Tiền tệ
Chúng tôi xin giới thiệu bài Tiền tệ được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
1. Nguồn gốc và bản chất của tiền tệ
Nguồn gốc và bản chất của tiền thể hiện ở quá trình phát triển của hình thái giá trị trao đổi, hay nói cách khác, các hình thái biểu hiện của giá trị. Có bốn hình thái biểu hiện của giá trị:
Có bốn hình thái biểu hiện của giá trị:
a) Hình thái giản đơn hay ngẫu nhiên của giá trị
Hình thái này xuất hiện khi xã hội nguyên thuỷ tan rã, và “chỉ thường gặp ở những mầm mống đầu tiên của trao đổi, khi mà các sản phẩm lao động chỉ biến thành hàng hóa trong những hành vi đơn nhất và ngẫu nhiên”.
Thí dụ: 20 vuông vải = 1 cái áo
Ở đây, giá trị của hàng hóa này (20 vuông vải) chỉ biểu hiện đơn nhất ở một hàng hóa khác (1 cái áo) và quan hệ trao đổi mang tính chất ngẫu nhiên, trực tiếp hàng lấy hàng, tỷ lệ trao đổi cũng ngẫu nhiên được hình thành.
Hàng hóa thứ hai (cái áo) đóng vai trò vật ngang giá, là hình thái phôi thai của tiền tệ.
Mặc dù, lúc đầu quan hệ trao đổi mang tính chất ngẫu nhiên, nhưng dần dần nó trở thành quá trình xã hội đều đặn, thường xuyên thúc đẩy sản xuất hàng hóa ra đời và phát triển. Khi đó, xuất hiện hình thái thứ hai
b) Hình thái đầy đủ hay mở rộng của giá trị
Hình thái này xuất hiện trong thực tế khi mà một sản phẩm lao động nào đó, như 20 vuông vải chẳng hạn, được trao đổi với nhiều hàng hóa khác một cách thông thường, phổ biến.
Thí dụ: 20 vuông vải = 1 cái áo
= 10 đấu chè
= 40 đấu cà phê
= 0, 2 gam vàng
ở đây, giá trị của một hàng hóa (20 vuông vải) được biểu hiện ở nhiều hàng hóa khác nhau đóng vai trò làm vật ngang giá. Đồng thời tỷ lệ trao đổi không còn mang tính chất ngẫu nhiên nữa mà dần dần do lao động quy định, bởi vì ngay từ đầu người ta đã sản xuất ra những vật phẩm trên với mục đích là để mang trao đổi. Do đó, trong trao đổi họ phải tính toán đến mức lao động đã hao phí.
Tuy nhiên, hình thái này cũng có những nhược điểm của nó như: giá trị hàng hóa được biểu hiện còn chưa hoàn tất, thống nhất mà bằng một chuỗi vô tận của các hàng hóa khác; đồng thời vẫn là trao đổi trực tiếp hàng lấy hàng, do đó khi nhu cầu trao đổi giữa những người chủ hàng hóa không phù hợp sẽ làm cho trao đổi không thực hiện được. Chẳng hạn, người có vải cần đổi lấy áo, nhưng người có áo lại không cần vải mà cần chè… Do đó, khi sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển hơn đòi hỏi phải có một vật ngang giá chung, khi đó xuất hiện hình thái thứ ba.
c) Hình thái chung của giá trị
Ở đây, giá trị của mọi hàng hóa đều được biểu hiện ở một hàng hóa đóng vai trò làm vật ngang giá chung, “vật ngang giá phổ biến” – 20 vuông vải. Tức, các hàng hóa đều được đổi lấy vật ngang giá chung trước, sau đó mới mang đổi lấy hàng hóa cần dùng, do đó khắc phục được nhược điểm của hình thái trao đổi trực tiếp hàng lấy hàng và vật ngang giá chung trở thành môi giới, thành phương tiện trong trao đổi hàng hóa.
Tuy nhiên, ở hình thái này vật ngang giá chung chưa cố định ở một hàng hóa nào cả, khi thì là hàng hóa này, khi thì là hàng hóa khác, và “bất kỳ hàng hóa nào cũng có thể có được hình thái đó”, miễn là nó được tách ra làm vật ngang giá chung.
