không phải là những người trẻ, khoẻ về sức lực, đầy đủ về vật chất...mà lại chính là những người có vẻ yếu đuối, bé nhỏ, mong manh (như em nhỏ, người già...). "Nơi dựa" thực sự của mỗi người chính là nơi chúng ta tìm thấy sự bình tâm, niềm tin tưởng, sự bình yên...để vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống.
Phần làm văn
Câu 1: NGHỊ LUẬN XÃ HỘI.
Hãy viết một đoạn văn khoảng (200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về tầm quan trọng của "Nơi dựa" trong cuộc sống của mỗi người?
* Yêu cầu:
1- Hình thức: Đảm bảo cấu trúc của đoạn văn dài khoảng 200 chữ, theo một trong các cách: diễn dịch, quy nạp, hoặc tổng phân hợp...Sử dụng một số thao tác giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ có lí lẽ và và dẫn chứng hợp lí, thuyết phục; đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ,đặt câu để trình bày được suy nghĩ riêng của mình về tầm quan trọng của "Nơi dựa" trong cuộc sống hàng ngày.
2- Nội dung: Hs được tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm, nhưng phải có thái độ chân thành, nghiêm túc, phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội.
Viết đoạn văn có nội dung triển khai theo các hướng sau:
- Nếu lập luận theo hướng khẳng định tầm quan trọng (mặt phải, mặt tiêu cực) của nơi dựa cần nhấn mạnh và làm rõ:
- Giải thích Nơi dựa là gì?
- Tại sao trong cuộc sống, mỗi người đều cần đến nơi dựa, nhất là chỗ dựa về tinh thần? (Vai trò, tầm quan trọng của nơi dựa trong cuộc sống mỗi con người, để khỏi chơi vơi, chông chênh, mất thăng bằng khi gặp những khó khăn, thử thách, thất bại trong cuộc sống.
- Nếu lập luận theo hướng phủ định (chỉ ra mặt trái, mặt tiêu cực), cần nhấn mạnh và làm rõ ý:
- Mỗi người phải biết tự lực, tự đứng vững trên đôi chân của mình không nên dưạ dẫm, ỷ lại vào người khác.
- Nếu quá nương tựa, dựa dẫm vào ai đó thì sẽ bị phụ thuộc, bị mất đi tính chủ động, ý chí vươn lên và sẽ sinh ra lười biếng, thụ động, sẽ khó đạt được thành công...
- Nếu lập luận theo hướng vừa khẳng định vừa phủ định tầm quan trọng của Nơi dựa thì cần kết hợp cả hai nội dung trên.
Câu 2: NGHỊ LUẬN VĂN HỌC
* Yêu cầu về kĩ năng:
- Nắm vững phương pháp làm bài văn nghị luận văn học.
- Bố cục hợp lý, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, ngữ pháp.
* Yêu cầu về kiến thức:
- Trên cơ sở nắm vững kiến thức về Nguyễn Khoa Điềm và bài thơ Đất Nước cần: Xác định đúng luận đề, xác lập luận điểm, luận cứ.
- Bài viết có thể sáng tạo trong cách diễn đạt, trình bày ý, mỗi ý đưa ra cần có trích dẫn cụ thể bằng những câu thơ trong văn bản .
Mở bài:
- Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Khoa Điềm, chủ đề tác phẩm.
- Dẫn dắt vấn đề nghị luận
Thân bài:
- So sánh một cách khái quát cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm và các nhà thơ khác khi miêu tả hình ảnh Đất Nước:
- Các nhà thơ khác thường tạo ra khoảng cách sử thi thiêng liêng, tôn kính để cảm nhận và miêu tả Đất Nước qua những hình ảnh lớn lao, kì vĩ, tráng lệ: (dẫn chứng)
- Trong đoạn đầu, Nguyễn Khoa Điềm đã đưa đến một cách cảm nhận vừa mới mẻ, vừa thấm thía, xúc động về đất nước trong mối quan hệ với cuộc sống nhân dân. Đất Nước hiện lên qua những ảnh cụ thể, bình dị, thân thương trong cuộc sống hàng ngày.
