Em hiểu thế nào về câu ca dao: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

Văn mẫu lớp 8: Em hiểu thế nào về câu ca dao: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao” được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh và phụ huynh tham khảo các bài Ngữ văn 8 nhằm củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Giải thích câu ca dao: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao”

Ca dao dân ca là điệu tâm hồn của nhân dân ta từ bao đời nay. Nó trong trẻo như giếng làng, thơm mát như hương đồng gió nội làm say đắm lòng người. Tiếng hát tâm tình trong ca dao dân ca vời vợi đã cùng với sữa mẹ, lời ru êm ái, dịu ngọt của bà đã nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta tự thuở nằm trong nôi. Có không ít bài ca dao nói về đạo lý, về tình người đẹp hơn mọi bài ca. Mãi mãi là những kỷ vật trong hành trang của một đời người trên lộ trình đi tới tương lai tươi sáng và hạnh phúc. Trong mỗi chúng ta, ai mà không xúc động nhắc lại bài ca dao:

"Ngày nào em bé cỏn con,

Bây giờ em đã lớn khôn thế này.

Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao".

Đây cũng là bài học về tình nghĩa. Qua bài ca, nhân dân ta khuyên bảo mọi người hãy khắc sâu vào lòng công ơn to lớn của cha mẹ và thầy, cô giáo.

Hai câu đầu nói lên một quá trình trưởng thành của ‘em’, đứa con trong gia đình, người học trò dưới mái trường. Câu thơ như một lời tâm tình. ‘Em’ đang thổ lộ tâm sự cùng chúng ta:

"Ngày nào em bé cỏn con,

Bây giờ em đã lớn khôn thế này"

Bằng sự tương phản ngôn ngữ và hình ảnh: ‘ngày nào’ với ‘bây giờ’, ‘bé cỏn con’ với ‘lớn khôn thế này’, ‘em’ nhớ lại một chặng đường đã qua, từ ngày còn thơ ấu đến hiện tại đã khôn lớn, trưởng thành. ‘Bé cỏn con’ nghĩa là rất bé. Ngôn từ bình dị, đậm đà màu sắc dân dã. Tác giả không dùng từ ngữ ‘bé tí hon’, ‘bé tí xíu’ mà lại nói ‘bé cỏn con’. ‘Bé cỏn con’ không chỉ là rất bé nhỏ mà còn gợi lên tính ngây thơ, hồn nhiên của một em bé. Qua đó, ta thấy cách lựa chọn từ ngữ của nhân dân rất chính xác, tinh tế và giàu biểu cảm. Hai chữ ‘thế này’ là ngôn từ để trỏ, em bé tự chỉ về mình và tự nói về mình nên đã làm cho lời thơ, niềm tâm sự được bộc lộ một cách chân thành. Năm tháng đã trôi qua, trên bước đường trưởng thành, em bé hồi tưởng lại mới ngày nào đó còn ‘bé cỏn con’ thế mà nay đã ‘lớn khôn thế này’…

Thân hình cao lớn thêm, mặt mũi rạng rỡ thêm, có văn hóa, mỗi năm lên một lớp, trí tuệ phát triển, sự hiểu biết được mở mang, có nhân cách, biết sống theo đạo lý, v. v… Cùng nghĩ lại, hồi tưởng lại, em càng thấy xúc động, tự hào. Đại từ ‘em’ trong bài ca dao được điệp lại hai lần cho thấy nhân vật trữ tình tuy đã khôn lớn, đã có những ý nghĩ sâu sắc nhưng vẫn còn trong tuổi học trò, sống hồn nhiên. Nếu trong câu thứ hai, từ ‘em’ được thay thế bằng từ ‘tôi’ (Bây giờ tôi đã lớn khôn thế này) thì ý nghĩa và màu sắc biểu cảm không còn như trước nữa.

Hai câu tiếp theo, nói rõ nguyên nhân nào đem đến sự ‘lớn khôn’ của em, đâu chỉ là năm tháng thời gian?

"Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy,

Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao".

Câu thơ đẹp: đẹp về đạo lý làm người, đẹp về suy tư sâu sắc. Câu ‘lục’ thứ ba chia làm ba vế, mỗi vế hai từ, tạo nên sự cân xứng hài hòa: ‘cơm cha – áo mẹ – chữ thầy’. Nhịp thơ như những nốt ‘nhân’ vào cõi sâu thẳm của tâm linh, công ơn của mẹ cha, của thầy như đinh ninh, như khắc cốt ghi tâm, có bao giờ có thể quên được? Biện pháp liệt kê được vận dụng sáng tạo, mỗi vế câu là một sự ân tình nặng nghĩa đối với cuộc đời của ‘em’, một đứa con trong gia đình, một người học trò ngoài xã hội. Đọc câu ca lên, lúc nào ta cũng thấy nhiều rung động, thấm thía:

"Cơm cha, áo mẹ, chữ thầy"

"Cơm, áo, chữ" là ba hình ảnh cụ thể mang tính chất điển hình ca ngợi công ơn trời biển của mẹ cha và thầy cô giáo. Một lối nói ít mà gợi nhiều. Công ơn cha mẹ đâu chỉ là ‘cơm’ và ‘áo’? ‘Cơm’ và ‘áo’ mang tính chất tượng trưng cho công cha nghĩa mẹ. Mẹ mang nặng đẻ đau, bú mớm nâng niu, nuôi con khôn lớn với tất cả tình yêu thương. Lòng mẹ bao la như biển cả. Cha thức khuya dậy sớm, làm lụng vất vả để nuôi con, dạy bảo con nên người. Con là hạnh phúc và hy vọng của mẹ cha. Công cha nghĩa mẹ không thể nào kể xiết. Bởi vậy mới có câu ca:

"Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra"

Trên đời này, cổ kim, đông tây có người nào khôn lớn, trưởng thành mà không có sự dạy dỗ của ông thầy? Người thầy là nhân vật trung tâm của nền giáo dục. Thầy dạy chữ, dạy văn hóa, khoa học kĩ thuật, dạy đạo đức… Nhờ có sự dạy dỗ của thầy mà học sinh, thế hệ trẻ của đất nước trở nên tài giỏi, có nhân cách, biết đem tài năng góp phần xây dựng Tổ quốc phồn vinh ‘sánh vai các cường quốc năm châu’.

