Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Những vấn đề chung về cung cầu tiền tệ

VnDoc xin giới thiệu bài Những vấn đề chung về cung cầu tiền tệ được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Cung tiền tệ

Cung tiền tệ là khối lượng tiền cung ứng của nền kinh tế đảm bảo các nhu cầu sản xuất lưu thông hàng hóa, cũng như các nhu cầu chi tiêu trao đổi khác của nền kinh tế xã hội.

Nói cách khác, mức cung tiền tệ là toàn thể khối tiền tệ đã được cung cấp cho nền kinh tế trong một thời kỳ được xác định. Mức cung tiền tệ đã cung ứng cho nền kinh tế tạo thành khối tiền tệ.

Từ năm 1980 đến nay, NHTW của nhiều nước đã thay đổi các định nghĩa về tiền của họ một vài lần, và đã dùng những số đo lượng tiền cung ứng được gọi là tổng lượng tiền (monetary aggregates) với các ký hiệu M1, M2, M3, L. Sở dĩ có sự phân chia giữa M1, M2, M3 là nhằm tách những loại tiền khác nhau về mặt thanh khoản ra từng nhóm. Các nhóm tiền từ M1 đến L có thanh khoản giảm theo thứ tự và càng mang tính chất của một khoản đầu tư.

Lượng tiền cung ứng bao gồm các khối tiền cơ bản sau

1.1. Khối tiền tệ M1 (là tiền giao dịch)

M1 gọi là tiền mạnh (high-power money) với ý nghĩa là loại tiền có tính thanh khoản cao nhất trong các khối tiền tệ, khối tiền tệ này còn gọi là tiền theo nghĩa hẹp (narrow money), nhưng là một loại tài sản không sinh lợi cho nên nó không mang tính chất như một khoản đầu tư.

Đây là khối tiền đang trong lưu thông và những khoản tiền này sẵn sàng nhảy vào lưu thông với bất kỳ hình thức nào và thời gian nào. Nó chỉ bao gồm những phương tiện được chấp nhận ngay trong trao đổi hàng hóa mà không phải qua bước chuyển đổi nào, với khối tiền tệ này, tổng lượng tiền cung ứng gồm:

Tiền mặt lưu hành: là tiền giấy do NHTW phát hành, gồm toàn bộ tiền mặt trong tay dân cư, trong quỹ các đơn vị, tổ chức kinh tế, và tiền mặt trong quỹ nghiệp vụ của hệ thống Ngân hàng. Ba bộ phận của tiền mặt này còn gọi là cơ số tiền tệ, hay tiền cơ bản của nền kinh tế. Tiền mặt đang lưu hành chính là lượng tiền giấy do Ngân hàng Trung ương phát hành và đang nằm trong lưu thông, và do vậy nó còn có tên gọi là tiền Trung ương.

Tiền gửi không kỳ hạn: là một khoản cho vay của người gửi đối với ngân hàng. Khác với tiền gửi có kỳ hạn (là tiền gửi chỉ được lấy ra khi đã đến kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng...) tiền gửi không kỳ hạn được rút ra bất kỳ lúc nào người gửi có nhu cầu. Khoản tiền gửi này được xem là tiền giao dịch bởi vì người gởi tiền (chủ tài khoản) bất kỳ lúc nào cũng có thể sử dụng tiền trên tài khoản này để thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ...

Tiền gửi không kỳ hạn là một khoản Nợ của ngân hàng, nên ngân hàng phải trả lãi cho người chủ tài khoản.

1.2. Khối tiền tệ M2 (tiền tài sản hay là chuẩn tệ)

Khối tiền tệ M2 được gọi là khối tiền tệ tài sản hay “chuẩn tệ” như tiền gởi tiết kiệm, tiền gởi định kỳ.

M2 vừa là tiền vừa là khoản sinh lợi. Kinh tế càng phát triển càng có xu hướng chuyển tiền từ loại không sinh lãi (M1) sang các loại đem lại lãi suất như M2, M3, L.

M2 đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh tế. Khi ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm và tiền gửi định kỳ, thì người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều hơn và sẽ làm gia tăng khả năng tiền mặt của các ngân hàng, hoặc khi lãi suất giảm người dân sẽ rút tiền ra, làm giảm khả năng cung ứng tiền mặt của ngân hàng.

M2 gồm có:

  • M1
  • Các khoản tiền gởi có kỳ hạn
  • Các loại chứng chỉ tiền gửi
  • Tiền gửi trong các quỹ tín dụng của thị trường tiền tệ

Tiền gửi có kỳ hạn (còn gọi là tiền gửi định kỳ)

Tiền gửi có kỳ hạn được phân biệt thành tiền gửi có kỳ hạn loại nhỏ và tiền gửi có kỳ hạn loại lớn.

Hầu hết tiền gửi có kỳ hạn loại nhỏ là tiền gửi của nhân dân lao động, của những người về hưu. Mỗi khoản tiền gửi tuy nhỏ, nhưng số tiền gửi của mấy triệu người cộng lại trở thành một nguồn vốn tín dụng lớn và ổn định của các ngân hàng thương mại. Những khoản tiền gửi có kỳ hạn loại lớn của những người tích lũy dần để mua nhà, đất, tài sản cố định có giá trị cao, tiền để dành cho con cháu sau này... cũng là nguồn vốn lớn ổn định và vững chắc của các NHTM. Tiền gửi có kỳ hạn ở Việt Nam được gửi định kỳ theo quy định của NHNNVN. Thời hạn gửi dài hơn thì lãi suất được hưởng cao hơn.

Chứng chỉ tiền gửi (CDs)

Một loại tiền gửi khác thực hiện dưới hình thức NHTM phát hành giấy chứng nhận tiền gửi hay chứng chỉ tiền gửi (certificate of deposits - CDs). Chứng chỉ tiền gửi được phát hành theo hai cách: phát hành theo mệnh giá và phát hành dưới hình thức chiết khấu.

Khi ngân hàng phát hành theo mệnh giá, người mua chứng chỉ tiền gửi trả tiền theo giá trị đã ghi trên tờ phiếu, đến hạn thanh toán, ngân hàng sẽ trả vốn gốc (mệnh giá) cộng với tiền lãi (mệnh giá X lãi suất). Khi ngân hàng phát hành chứng chỉ tiền gửi dưới hình thức chiết khấu, giá mua bằng mệnh giá trừ số tiền chiết khấu, và khi đến hạn ngân hàng sẽ thanh toán bằng mệnh giá.

Đối với tiền gửi tiết kiệm ở Việt Nam có nhiều hình thức:

  • Tiền gửi tiết kiệm không kỳ hạn, người gửi có thể gửi nhiều lần và được rút ra theo nhu cầu sử dụng, vẫn được hưởng lãi.
  • Tiền gửi tiết kiệm có mục đích, đây là loại tiền gửi tiết kiệm trung hạn và dài hạn nhằm mục đích mua sắm tài sản cố định hay làm nhà ở. Người gửi loại tiết kiệm này sẽ được ngân hàng cho vay thêm nhằm bổ sung cho đủ nhu cầu đã định trước, mức cho vay cao nhất bằng số dư tiền gửi tiết kiệm.

Đối với tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn, có hai loại:

  • Một là: tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hơn lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn.
  • Hai là: tiền gửi tiết kiệm có lãi và có thưởng (bằng tiền, vàng hoặc hiện vật thông qua xổ số theo định kỳ).

Trái phiếu ngắn hạn được mua lại của ngân hàng thương mại(RPs)

Loại tiền này theo quy ước quốc tế được viết tắt là REPO hoặc RPs. Các NHTM được phép bán chứng khoán (trái phiếu nhà nước hoặc trái phiếu ngân hàng) cho nhân dân để thu tiền mặt trong trường hợp cấp bách, với thỏa thuận sẽ mua lại với giá cao hơn trong một thời gian rất ngắn sau đó (từ một ngày đến vài ba tuần). Loại tiền ngắn hạn này nhằm giúp các NHTM, các công ty lớn... có tiền mặt để giải quyết các nhu cầu cấp bách. Đây là một hợp đồng bán chứng khoán giữa ngân hàng và các nhà kinh doanh chứng khoán như các công ty tài chính, các quỹ tiết kiệm, các tổ chức tín dụng... có thừa tiền mặt. Hợp đồng RPs có đặc điểm

Hàng hóa bán ra của các NHTM chính là những chứng khoán mà NHTM đã mua vào để dự trữ và kinh doanh như tín phiếu kho bạc, trái phiếu chính phủ, trái phiếu công ty, không phải là những giấy vay nợ của ngân hàng như chứng chỉ tiền gửi (CDs) hay giấy nhận nợ của ngân hàng (BAs).

