Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nội dung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam

Nội dung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam được chúng tôi sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

1. Những nội dung cơ bản của công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

a) Thực hiện cuộc cách mạng khoa học – công nghệ để xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất

Nước ta đang định hướng đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tất yếu phải được tiến hành bằng cách mạng khoa học và công nghệ. Cố nhiên, trong điều kiện thế giới đã trải qua hai cuộc cách mạng khoa học và công nghệ và điều kiện cơ cấu kinh tế mở, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở nước ta có thể và cần phải bao hàm các cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mà thế giới đã, đang trải qua.

Từ bối cảnh đó, vị trí của cuộc cách mạng này phải được xác định là “then chốt” và khoa học và công nghệ phải được xác định là một “quốc sách”, một “động lực” cần đem toàn lực lượng để nắm lấy và phát triển nó.

Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ ở nước ta hiện nay có thể khái quát gồm hai nội dung chủ yếu sau:

- Một là, xây dựng thành công cơ sở vật chất – kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội để dựa vào đó mà trang bị công nghệ hiện đại cho các ngành kinh tế quốc dân.

- Hai là, tổ chức nghiên cứu, thu thập thông tin, phổ biến ứng dụng những thành tựu mới của khoa học và công nghệ hiện đại vào sản xuất, đời sống với những hình thức, bước đi, quy mô thích hợp.

Trong quá trình thực hiện cách mạng khoa học và công nghệ, chúng ta cần chú ý:

+ Ứng dụng những thành tựu mới, tiên tiến về khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và từng bước phát triển nền kinh tế tri thức.

+ Sử dụng công nghệ mới gắn với yêu cầu tạo nhiều việc làm, tốn ít vốn, quay vòng nhanh, giữ được nghề truyền thống; kết hợp công nghệ cũ, công nghệ truyền thống với công nghệ hiện đại.

+ Tăng đầu tư ngân sách và huy động các nguồn lực khác cho khoa học và công nghệ; kết hợp phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, xây dựng mới, cải tạo cũ, thực hiện tiết kiệm, hiệu quả.

+ Kết hợp các loại quy mô lớn, vừa và nhỏ cho thích hợp; ưu tiên quy mô vừa và nhỏ, coi trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh và hiệu quả kinh tế – xã hội.

b) Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý và phân công lại lao động xã hội

* Xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý

- Cơ cấu kinh tế là tổng thể các bộ phận hợp thành, cùng với vị trí, tỷ trọng và quan hệ tương tác phù hợp giữa các bộ phận trong hệ thống kinh tế quốc dân. Cơ cấu kinh tế được xem xét dưới góc độ: cơ cấu ngành (như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…); cơ cấu vùng (các vùng kinh tế theo lãnh thổ) và cơ cấu thành phần kinh tế (vấn đề này đã được nghiên cứu ở Chương 8).

- Trong cơ cấu kinh tế thì cơ cấu ngành là bộ phận có tầm quan trọng đặc biệt, là bộ xương của cơ cấu kinh tế.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế là yêu cầu cần thiết khách quan của mỗi nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Vấn đề quan trọng là tạo ra một cơ cấu kinh tế tối ưu (hợp lý). Xây dựng một cơ cấu kinh tế được gọi là tối ưu khi nó đáp ứng được các yêu cầu sau:

+ Phản ánh được và đúng các quy luật khách quan, nhất là các quy luật kinh tế và xu hướng vận động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

+ Nông nghiệp phải giảm dần về tỷ trọng, công nghiệp và dịch vụ phải tăng dần về tỷ trọng.

+ Phù hợp với xu hướng tiến bộ của khoa học và công nghệ đã và đang diễn ra như vũ bão trên thế giới.

+ Cho phép khai thác tối đa mọi tiềm năng của đất nước, của các ngành, các địa phương, các thành phần kinh tế.

+ Thực hiện tốt sự phân công và hợp tác quốc tế theo xu hướng toàn cầu hóa kinh tế, do vậy, cơ cấu kinh tế được tạo dựng phải là “cơ cấu mở”.

- Xây dựng cơ cấu kinh tế là một quá trình, trải qua những chặng đường nhất định, do vậy xây dựng cơ cấu kinh tế của chặng đường trước phải sao cho tạo được “đà” cho chặng đường sau và phải được bổ sung và hoàn thiện dần trong quá trình phát triển.

- Ở nước ta hiện nay, Đảng ta đã xác định cần tập trung xây dựng một cơ cấu kinh tế hợp lý, mà “bộ xương” của nó là “cơ cấu kinh tế công – nông nghiệp – dịch vụ gắn với phân công và hợp tác quốc tế sâu rộng”, và khi hình thành cơ cấu kinh tế đó, sẽ cho phép nước ta kết thúc thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Cơ cấu nói trên ở nước ta trong thời kỳ quá độ được thực hiện theo phương châm là:

Kết hợp công nghệ với nhiều trình độ, tranh thủ công nghệ mũi nhọn, tiên tiến vừa tận dụng được nguồn lao động dồi dào, vừa cho phép rút ngắn khoảng cách lạc hậu, vừa phù hợp với nguồn vốn có hạn ở nước ta; lấy quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu, có tính đến quy mô lớn nhưng phải là quy mô hợp lý và có điều kiện; giữ được nhịp độ (tốc độ) phát triển hợp lý, tạo ra sự cân đối giữa các ngành, các lĩnh vực kinh tế và các vùng trong nền kinh tế…

* Tiến hành phân công lại lao động xã hội

- Từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa tất yếu phải phân công lại lao động xã hội. Phân công lao động xã hội là sự chuyên môn hóa lao động, tức là chuyên môn hóa sản xuất giữa các ngành, trong nội bộ từng ngành và giữa các vùng trong nền kinh tế quốc dân. Phân công lao động xã hội có tác dụng rất to lớn. Nó là đòn bẩy của sự phát triển công nghệ và năng suất lao động; cùng với cách mạng khoa học và công nghệ, nó góp phần hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý.

- Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự phân công lại lao động xã hội phải tuân thủ các quá trình có tính quy luật sau:

+ Tỷ trọng và số tuyệt đối lao động nông nghiệp giảm dần, tỷ trọng và số tuyệt đối lao động công nghiệp ngày một tăng lên.

+ Tỷ trọng lao động trí tuệ ngày một tăng và chiếm ưu thế so với lao động giản đơn trong tổng lao động xã hội.

+ Tốc độ tăng lao động trong các ngành sản xuất phi vật chất (dịch vụ) tăng nhanh hơn tốc độ tăng lao động trong các ngành sản xuất vật chất.

Ở nước ta, phương hướng phân công lại lao động xã hội hiện nay cần triển khai trên cả hai địa bàn: tại chỗ và nơi khác để phát triển về chiều rộng kết hợp phát triển theo chiều sâu.

2. Những nội dung cụ thể của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta trong những năm trước mắt

a) Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, giải quyết đồng bộ các vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Chuyển dịch mạnh cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn theo hướng tạo ra giá trị gia tăng ngày càng cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; thực hiện cơ khí hóa, điện khí hóa, thuỷ lợi hóa, đưa nhanh tiến bộ khoa học – kỹ thuật và công nghệ sinh học vào sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh phù hợp với từng vùng, từng địa phương; phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao, vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ gắn với hình thành các ngành nghề, làng nghề, hợp tác xã, trang trại, tạo ra những sản phẩm có thị trường và hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

b) Phát triển nhanh hơn công nghiệp, xây dựng và dịch vụ

- Khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế tác, công nghiệp phần mềm và công nghiệp hỗ trợ có lợi thế cạnh tranh, tạo nhiều sản phẩm xuất khẩu và thu hút nhiều lao động; phát triển một số khu kinh tế mở và đặc khu kinh tế. Phát triển mạnh mẽ các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, sản xuất tư liệu sản xuất quan trọng theo hướng hiện đại.

- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội. Tạo bước phát triển vượt bậc của các ngành dịch vụ, nhất là những ngành có chất lượng cao, tiềm năng lớn và có sức cạnh tranh, đưa tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP.

c) Phát triển kinh tế vùng

Phát triển các vùng trong cả nước và tạo sự liên kết giữa các vùng và nội vùng; thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, tạo động lực, tác động lan toả đến các vùng khác; đồng thời tạo điều kiện phát triển nhanh hơn cho các vùng kinh tế đang còn nhiều khó khăn.

d) Phát triển kinh tế biển

Xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về kinh tế biển trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hợp tác quốc tế.

-----------------------

Trên đây, VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn Nội dung của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Việt Nam. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.

Đánh giá bài viết
2 3.039
Sắp xếp theo

    Cao đẳng - Đại học

    Xem thêm