Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Luật môi trường

Luật môi trường được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Tổng quan luật môi trường

1.1. Khái niệm Luật Môi trường

Con người chỉ có thể tồn tại, phát triển trong điều kiện tự nhiên phù hợp. Tổ hợp của những yếu tố tạo nên điều kiện sinh tồn của con người như đất, nước, không khí, khoáng sản, sinh vật, bức xạ mặt trời, khí hậu... được khái niệm hóa bằng danh từ quen thuộc và phổ biến là môi trường sống.

Do sự tác động của con người và tự nhiên, môi trường sống của con người đã và đang có những biến đổi theo hướng tiêu cực như tình trạng suy kiệt các nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường ngày càng gia tăng, tầng ozone bị suy giảm, khí hậu biến đổi... Bảo vệ môi trường hiện nay đã trở thành nhiệm vụ mang tính sống còn của nhân loại. Tổng Thư kí Liên hợp quốc - Kofi Annal trong báo cáo trước Hội đồng kinh tế, xã hội của Liên hợp quốc vào năm 1996 đã nhận định: “Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã xảy ra một cuộc khủng hoảng thuộc quy mô quốc tế liên quan đến tất cả các nước phát triển và đang phát triển - cuộc khủng hoảng về môi trường con người. Rõ ràng là nếu chiều hướng này tiếp tục, tương lai của sự sống trên Trái Đất có thể bị đe dọa”.

Trên bình diện thế giới, vấn đề môi trường đã là mối quan tâm lớn của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. “Bảo vệ và cải thiện môi trường con người là một vấn đề lớn có ảnh hưởng đến phúc lợi của mọi dân tộc và phát triển kinh tế trên toàn thế giới: đó là khao khát khẩn cấp của các dân tộc trên khắp thế giới và là nhiệm vụ của mọi chính phủ”.

Cũng giống như các nước khác, Việt Nam hiện đang gặp phải những vấn đề bức xúc về môi trường. Để thực hiện những mục tiêu phát triển bền vững, vấn đề bảo vệ môi trường, khai thác sử dụng hợp lí, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên phải được thể chế hóa. Đây chính là cơ sở ra đời của Luật Môi trường - một lĩnh vực pháp luật còn tương đối mới mẻ ở nước ta.

Dưới góc độ là một lĩnh vực pháp luật, Luật Môi trường chính là toàn bộ các quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trực tiếp trong hoạt động khai thác, quản lí và bảo vệ các yếu tố môi trường nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Khái niệm môi trường có thể được tiếp cận dưới nhiều góc độ khác nhau. Để xác định được đối tượng và phạm vi điều chỉnh của Luật Môi trường, cần phải xác định những yếu tố cấu thành môi trường bao gồm những yếu tố cụ thể nào? Nếu hiểu theo nghĩa rộng, môi trường bao gồm toàn bộ những yếu tố (tự nhiên, xã hội) bao quanh con người hay một sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, môi trường được giới hạn trong phạm vi những yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Như vậy, đối tượng điều chỉnh của Luật Môi trường chỉ bao gồm những quan hệ xã hội phát sinh trực tiếp trong khai thác, quản lí và bảo vệ những yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo tạo có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và sinh vật mà không phải là toàn bộ những yếu tố tự nhiên và xã hội nói chung.

Về cấu trúc, nguồn của Luật Môi trường bao gồm tất cả các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Môi trường bao gồm: Những quy định mang tính cương lĩnh trong Hiến pháp; Những quy định cụ thể về bảo vệ môi trường như đánh giá môi trường (đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường...), công khai thông tin môi trường, quản lí chất thải, phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường... trong Luật Bảo vệ môi trường; Những quy định cụ thể về sở hữu khai thác, bảo vệ các yếu tố là thành phần môi trường trong Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Tài nguyên nước...; Những quy định về tài chính trong lĩnh vực môi trường như Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế tài nguyên, các nghị định về phí bảo vệ môi trường...; Do môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực, những quy định về môi trường còn xuất hiện trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như LDN, Luật Đầu tư, BLDS, BLHS...

Ngoài ra, do tính thống nhất của môi trường, hoạt động bảo vệ môi trường là hoạt động mang tính toàn cầu, hoạt động bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia phải được coi như bộ phận của hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu nên các quy phạm pháp luật môi trường với ý nghĩa là yếu tố cấu thành của Luật Môi trường còn bao gồm các quy phạm trong các điều ước quốc tế về môi trường. Do vậy, Luật Môi trường với ý nghĩa là một lĩnh vực pháp luật đã vượt ra ngoài khuôn khổ của một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

1.2. Những nguyên tắc của Luật Môi trường

Nguyên tắc nhà nước ghi nhận và bảo vệ quyền con người được sống trong môi trường trong lành

Để đảm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, chúng ta cần hít thở không khí trong lành, sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm... Đây chính là những biểu hiện cụ thể của quyền được sống trong môi trường trong lành. Quyền được sống trong môi trường trong lành là quyền tự nhiên của con người. Tuy nhiên, do môi trường đang ngày càng ô nhiễm trầm trọng mà quyền này đã bị xâm hại. Việc nhà nước ghi nhận nguyên tắc này trong các văn bản quy phạm pháp luật sẽ đáp ứng được các yêu cầu: (i) Xác định trách nhiệm của Nhà nước trong bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân; (ii) Tạo cơ sở pháp lí để người dân bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của mình.

Để thực hiện những yêu cầu này, Luật Môi trường đã có những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân trong lĩnh vực môi trường, quy định cụ thể về quyền của công dân như quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật môi trường, quyền tiếp cận thông tin, quyền được bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường gây ra... Có thể nói, đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành không chỉ là nguyền tắc mà còn được coi là mục đích của Luật Môi trường và được thế hiện trong tất cả các quy định của Luật Môi trường.

Nguyên tắc phát triển bền vững

Theo khoản 4, Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, phát triển bền vững được giải thích: phát triển để đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường.

Mục tiêu của phát triển bền vững chính là phát triển để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người trên cơ sở duy trì được chất lượng môi trường và cơ sở vật chất của quá trình phát triển. Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, phương châm đặt ra là cần phải kết hợp hài hòa, chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường. Việc tiếp cận mục tiêu và phương châm của phát triển bền vững trong Luật Môi trường mang tính lồng ghép. Theo quy định của pháp luật, khi xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, phát triển, các dự án đầu tư cụ thể, bắt buộc phải đánh giá tác động của chúng đến môi trường... Ngược lại, khi ban hành các quy định về môi trường, cần phải đánh giá tác động của chúng đến việc thực hiện mục tiêu kinh tế - xã hội...

Nguyên tắc phòng ngừa

Chi phí dùng để khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường thường bao giờ cũng lớn hơn chi phí ngăn ngừa chúng. Thực tế cũng chứng minh, có những thiệt hại gây ra cho môi trường là không thể khắc phục được. Đây chính là cơ sở ra đời của nguyên tắc phòng ngừa. Mục đích của nguyên tắc phòng ngừa là ngăn chặn những tác động xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường. Để thực hiện có hiệu quả mục đích này, nguyên tắc đặt ra những yêu cầu cụ thể sau:

Pháp luật cần phải có những quy định cụ thể về việc lường trước những rủi ro mà con người và thiên nhiên có thể gây ra cho môi trường; (ii) Trên cơ sở những rủi ro đã dự báo, pháp luật cần phải quy định cụ thể về những biện pháp giảm thiểu, loại trừ rủi ro, đối với những rủi ro không thể loại trừ, cần phải có sự chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó khi chúng xảy ra.

Nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền

Nguyên tắc này được hình thành trên cơ sở quan niệm môi trường là một loại hàng hóa đặc biệt. Khi chúng ta coi môi trường là một loại hàng hóa, về nguyên tắc, những chủ thể khai thác sử dụng môi trường sẽ phải trả tiền để mua những quyền đó. Người phải trả tiền theo nguyên tác này là những chủ thể gây ô nhiễm theo nghĩa rộng, bao gồm: (i) Những chủ thể khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên;

Những chủ thể có hành vi xả thải vào môi trường hoặc những hành vi gây tác động xấu tới môi trường. Người được trả tiền ở đây bao gồm nhà nước (đại diện cho lợi ích cộng đồng) hoặc những chủ thể CƯDV môi trường như dịch vụ thu gom, xử lí, giảm thiểu chất thải... Mục đích của nguyên tắc này nhằm bảo đảm công bằng trong bảo vệ, khai thác môi trường, tạo nguồn kinh phí cho hoạt động bảo vệ môi trường, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước và đặc biệt là định hướng hành vi tác động của các chủ thể vào môi trường theo hướng khuyến khích những hành vi tác động có lợi cho môi trường thông qua việc tác động vào lợi ích kinh tế của họ. Luật Môi trường của Việt Nam hiện hành có nhiều quy định thể hiện yêu cầu của nguyên tắc này như quy định về nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên (tiền sử dụng đất, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản), nghĩa vụ trả tiền cho hành vi khai thác tài nguyên (thuế tài nguyên, tiến thuê đất), nghĩa vụ thuế bảo vệ môi trường, phí bảo vệ môi trường...