NHTM chỉ bán lại những chứng khoán nợ của Chính phủ, của các công ty trong thời gian từ một ngày đến hai tuần Sau đó ngân hàng sẽ mua lại những chứng khoán đó bằng giá bán cộng với chi phí giao dịch. Người mua chứng khoán của ngân hàng nào chỉ được bán lại số chứng khoán đó cho chính ngân hàng đã bán cho họ, không được phép bán lại cho ngân hàng khác hay bất cứ người nào.

Đây là cách giải quyết vấn đề tạm thời thiếu hụt tiền mặt của NHTM, số tiền này là một khoản vay ngắn hạn của ngân hàng, người mua chứng khoán là người cho vay, là chủ nợ của ngân hàng đi vay bằng RPs trên thị trường tiền tệ.

Tiền gửi trong các quỹ tín dụng trên thị trường tiền tệ (Money market fund deposits)

Những người có ít tiền tiết kiệm không muốn gửi tiền vào ngân hàng vì lãi suất thấp, ngại mất công làm thủ tục, nên họ gửi vào các quỹ tiết kiệm, quỹ tín dụng để được hưởng lãi suất cao hơn, đỡ mất thì giờ hơn, lại được viết Séc để thanh toán. Người nhận Séc đem Séc đến quỹ để nhận tiền mặt hoặc bán lại cho người khác.

Vay ngắn hạn khoản dự trữ bắt buộc tại NHTW

Hàng ngày một số NHTM cho vay được nhiều khoản lớn nên thiếu vốn dự trữ bắt buộc gửi tại NHTW. Vì vậy các ngân hàng này phải vay vốn của những ngân hàng khác hiện có thừa dự trữ, để đảm bảo đúng quy định của NHTW (theo luật dự trữ bắt buộc).

Việc các NHTM cho nhau vay mượn dự trữ qua lại hàng ngày trong hệ thống NHTM đã hình thành một loại tài sản nợ ngắn hạn luân chuyển liên tục nhưng ngắn hạn.

Tài khoản tiền gửi trên thị trường tiền tệ (Money market deposits accounts)

Loại tài khoản này có thời hạn dài hơn loại tiền gửi trong các quỹ tín dụng trên thị trường tiền tệ. Người gửi cũng có quyền viết Séc để thanh toán khi cần thiết. Số tiền ghi trong Séc phải giới hạn trong phạm vi dư Có của tài khoản. Giấy nhận nợ của chủ tài khoản có thể được dùng để mua bán thanh toán trên thị trường tiền tệ, lãi suất tương đương với lãi suất tiền gửi của các quỹ tín dụng trên thị trường tiền tệ.

Trái phiếu dollar châu Âu

Trái phiếu dollar châu Âu là một loại giấy nhận nợ do các NHTM phát hành để vay vốn ngắn hạn như chứng chỉ tiền gửi CDs. Những điểm khác với CDs là:

  • Trái phiếu dollar châu Âu chỉ dùng để vay dollar (USD), đến hạn cũng phải trả bằng dollar (USD) cả vốn và lãi.
  • Thời hạn cho vay từ vài tuần đến dưới ba tháng.
  • Chỉ một vài ngân hàng lớn có uy tín đặc biệt (như ngân hàng ngoại thương) của một số nước mới có quyền phát hành trái phiếu dollar châu Âu để vay USD trong nước và ngoài nước.

Những NHTM không được phát hành trái phiếu dollar châu Âu có thể vay USD của các ngân hàng ngoại thương, hình thành tài sản Nợ bằng USD.

1.3. Khối tiền tệ M3

Tổng lượng tiền M3 = M2 và những loại tài sản hơi kém “thanh khoản” như:

  • Những loại tiền gửi lớn có kỳ hạn (large denomination time deposits). Trên thị trường tiền tệ, loại tiền gửi này có tên là Jumpo CDs (Jumpo certificates of deposits).
  • Điểm khác nhau cơ bản giữa loại tiền gửi lớn có kỳ hạn và loại tiền gửi nhỏ có kỳ hạn là: Khi chưa đến hạn, các khoản tiền gửi nhỏ có kỳ hạn không được rút tiền mặt ra, còn các khoản tiền gửi lớn có kỳ hạn khi chưa đến hạn được chuyển thành tiền mặt dễ dàng không bị phạt, nhưng phải là những khoản thật lớn (ở Mỹ ít nhất là từ 100.000 USD trở lên).
  • Hầu hết các công ty lớn ở các nước công nghiệp phát triển đều có nhiều loại trái phiếu này. Họ dùng nó để thanh toán tiền hàng trong sản xuất, buôn bán, kinh doanh trên thị trường tiền tệ.
  • Trái phiếu (hay tín phiếu) được mua lại của các ngân hàng thương mại, ngân hàng tiết kiệm, quỹ tiết kiệm: loại tiền này giống như REPO, có tên gọi là Terms RPs (Terms repurchase agreement at commercial bank hay savings bank, loan associations), nhưng có điểm khác nhau cơ bản ở chỗ, chúng là trái phiếu dài hạn với thời gian tối thiểu phải một tuần lễ trở lên đến hàng năm, giá trị tiền gửi khá lớn, lãi suất cao.
  • Chỗ khác nhau quan trọng nhất của M3 so với M2 là khả năng thanh khoản (chuyển thành tiền mặt của nhà nước) của M2 cao hơn M3 vì thời hạn của M2 ngắn hơn M3.

1.4. Khối tiền tệ L

L = M3 và một vài loại chứng khoán chủ yếu có tính thanh khoản cao như những chứng khoán kho bạc ngắn hạn, thương phiếu...

Khối tiền tệ L này bao gồm:

  • M3
  • Trái phiếu (kho bạc - công ty - chính quyền địa phương)
  • Cổ phiếu (kho bạc - công ty - chính quyền địa phương)
  • Trái phiếu tiết kiệm
  • Thương phiếu
  • Hối phiếu nhận thanh toán ở ngân hàng
  • Các loại chứng khoán khả nhượng (bao gồm trái phiếu, cổ phiếu, trái phiếu tiết kiệm, hối phiếu nhận thanh toán ở Ngân hàng)

Việc phân loại tiền thành M1 M2, M3, L nhằm giúp NHTW và chính phủ theo dõi mức độ đầu tư trong nước vào các tài sản sinh lợi; giúp nền kinh tế huy động một cách tốt nhất các nguồn lực, các nguồn tài sản khác nhau trong dân cư vào guồng máy sản xuất kinh doanh. Nó cũng đồng thời đáp ứng nhu cầu cần sự gọn nhẹ, bảo đảm, có lãi cho tài sản và dễ dàng trong thanh toán ở mọi nơi mọi lúc.

Khối tiền tệ của nền kinh tế với những thành phần của nó biến động tùy theo tình hình kinh tế tài chính, và sự hoạt động hữu hiệu của hệ thống Ngân hàng.

Các loại tiền trong hệ thống tiền tệ hiện nay, thứ tự theo mức thanh khoản (Liquidity).

Bảng tổng hợp khối lượng tiền cung ứng của nền kinh tế sau đây, đã giúp ta tống quát hóa được toàn thể khối tiền tệ cung cấp cho nền kinh tế trong một thời kỳ xác định.

Bảng 3.1: Bảng tổng hợp các khối lượng tiền cung ứng cho nền kinh tế trong một thời kỳ xác định

Mức cung ứng tiền Các thành phần trong mức cung ứng
M1

- Tiền mặt

- Tiền gởi không kỳ hạn (còn được gọi là tiền gửi trong tài khoản Séc)
M2

- M1

- Tiền gởi tiết kiệm

- Tiền gửi có kỳ hạn ngắn

- Tiền gửi có kỳ hạn loại nhỏ

- Trái phiếu ngắn hạn được mua lại của các NHTM

- Euro dollar (dollar châu Âu) loại nhỏ

- Tiền gửi trong các quỹ tín dụng trên thị trường tiền tệ

- Tài khoản tiền gửi ở thị trường tiền tệ
M3

- M2

- Tiền gửi có kỳ hạn loại lớn

- Trái phiếu dài hạn được mua lại của NHTM và các tổ chức tài chính khác

- Euro dollar loại lớn
L

- M3

- Trái phiếu (kho bạc - công ty - chính quyền địa phương)

- Cổ phiếu

- Trái phiếu tiết kiệm

- Thương phiếu

- Hối phiếu nhận thanh toán ở ngân hàng

Sơ đồ 3.1: Mô hình khối tiền tệ

M1: Tiền mặt lưu hành + Tiền gửi không kỳ hạn

M2: Tiền mặt lưu hành + Tiền gửi không kỳ hạnCác khoản tiền gửi có kỳ hạn + Chứng chỉ tiền gửi + Tiền gửi trong các quỹ tín dụng của thị trường tiền tệ
M3: Tiền mặt lưu hành + Tiền gửi không kỳ hạnCác khoản tiền gửi có kỳ hạn + Chứng chỉ tiền gửi (Giấy chứng nhận tiền gửi) + Tiền gửi trong các quỹ tín dụng của thị trường tiền tệ

Tiền gửi lớn có kỳ hạn và trái phiếu

L: Tiền mặt lưu

hành + Tiền gửi

không kỳ hạn

Các khoản tiền gửi có kỳ hạn + Chứng chỉ tiền gửi + Tiền gửi trong các quỹ tín dụng của thị trường tiền tệ

Tiền gửi lớn có kỳ hạn và trái phiếu

Trái phiếu + cổ phiếu + Trái phiếu TK + Thương phiếu + Hối phiếu nhận thanh toán ở NH

2. Cầu tiền tệ

Cầu tiền tệ là tổng khối tiền tệ mà Nhà nước, các tổ chức kinh tế và cá nhân cần có để thỏa mãn các nhu cầu.

Nhu cầu tiền tệ không trực tiếp quyết định mức tiền tệ cung ứng, bởi vì mức tiền tệ cung ứng nhiều hay ít phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Trung ương, mà nó chỉ có tác động gián tiếp đến mức cung tiền thông qua sự biến động về giá cả trên thị trường, lãi suất...

Chú ý rằng, trong các chức năng của tiền tệ có những chức năng có liên quan trực tiếp đến nhu cầu tiền tệ. Đó là các chức năng phương tiện lưu thông, phương tiện thanh toán và phương tiện cất trữ, bất kỳ một đơn vị hay một cá nhân nào cũng cần phải có tiền để giao dịch với nhau, khiến cho guồng máy kinh tế xã hội không ngừng vận động và phát triển.

3. Một số học thuyết về nhu cầu tiền tệ

Nhu cầu tiền tệ được xác định dựa trên một số học thuyết khác nhau:

3.1. Các nhà kinh tế của Đức (thế kỷ 19):

Đưa ra thuyết duy danh:

  • Phái duy danh cho rằng tiền tệ chỉ là công cụ kỳ thuật thuận tiện cho trao đổi hàng hóa dịch vụ, bản thân tiền tệ không cần có giá trị nội tại, và nhà nước hoàn toàn có thể phát hành tiền giấy đi những giá trị quy ước, là có thể phục vụ cho trao đổi hàng hóa dịch vụ
  • Thuyết này vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ. Bởi vì ngoài việc giải thích nguồn gốc giá trị của tiền tệ, còn phải giải thích tại sao giá trị đó lên xuống hàng ngày

3.2. Theo quan điểm của C.Mác

Cầu tiền tệ tăng giảm biến động thuận chiều với tổng giá cả hàng hóa dịch vụ, tức là biến động tỷ lệ thuận với tốc độ tăng trưởng kinh tế, và tỷ lệ nghịch với tốc độ lưu thông tiền tệ (tức là số vòng luân chuyển trong một năm của mức cung tiền giao dịch).

3.3. Theo quan điểm của IRVING FISHER (1867-1947)

Irving Fisher đưa ra Thuyết “Mãi lực Tiền tệ” (sức mua của tiền tệ) cho rằng: tiền tệ phụ thuộc vào sức mua tổng quát của nó, tiền tệ là vật trung gian trao đổi và nó phải có giá trị, bởi vì một đơn vị tiền tệ đổi được nhiều hàng hóa dịch vụ. Người ta dựa vào giá bán của hàng hóa để biết sức mua của tiền tệ. Nhìn vào mức biến đổi của vật giá biết được sự biến đổi của giá trị đồng tiền.

Năm 1991 ông đã đưa ra thuyết số lượng tiền tệ, và đề xuất phương án giao dịch về số lượng tiền tệ với phương trình nổi tiếng.

M.V = P.Q

Trong đó:

M.V: Tổng số tiền giao dịch

M: Số tiền lưu hành

V: Tốc độ lưu hành của tiền

P.Q: Tổng giá cả hàng hóa dịch vụ trong kỳ

p: Giá trung bình

Q: Tổng số hàng hóa dịch vụ

Khối tiền tệ lưu hành có thể tăng thêm hoặc giảm bớt là do chính sách phát hành của NHTW và chính sách cấp tín dụng của NHTM.

3.4. Học thuyết tiền tệ của trường phái Cambridge

(Còn gọi là phương án Cambridgo - phương án số dư tiền mặt)

Số dư tiền mặt phụ thuộc vào các nhân tố:

  • Sự dễ dàng đạt đến tiền tệ, phương tiện mua sắm chung. Sự dễ dàng tích lũy tiền mặt thì đối lập với lợi nhuận.
  • Các nhu cầu dự trữ tiền tệ để bảo hiểm, dự phòng.

Phương án số dư tiền mặt được biểu thị qua công thức

M = K.R.P

Trong đó:

M: là cầu tiền tệ (số lượng đơn vị tiền tệ yêu cầu)

K: là hệ số nhu cầu tiền tệ (nhu cầu tiền tệ cần nắm giữ trong tài sản của họ)

R: giá trị của tổng tài sản của công chúng.

p: chỉ số giá cả

3.5. Theo quan điểm của John Maynard Keynes (1883 - 1946)

John Maynard Keynes nghi ngờ tính hợp lý của việc không đưa sự thay đổi của tốc độ lưu thông tiền mặt V vào các phương trình của Ivring Fisher. Từ đó ông đề ra Thuyết ưa thích thanh khoản.

Nội dung của lý luận này là nhu cầu về tiền mặt gồm hai bộ phận:

Bộ phận thứ nhất là nhu cầu tiền mặt cho giao dịch. Lượng cầu tiền mặt này là hàm số thuận của thu nhập. Trong nền kinh tế người dân có thu nhập nhiều hơn thì tiêu dùng nhiều hơn. Vì thế nhu cầu tiền mặt của họ cũng nhiều hơn.

Bộ phận thứ hai là nhu cầu tiền mặt cho mục đích đầu cơ. Lượng cầu tiền mặt thứ hai này là hàm số nghịch của lãi suất. Lãi suất càng hấp dẫn thì người ta càng ít giữ tiền mặt. Lãi suất kém hấp dẫn thì có xu hướng giữ tiền mặt nhiều hơn. Nói cách khác, lãi suất chính là cái giá để người ta hy sinh sự ưa chuộng tính thanh khoản của tiền mặt.

Phần thu nhập kiếm được nếu không đem tiêu dùng mà để dưới dạng tiền mặt thì không sinh lời. Muốn sinh lời thì phải đem đầu tư, chẳng hạn mua chứng khoán, bất động sản... Giữ tiền mặt thì có mặt lợi là tính thanh khoản cao. Còn nếu mua chứng khoán thì lại được mặt lợi là sinh lãi nhưng rủi ro cao. Những người lạc quan thì dự tính giá chứng khoán lên (lãi suất giảm) sẽ từ bỏ tiền mặt và mua chứng khoán. Những người bi quan thì dự tính giá chứng khoán giảm (lãi suất tăng) sẽ bán chứng khoán đang giữ và nhận tiền mặt về. Chứng khoán sẽ di chuyển từ tay người bi quan sang tay người lạc quan. Giá chứng khoán rốt cục cùng bị quy định bởi cả những người lạc quan mua vào và những người bi quan bán ra. Và lãi suất cũng bị quy định bởi mức độ thích tiền mặt của hai loại người này.

Như vậy cầu tiền tệ phụ thuộc vào ba nhân tố.

  • Động cơ giao dịch (nhu cầu giao dịch).
  • Động cơ dự phòng (nhu cầu dự phòng)
  • Động cơ đầu cơ (nhu cầu về tài sản dự trữ)

Các nhu cầu trên theo Keynes phụ thuộc vào:

Mức thu nhập: thu nhập cao thì chi tiêu càng nhiều, nhu cầu giao dịch tăng, thu nhập cao cũng cho phép thực hiện các nhu cầu dự phòng cao.

Lãi suất: lãi suất càng cao, giá chứng khoán sẽ càng hạ, nhu cầu về tiền sẽ càng thấp.

3.6. Theo quan điểm của Milton Friedman (nhà kinh tế Mỹ trường phái Chicago)

Ông cho rằng tổng cầu tiền tệ phụ thuộc vào bốn nhân tố:

  • Mức giá cả hàng hóa dịch vụ.
  • Mức thu nhập thực tế và sản lượng trong nền kinh tế.
  • Lãi suất thực tế.
  • Chỉ số giá cả (chỉ số lạm phát).

Ông khẳng định thu nhập thực tế là nhân tố ảnh hưởng trực tiếp và thuận chiều với nhu cầu tiền tệ.

-----------------------

Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Những vấn đề chung về cung cầu tiền tệ về khái niệm về cung và cầu tiền tệ, một số vấn đề thường gặp ở cung và cầu tiền tệ..

Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Những vấn đề chung về cung cầu tiền tệ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm