Giải SBT Ngữ văn 8 Cánh diều bài 7
VnDoc xin giới thiệu bài Giải sách bài tập Ngữ văn 8 bài 7: Bài tập viết trang 24, 25, 26 sách Cánh diều chi tiết giúp học sinh dễ dàng xem và so sánh lời giải từ đó biết cách làm bài tập trong SBT Ngữ văn 8.
Bài tập viết trang 24, 25, 26
Câu 1 trang 24 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ sau khi đọc một bài thơ sáu chữ, bảy chữ là gì?
A. Viết đoạn văn giới thiệu với người đọc về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ mà em thấy hay
B. Viết đoạn văn trình bày cảm xúc, suy nghĩ,... của em về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ
C. Viết đoạn văn nêu ra những câu thơ hay trong một bài thơ sáu chữ, bảy chữ và khuyến khích mọi người cùng tìm đọc
D. Viết đoạn văn trình bày cách hiểu của bản thân về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ
Trả lời:
Đáp án B. Viết đoạn văn trình bày cảm xúc, suy nghĩ,... của em về một bài thơ sáu chữ, bảy chữ
Câu 2 trang 24, 25 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Tìm hiểu ngữ liệu trong SGK, trang 50 theo yêu cầu của phiếu học tập sau:
PHIẾU HỌC TẬP
Đọc đoạn văn sau và thực hiện các yêu cầu:
“Khi cha tôi còn sống, không biết cha tôi đã dạy truyền miệng cho tôi lúc nào mà tôi thuộc lòng, xúc động và nhớ mãi những câu thơ sau đây trong bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan:
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Trong trí tưởng tượng, Bà Huyện Thanh Quan đã đưa tôi đến Đèo Ngang đúng vào buổi chiều tà. Chỉ có hai người trên đỉnh đèo mà ngắm cảnh “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”. Ngoài sân gác thượng, trước chỗ cha tôi nằm, có mấy cây si, đinh lăng trồng trong chậu và ít được tưới tắm nên càng khẳng khiu, một núi non bộ cũng vì cảnh làm ăn của nhà tôi sa sút nên mốc rêu và nhiều khi tưởng chết khô hết cả mấy búi cỏ cây ghép đá. Nhưng với cảnh cây cỏ và núi non này, tôi đã tưởng tượng thêm ra sự heo hút của những câu thơ trên kia. Tuổi lên bảy, lên tám của tôi khi ấy lại còn được những rung động này nữa:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Không ai bày cách cho tôi cảm xúc, nhưng tôi cứ nghe thấy những tiếng đanh đanh khắc khoải “cuốc cuốc” vang lên. Và hai tiếng “non, nước” dào dạt như có sóng. Sau đó, cả cảnh vật đều lặng đi để dâng lên một cái gì bàng bạc và trong trắng như sương tuyết.”.
(Theo Nguyên Hồng, Một tuổi thơ văn, NXB Kim Đồng, Hà Nội, 2006)
a. Nếu hai chi tiết trong bài thơ mà tác giả tập trung thể hiện cảm nghĩ
b. Đánh dấu các từ ngữ, câu văn trong văn bản thể hiện các hộp thông tin dưới đây và nối các hộp thông tin đó với phần văn bản đã được đánh dấu.
Trả lời:
a. Tác giả tập trung thể hiện cảm nghĩ về hai chi tiết trong bài thơ: Chi tiết về khung cảnh “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” và chi tiết về âm thanh của tiếng chim cuốc cuốc trong câu thơ “Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc”.
b. Từ ngữ bộc lộ trực tiếp cảm xúc của tác giả: thuộc lòng, xúc động, nhớ mãi, rung động.
– Các câu văn miêu tả những tưởng tượng mà bài thơ gợi ra trong cảm nhận của tác giả: “Không ai bày... trong trắng như sương tuyết.”.
– Các câu văn miêu tả những liên tưởng mà bài thơ gợi ra trong cảm nhận của tác giả: “Ngoài sân... sự heo hút của những câu thơ trên kia.”.
Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Những nội dung nào cần chú ý khi viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ sáu chữ, bảy chữ
a) Đọc kĩ bài thơ để hiểu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm
b) Chọn yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc trong bài thơ gây ấn tượng cho em.
c) Tìm đọc các bài cảm nhận, phân tích về bài thơ, ghi lại các từ khóa thể hiện cảm xúc của người viết và sử dụng chúng để diễn đạt cảm xúc của em về bài thơ
d) Viết đoạn văn nêu cảm xúc, suy nghĩ của em về bài thơ (hoặc đoạn thơ, khổ thơ,...) và làm rõ vì sao em lại có cảm xúc, suy nghĩ như vậy
Trả lời:
Phương án c không phải là lưu ý khi viết đoạn văn trình bày cảm nghĩ về bài thơ vì người viết cần sử dụng từ ngữ, cách diễn đạt của bản thân để thể hiện cảm xúc của chính mình với bài thơ.