- Những cảm nhận mới mẻ của nhà thơ trong đoạn thơ: Đất Nước được cảm nhận từ chiều sâu lịch sử, gắn liền với phong tục tập quán, văn hóa lâu đời của dân tộc.
- Câu thơ mở đầu nhà thơ đã đưa đến một cảm nhận ấm áp về sự hiện hữu lâu bền, vĩnh hằng của đất nước. Đất nước được tạo dựng, bồi đắp qua nhiều thế hệ, được truyền nối từ đời này sang đời khác. Câu thơ thể hiện niềm tự hào mãnh liệt về sự trường tồn của đất nước qua mấy ngàn năm lịch sử.
- Hai câu thơ tiếp nhà thơ diễn tả vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa dân tộc. Đất Nước có từ lâu đời, có trong những câu chuyện cổ xa xưa của bà, của mẹ. Đất Nước còn gắn liền với phong tục ăn trầu – một nét sống giản dị nhưng đậm đà văn hóa của Người dân Việt Nam.
- Câu thơ tiếp theo, hình ảnh đất Nước hiện lên gắn liền với truyền thống quí báu đánh giặc giữ nước của dân ta. Truyền thống vẻ vang ấy đã theo suốt chặng đường dài lịch sử dân tộc, để đến hôm nay trong thời đại chống Mỹ bao tấm gương tuổi trẻ đã anh dũng hy sinh bảo vệ quê hương, đất nước.
- Bốn câu thơ tiếp theo, hình ảnh đất Nước hiện lên gắn liền với phong tục tập quán con người Việt Nam. Đó là vẻ đẹp giản dị của những người phụ nữ Việt Nam với phong tục búi tóc sau đầu gợi vẻ đẹp nữ tính thuần hậu. Đất Nước còn gắn liền với đạo lý ân nghĩa thủy chung đã trở thành truyền thống ngàn đời của dân tộc. Đất Nước còn hiện lên từ lịch sử xa xưa với phong tục làm nhà cổ của người Việt. Để từ đó tục đặt tên con cái kèo, cái cột cũng ra đời. Đất Nước còn hiện lên với truyền thống lao động cần cù chịu thương, chịu khó của cha ông ta trong những ngày long đong, lận đận của đời sống nông nghiệp.
- Câu thơ cuối cùng khép lại một câu khẳng định với niềm tự hào về đất Nước. Đất nước có từ ngày nào ta không rõ, nhưng chắc chắn đó là ngày ta có truyền thống, có phong tục tập quán, có văn hóa là có đất Nước.
- Đánh giá: Qua những cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng của cuộc trò chuyện tâm tình, qua những hình ảnh gợi nhắc tới ca dao, thần thoại, cổ tích...nhà thơ đã đưa người đọc đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc thấm thía: Đất Nước có một lịch sử lâu đời, Đất Nước là những gì gần gũi, thân yêu luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đất Nước làm nên cuộc sống Nhân dân.
- Nghệ thuật: Đoạn thơ đã vận dụng khéo léo chất liệu văn hóa dân gian. Tất cả làm lên một đoạn thơ đậm đà không gian văn hóa người Việt. Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị, lời thơ nhẹ nhàng, thủ thì, tâm tình nhưng vẫn mang đậm hồn thơ triết lý.
Kết bài: Khẳng định lại vấn đề đã được phân tích. Đánh giá vị trí của tác phẩm trong văn học nước nhà. Liên hệ bản thân 0.5
Lưu ý chung
- Đây là đáp án mở, thang điểm không quy định điểm chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của các phần hình thức, nội dung lớn nhất thiết cần phải có.
- Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ yêu cầu về hình thức và nội dung,, đồng thời phải triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
- Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Chấp nhận bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
- Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.