Khi sản xuất và trao đổi hàng hóa phát triển hơn nữa, đặc biệt là khi nó được mở rộng giữa các vùng đòi hỏi phải có một vật ngang giá chung thống nhất, thì vật ngang giá chung được “gắn một cách vững chắc với một số loại hàng hóa đặc thù, khi đó xuất hiện hình thái thứ tư.
d) Hình thái tiền
Ở đây, giá trị của tất cả mọi hàng hóa đều được biểu hiện ở một hàng hóa đóng vai trò tiền tệ.
Lúc đầu, có nhiều loại hàng hóa đóng vai trò tiền tệ như lông cừu, vỏ sò…và “những dân du mục là những người đầu tiên phát triển hình thái tiền”. Nhưng dần dần vai trò tiền tệ được chuyển sang các kim loại quý (tiền kim loại) như đồng rồi bạc và cuối cùng là ở vàng.
Khi hai vật ngang giá, ví dụ, bạc và vàng, đồng thời làm chức năng vật ngang giá thì chế độ tiền tệ được gọi là chế độ song bản vị. Khi chỉ còn một vật ngang giá là vàng độc chiếm vai trò tiền tệ thì chế độ tiền tệ được gọi là chế độ bản vị vàng.
Tại sao vàng và bạc, đặc biệt là vàng, lại có được vai trò tiền tệ như vậy?
Thứ nhất, nó cũng là một hàng hóa, cũng có giá trị sử dụng và giá trị. Giá trị sử dụng của vàng như dùng làm đồ trang sức, hàn răng thủng… Giá trị của vàng cũng được đo bằng lượng lao động xã hội cần thiết để sản xuất ra nó (để tìm kiếm, khai thác và chế tác vàng. Do đó nó có thể mang trao đổi với các hàng hóa khác, và với tư cách là hàng hóa, vàng cũng đã từng đóng vai trò vật ngang giá như các hàng hóa khác trong hình thái thứ nhất và thứ hai.
Thứ hai, nó có những ưu thế (từ thuộc tính tự nhiên) đặc biệt thích hợp với vai trò tiền tệ như: thuần nhất, dễ chia nhỏ, bền, dễ bảo quản, hơn nữa với một lượng và thể tích nhỏ nhưng có giá trị cao (vì vàng là kim loại hiếm phải tốn nhiều công sức mới có được). Do đó, nó có thể đo lường giá trị của mọi loại hàng hóa. Chính vì vậy mà vàng được xã hội trao cho một giá trị sử dụng xã hội đặc biệt: đóng vai trò là vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hóa khác.
Như vậy, tiền ra đời là kết quả của sự phát triển lâu dài của sản xuất và trao đổi hàng hóa.
Tiền là hàng hóa đặc biệt được tách ra từ thế giới hàng hóa làm vật ngang giá chung cho tất cả các hàng hóa.
Tiền là sự thể hiện chung của giá trị, đồng thời cũng biểu hiện quan hệ sản xuất giữa những người sản xuất hàng hóa.
2. Các chức năng của tiền
a) Thước đo giá trị
Tiền dùng để đo lường và biểu hiện giá trị của các hàng hoá khác.
Khi tiền thực hiện chức năng thước đo giá trị, thì giá trị của hàng hóa được biểu hiện bằng một lượng tiền nhất định gọi là giá cả hàng hóa.
Giá cả hàng hóa là hình thức biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa.
Như vậy, giá trị là nội dung, là cơ sở của giá cả. Trong các điều kiện khác không đổi, giá trị của hàng hóa càng cao thì giá cả của nó cũng càng cao và ngược lại. Giá cả của hàng hoá có thể lên xuống xoay xung quanh giá trị nhưng tổng số giá cả vẫn bằng tổng số giá trị.
Khi tiền thực hiện chức năng thước đo giá trị không đòi hỏi phải có tiền mặt trên thực tế, gọi là tiền thật (vàng thoi, bạc nén, tiền đúc, tiền giấy…) mà chỉ cần một lượng tiền tưởng tượng.
b) Phương tiện lưu thông
Chức năng phương tiện lưu thông của tiền thể hiện ở chỗ tiền làm trung gian trong trao đổi hàng hóa. Khi tiền làm phương tiện lưu thông đòi hỏi phải có tiền mặt trên thực tế, tức tiền thật (vàng thoi, bạc nén, tiền đúc, tiền giấy, tiền tín dụng…) và khi đó trao đổi hàng hóa vận động theo công thức: H – T – H. Đây chính là công thức lưu thông hàng hóa giản đơn.
Là phương tiện lưu thông, lúc đầu tiền xuất hiện trực tiếp dưới hình thức vàng thoi, bạc nén, sau đó là tiền đúc và cuối cùng là tiền giấy. Tiền giấy chỉ là ký hiệu của giá trị do nhà nước phát hành và buộc xã hội công nhận. Tiền giấy không có giá trị thực (không kể giá trị của vật liệu giấy dùng làm tiền).
Thực hiện chức năng phương tiện lưu thông, tiền làm cho quá trình mua bán diễn ra được thuận lợi, nhưng đồng thời nó cũng làm cho việc mua bán tách rời nhau cả về không gian và thời gian, do đó nó đã bao hàm khả năng khủng hoảng (ví dụ, có thể mua mà chưa bán, có thể mua ở nơi này, bán ở nơi kia… do đó, tạo ra nguy cơ không nhất trí giữa mua và bán, tiềm ẩn khả năng khủng hoảng).
c) Phương tiện cất trữ
Tiền là hiện thân của giá trị, đại biểu của của cải xã hội nên nó có thể thực hiện được chức năng phương tiện cất trữ.
Chức năng phương tiện cất trữ của tiền có nghĩa là tiền được rút khỏi lưu thông và được cất trữ lại. Cất trữ tiền là một hình thức cất trữ của cải.
Tiền làm phương tiện cất trữ còn có tác dụng đặc biệt, đó là khi tiền được cất trữ tạm thời trước khi mua hàng. Chỉ có tiền đủ giá trị như tiền vàng mới làm được chức năng cất trữ.
d) Phương tiện thanh toán
Kinh tế hàng hóa phát triển đến một trình độ nào đó tất yếu sẽ nảy sinh việc mua bán chịu và do đó, xuất hiện chức năng phương tiện thanh toán của tiền. Thực hiện chức năng này tiền được dùng để chi trả sau khi công việc giao dịch, mua bán đã hoàn thành, ví dụ: trả tiền mua hàng chịu, trả nợ, nộp thuế…
Tiền làm phương tiện thanh toán có tác dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của người sản xuất hoặc tiêu dùng ngay cả khi họ chưa có tiền, hoặc chưa có đủ tiền. Đồng thời, khi chức năng này càng được thực hiện rộng rãi thì khả năng khủng hoảng cũng sẽ tăng lên, vì chỉ cần một khâu nào đó trong hệ thống thanh toán không thực hiện được sẽ làm cho toàn bộ sợi dây chuyền thanh toán bị phá vỡ.
Trong quá trình thực hiện chức năng phương tiện thanh toán, ngày càng xuất hiện nhiều hơn các hình thức thanh toán mới không cần tiền mặt (tiền vàng, bạc, đồng, tiền giấy…) như: ký sổ, séc, chuyển khoản, thẻ điện tử (card)…
e) Tiền thế giới
Khi trao đổi hàng hóa mở rộng ra bên ngoài biên giới quốc gia và hình thành quan hệ buôn bán giữa các nước thì xuất hiện tiền thế giới. Tiền thế giới cũng thực hiện các chức năng: thước đo giá trị, phương tiện lưu thông, phương tiện thanh toán…
Trong giai đoạn đầu sự hình thành quan hệ kinh tế quốc tế, đồng tiền đóng vai trò là tiền thế giới phải là tiền thật (vàng, bạc). Sau này, song song với chế độ thanh toán bằng tiền thật, tiền giấy được bảo lãnh bằng vàng, gọi là tiền giấy bản vị vàng, cũng được dùng làm phương tiện thanh toán quốc tế. Dần dần do sự phát triển của quan hệ kinh tế-chính trị thế giới, chế độ tiền giấy bản vị vàng bị bãi bỏ nên một số đồng tiền quốc gia mạnh được công nhận là phương tiện thanh toán, trao đổi quốc tế, mặc dù phạm vi và mức độ thông dụng có khác nhau. Nền kinh tế của một nước càng phát triển, đặc biệt trong quan hệ kinh tế đối ngoại, thì khả năng chuyển đổi của đồng tiền quốc gia đó càng cao.
Những đồng tiền được sử dụng làm phương tiện thanh toán quốc tế ở phạm vi và mức độ thông dụng nhất định gọi là những đồng tiền có khả năng chuyển đổi.
Việc chuyển đổi tiền của nước này ra tiền của nước khác được tiến hành theo tỷ giá hối đoái. Đó là giá cả một đồng tiền của nước này được tính bằng đồng tiền của nước khác.
-----------------------
Trên đây, VnDoc.com đã giới thiệu tới các bạn Tiền tệ. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.