Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk
Đề thi thử tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk
Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo.
1. Đề thi thử tốt nghiệp môn Văn năm 2023 trường Ngô Gia Tự
I. ĐỌC - HIỂU (3.0 điểm)
Đọc đoạn văn bản và thực hiện các yêu cầu sau:
Có món ngon nào giá rẻ không em
gạo trắng rau tươi cá bơi tôm nhảy
người xưa bảo tiền nào của nấy
cái lẽ đời giản dị thế thôi ư?
Có yêu đương nào giá rẻ không em
ân ái đi qua nợ đời rơi vãi lại
còng lưng gánh tiếng cười con cái
thăm thẳm mai lởm chởm nhọc nhằn.
Có đam mê nào giá rẻ không em
lời tâm huyết chiết ra từ máu đỏ
câu thơ thật đổi lấy đồng tiền giả
vã mồ hôi sôi nước mắt thắt lòng.
Mẹ trót ru ta câu sấm mệnh con cò
thôi đừng trách cành tre sao mềm thế
đừng tưởng loanh quanh mọi người sống dễ
có hạnh phúc nào giá rẻ không em?
(Chợ - trích từ tập thơ Về, Nguyễn Duy, NXB Hội nhà văn, 1994)
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?
Câu 2: Điểm khác biệt giữa cái giá phải trả cho các món ngon được đề cập ở khổ thơ thứ nhất và cái giá của đam mê, yêu đương ở những khổ thơ sau là gì?
Câu 3: Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ lặp cấu trúc cú pháp trong văn bản trên?
Câu 4: Anh/chị tâm đắc nhất với thông điệp nào mà tác giả gửi gắm qua văn bản?
II. LÀM VĂN (7.0 điểm)
Câu 1 (2.0 điểm)
Từ văn bản ở phần Đọc - hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cái giá của hạnh phúc.
Câu 2 (5.0 điểm)
Ngày tết, Mị cũng uống rượu. Mị lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mị lịm mặt ngồi đấy nhìn mọi người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mị thì đang sống về ngày trước. Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mị thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.
Rượu đã tan lúc nào. Người về, người đi chơi đã vãn cả, Mị không biết, Mị vẫn ngồi trơ một mình giữa nhà. Mãi sau Mị mới đứng dậy, nhưng Mị không bước ra đường chơi, mà từ từ vào buồng. Chẳng năm nào A Sử cho Mị đi chơi Tết. Mị cũng chẳng buồn đi. Bấy giờ Mị ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy, Mị thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi ngày Tết. Huống chi A Sử với Mị, không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường.
Anh ném pao, em không bắt
Em không yêu, quả pao rơi rồi...
Lúc ấy, A Sử vừa ở đâu về, lại sửa soạn đi chơi. A Sử thay áo mới, khoác thêm hai vòng bạc vào cổ rồi bịt cái khăn trắng lên đầu. Có khi nó đi mấy ngày mấy đêm. Nó còn muốn rình bắt mấy người con gái nữa về làm vợ. Cũng chẳng bao giờ Mị nói gì.
Bây giờ Mị cũng không nói. Mị đến góc nhà, lấy ông mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng. Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo. Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa vắt ở phía trong vách. A Sử đang sắp bước ra, bỗng quay lại, lấy làm lạ. Nó nhìn quanh, thấy Mị rút thêm cái áo. A Sử hỏi:
- Mày muốn đi chơi à?
Mị không nói. A Sử cũng không hỏi thêm nữa. A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xoã xuống, A Sử quấn luôn tóc lên cột, làm cho Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa. Trói xong vợ, A Sử thắt nốt cái thắt lưng xanh ra ngoài áo rồi A Sử tắt đèn, đi ra, khép cửa buồng lại.
Trong bóng tối, Mị đứng im lặng, như không biết mình đang bị trói. Hơi rượu còn nồng nàn, Mị vẫn nghe thấy tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi, những đám chơi. “Em không yêu, quả pao rơi rồi. Em yêu người nào, em bắt pao nào...". Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị không nghe tiếng sáo nữa. Chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp vào vách. Ngựa vẫn đứng yên, gãi chân, nhai cỏ. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa.
(Trích, Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, SGK Ngữ văn 12, tập 2)
Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị qua đoạn trích trên - trích trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về tấm lòng nhân đạo của nhà văn trong việc thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị.
2. Đáp án đề thi thử tốt nghiệp môn Văn năm 2023 trường Ngô Gia Tự
A. Hướng dẫn chung
1. Giáo viên nắm vững các yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm.
2. Giáo viên nên chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng đáp án và thang điểm; khuyến khích những bài viết sáng tạo, có cảm xúc trên cơ sở đáp ứng ý cơ bản.
B. Hướng dẫn chấm cụ thể
Phần | Câu | Nội dung | Điểm |
I | ĐỌC HIỂU | 3.0 | |
1 | - Phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm - Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm. - Học sinh trả lời không đúng hoặc trả lời phương thức biểu đạt khác: 0 điểm | 0.75 | |
2 | Điểm khác biệt: - Cái giá của các món ngon (gạo trắng rau tươi cá bơi tôm nhảy) là tiền. Có nhiều tiền sẽ mua được các món ăn ngon. - Cái giá của đam mê, yêu đương không thể mua được bằng tiền. Đam mê phải đánh đổi bằng tâm huyết, bằng những giọt mồ hôi, bằng những trải nghiệm thắt lòng; Yêu đương qua đi, cái giá sẽ là những nhọc nhằn của cha mẹ nuôi con cái lớn khôn. - Học sinh trả lời như Đáp án: 0,75 điểm. - Học sinh trả lời một nửa: 0,5 điểm. - Trả lời được 1 ý nhỏ: 0,25 điểm | 0.75 | |
3 | - Biện pháp lặp cấu trúc: Có món ngon nào giá rẻ không em; Có đam mê nào giá rẻ không em; Có yêu đương nào giá rẻ không em; Có hạnh phúc nào giá rẻ không em? - Hiệu quả: + Tạo nhịp điệu da diết cho bài thơ, diễn tả niềm khao khát kiếm tìm hạnh phúc trọn vẹn + Nhấn mạnh: không có hạnh phúc nào giá rẻ, con người đều phải đánh đổi bằng những cố gắng, nỗ lực, vất vả mới có được. - Học sinh trả lời như Đáp án: 1.0 điểm. - Học sinh trả lời 01 ý: 0,5 điểm. | 1.0 | |
4 | Học sinh có thế rút ra những thông điệp khác nhau căn cứ vào nội dung của văn bản nhưng phải có tính thuyết phục. Gợi ý: - Hạnh phúc hay thành công trong cuộc sống đều có giá của nó… - Biết chấp nhận hoàn cảnh và tự mình phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để đạt được thành công, hạnh phúc - Không nên so bì với người khác vì muốn có hạnh phúc mọi người đều phải đánh đổi bằng cái giá nhất định… | 0.5 | |
II | LÀM VĂN | 7.0 | |
1 | Từ văn bản ở phần Đọc - hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về cái giá của hạnh phúc. | 2.0 | |
| a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn | 0.25 | |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cái giá của hạnh phúc. | 0.25 | ||
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân – hợp, móc xích hoặc song hành. |
| ||
Thí sinh có thể trình bày nhiều cách khác nhau nhưng phải có lập luận hợp lí, thuyết phục: - Hạnh phúc phải đánh đổi bằng sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân mỗi người. Đôi khi để đạt được hạnh phúc con người phải mất nhiều thời gian, công sức, thậm chí là cả cuộc đời phấn đấu không mệt mỏi. - Để có được hạnh phúc lớn lao, con người phải hi sinh những hạnh phúc cá nhân nhỏ bé, thậm chí phải đánh đổi bằng những điều quý giá khác trong cuộc đời. - Để có được hạnh phúc của bản thân, đôi khi chúng ta đã vô tình làm tổn hại tới hạnh phúc, sự bình yên của những người khác. - Mỗi người phải biết trân trọng, gìn giữ những hạnh phúc mà mình có được. | 1.0 | ||
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận | 0.25 | ||
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. | 0.25 | ||
2 | Cảm nhận của anh/chị về nhân vật Mị qua đoạn trích - trích trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài. Từ đó, nhận xét ngắn gọn về tấm lòng nhân đạo của nhà văn trong việc thể hiện sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị. | 5.0 | |
| a. Đảm bảo cấu trúc của một bài văn nghị luận Có đầy đủ Mở bài, Thân bài, Kết bài. Mở bài giới thiệu được tác giả, tác phẩm và vấn đề nghị luận; Thân bài triển khai được vấn đề nghị luận; Kết bài khái quát được nội dung nghị luận. | 0.25 | |
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về nhân vật Mị và nhận xét ngắn gọn về ngòi bút nhân đạo của Tô Hoài. | 0,25 | ||
c. Triển khai các luận điểm nghị luận: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. | |||
* Giới thiệu khái quát: Tác giả Tô Hoài, tác phẩm, đoan trích - Khái quát về cuộc sống của Mị trước và khi làm dâu nhà thống lí Pá Tra | 0.5 | ||
* Cảm nhận đoạn văn – cảm nhận diễn biến tâm trạng cùng sức sống tiềm tàng ở nhân vật Mị trong đêm tình mùa xuân - Nhân tố tác động đến tâm lí của Mị: không khí mùa xuân, tiếng sáo gọi bạn tình và men rượu…đã tác động, thôi thúc làm nảy nở trong Mị khát vọng hạnh phúc.
- Diễn biến tâm lí của Mị: + Mị cảm nhận tiếng sáo: thấy lòng thiết tha bổi hổi, nhẩm thầm bài hát của người đang thổi + Mị uống rượu: uống ực từng bát, rồi say…lòng Mị đang sống về ngày trước à Mị lãng quên thực tại, sống về quá khứ đẹp đẽ, hạnh phúc. + Lòng Mị bừng lên khát vọng sống, hạnh phúc mãnh liệt: Mị thấy phơi phới trở lại…Mị muốn đi chơi… Mị dường như đoạn tuyệt với cuộc sống tù ngục, tăm tối, thậm chí chấp nhận cái chết để từ bỏ kiếp sống đoạ đàyàMị đã thoát khỏi trạng thái tê liệt chai lì cảm xúc, trái tim Mị đã rung lên những nhịp đập bồi hồi. + Mị hành động như một người tự do: đến góc nhà, lấy ống mỡ…quấn lại tóc…lấy váy hoa…những câu văn ngắn, nhịp nhanh, gấp thể hiện khát vọng hạnh phúc trào dâng mãnh liệt và Mị thực sự tìm lại được chính mình – cô gái trẻ trung, đầy khát vọng. + Sức ám ảnh của tuổi xuân lớn dần, hơi rượu nồng nàn, âm thanh tiếng sáo gọi bạn vẫn tha thiết, rập rờn trong đầu Mị, khiến Mị không biết A Sử vào, không nghe A Sử hỏi và không biết mình bị trói, Mị chỉ nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi…àMị hành động với con người thật của mình, phản kháng lại thực tại tăm tối với lòng yêu đời, yêu sống bùng cháy mãnh liệt. + Mị vùng bước đi, bị sợi dây trói giữ lại, Mị chợt bừng tỉnh: không nghe tiếng sáo, chỉ còn nghe tiếng chân ngựa đạp váchà Mị trở về với thực tại đau đớn, ê chề, hiện hữu và thổn thức nghĩ mình không bằng con ngựa àCả đêm Mị sống trong trạng thái lúc mê, lúc tỉnh với sự giằng co giữa khát vọng sống mãnh liệt và nỗi đau thân phận trâu ngựa. è Lòng ham sống bị dập tắt phủ phàng. Mị không thể thoát khỏi địa ngục trần gian nhưng Mị đã không còn là con trâu, con ngựa, con rùa lùi lũi nuôi trong xó cửa. Trong đêm tình mùa xuân ấy, ý thức sự sống trở về, trái tim đã hồi sinh, Mị sống lại những thời khắc thanh xuân tươi trẻ và tự doàphải chăng đây là nguyên cớ đẹp đẽ để Mị có được dũng khí cắt dây cởi trói cho A Phủ trong đêm mùa đông trên núi cao. * Nhận xét về tấm lòng nhân đạo của Tô Hoài - Tiếng nói đồng cảm, xót thương với thân phận khổ đau, bất hạnh của người lao động nghèo miền núi bị áp bức trước CM - Trong hoàn cảnh tối tăm, nhà văn phát hiện, khẳng định, ngợi ca và nâng niu bản năng sống âm thầm mà mãnh liệt trong tâm hồn người lao động Tây Bắc - Miêu tả một cách chân thực sự vận động nội tại trong tính cách nhân vật với cái nhìn ấm áp, tin yêu và trân trọng dành cho con người à Đoạn văn thấm đẫm chất nhân văn, thể hiện một cách chân thật và cảm động giá trị hiện thực và tinh thần nhân đạo sâu sắc của tác phẩm. * Nghệ thuật: - Thành công trong nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật - Nghệ thuật trần thuật uyển chuyển, linh hoạt vừa truyền thống vừa hiện đại đầy hấp dẫn - Trang văn xuôi thấm đẫm chất thơ, chất nhạc, ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhiều chi tiết có sức gợi… | 1.0 1.0 1.0 0.5 | ||
d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. | 0.25 | ||
|
| e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ | 0.25 |
Tổng điểm | 10.0 |
VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2023 môn Ngữ văn trường THPT Ngô Gia Tự, Đắk Lắk. Hi vọng qua đây bạn đọc có thêm tài liệu để ôn thi cho kì thi sắp tới nhé. Mời các bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Thi THPT Quốc gia 2023.