Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 4)

Đề thi thử THPT Quốc gia 2017 môn Ngữ văn

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 4). Đề thi gồm có 2 phần: Đọc hiểu và làm văn với thời gian làm bài là 120 phút. Phần đáp án đã được VnDoc cập nhật đầy đủ và chính xác để gửi tới các bạn học sinh.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT chuyên Đại học Vinh (Lần 3)

TRƯỜNG ĐẠI HỌC VINH
TRƯỜNG THPT CHUYÊN
(Đề thi gồm 02 trang)
ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA LẦN THỨ IV NĂM 2017
Bài thi: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:

(1) Một khi đã phân biệt chuyện nào đúng, chuyện nào sai, người nào đúng, người nào sai, khi đó bạn đã tự mặc định việc lựa chọn phe cho mình. Khi phân định rạch ròi đúng – sai, chúng ta có xu hướng tốn công thuyết phục những người xung quanh để họ có cùng niềm tin như mình, thậm chí còn ghét bỏ, không thể đứng cùng một chỗ với người có tư tưởng đối lập. Bạn đã bao giờ tự hỏi, điều gì khiến bạn cảm thấy khó chịu, ghét bỏ đối phương vào lúc đó chưa? Vì họ có quan điểm trái ngược? Hay vì họ không chịu lắng nghe bạn, không tin bạn, không tuân theo bạn, không thừa nhận rằng bạn đúng? (...)

(2) Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận? Đến cuối cùng, chiến thắng đó liệu sẽ đem lại cho bạn điều gì? Bạn có thực sự chiến thắng không hay đó đơn thuần là chiến thắng của "cái Tôi" bên trong bạn?

(3) Một "cái Tôi" luôn kêu gào muốn người khác phải nghe mình, phải tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy. Một "cái Tôi" khắc khoải mong được thừa nhận. Một "cái Tôi" thích chiến đấu hơn là nhún nhường. Một "cái Tôi" nói lý lẽ rất giỏi, nhưng lại chỉ thích bịt tai, vì không chịu lắng nghe nên chưa thể hiểu, chưa thể thương một người có lựa chọn khác biệt. Một "cái Tôi" vẫn còn cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi nên khi đứng trước sự đối lập, mới vội vàng nóng giận, vội vàng tức tối, cảm thấy bị đe doạ và lo lắng về tương lai. Khi "cái Tôi" tù túng thì sẽ rất khó để nó thực sự tôn trọng sự tự do của kẻ khác.

(Trích Chúng ta đâu chỉ sống cho riêng mình – Dương Thùy, Nxb. Hà Nội, 2016, tr.118 – 119)

Câu 1. Xác định những phép liên kết được sử dụng trong đoạn (1) và (3) của văn bản. (0,5 điểm)

Câu 2. Theo tác giả, một "cái Tôi" tù túng thường có những biểu hiện như thế nào? (0,5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản. (1,0 điểm)

Câu 4. Theo anh/chị, việc đề cao "cái Tôi" cá nhân sẽ tác động như thế nào đến lối sống của thế hệ trẻ hiện nay? (1,0 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu hỏi được đặt ra trong văn bản ở phần Đọc hiểu: Chúng ta có nhất thiết cần phải chiến đấu đến cùng với người khác để giành được phần thắng, để được thừa nhận?

Câu 2 (5,0 điểm)

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Những học trò nghèo góp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn nghìn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hóa núi sông ta...

(Trích Đất Nước, Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ văn12, Tập một, Nxb. Giáo dục, 2016, tr. 120)

Bàn về đoạn thơ trên, có ý kiến cho rằng: Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc của văn hóa dân gian. Lại có ý kiến nhấn mạnh: Trích đoạn thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại.

Bằng cảm nhận của mình về đoạn thơ, anh/chị hãy bình luận các ý kiến trên.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn

I ĐỌC HIỂU

Câu 1 Các phép liên kết được sử dụng trong đoạn (1) và (3) của văn bản:

  • Phép nối bằng quan hệ từ: vì, nhưng...
  • Phép thế: "Những người xung quanh", "đối phương" được thế bằng đại từ "họ".
  • Phép lặp: Một "cái Tôi".

Câu 2 Theo tác giả, một "cái Tôi" tù túng thường có những biểu hiện sau: Luôn kêu gào muốn người khác nghe mình, tôn trọng mình, phải để mình làm chỉ huy; khắc khoải mong được thừa nhận; thích chiến đấu hơn là nhún nhường; nói lý lẽ rất giỏi nhưng không chịu lắng nghe; cầm tù mình trong những vai trò, ranh giới, ẩn giấu bên trong là những lo toan, sợ hãi; đứng trước sự đối lập mới vội vàng nóng giận, cảm thấy bị đe dọa...

Câu 3 Các biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn (3) của văn bản:

  • Phép liệt kê:

Tác dụng: Diễn tả đầy đủ, rõ ràng những biểu hiện của "cái Tôi" tù túng để mọi người nhận biết rõ hơn sự phong phú, phức tạp của nó.

  • Phép điệp từ, điệp ngữ: Một "cái Tôi", mình, ...

Tác dụng: Nhấn mạnh hơn sự thể hiện không tích cực của "cái Tôi" khi bị đẩy đến mức thái quá, cực đoan. Qua đó, bộc lộ thái độ không đồng tình, phê phán của tác giả trước "cái Tôi" tù túng; cũng như nhằm định hướng nhận thức, cách sống đúng đắn, tích cực...

Câu 4 Việc đề cao "cái tôi" cá nhân có sự tác động nhiều chiều đến lối sống của thế hệ trẻ hôm nay:

  • Ở chiều hướng tích cực: Việc đề cao "cái Tôi" cá nhân là nhu cầu mang tính nhân bản, nhân văn chính đáng. Nó giúp mỗi người trở nên khác biệt, nổi bật; khẳng định được giá trị và năng lực của bản thân; dám làm những điều mình muốn; tự tin, năng động hơn trong cuộc sống, độc lập hơn trong suy nghĩ...
  • Ở chiều hướng tiêu cực: Không ít bạn trẻ đã bằng mọi cách thể hiện "cái Tôi" thái quá, tuyệt đối hóa, tôn sùng nó đến mức cực đoan. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy: làm xấu đi hình ảnh bản thân, nảy sinh bệnh ích kỷ, vô cảm, vô trách nhiệm, khiến xã hội lo ngại, mất niềm tin vào thế hệ trẻ ...
  • Vì vậy, mỗi cá nhân phải biết đặt "cái Tôi" trong mối quan hệ với "cái ta", với cộng đồng; "cái Tôi" cần tuân theo chuẩn mực đạo lý, văn hóa; sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội...

II LÀM VĂN

Câu 1

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

b. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.

* Giải thích: "Chiến đấu đến cùng" là cách nói hình ảnh, dùng để diễn tả trạng thái đấu tranh (bằng ngôn ngữ hay hành động) một cách kiên quyết, không khoan nhượng, không chịu từ bỏ khi diễn ra mâu thuẫn, xung đột giữa bản thân và các lực lượng khác. Câu hỏi trên đặt ra vấn đề mở để mọi người cùng suy ngẫm: liệu đây có phải là cách duy nhất để mỗi người giành được chiến thắng, để được thừa nhận trong cuộc sống không?

* Bàn luận:

  • Khẳng định trong cuộc sống, để giành được chiến thắng, để được thừa nhận, nhiều khi con người phải "chiến đấu đến cùng", bởi:
    • Chiến thắng và được mọi người thừa nhận là nhu cầu chính đáng của con người. Để bảo vệ nhu cầu chính đáng ấy, tất yếu mỗi người cần phải "chiến đấu đến cùng".
    • Trước một vấn đề, có thể có nhiều ý kiến, hướng giải quyết trái ngược. Đặc biệt, cái sai lầm, cái xấu thường không dễ nhận ra, không dễ đầu hàng. Chỉ có kiên quyết bảo vệ quan điểm, hướng đi của mình đến cùng thì người khác mới hiểu rõ ngọn ngành, bị thuyết phục và đồng thuận với điều đúng đắn. Cũng chỉ qua "chiến đấu đến cùng", mỗi người mới "loại bỏ" được các đối thủ cạnh tranh, mới chứng minh bản thân là người chiến thắng xứng đáng.
    • Qua hành động "chiến đấu đến cùng", mỗi người cũng chứng tỏ được trí tuệ, bản lĩnh, lập trường, quan điểm sống... của bản thân, làm người khác hiểu mình hơn.
  • Tuy nhiên, "chiến đấu đến cùng" không phải là con đường duy nhất để giành được chiến thắng, để được thừa nhận, bởi:
    • Đôi khi, "chiến đấu đến cùng" lại gây nên tác dụng trái ngược: làm chúng ta trở nên cố chấp, cực đoan, hiếu chiến, hiếu thắng; làm bản thân ta và người khác dễ bị tổn thương; gây xung đột, bất hòa...
    • Không phải khi nào "chiến đấu đến cùng" cũng giành được chiến thắng nếu quan điểm, hướng đi của bản thân sai lầm. Có rất nhiều sự việc cần phải trải qua thời gian mới chứng tỏ được chân lý, mới được thừa nhận.

* Rút ra giải pháp, bài học nhận thức và hành động đúng đắn, phù hợp.

c. Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

Câu 2

a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Phân tích đoạn trích qua đó làm sáng tỏ hai ý kiến: Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc văn hoá dân gian, thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại:

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; có sự phân tích sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.

Thí sinh có thể triển khai bài làm theo nhiều cách nhưng phải đảm bảo những nội dung chính sau:

a. Vài nét về tác giả và tác phẩm và đoạn trích

  • Nguyễn Khoa Điềm là một trong những gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam thời chống Mĩ; thơ ông giàu chất suy tư, cảm xúc nồng nàn lắng đọng.
  • Đất Nước là chương thứ V của trường ca Mặt đường khát vọng (1974). Tác phẩm hoàn thành năm 1971 khi tác giả đang ở chiến khu Trị Thiên; viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ vùng đô thị bị tạm chiếm miền Nam về non sông Đất Nước, về sứ mệnh của thế hệ mình.
  • Đoạn trích thể hiện thái độ ca ngợi, biết ơn của tác giả đối với Nhân Dân – những con người đã góp phần tạo nên hình hài Đất Nước. Đây là một trong những trích đoạn đặc sắc, kết hợp nhuần nhuyễn giữa màu sắc văn hóa dân gian và tư duy hiện đại độc đáo, mới mẻ.

b. Giải thích ý kiến

  • Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc văn hoá dân gian: Ý kiến này tiếp cận đoạn thơ chủ yếu từ phương diện hình thức nghệ thuật, đã khẳng định đặc trưng nổi bật của đoạn thơ là dấu ấn của văn hóa dân gian đậm đà – tức là những yếu tố cổ xưa, quen thuộc đã trở thành truyền thống.
  • Trích đoạn còn thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại: Ý kiến này lại nhấn mạnh đến phương diện nội dung của đoạn thơ, khẳng định tác giả đã dùng cái nhìn, kiểu tư duy của người đương thời, ít thấy trước đây để quan sát, suy ngẫm, chiêm nghiệm.
  • Hai ý kiến tưởng chừng đối lập trên bề mặt hình thức (một ý kiến khẳng định dấu ấn truyền thống, một ý kiến khẳng định màu sắc hiện đại) nhưng kỳ thực đã tiếp cận đoạn trích từ hai phương diện khác nhau là nội dung và hình thức, giúp phát hiện vẻ đẹp, giá trị phong phú của đoạn thơ này.

c. Phân tích đoạn thơ để làm rõ ý kiến

  • Đoạn thơ có cái bay bổng, đậm màu sắc văn hoá dân gian.
    • Đoạn thơ sử dụng chất liệu của văn hóa, văn học dân gian: danh lam thắng cảnh không xa lạ mà đều gắn với những tích truyện thần thoại, truyền thuyết, cổ tích gần gũi, đã hằn sâu vào tâm linh, văn hóa người Việt.
    • Đoạn thơ sử dụng ngôn ngữ bình dị như lời ăn, tiếng nói hàng ngày; tên danh lam, thắng cảnh, tên nhân vật rất giản dị, nôm na, gần gũi như núi Bút, non Nghiên, hòn Trống Mái, ông Đốc, ông Trang, bà Đen, bà Điểm...; cấu trúc câu kể truyền thống với giọng điệu thủ thỉ, tâm tình, ngọt ngào đặc trưng của ngôn ngữ người Việt.

=> ngôn ngữ và chất liệu văn hóa dân gian dẫn người đọc vào một miền huyền thoại lung linh, tạo ra một thế giới nghệ thuật vừa quen thuộc vừa lạ, vừa chân thực vừa bay bổng, phát huy trí tưởng tượng tối đa của người đọc, tạo nên chất lãng mạn đặc sắc của đoạn thơ.

  • Trích đoạn còn thể hiện cái nhìn mới mẻ, độc đáo của tư duy hiện đại:
    • Mới mẻ, độc đáo qua cách quan sát, nhìn nhận về những danh lam, thắng cảnh: Những danh lam, thắng cảnh như núi Vọng Phu, hòn Trống Mái hay núi Bút non Nghiên... được nhìn nhận không đơn thuần là những kỳ quan thiên nhiên mà còn được nhìn nhận như một phần tâm hồn, máu thịt của Nhân Dân. Những hình sông thế núi mang đậm hồn người, linh hồn dân tộc.
    • Mới mẻ, độc đáo trong cách tư duy, lý giải nguồn gốc hình hài Đất Nước: không phải bởi các vị thần hay vận động địa chất qua hàng ngàn năm kiến tạo nên mà chính Nhân Dân mới là chủ thể kiến tạo các danh lam, thắng cảnh ngày nay. Bằng thân phận, tâm hồn, tính cách, lối sống..., Nhân Dân đã hóa thân để tạo nên hình hài Đất Nước. Những hành động tưởng chừng như rất đời thường, những phẩm chất truyền thống quen thuộc qua góc nhìn của tác giả đã trở nên thật vĩ đại, thiêng liêng vì nó không chỉ gắn liền với từng mảnh đời cụ thể nữa mà đã được "kết nối" trong một công cuộc chung: kiến tạo Đất Nước.
    • Mới mẻ, độc đáo, hiện đại trong cách nhìn, cách đánh giá về vai trò, sự đóng góp của những con người đời thường, bình dị, vô danh, có thể thấy ở khắp nơi trên Đất Nước mình: họ có thể đảm đương những trọng trách lịch sử thiêng liêng. Trước đây, vai trò lịch sử thường được trao cho các triều đại, các vị anh hùng có chiến công rực rỡ. Còn trong quan niệm của tác giả, những "anh hùng" làm nên kỳ tích ấy lại là Nhân Dân – những con người nhỏ bé, bình dị, vô danh. Sự hi sinh của họ cho Đất Nước thật tự nguyện, âm thầm, lặng lẽ nhưng cũng thật đáng nể phục. Cái nhìn này củng cố tinh thần tự hào dân tộc, thái độ tôn vinh, ngợi ca đối với Nhân Dân.
  • Đánh giá chung đặc sắc về nội dung và nghệ thuật
    • Nghệ thuật: Thể thơ tự do với những câu thơ dài ngắn khác nhau rất linh hoạt. Hình ảnh gần gũi, thân quen mà bay bổng. Giọng thơ trữ tình chính luận, vừa tha thiết, nồng nàn, vừa suy tư sâu lắng. Ngôn ngữ thơ giản dị nhưng giàu sức biểu cảm; câu thơ dài nhưng không nặng nề mà thẫm đẫm cảm xúc chân thành, tha thiết. Cấu trúc đoạn thơ được diễn đạt theo lối quy nạp tránh được sự khiên cưỡng, áp đặt, góp phần tạo nên chất trữ tình - chính luận cho bản trường ca.
    • Nội dung: Đoạn thơ bộc lộ sự khám phá mới mẻ về Đất Nước "Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại". Bằng cách vẽ lên dáng hình Đất Nước theo lối liệt kê địa danh ba miền Bắc - Trung - Nam, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện một niềm tin vững chắc về một ngày mai tươi sáng: non sông thu về một mối.

* Bình luận 2 ý kiến:

  • Hai ý kiến tưởng chừng đối lập trên hình thức nhưng thực chất, đã nhìn nhận, đánh giá đoạn trích từ những phương diện khác nhau, tạo nên cái nhìn toàn diện, đầy đủ, thống nhất về đoạn trích.
  • Sở dĩ xuất hiện 2 ý kiến này là bởi Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tư duy mới mẻ, hiện đại về Đất Nước bằng một hình thức thơ đậm chất truyền thống.
  • Hai ý kiến đó có tác dụng định hướng giúp người đọc tiếp cận đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung chính xác, sâu sắc hơn. Qua đó, giúp độc giả thấy được cái tài và cái tâm của nhà thơ.

d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

ĐIỂM TOÀN BÀI THI: I + II = 10,0 điểm

1. Do đặc trưng của môn Ngữ văn, bài làm của thí sinh cần được đánh giá tổng quát, tránh đếm ý cho điểm...

2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.

3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo. Bài viết có thể không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.

4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng hoặc phần thân bài ở câu nghị luận văn học chỉ viết một đoạn văn.

5. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
6
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm