Mô hình tổ chức theo chức năng
VnDoc xin giới thiệu bài Mô hình tổ chức theo chức năng được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Mô hình tổ chức theo chức năng
Một cách thức đơn giản tổ chức dự án là quản lý dự án trong cơ cấu tổ chức hiện tại của công ty mẹ. Theo cách thức tổ chức dự án chức năng thì các phần công việc khác nhau của dự án được phân bổ cho các bộ phận chức năng khác nhau trong công ty thực hiện. Việc phối hợp các hoạt động của dự án được thực hiện theo kênh quản lý hiện thời của công ty.
Ví dụ một công ty sản xuất dụng cụ muốn khác biệt hóa dòng sản phẩm của mình cho những người thuận tay trái. Khi cấp lãnh đạo quyết định thực hiện dự án, các phần việc của dự án được phân bổ cho các bộ phận chức năng trong công ty thực hiện. Phòng thiết kế chịu trách nhiệm điều chỉnh kiểu dáng sản phẩm cho phù hợp với người thuận tay trái. Phòng sản xuất chịu trách nhiệm thiết kế quy trình sản xuất và máy móc thiết bị để sản xuất cho mẫu sản phẩm mới này. Phòng marketing chịu trách nhiệm nghiên cứu thị trường, ước tính nhu cầu và phát triển kênh bán hàng. Toàn bộ dự án sẽ được chỉ đạo và phối hợp theo cơ cấu quản lý hiện tại của công ty và dự án là một nội dung trong các chương trình nghị sự của lãnh đạo công ty.
Cơ cấu chức năng cũng phù hợp với những dự án khi mà một bộ phận chức năng có lợi ích chính trong việc thực hiện dự án. Lãnh đạo cấp cao của bộ phận đó sẽ chịu trách nhiệm điều phối các hoạt động dự án. Ví dụ dự án di chuyển nhà máy đến một địa điểm sản xuất mới sẽ do phòng sản xuất chịu trách nhiệm chính. Dự án nâng cấp hệ thống thông tin quản lý sẽ do phòng công nghệ thông tin chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện dự án. Dự án đánh giá hiệu quả và tác động của các hoạt động marketing sẽ do phòng marketing đảm nhiệm. Phần lớn khối lượng công việc của dự án sẽ được tiến hành trong phạm vi của bộ phận đó và sự phối hợp hoạt động với các phòng ban khác sẽ thông qua kênh quản lý hiện thời của công ty.
1. Đặc điểm của mô hình
Dự án được đặt vào một phòng chức năng trong cơ cấu tổ chức.
Các thành viên tham gia dự án được huy động từ các phòng chức năng khác nhau.
Tùy thuộc vào tính chất và quy mô của dự án mà các phòng chức năng khác nhau cùng thực hiện dự án.
2. Mô hình cơ cấu tổ chức
Trên cơ sở đó dự án được thực hiện và điều hành thông qua sự phân cấp quản trị. Mô hình được thể hiện dưới đây:
Hình 3.1. Tổ chức dự án theo chức năng
3. Ưu điểm của mô hình
Không thay đổi về bộ máy tổ chức đối với công ty mẹ: Các dự án cơ bản được thực hiện trong cơ cấu tổ chức hiện thời của công ty, không phải tạo ra sự thay đổi nào về bộ máy trong công ty.
Linh hoạt trong thực hiện dự án: Rất linh hoạt trong việc phân công công việc cho các cán bộ chuyên môn. Cán bộ chuyên môn trong các phòng chức năng được phân công nhiệm vụ thực hiện dự án trong một khoảng thời gian nhất định hoặc kiêm nhiệm sau khi kết thúc nhiệm vụ dự án lại quay trở về làm công việc thường xuyên.
Huy động chuyên gia có trình độ cao: Nếu phạm vi dự án hẹp liên quan chủ yếu đến một bộ phận chức năng thì có thể huy động chuyên gia có trình độ cao của bộ phận đó cho các hoạt động dự án.
Dễ dàng cho việc bố trí nhân sự sau dự án: Cán bộ dự án vẫn thường xuyên giữ các mối liên hệ chuyên môn với phòng ban chính của mình cho nên thuận tiện cho việc bố trí nhiệm vụ sau khi dự án kết thúc.
4. Nhược điểm của mô hình
Thiếu chú trọng và ưu tiên đến các hoạt động của dự án: Do các phần việc của dự án được phân bổ cho các bộ phận chức năng thực hiện cho nên các bộ phận chức năng ngoài các nhiệm vụ chính được phân công sẽ thực hiện thêm các nhiệm vụ của dự án cho nên các bộ phận đôi khi không dành sự ưu tiên thích đáng cho các nhiệm vụ của dự án. Việc phối hợp công việc dự án giữa các bộ phận chức năng tương đối lỏng lẻo và thiếu nhất quán do các bộ phận khác nhau có sự ưu tiên cho dự án khác nhau.
Tính tổng thể thấp do tính thống nhất tổng thể của dự án thấp: Do các bộ phận khác nhau chỉ quan tâm đến phần việc mà bộ phận mình đảm nhiệm mà ít quan tâm đến kết quả đầu ra cuối cùng của dự án.
Thời gian thực hiện dự án thường kéo dài do thiếu sự phối hợp trực tiếp giữa các phòng ban cho nên mọi vấn đề phát sinh chậm được phát hiện, mọi quyết định liên quan đến dự án phải qua nhiều cấp quản lý ra quyết định theo cơ chế hiện hành nên quyết định có thời gian trễ dài và chậm.
Thiếu động lực làm việc cho dự án: Do cán bộ được phân công nhiệm vụ làm việc bán thời gian hoặc kiêm nhiệm cho dự án và thiếu người chịu trách nhiệm chính về kết quả đầu ra của dự án cho nên mọi người thiếu động lực làm việc cho dự án.
Các thành viên của nhóm dự án được chọn từ các bộ phận chức năng khác nhau nên giám đốc dự án phải nhất trí trong việc điều hành với lãnh đạo của các bộ phận chức năng, khi hai bên có xung đột về nhu cầu nhân viên thường rất khó điều hành.
Môi trường làm việc của nhóm dự án có tính bất ổn và tổ chức nhóm dự án lỏng lẻo: Do các thành viên được điều động tạm thời từ nhiều bộ phận chức năng khác nhau, họ khó có được sự nhất trí cao và tập trung nhiều cho dự án.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Mô hình tổ chức theo chức năng về các phần công việc khác nhau của dự án được phân bổ cho các bộ phận chức năng khác nhau trong công ty thực hiện..
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Mô hình tổ chức theo chức năng. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.