Hướng dẫn viết đoạn văn tiếng Anh: Câu và cấu trúc câu

Hướng dẫn viết đoạn văn tiếng Anh: Câu và cấu trúc câu

Trong bài học ngày hôm nay, VnDoc xin chia sẻ một số kiến thức về câu, cấu trúc câu và giới thiệu cách viết đoạn văn tiếng Anh cụ thể. Sau đây mời các bạn cùng tham khảo nhé!

9 mẹo hay để viết chuẩn chính tả tiếng Anh

Các bước để viết một bài luận tiếng Anh hay

Một số lỗi câu thường gặp trong văn viết tiếng Anh

Cách viết đoạn văn tiếng Anh hay

I. Câu là gì? (What is a sentence?)

Một câu (a sentence) là một nhóm các từ bao gồm một chủ ngữ (a subject) và một động từ (a verb) và diễn đạt một ý hoàn chỉnh (a complete thought). Một câu bắt đầu bằng một chữ viết hoa và kết thúc bằng dấu chấm. (Một câu cũng có thể được kết thúc bằng dấu hỏi chấm hoặc dấu chấm than, nhưng trong viết học thuật thì các câu được kết thúc bằng dấu chấm). Trong khuôn khổ bài học này sẽ không đề cập đến các câu đặc biệt như câu mệnh lệnh, câu cảm thán hay câu hỏi vì những dạng câu này không nằm trong dạng viết đoạn văn học thuật ở đây.

Dưới đây là một vài ví dụ về câu:

1. I am a student. (Tôi là một học sinh/sinh viên)

—> Đây là một câu bao gồm một chủ ngữ là "I", động từ là "am", bổ ngữ là "a student" và diễn đạt một ý hoàn chỉnh.

2. She looks beautiful. (Cô ấy nhìn thật đẹp)

—> Đây là một câu bao gồm một chủ ngữ là "she", động từ là "looks", bổ ngữ là "beautiful" và diễn đạt một ý hoàn chỉnh.

3. He bought a book yesterday. (Hôm qua anh ấy mua một quyển sách)

—> Đây là một câu bao gồm một chủ ngữ là "he", động từ là "bought", bổ ngữ là "a student" và diễn đạt một ý hoàn chỉnh.

Còn các ví dụ dưới đây KHÔNG phải là câu:

1. Is hot today.

—> Câu này có động từ là "is", bổ ngữ là "hot", trạng ngữ là "today", nhưng lại thiếu chủ ngữ và không diễn đạt ý hoàn chỉnh: ai hay cái gì hôm nay nóng? Trong một vài ngôn ngữ, ví dụ tiếng Việt, đôi khi chủ ngữ có thể được lược bỏ mà người nói và người nghe vẫn có thể hiểu nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Việt có thể nói: "Hôm nay nóng thế" và người nghe sẽ hiểu là trời nóng. Còn trong tiếng Anh thì đòi hỏi một chủ ngữ trong câu. Để biến câu này thành câu chúng ta chỉ việc thêm chủ ngữ vào trước động từ.

2. He happy.

—> Câu này có chủ ngữ là "he", bổ ngữ là "happy, nhưng thiếu động từ đứng sau chủ ngữ "he". Trong một vài ngôn ngữ, ví dụ tiếng Việt, đôi khi động từ có thể được lược bỏ mà người nói và người nghe vẫn có thể hiểu nghĩa. Ví dụ, trong tiếng Việt có thể nói: "Cô ấy hạnh phúc" mà không cần thêm động từ "cảm thấy" và người nghe vẫn hiểu. Còn trong tiếng Anh thì cần có một động từ.

II. Chủ ngữ, động từ, và tân ngữ (subjects, verbs, and objects)

Chủ ngữ (a subject) có thể là một danh từ hoặc đại từ cho người nghe/đọc biết chủ thể của một hành động: ai hay cái gì làm gì?.

Ví dụ:

He is my teacher.

(Who is my teacher? – he)

That man took your wallet.

(Who took your wallet?)

Động từ (a verb) thường có chức năng báo cho ta biết một hành động, hoặc đôi khi động từ chỉ có chức năng nối chủ ngữ với các thành phần còn lại của câu. Với chức năng đầu tiên, động từ được gọi là động từ hành động (action verbs), ví dụ như tell (nói), laugh (cười), run (chạy), drink (uống), v.v... Còn với chức năng thứ hai, động từ được gọi là động từ nối (linking verbs), ví dụ như to be (thì, là), become (trở nên), look (nhìn/trông có vẻ), seem (dường như/có vẻ như), v.v...

Với động từ hành động (action verbs) thì lại chia ra làm nội động từ (intransitive verbs) và ngoại động từ (transitive verbs). Nội động từ (ví dụ: cough, laugh, smile, sneeze) bản thân đã rõ nghĩa và không cần tân ngữ theo sau. Còn ngoại động từ (ví dụ: eat, drink, hit, watch) thì luôn cần một tân ngữ để làm rõ nghĩa (eat what? drink what? hit what/whom? watch what?).

Ví dụ:

I cough. (Tôi ho —> "cough" ở đây không cần tân ngữ mà câu vẫn đủ ý nghĩa).

I eat a sandwich. (Tôi ăn một chiếc bánh mì kẹp thịt —> "eat" ở đây sẽ không đủ nghĩa nếu không có tân ngữ là "a sandwich" đằng sau).

Tân ngữ (an object) là một danh từ (a person, a cat, a dog...) hoặc đại từ tân ngữ (me, you, him, her, us, them) và tiếp nhận hành động của ngoại động từ (transitive verbs). Tân ngữ KHÔNG đứng sau động từ nối (linking verbs) và không phải câu nào cũng cần tân ngữ.

Ví dụ:

He drinks coffee. ("He" là chủ ngữ, "drink" là ngoại động từ, "coffee" là tân ngữ)

I love you. ("I" là chủ ngữ, "love" là ngoại động từ, "you" là tân ngữ)

III. Các cấu trúc câu trong tiếng Anh (Sentence structures in English):

Có 4 loại câu trong tiếng Anh: câu đơn (simple sentences), câu ghép (compound sentences), câu phức (complex sentences), và câu ghép-phức (compound-complex sentences), nhưng trong khuôn khổ bài học hôm nay sẽ chỉ giới thiệu về 3 loại câu phổ biến là câu đơn, câu ghép và câu phức.

Trước khi học về các cấu trúc câu, chúng ta hãy tìm hiểu về mệnh đề (clauses).

Một mệnh đề (a clause) là một nhóm từ (a group of words) bao gồm một chủ ngữ (a subject) và một động từ (a verb).

Có hai loại mệnh đề trong tiếng Anh: mệnh đề độc lập (independent clauses) và mệnh đề phụ thuộc (dependent clause).

Mệnh đề độc lập (an independent clause) là mệnh đề có một cặp chủ ngữ và động từ (a subject-verb pair), diễn đạt một ý hoàn chỉnh (a complete thought).

Ví dụ: He has a big house. —> Đây là một mệnh đề độc lập với cặp chủ ngữ "he" và động từ "has", diễn đạt một ý hoàn chỉnh.

Mệnh đề phụ thuộc (a dependent clause) là một mệnh đề độc lập đi kèm với liên từ phụ thuộc (subordinators) đứng ở đầu mệnh đề, ví dụ: because, before, after, when, while, as soon as, until, whenever,...

Ví dụ:......after I finish my homework. —> Đây là một mệnh đề phụ thuộc với liên từ phụ thuộc "after" đứng đầu mệnh đề.

Một mệnh đề phụ thuộc không diễn đạt một ý hoàn chỉnh nên nó không phải là một câu. Chính xác mệnh đề phụ thuộc chỉ là một nửa câu và cần có một mệnh đề độc lập đi kèm để diễn đạt một ý hoàn chỉnh.

Ví dụ: I often go to sleep after I finish my homework. (Tôi thường đi ngủ sau khi làm xong bài tập về nhà.)

—> Mệnh đề độc lập: I go to sleep

—> Mệnh đề phụ thuộc: after I finish my homework

1. Câu đơn (simple sentences)

Câu đơn là câu có một cặp chủ ngữ và động từ (a subject-verb pair), hay nói cách khác câu đơn chính là một mệnh đề độc lập (an independent clause).

Ví dụ: I like sports —> Câu này có một chủ ngữ là "I", một động từ là "like" —> Đây là một câu đơn.

Chủ ngữ trong một câu đơn có thể có hai danh từ hoặc đại từ:

My father and my mother are over 50 years old. (Chủ ngữ ở đây là 2 danh từ "my father" và "my mother")

Trong câu đơn có thể có hai động từ:

Ví dụ: They sing and dance at the same time. ("Sing" và "dance" là 2 động từ)

2. Câu ghép (compound sentences)

Câu ghép là hai câu đơn được kết nối với nhau bởi một dấu phẩy (a comma) và một liên từ kết hợp (a coordinating conjunction). Nói cách khác, trong một câu ghép chúng ta sẽ tìm được 2 chủ ngữ, 2 động từ nằm ở hai mệnh đề độc lập cùng với một liên từ kết hợp (kèm dấu phẩy).

Có 7 liên từ kết hợp trong tiếng Anh như sau: for (vì), and (và), nor (cũng không), but (nhưng), or (hoặc), yet (tuy nhiên), so (vì vậy) (thường được viết gọn lại là "Fan boys" cho dễ nhớ).

Lưu ý:

a. Đừng nhầm lẫn giữa câu ghép và câu đơn có 2 động từ.

Ví dụ:

Câu đơn: Tomorrow I will go to the cinema or stay at home. (Câu có 2 động từ là "go" và "stay" nhưng chỉ có một chủ ngữ là "I")

Câu ghép: Tomorrow I will go to the cinema, or I will stay at home. (Câu có 2 động từ "go" và "stay" và mỗi từ đều có một chủ ngữ, đồng thời trước từ "or" còn có dấu phẩy)

b. Trong tiếng Việt có thể dùng dấu phẩy để liên kết hai mệnh đề, nhưng trong tiếng Anh thì bắt buộc phải dùng liên từ hoặc dấu chấm phẩy.

Ví dụ:

Câu sai: Last week we went swimming, we were disappointed about the swimming pool.

Câu đúng: Last week we went swimming, but we were disappointed about the swimming pool.

3. Câu phức (complex sentences)

Câu phức là câu có một mệnh đề độc lập (one independent clause) và một (hoặc nhiều) mệnh đề phụ thuộc (dependent clauses).

Khi mệnh đề phụ thuộc bắt đầu bằng một liên từ phụ thuộc, các mệnh đề trong câu có thể xếp theo thứ tự bất kì.

Ví dụ: I go home as soon as I finish school.

As soon as I finish school, I go home.

Nếu mệnh đề phụ thuộc đứng trước thì sẽ có dấu phẩy ở giữa để nối 2 mệnh đề, còn khi mệnh đề độc lập đứng trước thì không cần.

Đặc điểm không thể thiếu của câu phức là các liên từ phụ thuộc (subodinators). Có một số loại liên từ phụ thuộc dưới đây:

  • Time subordinator: before, after, when, while, as soon as, until, whenever
  • Reason subordinator: because, since
  • Condition subordinator: if
  • Comparison & contrast: although, though, even though, while, whereas

Trên đây là những kiến thức cơ bản nhằm giúp các bạn nắm được cấu trúc cụ thể và cách viết một đoạn văn hay trong tiếng Anh. Hy vọng bài viết sẽ giúp các bạn cải thiện rõ kỹ năng viết của mình một cách nhanh chóng.

VnDoc chúc bạn học tiếng Anh hiệu quả!

Đánh giá bài viết
22 24.167
Sắp xếp theo

    Luyện viết tiếng Anh

    Xem thêm