Hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng làm chủ tập thể (1975-1985)
VnDoc xin giới thiệu bài Hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng làm chủ tập thể (1975-1985) được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng làm chủ tập thể (1975-1985)
Từ tháng 4-1975, với thắng lợi hoàn toàn và triệt để của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa trong cả nước. Do đó, hệ thống chính trị của nước ta cũng chuyển sang giai đoạn mới: từ hệ thống chuyên chính dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ lịch sử của chuyên chính vô sản trong phạm vi nửa nước (1954-1975) sang hệ thống chuyên chính vô sản hoạt động trong phạm vi cả nước.
Bước sang giai đoạn mới, Đại hội IV của Đảng nhận định rằng, muốn đưa sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa đến toàn thắng, “điều kiện quyết định trước tiên là phải thiết lập và không ngừng tăng cường chuyên chính vô sản, thực hiện và không ngừng phát huy quyền làm chủ tập thế của nhân dân lao động”.
Trong giai đoạn này, việc xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản được quan niệm là xây dựng chế độ làm chủ tập thế xã hội chủ nghĩa, tức là xây dựng một hệ thống hoàn chỉnh các quan hệ xã hội thể hiện ngày càng đầy đủ sự làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, làm chủ xã hội, làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân. Do đó, chủ trương xây dựng hệ thống chuyên chính vô sản gồm những nội dung sau đây:
Một là, xác định quyền làm chủ của nhân dân được thể chế hóa bằng pháp luật và tổ chức.
Hai là, xác định Nhà nước trong thời kỳ quá độ là “Nhà nước chuyên chính vô sản thực hiện chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa”, là một tổ chức thực hiện quyền làm chủ tập thể của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, một tổ chức thông qua đó Đảng thực hiện sự lãnh đạo của mình đối với tiến trình phát triển của xã hội. Muốn thế, Nhà nước ta phải là một thiết chế của dân, do dân, vì dân, đủ năng lực tiến hành ba cuộc cách mạng, xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, nền văn hóa mới và con người mới.
Ba là, xác định Đảng là người lãnh đạo toàn bộ hoạt động xã hội trong điều kiện chuyên chính vô sản. Sự lãnh đạo của Đảng là bảo đảm cao nhất cho chế độ làm chủ tập thể cùa nhân dân lao động, cho sự tồn tại và hoạt động của Nhà nước xã hội chủ nghĩa.
Bốn là, xác định nhiệm vụ chung của Mặt trận và các đoàn thể là bảo đảm cho quần chúng tham gia và kiểm tra công việc của Nhà nước, đồng thời là trường học về chủ nghĩa xã hội. Vai trò và sức mạnh của các đoàn thể chính là ở khả năng tập hợp quần chúng, hiểu rõ tâm tư và nguyện vọng của quần chúng, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa cho quần chúng. Muốn vậy, các đoàn thể phải đổi mới hình thức tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động cho phù hợp với điều kiện mới. Hoạt động của các đoàn thể phải năng động, nhạy bén với những vấn đề mới nảy sinh trong cuộc sống, khắc phục bệnh quan liêu, giản đơn và khô cứng trong tổ chức và trong sinh hoạt. Mở rộng các hình thức tổ chức theo nghề nghiệp, theo nhu cầu đời sống và nhu cầu sinh hoạt văn hóa để thu hút đông đảo quần chúng vào các hoạt động xã hội, chinh trị.
Năm là, xác định mối quan hệ Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý là cơ chế chung trong quản lý toàn bộ xã hội.
Hoạt động của hệ thống chuyên chính vô sản giai đoạn 1975-1985 được chỉ đạo bởi đường lối của các Đại hội IV và V của Đảng đã góp phần mang lại những thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong 10 năm (1975-1985) đầy khó khăn, thử thách. Điểm tìm tòi, sáng tạo trong giai đoạn này của Đảng là đã coi làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa là bản chất của hệ thống chuyên chính vô sản ở nước ta.
Tuy nhiên, việc sử dụng chuyên chính vô sản để tiếp tục cuộc đấu tranh giai cấp dưới hình thức mới đã dẫn tới nhiều chủ trương tả khuynh, duy ý chí trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
– Bộ máy nhà nước cồng kềnh và kém hiệu quả mà cơ chế quản lý tập trung quan liêu, bao cấp là nguyên nhân trực tiếp. Các cơ quan dân cử các cấp được lựa chọn, bầu cử và hoạt động một cách hình thức chủ nghĩa. Không ít cơ quan chính quyền không tôn trọng ý kiến của nhân dân, không làm công tác vận động quần chúng, chỉ quen dùng các biện pháp mệnh lệnh hành chính.
Sự lãnh đạo của Đảng chưa ngang tầm những nhiệm vụ của giai đoạn mới, chưa đáp ứng được yêu cầu giải quyết nhiều vấn đề kinh tế – xã hội cơ bản và cấp bách.
Đảng chưa phát huy tốt vai trò và chức năng của các đoàn thể trong việc giáo dục, động viên quần chúng tham gia quản lý kinh tế – xã hội. Các đoàn thể chưa tích cực đổi mới phương thức hoạt động đúng với tính chất của tổ chức quần chúng
-Hệ thống chuyên chính vô sản có biểu hiện bảo thủ, trì trệ, chậm đổi mới so với những đột phá mới trong cơ chế kinh tế đang diễn ra ở các địa phương, các cơ sở trong toàn quốc. Do đó, trên thực tế hệ thống chuyên chính vô sản đã cản trở quá trình đổi mới kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội.
Những hạn chế, sai lầm trên đây cùng những yêu cầu của công cuộc đổi mới, đã thúc đẩy chúng ta phải chấm dứt hệ thống chuyên chính vô sản để chuyển sang hệ thống chính trị trong thời kỳ mới.
-----------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng làm chủ tập thể (1975-1985) về những hạn chế, ưu điểm của hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng tập thể của Đảng ta từ năm 195 - 1985...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Hệ thống chuyên chính vô sản theo tư tưởng làm chủ tập thể (1975-1985). Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.