Nguyên tắc môi trường là một thể thống nhất

Bản chất của môi trường là một thể thống nhất. Sự thống nhất của môi trường thể hiện: (i) Về không gian, môi trường không thể chia cắt bởi biên giới quốc gia, địa giới hành chính; (ii) Giữa các yếu tố cấu thành môi trường luôn có mối quan hệ tương tác. Nguyên tắc này đặt ra cho Luật Môi trường yêu cầu: (i) Các quốc gia phải có nghĩa vụ chung trong bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường ở mỗi quốc gia được coi là bộ phận của hoạt động bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn cầu; (ii) Trong phạm vi quốc gia, cần phải có sự phối hợp giữa các địa phương, các ngành trong bảo vệ môi trường dưới sự quản lí thống nhất của chính phủ.

2. Nội dung cơ bản của luật môi trường

2.1. Pháp luật Việt Nam về môi trường

Quy định của pháp luật về đánh giá môi trường

Để đánh giá chất lượng môi trường nơi ta sinh sống, ta phải biết được nó có bị ô nhiễm hay không? Ô nhiễm bởi những chất gì? Mức độ ô nhiễm vượt quá bao nhiêu lần quy chuẩn cho phép? Hoặc khi có doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư xây dựng một nhà máy hóa chất, cơ quan quản lí nhà nước về môi trường cần phải biết được nhà máy sẽ thải ra những chất thải nào? Số lượng là bao nhiêu? Chất thải đó tác động như thế nào đến sức khỏe của người dân và môi trường... Muốn trả lời được những câu hỏi này, ta phải đánh giá môi trường.

Pháp luật về đánh giá môi trường chủ yếu được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Mục đích của những quy định này là nhằm đánh giá hiện trạng môi trường, đánh giá những tác động xảy ra đối với môi trường từ những hoạt động của con người, dự báo diễn biến môi trường. Nội dung của hoạt động này bao gồm những quy định về những vấn đề sau: (i) Về tiêu chuẩn, quy chuẩn kĩ thuật môi trường với ý nghĩa là những chuẩn mực pháp quy kĩ thuật dùng để đánh giá môi trường; (ii) Về hoạt động quan trắc môi trường nhằm thu thập và xử lí thông tin phục vụ cho công tác đánh giá môi trường; (iii) Về hoạt động đánh giá môi trường chiến lược nhằm lường trước và ngăn ngừa những rủi ro cho môi trường từ những chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển; (iv) Về đánh giá tác động môi trường nhằm lường trước và ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với môi trường từ những dự án đầu tư; (v) Về cam kết bảo vệ môi trường nhằm lường trước và ngăn ngừa những rủi ro có thể xảy ra đối với môi trường từ những dự án nhỏ không thuộc đối tượng phải đánh giá tác động môi trường; (vi) Về việc lập và công khai báo cáo hiện trạng môi trường cấp tỉnh, báo cáo tình hình tác động môi trường của ngành, lĩnh vực, báo cáo môi trường quốc gia nhằm đánh giá hiện trạng và đưa ra những dự báo môi trường ở từng địa phương, từng ngành và trên phạm vi cả nước.

Quy định của pháp luật về công khai thông tin, dữ liệu môi trường

Để đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành, những thông tin về môi trường như thông tin về tình hình ô nhiễm môi trường, nguy cơ xảy ra sự cố môi trường... cần phải được công khai để người dân được tiếp cận. Pháp luật về môi trường đã có những quy định cụ thể về các loại thông tin môi trường phải công khai, hình thức công khai, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong công khai thông tin, quyền tiếp cận thông tin môi trường của người dân...

Quy định của pháp luật về quản lí chất thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường

Chất thải là vật chất ở thể rắn, lỏng, khí được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác. Chất thải nếu không được quản lí có hiệu quả sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lí... chất thải chính là thực hiện những khâu cụ thể của quy trình quản lí chất thải theo quy định của pháp luật.

