Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 5

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 5 gồm 5 đề thi thử đại học môn Văn cùng hướng dẫn làm bài đi kèm, giúp các bạn học sinh luyện thi và từ đó có được kết quả tốt nhất trong kì thi THPT Quốc gia, xét tuyển Đại học, Cao đẳng 2016 sắp tới.

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 1

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 2

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 3

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn - Số 4

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Hà Huy Tập, Nghệ An

SỞ GD& ĐT NGHỆ AN

TRƯỜNG THPT HÀ HUY TẬP

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn NGỮ VĂN

Thời gian làm bài 180 phút, không kể thời gian phát đề

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 3

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

(...)

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.

(Trần Nhuận Minh, Dặn con, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2. Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất? Theo anh/chị, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?

Câu 3. Anh/chị có suy nghĩ gì về lời dặn con của người bố trong đoạn trích? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 4 đến Câu 7

Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm xỉ, danh dự để có tiền. Sự kiếm tiền nào độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư - một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Đó là câu hỏi trăn trở của không biết bao nhiêu người có lương tâm và dường như đến thời điểm này họ vẫn đang bất lực. Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình. Các quan chức chỉ cần bớt lãng phí một chút thôi, sẽ có bao nhiêu bệnh viện được xây và bao nhiêu đứa trẻ được đến trường.

(Lê Bình, trích Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân - Phẳng hay không phẳng, VTV1, 12/2/2016)

Câu 4. Đoạn trích trên được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 5. Tác giả thể hiện thái độ gì đối với các vấn đề còn tồn tại của xã hội? Thái độ đó được bộc lộ qua những yếu tố ngôn ngữ nào?

Câu 6. Theo tác giả, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết là gì?

Câu 7. Từ góc độ cá nhân, anh/chị hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm)

Nhà thơ Robert Frost (1874 - 1963) từng nói:

"Trong rừng có nhiều lối đi.

Và tôi chọn lối đi không có dấu chân người".

Nhà văn Lỗ Tấn (1881 - 1936) lại nói: "Kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi".

Anh/chị sẽ chọn lối đi chưa có dấu chân người hay lối đi đã được người ta đi mãi thành đường? Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ ý kiến của bản thân.

Câu 2 (4,0 điểm)

"Sức thu hút của thơ Tố Hữu với những thế hệ người đọc mấy chục năm qua chủ yếu là ở (...) tính dân tộc đậm đà".

(Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập 2, NXB Giáo dục, 2008, tr 100)

Cảm nhận của anh/chị về tính dân tộc trong đoạn trích Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu (Ngữ văn 12, Tập một). Từ đó, anh/chị suy nghĩ gì về trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc?

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 1)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Hà Nội

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ Văn năm 2016 trường THPT Chuyên Đại học Vinh (Lần 2)

Bộ đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Địa lý - Số 3

SỞ GD&ĐT ĐĂK LĂK

THCS THCS – THPT ĐÔNG DU

KIỂM TRA NĂNG LỰC THPT QUỐC GIA LẦN I

MÔN: NGỮ VĂN - LỚP: 12

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3:

"Bà lão cúi đầu nín lặng. Bà lão hiểu rồi. Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự, vừa ai oán vừa xót thương cho số kiếp đứa con mình. Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì... Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt... Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?"

(Trích Vợ Nhặt - Kim Lân)

Câu 1. Xác định những phương thức biểu đạt được sử dụng trong đoạn văn? (0,5 điểm)

Câu 2. Nội dung chủ yếu của đoạn văn bản là gì? (0,5 điểm)

Câu 3. Xác định thành ngữ dân gian được sử dụng trong đoạn văn và nêu hiệu quả nghệ thuật của các thành ngữ đó? (0,5 điểm)

2. Đọc văn bản và trả lời câu hỏi từ câu 4 đến câu 7:

Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ

Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa,

Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa

Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa

(Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên, Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2012, trang 144)

Câu 4. Xác định phương thức biểu đạt của văn bản. (0,25 điểm)

Câu 5. Văn bản sử dụng biện pháp tu từ gì? Cách sử dụng biện pháp tu từ ấy ở đây có gì đặc sắc? (0,5 điểm)

Câu 6. Em hiểu thế nào về cụm từ "con gặp lại nhân dân" ở văn bản? (0,25 điểm)

Câu 7. Hãy nói rõ niềm hạnh phúc của nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện trong văn bản trong một đoạn văn ngắn (khoảng 5 - 7 câu)? (0,5 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

Biết tự khẳng định mình là một đòi hỏi bức thiết đối với mỗi con người trong cuộc sống hôm nay.

Em hãy viết một bài văn (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Câu 2 (4,0 điểm):

Phân tích hình tượng cây xà nu trong tác phẩm "Rừng xà nu" của nhà văn Nguyễn Trung Thành.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 2)

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐĂKLĂK

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU

THI THỬ THPT QUỐC GIA TUẦN 31

MÔN: NGỮ VĂN LỚP: 12

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

1. Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi từ câu 1 đến câu 3:

Trên những trang vở học sinh
Trên bàn học trên cây xanh
Trên đất cát và trên tuyết
Tôi viết tên em

... Trên sức khỏe được phục hồi
Trên hiểm nguy đã tan biến
Trên hi vọng chẳng vấn vương
Tôi viết tên em
Và bằng phép màu một tiếng
Tôi bắt đầu lại cuộc đời
Tôi sinh ra để biết em
Để gọi tên em
TỰ DO

(Tự do – Pôn Ê-luy-a - SGK Ngữ văn 12, cơ bản, tập 1, tr.120)

Câu 1. Cho biết đoạn thơ trên được làm theo thể thơ nào? (0,25 điểm)

Câu 2. Xác định 02 biện pháp tu từ được tác giả sử dụng trong đoạn thơ trên (0,5 điểm)

Câu 3. Nêu nội dung chính của đoạn thơ trên (0,25 điểm)

2. Đọc đoạn trích sau đây và trả lời câu hỏi từ Câu 4 đến Câu 7:

"... Tiếng nói là người bảo vệ quý báu nhất nền độc lập của các dân tộc, là yếu tố quan trọng nhất giúp giải phóng các dân tộc bị thống trị. Nếu người An Nam hãnh diện giữ gìn tiếng nói của mình và ra sức làm cho tiếng nói ấy phong phú hơn để có khả năng phổ biến tại An Nam các học thuyết đạo đức và khoa học của châu Âu, việc giải phóng dân tộc An Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Bất cứ người An Nam nào vứt bỏ tiếng nói của mình, thì cũng đương nhiên khước từ niềm hi vọng giải phóng giống nòi. [...]

Vì thế, đối với người An Nam chúng ta, chối từ tiếng mẹ đẻ đồng nghĩa với từ chối sự tự do của mình..."

(Nguyễn An Ninh, Tiếng mẹ đẻ – nguồn giải phóng các dân tộc bị áp bức,
theo SGK Ngữ văn 11, Tập hai, NXB Giáo dục, 2014, tr. 90)

Câu 4. Hãy xác định phong cách ngôn ngữ của đoạn trích? (0,25 điểm)

Câu 5. Trong đoạn trích, tác giả chủ yếu sử dụng thao tác lập luận nào? (0,5 điểm)

Câu 6. Hãy ghi lại câu văn nêu khái quát chủ đề của đoạn trích? (0,5 điểm)

Câu 7. Từ đoạn trích, anh/chị hãy nêu quan điểm của mình về vai trò của tiếng nói dân tộc trong bối cảnh hiện nay. Trả lời trong khoảng 7 - 10 dòng? (0,75 điểm)

II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (3,0 điểm):

Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 từ) trình bày suy nghĩ của em về ý nghĩa của câu chuyện sau:

"Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất hoặc tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.

Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe thấy tiếng khóc, giảm tốc độ và ngoái lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả, không trừ một ai! Một cô gái bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:

- Như thế này em sẽ thấy tốt hơn.

Cô gái nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.

Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy. Tiếng vỗ tay hoan hô vang dội nhiều phút liền. Mãi về sau, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này".

(Nhiều tác giả, Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ, 2004)

Câu 2 (4 điểm): Cảm nhận của em về vẻ đẹp của hai đoạn thơ sau:

"Rải rác biên cương mồ viễn xứ
Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.
Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành"

(Quang Dũng; Tây Tiến)

"Những đường Việt Bắc của ta
Đêm đêm rầm rập như là đất rung
Quân đi điệp điệp trùng trùng
Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan
Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay
Nghìn đêm thăm thẳm sương dày
Đèn pha bật sáng như ngày mai lên"

(Tố Hữu; Việt Bắc)

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THCS - THPT Đông Du, Đắk Lắk (Lần 3)

SỞ GIÁO DỤC & ĐÀO TẠO ĐẮK LẮK

TRƯỜNG THCS – THPT ĐÔNG DU

THI THỬ THPT QUỐC GIA TUẦN 34 - 2016

MÔN: NGỮ VĂN

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian phát đề)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

a. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 3

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn

Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào.

(...)

Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này.

(Trần Nhuận Minh, Dặn con, Nhà thơ và hoa cỏ, NXB Văn học, 1993)

Câu 1. (0,25đ) Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích?

Câu 2. (0,5đ) Hãy tìm trong vốn từ tiếng Việt từ đồng nghĩa với từ hành khất? Theo em, vì sao tác giả dùng từ hành khất thay vì các từ đồng nghĩa khác?

Câu 3. (0,5đ) Em có suy nghĩ gì về lời dặn con của người bố trong đoạn trích? (Trình bày khoảng 5 đến 7 dòng).

b. Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 4 đến Câu 7:

"Nhiều người Việt kiếm tiền bằng mọi giá, đánh đổi cả liêm sỉ, danh dự để có tiền. Nhưng có gì độc ác hơn là kiếm tiền trên sức khỏe và mạng sống đồng bào mình? Trung bình hai giờ đồng hồ có ba mươi người chết vì bệnh ung thư- một con số tàn nhẫn đến rợn người. Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? Đó là câu hỏi trăn trở của không biết bao nhiêu người có lương tâm và dường như đến thời điểm này họ vẫn đang bất lực. Làm thế nào để con người biết yêu thương nhau hơn? Đơn giản vậy thôi nhưng nó quyết định vận mệnh của cả dân tộc, cả thế giới này. Người nông dân chỉ cần thương người tiêu dùng một chút đã không nhẫn tâm tưới thuốc độc lên rau củ quả để đào huyệt chôn đồng bào mình và chôn sống chính mình. Các quan chức chỉ cần bớt lãng phí một chút thôi, sẽ có bao nhiêu bệnh viện được xây và bao nhiêu đứa trẻ được đến trường".....

(Lê Bình, trích Tạp chí kinh tế xuân Bính Thân - Phẳng hay không phẳng, VTV1, 12/2/2016)

Câu 4. (0,25đ) Đoạn trích trên được trình bày theo phong cách ngôn ngữ nào?

Câu 5. (0,5đ) Tác giả thể hiện thái độ gì đối với các vấn đề còn tồn tại của xã hội? Thái độ đó được bộc lộ qua những yếu tố ngôn ngữ nào?

Câu 6. (0,5đ) Theo tác giả, vấn đề cơ bản nhất cần giải quyết là gì?

Câu 7. (0,5đ) Từ góc độ cá nhân, em hãy trả lời câu hỏi: Bao giờ người Việt mới thôi độc ác với nhau? (trình bày khoảng 5 đến 7 dòng)

II. PHẦN LÀM VĂN(7,0 điểm)

Câu 1. (3 điểm)

"Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng, bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai. Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió".

(Trích "Đường đến ngày vinh quang"; nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập)
Em hãy viết một bài văn (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định trên.

Câu 2. (4,0 điểm): Phân tích đoạn thơ sau:

"Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng ta hài hòa nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất Nước vẹn tròn, to lớn
Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang Đất Nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..."

(Nguyễn Khoa Điềm; Đất Nước; Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục - 2008, tr 119, 120)

Từ đó em hãy bày tỏ trách nhiệm của mình đối với đất nước trong thời điểm hiện nay.

Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn năm 2016 trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp (Lần 1)

Trường THPT Chuyên Nguyễn Quang Diêu

ĐỀ THI THỬ ĐẠI HỌC NĂM HỌC 2015 – 2016 LẦN I

MÔN: NGỮ VĂN – khối 12

Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm có 02 trang)