Đây là bài ca dao cổ, ra đời khá sớm trong xã hội phong kiến. Như mọi người đã biết ba mối quan hệ: vua – tôi, thầy – trò, cha – con là cơ sở và nền tảng của tôn ti trật tự và đạo đức của xã hội ấy. Nguyễn Trãi trong ‘Quốc âm thi tập’ đã viết:

"Nợ cũ chước nào báo bổ,

Ơn thầy, ơn chúa liễn ơn cha"

(Tự thán – bài số 24)

Thế nhưng, trong bài ca dao này, không nói đến ơn vua chúa mà lại khẳng định công ơn của mẹ cùng với công ơn của cha, của thầy, điều đó nói lên quan điểm của nhân dân lao động về ân nghĩa, tình nghĩa ở đời.

Câu cuối như một lời thề nguyền, như một điều tâm niệm. ‘Em’ nói với ‘em’, lòng tự dặn lòng, thủ thỉ, tâm tình mà sâu lắng:

"Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao"

‘Cho bõ’, từ cổ nghĩa là cho xứng đáng. ‘Ước ao’ là sự trông mong, đợi chờ vô cùng tha thiết. Câu ca được diễn đạt dưới hình thức câu hỏi tu từ trở nên lắng đọng sâu sắc. Câu ca dao mang tính đa nghĩa. Ai ước ao? Cha mẹ ước ao con khôn lớn, trung hiếu vẹn toàn, làm rạng rỡ mẹ cha và dòng họ. Thầy cô giáo ước ao học trò trở nên tiến bộ, giỏi giang làm vẻ vang cho gia đình và cho nhà trường. Và ‘em’ ước ao, mỗi chúng ta ước ao trở thành con ngoan, trò giỏi, để đền đáp một cách xứng đáng công ơn của mẹ cha và của thầy cô giáo. Chỉ một từ ‘ước 160 ao’ mà nói lên được ba tấm lòng; tấm lòng nào cũng đẹp, giàu yêu thương tình nghĩa. Thế mới hay rằng ‘tâm hồn đẹp mới có hy vọng đẹp’ (Vôn-te).

Kho tàng thơ ca dân gian Việt Nam có rất nhiều câu, nhiều bài tuyệt hay nói về lòng biết ơn của con cái đối với cha mẹ, học trò đôi với thầy cô giáo. Cách diễn đạt tuy có khác nhau nhưng tất cả đều khẳng định, ngợi ca, chứa chan nghĩa tình:

"Công cha như núi ngất trời,

Nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển Đông…

‘Lên non mới biết non cao,

Nuôi con mới biết công lao mẹ, thầy"

"Muốn sang thì bắc cầu kiều,

Muốn con hay chữ thì yêu kính thầy"

Gia đình là tế bào của xã hội. Trường học là cái nôi đào tạo nhân tài cho đất nước. Cha, mẹ, thầy là ba hình ảnh gần gũi, thân thiết nhất đối với mỗi con người, nhất là thế hệ trẻ. Ơn sinh thành của mẹ cha, ơn dạy dỗ của thầy cô giáo đối với chúng ta thật vô cùng sâu nặng.

Đây là bài ca dao hay nhất trong những bài ca dao nói về chủ đề tình nghĩa và lòng biết ơn. Tình cảm gia đình gắn liền với tình cảm xã hội. Ngôn từ giản dị, dễ hiểu, tình cảm chân thành, sâu sắc. Âm điệu của vần thơ lục bát ngọt ngào, êm ái như lời ru, điệu hát tâm tình. Nhà thơ dân gian đã đề cao chữ hiếu và tôn sư trọng đạo để giáo dục chúng ta. Lòng hiếu thảo là cái gốc của đạo lý làm người. Tôn sự trọng đạo là truyền thống cao đẹp của dân tộc ta. Điều đó cho thấy vẻ đẹp nhân văn tỏa sáng trong bài ca dao này. Tính giáo dục của nó rất sâu sắc. Nó bồi đắp tâm hồn ta về đạo hiếu, đạo học. Lời tâm sự của ‘em’ cũng là của mỗi chúng ta vì đó là nỗi lòng, điều tâm sự. Nó mãi mãi như một thông điệp màu xanh gửi đến mọi đứa con, gửi đến mỗi người học trò… Nó như một kỷ vật đẹp trong hành trang của tuổi thơ trên lộ trình đi tới mọi chân trời xa xôi và hy vọng.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Em hiểu thế nào về câu ca dao: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao” cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 8 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 8 và biết cách soạn bài lớp 8 các Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 8 trong sách Văn tập 1 và tập 2. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Đánh giá bài viết
3 1.528
Sắp xếp theo

    Văn mẫu lớp 8 Sách mới

    Xem thêm