Sự cố môi trường là tai biến hoặc rủi ro xảy ra trong quá trình hoạt động của con người hoặc biến đổi thất thường của tự nhiên, gây ô nhiễm, suy thoái hoặc biến đổi môi trường nghiêm trọng như sự cố tràn dầu, động đất, bão, lũ... Để ngăn ngừa, giảm thiểu sự cố môi trường hoặc những tác động xấu do sự cố môi trường gây ra, cần phải có những biện pháp phòng ngừa như loại bỏ nguy cơ gây ra sự cố, chuẩn bị về phương án, nhân lực, phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi sự cố xảy ra...

Khi môi trường đã bị ô nhiễm, suy thoái, cần có những biện pháp để phục hồi môi trường như loại bỏ các chất gây ô nhiễm có trong đất, nước, không khí, khôi phục lại hiện trạng môi trường giống hoặc tốt hơn trước khi bị ô nhiễm, suy thoái...

Nội dung của pháp luật về quản lí chất thải bao gồm: phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường; gồm những quy định về quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức, cá nhân trong quản lí chất thải, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, cụ thể: (i) Quy định quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, của chủ nguồn thải, của người CƯDV quản lí chất thải trong quản lí chất thải, quy định về những điều kiện và biện pháp trong phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lí, tiêu hủy chất thải, xuất nhập khẩu chất thải, thu hồi sản phẩm bị loại bỏ...; (ii) Quy định về trách nhiệm của các chủ thể, về điều kiện, biện pháp nhằm dự báo, ngăn ngừa và ứng phó có hiệu quả sự cố môi trường; (iii) Quy định về tiêu chí xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm, thẩm quyền và biện pháp xử lí các cơ sở gây ô nhiễm, trách nhiệm và biện pháp phục hồi môi trường.

Quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường

Bao gồm các quy định về điều kiện, biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường ở những nơi công cộng; vệ sinh trong quàn, ướp, di chuyển, chôn, hỏa táng thi hài, hài cốt; vệ sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm... và quyền và trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện các điều kiện và biện pháp nói trên.

Ví dụ: Gia đình ông A có thân nhân bị chết, nếu gia đình quàn thi hài quá 48 tiếng là đã vi phạm quy định của pháp luật về vệ sinh môi trường.

Quy định của pháp luật về tài nguyên thiên nhiên

Tài nguyên thiên nhiên là những yếu tố cơ bản tạo nên môi trường. Chúng không chỉ là yếu tố cần thiết đảm bảo cho sự sống của con người mà còn là những tư liệu sản xuất không thể thay thế. Pháp luật về tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam hiện nay chủ yếu được quy định trong các luật chuyên ngành như Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy sản, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Khoáng sản, Luật Đa dạng sinh học... Để khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trước những nguy cơ đe dọa từ con người và tự nhiên, pháp luật về tài nguyên thiên nhiên quy định cụ thể về những vấn đề sau: (i) Về chế độ sở hữu đối với tài nguyên thiên nhiên; (ii) Về nội dung và hệ thống cơ quan quản lí nhà nước đối với tài nguyên thiên nhiên như quy hoạch, kế hoạch, cấp phép khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên; (iii) Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong khai thác, quản lí và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra, xử lí hành vi vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực môi trường

Những quy định của pháp luật môi trường chỉ có thể được thực hiện nghiêm túc trên thực tế nếu nhà nước có cơ chế bảo đảm thi hành hiệu quả. Để thực hiện yêu cầu này, pháp luật môi trường đã quy dinh cụ thể về những vấn đề sau:

Quy định về công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường nhằm phát hiện và xử lí các hành vi vi phạm.

Quy định về trách nhiệm pháp lí của các chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật môi trường, bao gồm:

  • Trách nhiệm kỉ luật: là trách nhiệm áp dụng đối với người quản lí như cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan quản lí nhà nước khi họ có hành vi vi phạm pháp luật môi trường với các hình thức như khiển trách, cảnh cáo, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc...
  • Trách nhiệm hành chính: là trách nhiệm áp dụng đối với tổ chức, cá nhân khi họ thực hiện hành vi vi phạm hành chính về môi trường mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các hình thức xử phạt như cảnh cáo, phạt tiền... Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường hiện nay được quy định trong nhiều nghị định như: Nghị định số 179/2013/NĐ-CP về xử lí vi phạm hành chính trong bảo vệ môi trường, Nghị định số 31/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ sản...

Ví dụ: Điều 16 của Nghị định số 117/2009/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải không che chắn hoặc đổ rơi vãi trong khi tham gia giao thông.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi không sử dụng thiết bị, phương tiện chuyên dụng bảo đảm không rò rỉ, phát tán ra môi trường trong quá trình vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa, chất thải...

Trách nhiệm hình sự: là trách nhiệm áp dụng đối cá nhân theo quy định của BLHS. BLHS 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS năm 2017 đã dành cả Chương XIX để quy định những tội phạm về môi trường như: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 235), Tội vi phạm quy định về quản lí chất thải nguy hại (Điều 236a)...

Ví dụ: Khoản 3, Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường

“Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật 5.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc 50.000 kilôgam trở lên chất thải nguy hại khác;

Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 5.000 mét khối (m3) trên ngày trở lên nước thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường từ 05 lần đến dưới 10 lần hoặc 300.000 mét khối (m3) trên giờ trở lên khí thải có thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kĩ thuật quốc gia về môi trường 10 lần trở lên;

Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường 500.000 kilôgam trở lên;

Xả thải ra môi trường nước thải, chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn hoặc phát tán khí thải có chứa chất phóng xạ vượt giá trị liều 400 milisivơ (mSv) trên năm trở lên hoặc giá trị suất liều 0,02 milisivơ (mSv) trên giờ trở lên;

Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng”

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại: là trách nhiệm dân sự áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hành vi làm môi trường bị ô nhiễm gây thiệt hại theo quy định của pháp luật. Điều 602 của BLDS năm 2015 quy định: “Chủ thể làm ô nhiễm môi trường mà gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp chủ thể đó không có lỗi”.

Theo quy định của pháp luật, thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra phải là những thiệt hại phát sinh từ việc môi trường bị ô nhiễm bao gồm thiệt hại do làm suy giảm chức năng hữu ích của môi trường (trực tiếp); thiệt hại đối với tài sản, tính mạng, sức khỏe của tổ chức, cá nhân (gián tiếp).

Ví dụ: Tàu chở dầu A gặp sự cố đâm va phải cầu cảng, 1.000 tấn dầu DO tràn ra sông Sài Gòn, thiệt hại từ sự cố này gồm: 1) Làm cầu cảng bị sập, ước tính 10 tỉ đồng; 2) Làm một đoạn sông dài 100 km bị ô nhiễm dầu, ước tính thiệt hại 1.000 tỉ đồng (bao gồm chi phí ngăn ngừa sự cố, chi phí xử lí dầu, phục hồi môi trường...);

Nước sông bị nhiễm dầu đã làm cây trồng và thủy sản của nông dân bị chết, ước tính thiệt hại là 1.000 tỉ đồng. Trong số những thiệt hại trên, thiệt hại do làm ô nhiễm môi trường gây ra bao gồm nội dung 2 và 3.

2.2. Luật quốc tế về môi trường

Do môi trường là một thể thống nhất, Trái Đất được coi là ngôi nhà chung của nhân loại, các quốc gia phải có nghĩa vụ hợp tác trong bảo vệ môi trường. Đây chính là cơ sở ra đời của một lĩnh vực pháp luật trong công pháp quốc tế là luật quốc tế về môi trường với ý nghĩa là những nguyên tắc, tập quán được thừa nhận rộng rãi, quy phạm pháp lí quốc tế điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia, các chủ thể khác của luật quốc tế nhằm ngăn chặn, khắc phục, loại trừ những tác động xấu xảy ra đối với môi trường của mỗi quốc gia và những yếu tố môi trường nằm ngoài phạm vi của quyền tài phán quốc gia.

Nội dung của luật quốc tế về môi trường bao gồm những quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của quốc gia trong từng lĩnh vực cụ thể như:

  • Bảo vệ tầng ozone (Công ước Vienna 1985 về tầng ozone, Nghị định thư Montreal 1987 về các chất làm suy giảm tầng ozone).
  • Chống lại xu hướng biến đổi khí hậu (Công ước khung 1992 về khí hậu biến đổi, Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí nhà kính).
  • Bảo vệ môi trường biển (Công ước 1982 về Luật biển, Công ước Marpol về chống ô nhiễm biển do tàu...).
  • Về đa dạng sinh học (Công ước Washington D.C 1992 về đa dạng sinh học, Công ước Cites về buôn bán các giống loài hoang dã nguy cấp, Công ước Bonn về các loài di cư hoang đã, Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là đối với các loài chim nước...).
  • Về kiểm soát các hoạt động đặc biệt nguy hại (Công ước về các chất hữu cơ khó phân hủy, Công ước Basel về vận chuyển các phế thải độc hại qua biên giới...).

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Luật môi trường về pháp luật Việt Nam về môi trường, luật quốc tế về môi trường, những nguyên tắc của Luật Môi trường...

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Luật môi trường. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm