Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa thời kỳ trước đổi mới

Khái niệm văn hóa chủ yếu được hiểu theo nghĩa hẹp: “Văn hóa là đời sống tinh thần của xã hội”, “Văn hóa là hệ các giá trị truyền thống, lối sống”. “Văn hóa là năng lực sáng tạo” của một dân tộc, “Văn hóa là bản sắc” của một dân tộc, là cái để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Văn hóa theo nghĩa rộng là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lịch sử.

Lần đầu tiên Đảng ta đề ra chủ trương phát triển văn hóa là tại Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng (đầu năm 1943 tại Võng La, Đông Anh, Phúc Yên) thông qua bản Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh trực tiếp dự thảo. Đề cương xác định văn hóa là một trong ba mặt trận của cách mạng Việt Nam và đề ra ba nguyên tắc của nền văn hóa mới là dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa

Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần làm ngay, trong đó có 2 nhiệm vụ cấp bách thuộc về lĩnh vực văn hóa, đó là diệt giặc dốt và giáo dục lại tinh thần cho nhân dân, làm cho dân tộc ta trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng với nước Việt Nam độc lập.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đường lối văn hóa của Đảng được trình bày trong Chỉ thị Kháng chiến kiến quốc (ngày 25-11-1945), Báo cáo Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam (tại Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai tháng 7-1948). Đường lối đó xác định mối quan hệ giữa văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc, cổ động văn hóa cứu quốc, xây dựng nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, tích cực bài trừ nạn mù chữ, cải cách việc theo tinh thần mới, bài trừ hủ tục, ngăn ngừa sức thâm nhập của văn hóa thực dân phản động, hình thành đội ngũ tri thức mới đóng góp tích cực cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi văn hóa, văn nghệ là một mặt trận, văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy.

Trong giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa, đường lối xây dựng và phát triển văn hóa được bắt đầu hình thành từ Đại hội lần thứ III của Đảng (1960) với chủ trương tiến hành cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa đồng thời với cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất và cách mạng khoa học – kỹ thuật, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới, con người mới. Đại hội IV (1976) và Đại hội V (1982) của Đảng tiếp tục đường lối phát triển văn hóa của Đại hội III, xác định nền văn hóa mới là nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, có tính đảng và tính nhân dân. Nhiệm vụ văn hóa quan trọng của gi.ai đoạn này là tiến hành cải cách giáo dục trong cả nước, phát triển mạnh khoa học, văn hóa nghệ thuật, giáo dục tinh thần làm chủ tập thể, chống tư tưởng tư sản và tàn dư tư tưởng phong kiến, phê phán tư tưởng tiểu tư sản, xóa bỏ ảnh hưởng của tư tưởng văn hóa thực dân mới ở miền Nam.

Công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng thời kỳ này đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của cả nước. Cùng với độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, những thành quả về văn hóa là một trong những thành tố của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

2. Quá trình đổi mới tư duy và chủ trương phát triển nền văn hóa của Đảng thời kỳ đổi mới đất nước

Quá trình đổi mới tư duy của Đảng về chức năng, vị trí, vai trò của nền văn hóa trong phát triển kinh tế – xã hội và hội nhập quốc tế được hình thành từng bước từ Đại hội VI (1986) đến Đại hội X (2006).

Đại hội VI (1986) xác định: Khoa học – kỹ thuật là động lực to lớn đẩy mạnh quá trình phát triển kinh tế – xã hội, có vị trí then chốt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam (1991) đưa ra quan niệm về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cương lĩnh chủ trương xây dựng nền văn hóa mới phong phú, đa dạng, dân chủ, tiến bộ, kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, chống tư tưởng văn hóa phản tiến bộ, trái với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đồng thời xác định giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu.

Tiếp theo Nghị quyết Đại hội VII, VIII, IX, X và nhiều Nghị quyết Trung ương sau đó đã xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực của phát triển. Khoa học và giáo dục đóng vai trò then chốt trong toàn bộ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, là động lực đưa đất nước thoát ra khỏi nghèo nàn, lạc hậu vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII tháng 7-1998) ra Nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc nhằm đề ra phương hướng chiến lược và các giải pháp cụ thể lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa đất nước. Hội nghị đã đề ra các phương hướng, nhiệm vụ và các quan điểm chỉ đạo cơ bản nhằm phát triển nền văn hóa trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Những quan điểm cơ bản đó là:

– Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội.

– Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

– Nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

– Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

– Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Hội nghị cũng đã nêu rõ trong thời gian tới cần phải thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cụ thể sau: Xây dựng con người Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới với những đức tính cao đẹp; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật;

bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa: phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo và khoa học – công nghệ: phát triển đi đôi với quản lý tốt hệ thống thông tin đại chúng; bảo tồn, phát huy và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số; thực hiện chính sách văn hóa đối với tôn giáo; mở rộng hợp tác quốc tế về văn hóa; củng cố, xây dựng và hoàn thiện thể chế văn hóa.

Hội nghị Trung ương 9 khóa IX (tháng 1-2004) tiếp tục bổ sung “phát triển văn hóa đồng bộ với phát triển kinh tế”. Hội nghị Trung ương 10 khóa IX (tháng 7-2004) đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa văn hóa và công tác văn hóa với các lĩnh vực khác, nhấn mạnh sự kết hợp giữa nhiệm vụ phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là then chốt với nhiệm vụ không ngừng nâng cao văn hóa – nền tảng tinh thần của xã hội. Hội nghị nêu rõ: cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động đến mối quan hệ giữa các cá nhân và cộng đồng, thúc đẩy dân chủ hóa đời sống xã hội và làm đa dạng hóa phương thức sinh hoạt văn hóa. Đó chính là những thách thức mới đối với sự lãnh đạo và quản lý công tác văn hóa của Đảng và Nhà nước xã hội.

3. Quan điểm và chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa

– Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, Văn hóa phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, tạo nên giá trị, bản sắc riêng của mỗi dân tộc. Sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam không đơn thuần chỉ là sự tiến triển của các nhân tố kinh tế mà một phần quan trọng là sự phát huy của các giá trị văn hóa dân tộc. Mục tiêu xây dựng xã hội Việt Nam trở thành một xã hội “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” do Đại hội X của Đảng đề ra (tháng 4-2006) chính là mục tiêu văn hóa.

– Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa mở rộng giao lưu quốc tế, tiếp thu có chọn lọc những cái hay, cái tiến bộ của văn hóa thế giới, bắt kịp xu thế phát triển của thời đại. Chủ động tham gia hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế, xây dựng những giá trị mới của văn hóa Việt Nam Xây dựng Việt Nam trở thành nơi giao lưu văn hóa quốc tế và khu vực.

– Xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Thống nhất, bao hàm cả đa dạng, đa dạng nhưng phải thống nhất. Không có đồng hóa hay thôn tính lẫn nhau, kỳ thị bản sắc văn hóa của các dân tộc.

– Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp chung của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

– Văn hóa là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì, thận trọng.

Sau hơn hai mươi năm thực hiện đường lối đổi mới toàn diện đất nước chúng ta đã đạt được những thành tựu đáng kể trong sự nghiệp xây dựng văn hóa. Điều đó đã chứng tỏ đường lối và các chính sách văn hóa của Đảng và Nhà nước đã có tác dụng tích cực, định hướng đúng đắn cho sự phát triển đời sống văn hóa tinh thần của toàn xã hội.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc về quan điểm và chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa và quá trình đổi mới tư duy và chủ trương phát triển nền văn hóa của Đảng thời kỳ đổi mới đất nước...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Đường lối xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
1 784
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm