Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Khâm Đức, Quảng Nam (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Để đạt được điểm số cao cho bài thi THPT Quốc gia môn Ngữ văn các bạn học sinh cần tham khảo và làm nhiều đề thi thử của các trường. Hiểu được điều đó VnDoc đã sưu tầm và xin giới thiệu tới bạn: Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Khâm Đức, Quảng Nam (Lần 2).

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam (Lần 3)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Tĩnh (Lần 1)

SỞ GD&ĐT QUẢNG NAM
TRƯỜNG THPT KHÂM ĐỨC
ĐỀ KIỂM TRA KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LẦN 2
Môn thi: NGỮ VĂN 12
Thời gian: 120 phút, không kể thời gian phát đề
(Đề thi gồm có 02 trang)

I. ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

(1) Những tranh cãi xoay quanh việc sách văn học có thực sự giúp cải thiện con người hay không từ lâu đã trở thành đề tài tranh cãi của những nhà tâm lý học phương Tây - những người luôn đòi hỏi phải có bằng chứng xác thực cho mọi kết luận.

Mới đây, các giáo sư tâm lý học ở trường Đại học York và Toronto (Canada) đã tìm ra những bằng chứng để chứng minh rằng: Đọc sách văn học thực sự giúp con người trở nên thông minh và tốt tính hơn.

(2) Những nghiên cứu của các giáo sư đã cho thấy những người thường xuyên đọc sách văn học thường có khả năng thấu hiểu, cảm thông và nhìn nhận sự việc từ nhiều góc độ. Ngược lại, những cá nhân có khả năng thấu cảm tốt cũng thường lựa chọn sách văn học để đọc.

Sau khi đã tìm thấy mối liên hệ hai chiều ở đối tượng độc giả là người lớn, các nhà nghiên cứu tiếp tục tiến hành với trẻ nhỏ và nhận thấy những điều thú vị, rằng những trẻ được đọc nhiều sách truyện thường có cách ứng xử ôn hòa, thân thiện hơn, thậm chí trở thành đứa trẻ được yêu mến nhất trong nhóm bạn.

Đọc một "nội dung sâu sắc" khác với cách đọc "mì ăn liền" của chúng ta khi lướt qua các trang mạng. Hiện tại, việc thực sự đọc, chìm lắng vào một nội dung văn học là việc ngày càng hiếm thấy trong đời sống đương đại.

Theo các nhà tâm lý học, việc chú tâm đọc một nội dung sâu sắc có tầm quan trọng đối với mỗi cá nhân giống như việc người ta cần bảo tồn những công trình lịch sử hay những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Việc thiếu đi thói quen đọc nghiêm túc sẽ gây ảnh hưởng tới sự phát triển trí tuệ và cảm xúc của những thế hệ "sống trên mạng".

(3) Việc chúng ta "lười đọc" cũng khiến văn - thơ bớt thịnh hành, khi đó, văn - thơ sẽ chỉ còn được thưởng thức và sáng tạo bởi một nhóm thiểu số. Nghiên cứu trong lĩnh vực nhận thức, tâm lý và thần kinh, các nhà nghiên cứu nhận thấy việc "đọc sâu sắc" - đọc chậm, chìm đắm, rung cảm trước những gì đang đọc - là một trải nghiệm đặc biệt, rất khác so với việc đọc "mì ăn liền" để thu nhận thông tin.

(Trích Đọc sách văn học giúp chúng ta thông minh hơn? Theo http:// www.dantri.com)

Câu 1. Hãy xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên.

Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về ý kiến của tác giả đã nêu phía trên: Đọc một "nội dung sâu sắc" khác với cách đọc "mì ăn liền" của chúng ta khi lướt qua các trang mạng ?

Câu 3. Những từ ngữ được gạch chân trong đoạn (3) giữ vai trò là thành phần gì trong câu. Nêu tác dụng của thành phần đó ?

Câu 4. Thông điệp sâu sắc nhất mà anh/ chị rút ra cho bản thân sau khi đọc đoạn trích.

PHẦN II. LÀM VĂN (7,0 ĐIỂM)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết 01 đoan văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề: Đọc sách là sinh hoạt và là nhu cầu trí tuệ thường trực của con người trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2. (5,0 điểm)

Về nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt của Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Việc Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa là một sự liều lĩnh. Ý kiến khác lại nhấn mạnh: Đó là biểu hiện của khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc.

Bằng sự cảm nhận về nhân vật Tràng, anh (chị) hãy bình luận ý kiến trên.

------ HẾT ------

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ Văn

I. ĐỌC HIỂU (3,0 ĐIỂM)

Câu 1. (0,5 điểm)

Trả lời đúng theo một trong các cách: Phương thức biểu đạt: nghị luận/ Nghị luận.

