Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 18: Tìm hiểu chung về văn miêu tả
Giải bài tập Ngữ văn bài 18: Tìm hiểu chung về văn miêu tả
Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 18: Tìm hiểu chung về văn miêu tả. Đây là tài liệu tham khảo hay được VnDoc.com sưu tầm nhằm giúp quá trình ôn tập và củng cố kiến thức chuẩn bị cho kì thi học kì mới môn Ngữ văn của các bạn học sinh lớp 6 trở nên thuận lợi hơn. Mời các bạn tham khảo
Tìm hiểu chung về văn miêu tả
I. Kiến thức cơ bản
• Văn miêu tả là loại căn nhằm giúp người đọc, người nghe hình dung được những đặc điểm, tính chất nổi bật, đặc sắc của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh... làm cho những cái đó như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.
• Trong văn miêu tả năng lực quan sát của người viết, người nói thường bộc lộ rõ nhất.
II. Hướng dẫn tìm hiểu câu hỏi phần bài học
1. Thế nào là văn miêu tả?
Câu 1. Đọc và suy nghĩ về các tình huống.
- Tình huống 1: Tả con đường và ngôi nhà của em.
Tả con đường cần chú ý: Quãng đường dài bao nhiêu? Qua mấy ngã tư, ngã ba, kẹo trái hay kẹo phải? Đường rộng hay hẹp, bao nhiêu mét? Đường nhựa, đường bê tông hay đường đất? Hai bên đường có gì đặc biệt?
Tả ngôi nhà cần có: Nhà nằm ở phía bên tay trái hay tay phải? Nhà trệt hay nhà lầu? Lợp ngói hay lợp tôn? Cổng vào nhà màu gì? Có trồng cây gì trước nhà không? Nếu nhà phố thì số nhà bao nhiêu?
- Tình huống 2: Tả chiếc áo mà em cần mua.
+ Vị trí: Chiếc áo nằm ở đâu? Trên cao, dưới thấp, ở giữa hay bên góc.
+ Màu sắc: Đỏ, trắng, xanh, vàng... hay là phối hợp nhiều màu.
+ Loại áo, kiểu áo: Sơ mi, hay áo phông, có cổ hay không cổ, dài tay hay ngắn tay...
- Tình huống 3: Tả người lực sĩ. Chú ý làm nổi bật các đặc điểm sau:
+ Độ tuổi? Cao hay thấp?
+ Các cơ bắp trên cơ thể?
+ Sức lực như thế nào? Mang nặng được bao nhiêu?
- Các tình huống khác:
+ Tả lại con mèo nhà em cho người bạn thích nuôi mèo.
+ Mẹ em vừa mua một cây mai để chưng tết. Tả lại cây mai đó cho bà nội em biết.
+ Tả lại không khí và quang cảnh trường em ngày khai giảng năm học mới cho một bạn ở xa biết.
+ Tả lại cánh đồng lúa vào mùa gặt. .
Câu 2. Hai đoạn văn miêu tả Dế Mèn và Dế Choắt trong văn bản "Bài học đường đời đầu tiên" là":
- Đoạn miêu tả Dế Mèn:
Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn lắm. Chẳng bao lâu, tôi đã trở thành một chàng dế thanh niên cường tráng. Đôi càng tôi mẫm bóng. Những cái vuốt ở chân, ở khoeo cứ cứng dần và nhọn hoắt. Thỉnh thoảng, muốn thử sự lợi hại của những chiếc vuốt, tôi co cẳng lên, đạp phanh phách vào các ngọn cỏ. Những ngọn cỏ gẫy rạp, y như có nhát dao vừa lia qua. Đôi cánh tôi, trước kia ngắn hủn hoẳn, bây giờ thành cái áo dài kín xuống tận chấm đuôi. Mỗi khi tôi vũ lên, đã nghe tiếng phành phạch giòn giã. Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được là rất ưa nhìn. Đầu tôi to ra và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.
- Đoạn miêu tả Dế Choắt
Cái chàng Dế Choắt người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi lê. Đôi càng bè bè nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ. Đã vậy tính rất lại ăn xổi ở thì (thật chỉ vì đau ốm luôn, không làm được) có một cái hang ở cũng chỉ bới nông sát mặt đất, không biết đào sâu rồi khoét ra nhiều ngách như hang tôi.
- Hai đoạn văn đó đã giúp cho người đọc hình dung được đặc điểm nổi bật của hai chú dế:
+ Dế Mèn khoẻ mạnh, cường tráng.
+ Dế Choắt nhỏ bé, gầy còm, ốm yếu.
- Những phương diện miêu tả giúp ta nhận rõ điều đó về hai chú dế: Hình dáng, đôi cánh, đội càng, bộ râu, tính tình.
III. Hướng dẫn luyện tập.
Câu 1. Đọc kĩ các đoạn văn sau và trả lời câu hỏi. Mỗi đoạn văn trên tái hiện điều gì? Chỉ ra những đặc điểm nổi bật về sự vật, con người, quang cảnh đã định miêu tả trong ba đoạn trên.
Đoạn 1: Tả về con vật
+ Tái hiện lại hình dáng Dế Mèn.
+ Đặc điểm nổi bật: Sự cường tráng của một chú dế thanh niên, sự cường tráng đó được tập trung thể hiện ở đôi càng và cái vuốt ở chân.
Đoạn 2: Tả về con người
+ Tái hiện hình ảnh chú bé Lượm (Em bé làm liên lạc).
+ Đặc điểm nổi bật: Sự hồn nhiên trong sáng trong tuổi đời và sự nhanh nhẹn tháo vát trong công việc.
Đoạn 3: Tả quang cảnh
+ Tái hiện cảnh sinh hoạt của loại chim sống ở ao hồ sau cơn mưa.
+ Đặc điểm nổi bật: Sự sôi động, ồn ào của không khí kiếm ăn của các loài chim.
Câu 2. Đặc điểm nổi bật của đoạn văn miêu tả cảnh mùa đông và tả khuôn mặt của người mẹ.
a) Tả mùa đông
* Những đặc điểm cần chú ý:
- Bầu trời nhiều mây.
- Khí hậu lạnh lẽo, ẩm ướt.
- Chim chóc thưa thớt, vắng hắn.
- Cây cối già cỗi, trơ trụi lá.
- Sinh hoạt của con người..
* Đoạn văn tham khảo:
[...] Bố tôi bảo chưa có mùa đông nào lạnh ghê gớm như năm nay. Quả thật mấy ngày nay không gian chỉ toàn màu xám xịt. Gió cuộn thành từng luống bàng bạc, cuốn theo bao nhiêu là đất bụi và lá rụng đã queo quắt màu nâu xỉn. Con đường làng phía xa lấp ló trong sương mù. Thỉnh thoảng lại nghe có tiếng cành cây gãy răng rắc. Một cơn gió lùa qua khe cửa mang thêm cái lạnh giá khiến tôi rùng mình dù đã mặc áo ấm và đang đứng trong nhà.
(Lê Huyền Trang - Trường THCS Hải Dương)
b) Tả người mẹ
* Những đặc điểm cần chú ý
- Khuôn mặt - Dáng người, độ tuổi - Nụ cười, ánh mắt
- Việc làm của mẹ, cử chỉ, tính tình.
* Đoạn văn tham khảo:
Là một kiến trúc sư mới ngoài bốn mươi tuổi, nhưng mẹ được coi là người có năng lực trong một công ty xây dựng của thủ đô. Khuôn mặt của mẹ khắc khổ, người thấp đậm vững chắc. Mẹ nói những cô gái vùng chiêm trũng như mẹ đều phải gánh và đội nặng từ rất sớm. Cuộc sống của họ là sự vật lộn với đất đai và mưa nắng của quê hương. Có lẽ vì vậy mà mẹ sớm rèn được sự rắn rỏi và tự chủ cao. Bù lại đó, mẹ em có cái miệng nhỏ và tươi tắn, đôi mắt đen chan chứa tình cảm. Ở mẹ toát ra sự gần gũi và tin yêu. Nơi nhà em ở ai cũng quý mẹ em vì mẹ rất sẵn lòng giúp đỡ và chia sẻ với mọi người sự thiếu thốn về vật chất hay nỗi buồn khổ về tinh thần.
(Đỗ Hạnh Nguyên – Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Hà Nội)
Mời các bạn tham khảo tài liệu liên quan
Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 18: Phó từ
Giải bài tập Ngữ văn lớp 6 bài 18: Bài học đường đời đầu tiên