Câu 4 trang 26 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Hãy phát triển dàn ý được nêu trong SGK, trang 51 cho đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư.
Trả lời:
- Mở đoạn: Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật ở dòng, khổ, đoạn thơ hoặc bài thơ (Ấn tượng sâu sắc với ba hình ảnh thể hiện về người mẹ trong kí ức của nhà thơ: nắng mới — áo đỏ – nét cười đen nhánh.).
- Thân đoạn: Nêu cụ thể cảm xúc, suy nghĩ của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đã xác định ở mở đoạn:
+ Ba hình ảnh khiến người đọc như “chạm” vào nỗi nhớ, làm cho người mẹ hiện lên thật rõ nét, tươi tắn, sáng bừng trong kí ức hoài niệm: mẹ xuất hiện trong không gian nắng đầu mùa sáng đẹp, trong tiếng reo náo nức của nắng. Tấm áo đỏ mẹ đưa trước giậu phơi làm rực rỡ cả không gian, phản chiếu sắc hồng lên gương mặt thật ấm áp, thân thương. Nét cười đen nhánh của mẹ hòa với màu đỏ của sắc áo, màu tươi của nắng mới. Đây cũng là vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ xưa với hàm răng nhuộm đen nhưng nhức, đều, in, bóng,...
+ Ba hình ảnh được “nhìn” từ ánh mắt của em bé thuở lên mười, được “nhìn” lại trong thế giới trống rỗng của “những ngày không” trong hiện tại đã trở thành kí ức sâu sắc, dường như càng qua thời gian thì càng rõ nét hơn trong tâm hồn tác giả.
- Kết đoạn: Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đã trình bày (Thơ là tiếng nói của cảm xúc. Hình ảnh trong thơ là sự hoá thân của tiếng nói ấy. Bài thơ đã khép lại nhưng trong tâm tưởng của người đọc vẫn còn đó một không gian của nắng mới đầu mùa, người mẹ trẻ với tấm áo đỏ đưa trước giậu phơi, cùng nét cười đen nhánh như tỏa nắng vào tâm hồn con.).
Câu 5 trang 26 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Tự ra hai đề bài tương tự như đề bài được nêu trong mục 2.1. Thực hành viết theo các bước (SGK, trang 51). Chọn một trong hai đề để lập dàn ý.
Trả lời:
- Đề bài:
Đề 1: Viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Đường về quê mẹ” (Đoàn Văn Cừ)
Đề 2: Viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” (Mai Liễu).
- Dàn ý:
+ Mở đoạn: Nêu cảm nghĩ chung về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc ở dòng, khổ, đoạn thơ hoặc bài thơ.
+ Thân đoạn: Nêu cụ thể cảm nhận, suy nghĩ của em về yếu tố nội dung hay nghệ thuật đặc sắc đã xác định ở mở đoạn.
+ Kết đoạn: Khái quát lại cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về yếu tố nội dung hoặc nghệ thuật đặc sắc đã trình bày.
Câu 6 trang 26 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Hãy chọn trong số các dàn ý mà em đã phát triển (bài tập 4) hoặc đã lập (bài tập 5) để viết thành đoạn văn. Tự đọc và chỉnh sửa theo gợi ý của mục d (SGK, trang 51).
Trả lời:
Đề 1: Viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Đường về quê mẹ” (Đoàn Văn Cừ)
Đoạn văn mẫu:
Đường về quê mẹ là những dòng hoài niệm của người con về những lần cùng mẹ về quê ngoại. Trong kí ức đẹp đẽ ấy, cứ mỗi độ xuân về mẹ lại dẫn đàn con về quê của mẹ. Theo bước chân của mấy mẹ con, thiên nhiên và con người quê ngoại dần hiện lên. Khung cảnh thiên nhiên mùa xuân thật đẹp với những rặng đề, dòng sông trắng, bãi tía, cồn xanh.. Cảnh vật vừa sinh động, tràn đầy sức sống, hiện lên như một bức tranh thôn quê với những màu sắc và đường nét được phối hài hòa. Con người nơi đây đang rộn ràng trong khung cảnh lao động quen thuộc: Người xới cà, ngô rộn cánh đồng. Khung cảnh bình yên, ấm áp quá. Qua những cảm nhận của người con, quê ngoại là cả một vùng kí ức êm đềm và thơ mộng. Người mẹ chính là nhân vật trung tâm của bài thơ. Dấu ấn của con về mẹ là một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết. Hình ảnh về người mẹ với khuyên vàng, yếm thắm, áo the nâu, mắt sáng, môi hồng, má đỏ.. vẫn in đậm trong tâm trí con, có lẽ bởi mẹ xinh đẹp, đằm thằm quá khiến con phải thốt lên ngỡ ngàng: Trông mẹ chẳng khác thời con gái. Qua lời khen của những người dân quê, mẹ hiện lên với nết "thảo hiền" dễ mến. Dù lấy chồng xa xứ nhưng mẹ vẫn không quên đường về quê mẹ. Bài thơ đã diễn tả được tâm trạng vui mừng, háo hức của người con mỗi lần cùng mẹ về quê ngoại. Đồng thời còn thể hiện tình cảm yêu mến, niềm tự hào của con về vẻ xinh đẹp, nết na của mẹ.
Đề 2: Viết đoạn văn bộc lộ cảm nghĩ của em sau khi đọc bài thơ “Nếu mai em về Chiêm Hóa” (Mai Liễu).
Đoạn văn mẫu:
Nếu mai em về Chiêm Hóa là một trong những bài thơ tiêu biểu được Mai Liễu viết về quê hương, mảnh đất Chiêm Hóa - một huyện nằm ở phía bắc của tỉnh Tuyên Quang. Với ông "Quê hương và tình người miền núi là niềm trăn trở, hối thúc tôi cầm bút và nó còn trở đi trở lại mãi trong cuộc đời cầm bút của tôi". Hoài niệm về quê hương và nguồn cội của ông được thể hiện sâu sắc trong rất nhiều bài thơ đã làm nên thế giới nghệ thuật riêng không nhòa lẫn với ai. Bài thơ đã thể hiện tình yêu quê hương và nỗi nhớ quê hương da diết của tác giả, nhớ từng cảnh vật thiên nhiên tươi đẹp, những con người dễ mến và cả những văn hóa truyền thống lâu đời. Qua đó, tác giả cũng mang cả cảm xúc tự hào, muốn giới thiệu quê hương của mình với bạn đọc, mong muốn mọi người tới tham quan và cảm nhận cảnh quan thiên nhiên, tham dự lễ hội đặc sắc quê mình.
Câu 7 trang 26 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Viết bài thơ sáu chữ hoặc bảy chữ theo đề tài tự chọn (về quê hương, gia đình, người thân, bạn bè, trường lớp,...) theo hướng dẫn trong SGK, trang 52
Trả lời:
- Bài thơ số 1:
Xuân lòng
Đông tàn xuân đến xuân nở hoa
Nỗi buồn dấu kín giữa chiều tà
Vui thơ xướng họa cùng bè bạn
Gửi chút tình riêng đến nẻo xa
Chợt nghĩ hình ai nơi cõi vắng
Chiều nay lặng lẽ ngắm mây trời
Lòng ta man mác buồn da diết
Thả hồn trong gió say tình say
Xứ Huế đây, ở xứ Huế đây
Tiếng thơ dìu dắt nước non này
Mơ màng bóng cũ người xưa ấy
Say đắm một thời tuổi thơ ngây
Ta muốn tình thơ luôn sẽ đến
Để cùng chung điệu tiếng ngân nga
Để hồn ấm lại trong hiu quạnh
Ngây ngất xuân lòng ta với ta
- Bài thơ số 2:
Năm tháng bạn bè
Ta có trong năm tháng bạn bè
Trong lối mòn xưa cỏ rêu che
Nửa đời chìm nổi về bên bạn
Lại vui như chẳng nắng sương gì
Ta có trong năm tháng bạn bè
Mạ trong ngọn gió lạnh lùng khuya
Cha trong hạt cát đêm sao hiện
Và em trong đèo núi cách chia
Ta có trong năm tháng bạn bè
Niềm thương nỗi nhớ với say mê
Câu thơ thức đến canh gà muộn
Tóc bạc bên đèn đọc nhau nghe
Ta như sóng ấy dễ tan đi
Bạn là ghềnh đá dấu ta ghi
Những gì sâu thẳm ngoài vô tận
Đều có cho ta giữa bạn bè
Rét quá nên thơ không thể ngủ
Đốt lên ngọn lửa ấm lòng nhau
Ngoài kia sông nép vào bóng cỏ
Đêm lạnh vắt ngang tiếng còi tàu…
>>>> Bài tiếp theo: Giải SBT Ngữ văn 8 Cánh diều bài 8
Trên đây là toàn bộ lời giải Giải SBT Ngữ văn lớp 8 bài 7: Bài tập viết trang 24, 25, 26 sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo và Ngữ văn lớp 8 Kết nối tri thức. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.