Nhu cầu có khả năng thanh toán về hàng hóa
VnDoc xin giới thiệu bài Nhu cầu có khả năng thanh toán về hàng hóa được chúng tôi sưu tầm và tổng hợp nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức trong chương trình học tập của bậc Đại học để hoàn thành học phần của mình một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Nhu cầu có khả năng thanh toán về hàng hóa
1. Nhu cầu có khả năng thanh toán, quỹ mua và sức mua hàng hóa
Nhu cầu có khả năng thanh toán là một bộ phận của nhu cầu nói chung. Đó là nhu cầu về hàng hóa bị giới hạn bởi khả năng thanh toán bằng tiền hay các tài sản thanh toán của dân cư và xã hội. Nhu cầu có khả năng thanh toán luôn được thể hiện trên thị trường ở tổng số và cơ cấu hàng hóa mà xã hội và dân cư đòi hỏi thị trường phải thỏa mãn trong một khoảng thời gian nhất định.
Thu nhập bằng tiền của dân cư và xã hội dùng để mua hàng hay thanh toán hàng hóa chính là quỹ mua hàng hóa. Sức mua hàng hoá trên thị trường phản ánh khối lượng hàng hóa mà người tiêu dùng nhận được khi sử dụng quỹ mua để thanh toán tiền hàng trong điều kiện giá cả xác định. Sức mua hàng hoá trên thị trường phụ thuộc vào sức mua của đồng tiền và quỹ mua của dân cư và xã hội.
Giữa nhu cầu có khả năng thanh toán, quỹ mua và sức mua trên thị trường có quan hệ tỷ lệ thuận. Giá cả hàng hóa tỷ lệ nghịch với sức mua và nhu cầu có khả năng thanh toán về hàng hóa.
2. Các yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu có khả năng thanh toán
a/ Nhóm yếu tố thuộc về nhu cầu nói chung
Nhu cầu là cơ sở của nhu cầu có khả năng thanh toán, do vậy các nhân tố ảnh hưởng tới nhu cầu cũng tác động tới quy mô, cơ cấu nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư và xã hội.
Các yếu tố về dân cư, điều kiện sinh hoạt và lao động của con người: Nhìn chung số dân càng đông, số người trong mỗi gia đình càng lớn thì nhu cầu về hàng hóa càng tăng. Thay đổi quy mô dân số và số người trong mỗi gia đình còn ảnh hưởng tới cơ cấu nhu cầu có khả năng thanh toán. Thông thường thu nhập thấp, nhưng số dân đông, số thành viên trong gia đình lớn thì hướng chi tiêu cho hàng lương thực, thực phẩm sẽ cao. Trong trường hợp ngược lại, sẽ chi tiêu cho mua hàng phi lương thực, thực phẩm nhiều hơn.
Các sở thích, tập quán, thói quen tiêu dùng: Các yếu tố tâm lý, sở thích của con người, tập quán, thói quen tiêu dùng của dân cư, kỳ vọng của người tiêu dùng có thể ảnh hưởng theo hướng kích thích hoặc hạn chế nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội.
Các điều kiện về tự nhiên: Sự biến đổi của môi trường tự nhiên, thời tiết khí hậu… đều có ảnh hưởng tới nhu cầu và nhu cầu có khả năng thanh toán.
b/ Nhóm yếu tố về thu nhập và phân phối thu nhập của dân cư, của xã hội
Thu nhập bằng tiền tăng lên, thì thường nhu cầu có khả năng thanh toán sẽ mở rộng và cơ cấu của nhu cầu cũng thay đổi theo hướng sử dụng nhiều hàng phi lương thực, thực phẩm hơn và ngược lại
Ngoài ra, hướng sử dụng thu nhập bằng tiền sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô và cơ cấu chi tiêu của dân cư, của xã hội để mua hàng hoá trên thị trường. Nếu dân cư giảm dự trữ hoặc không gửi tiết kiệm tiền mặt thì chi tiêu mua hàng hoá và thanh toán dịch vụ sẽ tăng lên. Nếu giảm chi tiêu cho dịch vụ thì nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư và xã hội về hàng hoá sẽ tăng và ngược lại.
c/ Nhóm yếu tố về sản xuất, cung ứng
Sản xuất và cung ứng có sự phù hợp về quy mô, cơ cấu và chất lượng hàng hóa cũng như tính đều đặn, đảm bảo tiến độ thời gian giao hàng theo yêu cầu của thị trường sẽ làm tăng nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội và ngược lại.
Hoạt động sản xuất, cung ứng với tính ổn định càng cao và chi phí càng thấp càng kích thích làm tăng nhu cầu có khả năng thanh toán.
d/ Nhóm yếu tố về giá cả, thị trường và cạnh tranh
Giá hàng tiêu dùng tăng thông thường làm hạn chế hoặc giảm nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư và ngược lại. Giá các mặt hàng bổ sung gia tăng sẽ không kích thích nhu cầu có khả năng thanh toán. Giá mặt hàng thay thế giảm sẽ làm chuyển dịch nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư sang mặt hàng thay thế đó.
Hạ tầng của thị trường về kỹ thuật, về dân cư và pháp lý, dung lượng thị trường, quan hệ cung cầu, xu hướng cạnh tranh về chất lượng, về dịch vụ hỗ trợ như quảng cáo, tư vấn, giao nhận, … đều ảnh hưởng tới nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư và xã hội.
e/ Nhóm yếu tố về chính sách điều tiết vĩ mô của chính phủ
Chính sách của chính phủ có thể điều tiết cung, cầu và mối quan hệ đó, cũng như giá cả. Xu hướng các tác động từ chính sách vĩ mô của chính phủ là nhằm kích cung hoặc kích cầu và cải thiện mối quan hệ đó, bình ổn giá cả để đáp ứng tốt hơn các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
3. Hoạt động mua hàng trên thị trường
Nhu cầu có khả năng thanh toán của xã hội thể hiện thông qua thị trường, thương mại mà cụ thể ở hoạt động mua hàng của người tiêu dùng và các doanh nghiệp. Hoạt động mua hàng là bộ phận cấu thành của hoạt động thương mại. Trên thị trường diễn ra hoạt động mua hàng của nhà sản xuất, người tiêu dùng và thương nhân bán buôn, bán lẻ với tư cách là người đại diện cho cả sản xuất và tiêu dùng. Hoạt động mua hàng luôn phản ánh một cách trực tiếp hoặc gián tiếp nhu cầu có khả năng thanh toán của dân cư, của xã hội và doanh nghiệp.
Đối với thương nhân, hoạt động mua hàng (T-H) bao giờ cũng là khởi đầu của hoạt động thương mại. Mua hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến bán hàng và kết quả hoạt động thương mại. Hoạt động mua hàng vừa tuân theo các quy luật của thị trường, vừa chịu sự hướng dẫn, điều tiết của chính phủ. Chính phủ hướng dẫn bằng các chính sách và điều chỉnh đối với các hoạt động mua hàng trên thị trường thông qua hệ thống chế định, pháp luật.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Nhu cầu có khả năng thanh toán về nhu cầu có khả năng thanh toán, quỹ mua và sức mua hàng hóa, các yếu tố ảnh hưởng tới nhu cầu có khả năng thanh toán, hoạt động mua hàng trên thị trường...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn lý thuyết bài Nhu cầu có khả năng thanh toán về hàng hóa. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm một số tài liệu thuộc các chuyên ngành khác trong Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.