Câu 2. (1,0 điểm)

HS có nhiều cách diễn đạt khác nhau (tham khảo một số ý sau):

  • Cách đọc một "nội dung sâu sắc": Thái độ đọc nghiêm túc, thật sự chìm lắng vào thế giới văn học, chú ý nhập tâm để thấu cảm và rút ra bài học sâu sắc cho bản thân.
  • Cách đọc "mì ăn liền": Thái độ đọc lướt nhanh, sơ sài, qua loa, không hiểu đúng và sâu sắc giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của tác phẩm, không thấy được ý nghĩa nhân văn tác phẩm đó đem lại.

→ Câu nói mang tính định hướng về một cách đọc sách văn học đúng đắn, tích cực.

Câu 3. (0,5 điểm)

  • Thành phần phụ chú.
  • Tác dụng: bổ sung thêm thông chi tiết cho thành phần đứng phía trước.

Câu 4. (1,0 điểm)

HS biết tạo lập một đoạn văn, không sai các lỗi diễn đạt, không quá dung lượng quy định.

  • HS rút ra một trong số những thông điệp sau đây:
    • Cần hình thành thói quen đọc sách văn học.
    • Rèn luyện cách đọc nghiêm túc, chú tâm, thực sự chìm lắng vào thế giới văn học.
    • Tránh đọc sách theo kiểu "mì ăn liền" vì nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ và cảm xúc.

* Chú ý: Xác định được thông điệp tâm đắc, lí giải được vì sao.

II. LÀM VĂN

Câu 1. (2,0 điểm)

• Yêu cầu về hình thức: Viết đúng một văn bản nghị luận ngắn khoảng 200 chữ, yêu cầu trình bày mạch lạc rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, lỗi dùng từ và câu.

• Yêu cầu về nội dung: HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý sau:

  • Giải thích: Nhu cầu trí tuệ thường trực là nhu cầu thường xuyên, cần thiết để mở rộng tri thức và tầm hiểu biết...
  • Bàn luận những tác dụng to lớn của việc đọc sách:
    • Văn hóa đọc gắn liền với chữ viết, qua quá trình đọc con người sẽ suy nghĩ, phân tích, tổng hợp, tư duy, biến tri thức thành của mình và trở thành vốn kiến thức để vận dụng vào cuộc sống.
    • Đọc sách giúp nâng cao nhận thức, hiểu biết về đời sống, xã hội, con người và nhận thức thức chính mình." Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới".
    • Việc đọc sách tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm và thái độ, góp phần hoàn thiện nhân cách và làm giàu đời sống tinh thần của con người. "Mỗi cuốn sách nhỏ là một bậc thang đưa ta tách khỏi phần con để đến với thế giới Người"...

• Phê phán thực trạng xuống cấp của văn hóa đọc trong thời đại ngày nay đặc biệt là đối với giới trẻ: Văn hóa đọc dần mai một không chỉ gây tổn thất cho việc truyền bá tri thức mà còn làm mất dần đi một nét đẹp có tính biểu hiện cao của văn hóa.

• Khẳng định tính đúng đắn của ý kiến, rút ra bài học nhận thức, hành động: Những việc làm thiết thực của cá nhân và cộng đồng trong việc nâng cao, phổ biến văn hóa đọc.

Câu 2. (5,0 điểm)

* Yêu cầu chung: Thí sinh biết kết hợp kiến thức và kĩ năng về dạng bài nghị luận văn học để tạo lập văn bản. Bài viết phải có bố cục đầy đủ, rõ ràng; văn viết có cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; diễn đạt trôi chảy, bảo đảm tính liên kết; không mắc lỗi chính tả, từ ngữ, ngữ pháp.

* Yêu cầu cụ thể:

a) Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5 điểm: Trình bày đầy đủ các phần Mở bài, Thân bài, Kết luận. Phần Mở bài biết dẫn dắt hợp lí và nêu được vấn đề; phần Thân bài biết tổ chức thành nhiều đoạn văn liên kết chặt chẽ với nhau cùng làm sáng tỏ vấn đề; phần Kết bài khái quát được vấn đề và thể hiện được ấn tượng, cảm xúc sâu đậm của cá nhân.
  • Điểm 0,25: Trình bày đầy đủ ba phần Mở bài, Thân bài, Kết luận, nhưng các phần chưa thể hiện được đầy đủ yêu cầu trên; phần Thân bài chỉ có 1 đoạn văn.
  • Điểm 0: Thiếu Mở bài hoặc Kết luận, Thân bài chỉ có 1 đoạn văn hoặc cả bài viết chỉ có 1 đoạn văn.

b) Xác định đúng vấn đề cần nghị luận (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Tràng và bình luận hai ý kiến nêu trên đề.
  • Điểm 0,25: Xác định chưa rõ vấn đề cần nghị luận, chỉ nêu chung chung.
  • Điểm 0: Xác định sai vấn đề cần nghị luận, trình bày lạc sang vấn đề khác.

c) Chia vấn đề cần nghị luận thành các luận điểm phù hợp; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm (trong đó phải có thao tác phân tích, so sánh); biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và đưa dẫn chứng (3,0 điểm):

  • Giới thiệu về tác giả, tác phẩm:

Kim Lân là cây bút truyện ngắn xuất sắc. Ông thường viết về nông thôn và người nông dân, có một số tác phẩm có giá trị về đề tài này.

Vợ nhặt là truyện ngắn độc đáo rút trong tập "Con chó xấu xí" xuất bản năm 1962. Truyện phản ánh đời sống nghèo khổ, cơ cực và khát vọng hạnh phúc của người nông dân Việt Nam trong nạn đói khủng khiếp năm 1945.. Nhà văn kể về chuyện anh cu Tràng nhặt vợ giữa lúc người chết như ngả rạ. Có ý kiến cho rằng việc Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa là một sự liều lĩnh. Cũng có ý kiến rằng: Đó là biểu hiện của khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc.

  • Cảm nhận về nhân vật Tràng và bình luận các ý kiến...
  • Việc Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa là một sự liều lĩnh:

Câu chuyện diễn ra trong bối cảnh ngày đói vô cùng thê thảm, hãi hùng: "Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma", "bóng những người đói dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma", "người chết như ngả rạ"...

Tràng nhặt vợ chỉ sau hai lần vô tình gặp ngoài chợ, vài câu nói đùa và bốn bát bánh đúc.

Xây dựng hạnh phúc trên nền một cuộc sống bất trắc và khốn đốn khiến bản thân Tràng, bà cụ Tứ và cả xóm ngụ cư đều lo lắng: "thóc gạo này đến cái thân mình chả biết có nuôi nổi không lại còn đèo bòng", "Giời đất này còn rước cái của nợ đời về"...

Nhận xét: Kim Lân đặt vào bối cảnh đó một mối duyên thật là táo bạo, dở khóc, dở cười.

Hành động Tràng nhặt vợ giữa cái đói khát ghê gớm đang đe dọa quả là một sự liều lĩnh. Nhưng đó là cái liều của sự dũng cảm, Tràng đã dũng cảm dắt tay cô gái ấy bước qua ranh giới của sự sống và cái chết. Cái liều kia khiến người đọc cảm thương, trân trọng và khâm phục.

  • Tràng nhặt vợ giữa nạn đói là biểu hiện của khát vọng cháy bỏng về hạnh phúc:

Thái độ trân trọng, chu đáo của Tràng đối với người vợ nhăt: bỏ tiền ra mua cho thị cái thúng con, vài thứ lặt vặt, ăn một bữa no nê; cách Tràng giới thiệu vợ với mẹ.

Tâm trạng vui sướng, hạnh phúc của Tràng: Mặt hắn "phớn phở", hai con mắt thì "sáng lên lấp lánh". Tràng hình như quên cả cái đói khát đang đe dọa, quên cảnh sống ê chề tối tăm.

Tràng thực sự thấy cuộc đời mình đã thay đổi: yêu thương, gắn bó với gia đình, ý thức về trách nhiệm và bổn phận, có niềm tin vào tương lai.

Nhận xét: Cái quyết định có vẻ liều lĩnh của Tràng đã nói lên rằng, từ trong sâu thẳm của tiềm thức, con người vẫn khao khát hạnh phúc, bất chấp sự đe dọa của cái đói, cái chết. Đó là sức mạnh để con người đứng vững giữa cuộc đời.

Thể hiện cái nhìn rất nhân văn của Kim Lân về con người, về cuộc đời.

Thí sinh có thể có những cảm nhận và diễn đạt khác nhưng phải hợp lí, có sức thuyết phục.

d) Sáng tạo (0,5 điểm)

  • Điểm 0,5: Có nhiều cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo (viết câu, sử dụng từ ngữ, hình ảnh và các yếu tố biểu cảm,...); văn viết giàu cảm xúc; thể hiện khả năng cảm thụ văn học tốt; có quan điểm và thái độ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0,25: Có một số cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; thể hiện được một số suy nghĩ riêng sâu sắc nhưng không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.
  • Điểm 0: Không có cách diễn đạt độc đáo và sáng tạo; không có quan điểm và thái độ riêng hoặc quan điểm, thái độ trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

e) Chính tả, dùng từ, đặt câu (0,5 điểm):

  • Điểm 0,5: Không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0,25: Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
  • Điểm 0: Mắc nhiều lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Đánh giá bài viết
1 1.087
Sắp xếp theo

Môn Văn khối D

Xem thêm