Những điều không làm khi luyện nói Tiếng Anh
Những điều không làm khi luyện nói Tiếng Anh
Kỹ năng nói Tiếng Anh là một kỹ năng khó, đòi hỏi người học có những bước luyện tập chăm chỉ và không ngừng nỗ lực. Tuy nhiên, trong quá trình trau dồi, không ít bạn sẽ cảm thấy chán nản và bỏ cuộc. VnDoc.com mời các bạn tham khảo tài liệu "Những điều không làm khi luyện nói Tiếng Anh" của tác giả Thanh Bình, dịch theo Reallifeglobal để lấy lại bình tĩnh và nâng cao kỹ năng nói Tiếng Anh hiệu quả.
7 Rules for Excellent English Speaking
1. Không nên xấu hổ khi nói
Chỉ có một cách để luyện nói Tiếng Anh là mở miệng ra và nói, thậm chí nói càng nhiều càng tốt.
Nhiều người cố đưa ra những lý do khác nhau tại sao họ không nói, ví dụ cảm giác xấu hổ. Nhưng càng viện lý do thì cái đích thuần thục Tiếng Anh càng xa rời. Kể cả khi vốn từ ít, hoặc phát âm không chuẩn, bạn vẫn có thể nói được. Chỉ cần mở miệng, nói và từ đó kỹ năng của bạn sẽ được nâng cao dần dần.
2. Không ngại mắc lỗi sai
Nhiều người vừa nói vừa lo ngại mình đang mắc lỗi. Nhưng thực tế không có ai hoàn hảo. Nếu không muốn mắc lỗi nào chỉ có cách không làm gì cả. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ không bao giờ tiến bộ.
Ngôi sao bóng rổ Michael Jordan từng nói: "Tôi đã trượt hơn 9.000 cú ném trong sự nghiệp của mình, thua 300 trận. Có 26 lần tôi gần như đã nắm chắc phần thắng trong cú ném quyết định nhưng vẫn trượt. Tôi thất bại lần này qua lần khác trong cuộc đời. Và đó là lý do tại sao tôi đã thành công".
Có một điều nghe có vẻ khác thường, nhưng bạn nên mắc càng nhiều lỗi càng tốt. Nếu một ngày không mắc lỗi nào nghĩa là kỹ năng nói của bạn chưa được rèn luyện đủ. Điều này không có nghĩa là bạn cố tình tạo ra lỗi, mà bạn phải phát hiện ra lỗi sai của mình và cố gắng khắc phục nó.
Ngữ pháp là thứ bạn nên quan tâm cuối cùng trong quá trình luyện tập. Điều quan trọng hơn là bạn nói rõ ràng, tự tin, phát âm đúng, dễ hiểu.
3. Đừng xin lỗi vì trình độ thấp của mình
Điều khiến tôi thấy khó chịu khi nói chuyện với ai đó là họ xin lỗi vì vốn Tiếng Anh chưa được tốt. Trên thực tế, tôi chưa bao giờ cảm thấy bị xúc phạm vì trình độ nói Tiếng Anh của ai đó, và tôi cũng không phiền lòng khi nghe họ mắc lỗi.
Do đó, bạn cũng không nên cảm thấy có lỗi hay buồn vì mình nói chưa đủ tốt. Đạt được sự lưu loát với bất cứ ngôn ngữ nào đòi hỏi quá trình dài rèn luyện. Dù bạn đã học Tiếng Anh hàng năm trời hay mới vài tháng, bạn cũng đã bỏ nhiều công sức vào nó và đừng bao giờ tự đánh giá thấp mình.
4. Đừng thất vọng với bản thân
Luyện nói Tiếng Anh đòi hỏi rất nhiều ý chí. Ở một thời điểm nào đó, bạn sẽ gặp tâm lý rằng mình sẽ không thể nào đạt đến trình độ nói Tiếng Anh lưu loát và bạn không thể tìm thấy từ thích hợp để diễn đạt ý của mình.
Ai học Tiếng Anh cũng trải qua giai đoạn này. Nó có thể mất vài tuần với những ai thường xuyên luyện tập, và kéo dài hàng năm nếu họ chỉ dành vài buổi luyện tiếng tại các trung tâm mỗi tuần. Cách duy nhất để vượt qua tâm lý nản chí là luyện tập, luyện tập và luyện tập.
Hãy nhớ rằng sự thất vọng không phải vì bạn chưa đủ thông minh hay thứ ngôn ngữ này quá khó. Đó chỉ là cảm giác ai cũng phải trải qua. Bạn hãy đối diện với nỗi thất vọng của chính mình và tiếp tục rèn luyện để có thể vượt qua giai đoạn này nhanh chóng hơn.
5. Không xem đó là vấn đề của mình nếu ai đó không hiểu bạn
Sẽ có lúc trong sự nghiệp học Tiếng Anh của mình, bạn gặp cảnh cố gắng diễn đạt nhưng đối phương không hiểu. Tuy nhiên, điều này có thể không phải là lỗi của bạn. Vì sự đa dạng các giọng khác nhau trong Tiếng Anh, nhiều người quen với giọng này sẽ cảm thấy khó hiểu khi lần đầu tiếp xúc với giọng khác. Cá nhân tôi cảm thấy khó nghe nhất là Tiếng Anh Australia và Ireland.
Trong trường hợp này, việc họ không hiểu bạn đang nói gì không phải vì kỹ năng Tiếng Anh của bạn chưa đủ tốt, mà đó là do họ chưa có đủ kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều giọng khác nhau.
Bên cạnh đó, bạn cũng có thể gặp vấn đề này khi nói chuyện với những người ở trình độ Tiếng Anh thấp hơn mình, nhất là khi bạn sử dụng những từ vựng, cụm từ khó mà họ chưa học. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta không ở cùng một vị trí trên chặng đường dài chinh phục Tiếng Anh.
6. Không so sánh mình với người khác
Dù ở trình độ nào, bạn cũng đã phải nỗ lực để đạt đến khả năng đó. Hãy tự hào về những gì mình đã làm được. Người khác không biết bạn đã phải bỏ ra bao nhiêu giờ đồng hồ ngồi nói một mình hay chạy đi tìm đối tác để luyện tập. Thay vì bỏ thời gian lo lắng về việc người khác đánh giá Tiếng Anh của mình như thế nào, bạn nên tập trung cố gắng để cải thiện nó tốt hơn.
7. Điều cuối cùng, không tự mãn với bản thân
Tiếng Anh là một chặng đường, không phải đích đến. Đó là một quá trình dài học hỏi. Nếu đến một thời điểm nào đó bạn trở nên lưu loát hoặc tưởng rằng mình đã lưu loát, bạn cũng không nên cho rằng mình đã lĩnh hội được thứ ngôn ngữ này. Tâm lý tự mãn sẽ sinh ra một số hậu quả. Ví dụ, người học thường có tâm lý lười đi khi thấy mình đã thành công. Nhưng thực tế ngôn ngữ là một hành trình không có điểm dừng, luôn có những trình độ ở mức cao hơn để luyện tập.
Tóm lại, với 7 điều "Không" trên, điều đầu tiên bạn cần làm là "open your mouth and speak", mở miệng ra và bắt đầu nói để rèn luyện kỹ năng nói Tiếng Anh.