Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc (Lần 1) là đề thi thử đại học môn Văn có đáp án cụ thể giúp các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia đạt kết quả tốt. Mời các em cùng tham khảo.
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn trường THPT Hàn Thuyên, Bắc Ninh (Lần 1)
Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn lần 1 năm 2016 trường THPT Yên Lạc, Vĩnh Phúc
SỞ GD & ĐT VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT YÊN LẠC (Đề thi có 02 trang) | ĐỀ KSCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 1 - LỚP 12 NĂM HỌC: 2016-2017 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian |
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:
GIÁ TRỊ CON NGƯỜI
Pa-xcan
Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng.
Cần gì cả vũ trụ tòng hành nhau mới đè bẹp cây sậy ấy? Một chút hơi, một giọt nước cũng đủ làm chết người. Nhưng dù vũ trụ có đè bẹp người ta, người ta so với vũ trụ vẫn cao hơn, vì khi chết thì hiểu biết rằng mình chết chứ không như vũ trụ kia, khỏe hơn mình nhiều mà không tự biết rằng mình khỏe.
Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng.
Ta cậy cao dựa vào tư tưởng, chứ đừng dựa vào không gian, thời gian là hai thứ chúng ta không bao giờ làm đầy hay đọ kịp. Ta hãy rèn tập để biết tư tưởng cho hay, cho đúng, đó là nền tảng của nhân luân.
Tôi không căn cứ vào không gian để thấy giá trị của tôi, mà tôi trông cậy vào sự quy định của tư tưởng một cách hoàn toàn, dù tôi có bao nhiêu đất cát cũng chưa phải là "giàu hơn", vì trong phạm vi không gian này, vũ trụ nuốt tôi như một điểm con, nhưng trái lại, nhờ tư tưởng, tôi quan niệm, bao trùm toàn vũ trụ.
(Theo Bài tập Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam, 2015, tr.114)
Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2. Văn bản trên đề cập đến vấn đề gì? Dựa vào đâu anh/chị xác định được vấn đề đó?
Câu 3. Nêu hiệu quả của một trong những biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn sau: "Người ta chẳng qua là một cây sậy, cây sậy mềm yếu nhất trong tạo hóa nhưng là một cây sậy có tư tưởng"?
Câu 4. Qua hình ảnh "cây sậy có tư tưởng", anh/chị rút ta bài học gì về cách nhìn nhận của con người?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Pa-xcan trong văn bản ở phần Đọc hiểu "giá trị của chúng ta là ở tư tưởng".
Câu 2 (5 điểm)
Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng "Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá". Ý kiến khác lại khẳng định "Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực".
Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?
Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2017 môn Ngữ văn
I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
1. Phương thức biểu đạt chính của văn bản: nghị luận.
2. - Nội dung chính của văn bản: Giá trị của con người là ở tư tưởng.
- Cơ sở xác định nội dung chính của văn bản: dựa vào nhan đề "Giá trị con người" và câu chủ đề của văn bản "Vậy giá trị của chúng ta là ở tư tưởng".
3. - Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu văn: so sánh (con người được so sánh với cây sậy).
- Giống nhau: mềm yếu, nhỏ bé
- Khác nhau: con người có tư tưởng
- Tác dụng: Con người nhỏ bé, yếu ớt trước tạo hóa nhưng lại lớn lao và trường tồn nhờ có tư tưởng.
4. Bài học về cách nhìn nhận của con người:
- Nhận thức: Nhìn nhận tầm vóc của con người thông qua giá trị tư tưởng mà người đó cống hiến và để lại.
- Thái độ: Đừng đánh giá hay coi trọng con người thông qua giá trị vật chất.
- Hành động: Rèn luyện bản thân để có tư tưởng tích cực, lành mạnh, giàu có.
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm) Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến của Pa-xcan trong văn bản ở phần Đọc hiểu "giá trị của chúng ta là ở tư tưởng".
Yêu cầu về hình thức
- Viết đúng 01 đoạn văn, khoảng 200 từ.
- Trình bày mạch lạc, rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu...
Yêu cầu về nội dung
1. Giải thích
- Giá trị: Là tiêu chuẩn để xem xét một con người đáng quý đến mức nào về mặt đạo đức, trí tuệ, nghề nghiệp, tài năng.
- Tư tưởng: Là quan điểm, suy nghĩ chung tiến bộ đối với hiện thực khách quan, với các vấn đề xã hội.
=> "Giá trị của chúng ta là ở tư tưởng" nghĩa là vị thế, tầm vóc của con người trong cuộc sống thể hiện thông qua những suy nghĩ tiến bộ về hiện thực khách quan hay các vấn đề xã hội mà người đó cống hiến và để lại.
2. Phân tích
a, Giá trị của con người không nằm ở vật chất mà người đó có (của cải, đất đai, vóc dáng bên ngoài)
- Con người nhỏ bé trước vũ trụ bao la, rộng lớn. Trước không gian, thời gian mọi thứ thuộc về vật chất đều dễ bị biến đổi, tan biến.
- Đời người hữu hạn, không có ai trường tồn cùng thời gian.
b, Giá trị của con người nằm ở tinh thần, tư tưởng, tình cảm tiến bộ với hiện thực khách quan, với những vấn đề xã hội.
- Con người có trí tuệ, tư tưởng, có sự sáng tạo, ý chí, nghị lực...vì vậy có thể có những khám phá, phát minh, cống hiến lớn lao cho nhân loại. Dẫu con người mất đi nhưng tư tưởng thì còn mãi.
- Nó vượt qua và trường tồn với không gian, thời gian.
- Dẫn chứng:
- Chủ tịch Hồ Chí Minh: sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
- Nguyễn Trãi: nhân nghĩa, yên dân.
- Các Mác, Lê Nin: sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột tiến tới là giải phóng con người.
- Nam Cao: nghệ thuật vị nhân sinh
- ...
3. Bàn luận, mở rộng
- Phê phán lối sống coi trọng vật chất, coi trọng hình thức.
- Chắt lọc, học hỏi tư tưởng vĩ đại của quá khứ
- Làm giàu vốn tư tưởng lành mạnh, tích cực
4. Bài học và liên hệ bản thân
- Phấn đấu hài hòa đời sống vật chất, đời sống tinh thần để có cuộc sống ý nghĩa.
Câu 2 (5 điểm) Nhận xét về Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh, có ý kiến cho rằng "Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá". Ý kiến khác lại khẳng định "Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực".
Từ việc cảm nhận về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập, anh/chị hãy bình luận những ý kiến trên?
2.1. Giới thiệu chung
- Không chỉ là vị lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh còn là nhà văn, nhà thơ lớn với nhiều tác phẩm có giá trị.
- Tuyên ngôn độc lập là tác phẩm tiêu biểu trong sự nghiệp sáng tác của chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Tuyên ngôn độc lập ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt: trên thế giới chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nền độc lập vừa mới dành được của ta bị đe dọa bởi các thế lực phản động: quân đồng minh, đế quốc Mĩ. Trong nước, cả nước nổi dạy giành chính quyền. Ngày 19/8/1945 cách mạng tháng Tám thành công ở Hà Nội. Đến ngày 26/8, chủ tịch Hồ Chí Minh từ chiến khu Việt Bắc về tới Hà Nội. Tại căn nhà số 48 phố Hàng Ngang người soạn thảo bản Tuyên ngôn độc lập. Ngày 2/9/1945, Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
- Khi bàn về giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập có ý kiến cho rằng: "Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá". Ý kiến khác lại khẳng định "Tuyên ngôn độc lập là một áng văn chính luận mẫu mực".
2.2. Giải thích 2 ý kiến
- Ý kiến thứ nhất
- Văn kiện lịch sử: là văn bản ghi lại những sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc.
- Văn kiện lịch sử vô giá: vai trò, tầm quan trọng có liên quan đến việc quyết định vận mệnh của một dân tộc.
- Ý kiến thứ hai
- Văn chính luận: là những tác phẩm văn chương sử dụng lập luận, dẫn chứng, lí lẽ để khẳng định một tư tưởng nào đó khiến độc giả tin vào điều được khẳng định là đúng sự thật.
- Áng văn chính luận mẫu mực: là những áng văn đạt chuẩn mực cao về nội dung và nghệ thuật có sức thuyết phục, quy tụ lòng người.
=> Hai ý kiến đều đánh giá cao tác phẩm Tuyên ngôn Độc lập của Bác xét trên hai góc độ chính trị lịch sử và văn chương nghệ thuật.
2.3. Phân tích giá trị của bản Tuyên ngôn độc lập
a, Tuyên ngôn độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá
- Là lời tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân, phong kiến ở nước ta.
- Là mốc son lịch sử mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.
- Là sự khẳng định quyền tự chủ và vị thế bình đẳng của dân tộc ta trên toàn thế giới.
b, Tuyên ngôn độc lập là áng văn chính luận mẫu mực
- Sức mạnh và tính thuyết phục của tác phẩm được thể hiện chủ yếu ở cách lập luận chặt chẽ, lí lẽ sắc bén, bằng chứng xác thực, ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc,...
- Biểu hiện:
- Lập luận chặt chẽ
- Tác phẩm có bố cục ngắn gọn, súc tích gồm 3 phần liên kết chặt chẽ với nhau trong hệ thống lập luận:
- Phần mở đầu: Nêu cơ sở pháp lí và chính nghĩa của bản "Tuyên ngôn" bằng việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn: Tuyên ngôn độc lập của Mĩ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp năm 1791.
- Phần thứ hai: Khi nêu cơ sở thực tế của bản Tuyên ngôn Độc lập Bác vừa tố cáo tội ác của thực dân Pháp vừa khẳng định thực tế lịch sử đấu tranh của dân tộc ta.
- Phần kết luận: Lời tuyên bố của bản "Tuyên ngôn".
- Lí lẽ sắc bén
- Sức mạnh của lí lẽ chính là sự thật. Tác giả đã dùng hàng loạt thực tế lịch sử để chứng minh: Thực dân Pháp đã không "bảo hộ" được Việt Nam và đã gieo rắc nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam.
- Dùng thực tế để khẳng định sự khoan hồng và nhân đạo của dân tộc ta với kẻ thù, công lao của Việt Minh – đại diện duy nhất của nhân dân Việt Nam.
=> Sự độc lập của Việt Nam phù hợp với lẽ phải, công lí và đạo lí.
- Bằng chứng xác thực
- Bản Tuyên ngôn đưa ra những bằng chứng hoàn toàn xác thực, không thể chối cãi được (dẫn chứng): về chính trị (5 tội ác), về kinh tế (4 tội ác)
- Ngôn ngữ hùng hồn, đầy cảm xúc
- Từ ngữ chính xác, gợi cảm, tác động mạnh mẽ vào nhận thức, tình cảm của người đọc, người nghe.
- Câu văn uyển chuyển, sinh động. Ví dụ: Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Câu văn 9 tiếng nhưng khái quát được những sự kiện lịch sử trọng yếu của dân tộc, tinh thần quật khởi của nhân dân và sự thất bại nhục nhã của kẻ thù và bọn tay sai bán nước.
- Hình ảnh đặc sắc: thẳng tay chém giết, tắm các cuộc khởi nghĩa trong bể máu, bóc lột đến xương tủy...
- Cần chú ý thêm cách sử dụng hàng loạt điệp từ, điệp ngữ (có tính khẳng định và nhấn mạnh): sự thật là, độc lập tự do...
2.4. Bình luận, đánh giá
Cả hai ý kiến đều đúng, tuy có nội dung khác nhau tưởng như đối lập, mâu thuẫn nhưng thực chất là bổ sung cho nhau cùng khẳng định giá trị to lớn của bản tuyên ngôn. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lịch sử chính trị và văn chương nghệ thuật.
=> Tuyên ngôn Độc lập là một văn kiện lịch sử vô giá, là áng văn chính luận mẫu mực; là văn bản pháp lý, văn hoá của muôn đời; là hội tụ vẻ đẹp tư tưởng và tình cảm của Hồ Chí Minh cũng như của toàn dân tộc Việt Nam – Bản Tuyên ngôn xứng đáng là "áng thiên cổ hùng văn".
2.5. Kết thúc vấn đề
- Tuyên ngôn độc lập ra đời là một trong những niềm xúc động, hạnh phúc lớn lao nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh như có lần Người từng tâm sự. Giây phút xúc động, thiêng liêng khi Bác đọc Tuyên ngôn độc lập ta có thể thấy trong câu thơ của Tố Hữu:
Người đứng trên đài lặng phút giây
Trông đàn con đó vẫy hai tay
Cao cao vầng trán ngời đôi mắt
Độc lập bây giờ mới thấy đây
- Khẳng định tấm lòng vĩ đại cũng như tài năng xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh qua Tuyên ngôn độc lập. Người không chỉ đem lại ánh sáng tự do, hòa bình cho dân tộc mà còn đóng góp những tài sản tinh thần vô giá cho lịch sử và văn học nước nhà.