I. PHẦN ĐỌC HIỂU: (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 4:

Ở nhiều điểm đến tham quan, du lịch khác cũng từng diễn ra các hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức. Ngay cả những nơi linh thiêng như khu tượng đài danh nhân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và di tích văn hóa - lịch sử mang tính biểu tượng, họ cũng không tha khi trèo bám, đánh đu, phô diễn hình thể, thậm chí còn ngồi cả lên đầu rùa Văn Miếu, hôn môi tượng danh nhân, leo lên hiện vật trong bảo tàng để chụp ảnh. Điều đáng buồn là số đông trong các vị khách du lịch, tham quan ấy lại là giới trẻ và có cả một vài diễn viên hài vốn được coi là "người của công chúng". Các hình ảnh phản cảm được họ hả hê, khoái chí tung khoe trên facebook hoặc các diễn đàn mạng, coi đó như một kỷ niệm của mình trong chuyến đi. Tại nhiều điểm đến đáng lẽ cần được bảo vệ nghiêm ngặt, thì sự vô ý thức của một bộ phận du khách cũng hủy hoại và làm hoen ố vẻ đẹp của các di tích, danh thắng bởi những hành vi như dùng dao, dùng bút, than, phấn để khắc hình, ký tên, vẽ nhăng cuội, chi chít trên di tích. Có những hang động với hệ thống nhũ đá tuyệt đẹp hình thành từ hàng nghìn năm, vậy mà sau vài mùa đón khách tham quan đã bị rơi, rụng hay vỡ nát do các du khách đua nhau lén lấy đá đập để nghe âm thanh hoặc tìm kiếm một mẩu nhũ mang về. Tình trạng rác rưởi do khách vô ý thức vứt ra bừa bãi cũng làm đau đầu ban quản lý các khu di tích, danh thắng trong công tác xử lý. Ngay cả di sản và kì quan thế giới Vịnh Hạ Long cũng bị du khách vô tư xả rác xuống mặt biển, mặc dù ban quản lí tăng cường nhắc nhở, xử phạt. Không thể đổ hết trách nhiệm lên đầu các cơ quan chức năng địa phương, bởi có những lúc số lượng khách đổ về quá đông mà lực lượng bảo vệ, thu gom rác lại mỏng, có làm việc hết công xuất cũng không xuể.

(Theo nhandan.com.vn)

Câu 1: Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào? (0,25đ)

Câu 2: Thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong văn bản? (0,25đ)

Câu 3: Chỉ ra hành vi thiếu văn hóa của những vị khách thiếu ý thức? (0,5đ)

Câu 4: Theo anh/chị, cần làm gì đề hạn chế các hành vi thiếu ý thức của khách du lịch tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh? (Viết một đoạn văn ngắn khoảng 8 đến 10 câu) (0,5đ)

Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu hỏi từ 5 - 8:

Hạnh phúc bình thường và giản dị lắm em ơi!
Là chiếc xe về mỗi chiều của bố
Cả nhà quây quần bên căn gác nhỏ
Chị xới cơm đầy bắt phải ăn no
Hạnh phúc là khi đêm về không có tiếng mẹ ho
Là ngọn đèn khuya soi tương lai con sáng
Là điểm mười đỏ tươi mỗi khi lên bảng
Là ánh mắt một người như lạ như quen
Hạnh phúc là khi mình có một cái tên
Vậy đừng nói cuộc đời này tẻ nhạt nhé em
Tuổi mười tám em còn khờ khạo lắm
Đừng cố vẽ tô một chân trời xa đầy màu hồng thắm
Hạnh phúc vẹn nguyên giữa cuộc đời thường.

(Hạnh phúc - Thanh Huyền)

Câu 5: Xác định giọng điệu chủ đạo của đoạn thơ? (0.25đ)

Câu 6: Nội dung chính của đoạn thơ (0.5đ)

Câu 7: Chỉ ra và nêu hiệu quả nghệ thuật biện pháp tu từ chủ yếu trong đoạn thơ? (0,5đ)

Câu 8: Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 8 đến 10 câu) trình bày quan niệm của anh/chị về hạnh phúc. (0.25đ)

Phần II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1. (3,0 điểm)

Trong bức thư của một du học sinh Nhật bàn về "văn hóa Việt" có đoạn:

"Thật đáng tự hào vì Việt Nam có 4000 năm văn hiến. Thật xấu hỗ nếu 4000 năm văn hiến chỉ là một chương trong sách lịch sử chứ không được thể hiện trong cách hành xử đời thường".

Là người Việt trẻ tuổi, anh/chị suy nghĩ như thế nào về ý kiến trên?

Câu 2: (4,0 điểm)

Cảm nhận vẻ đẹp của hai đoạn thơ dưới đây:

Nhớ gì như nhớ người yêu
Trăng lên đầu núi, nắng chiều lưng nương
Nhớ từng bản khói cùng sương
Sớm khuya bếp lửa người thương đi về.
Nhớ từng rừng nứa bờ tre
Ngòi Thia, sông Đáy, suối Lê vơi đầy.

(Trích "Việt Bắc"- Tố Hữu)

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

(Trích "Sóng" - Xuân Quỳnh)

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Văn khối D

    Xem thêm