Phân loại rủi ro dự án
Chúng tôi xin giới thiệu bài Phân loại rủi ro dự án được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các bạn nắm bắt kiến thức môn học một cách tốt hơn để có thể học và hoàn thành bài thi môn học một cách hiệu quả.
Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.
Bài: Phân loại rủi ro dự án
Thực tế không có loại rủi ro nào nằm hẳn về một cực. Khái niệm chỉ về hình thức. Hầu hết các rủi ro nằm ở giữa hai cực ranh giới. Do đó, giữa hai cực này có vô số mức độ chính xác và độ tin cậy khác nhau khi dự đoán. Khả năng đo lường mang tính chất tương đối. Một số có thể đo lường được nhiều, một số đo được ít hơn. Rủi ro gây tác động đến dự án có thể được phân loại theo nhiều tiêu thức khác nhau.
1. Phân loại rủi ro theo môi trường tác động
Đối với mỗi dự án, có rất nhiều nguồn gây tác động làm xuất hiện rủi ro, đó là các nguồn bên trong và bên ngoài dự án.
- Rủi ro do môi trường bên trong dự án gây ra (rủi ro nội sinh): Là rủi ro do những nguyên nhân nội tại của dự án. Quy mô, độ phức tạp, tính mới lạ của dự án cùng với các nhân tố như tốc độ thiết kế và xây dựng, hệ thống tổ chức quản lý dự án là những nguyên nhân nội sinh.
– Rủi ro do môi trường hoạt động của dự án: Ví dụ như bộ máy tổ chức, văn hoá tổ chức, tuyển dụng, đối thủ cạnh tranh, khả năng quản lý, công nghệ…
– Rủi ro do nhận thức con người: Khi nhận thức và phân tích không đúng, sẽ đưa ra kết luận sai. Nếu nhận thức và thực tế hoàn toàn khác nhau thì rủi ro sẽ rất lớn.
- Rủi ro do môi trường bên ngoài (rủi ro ngoại sinh) dự án gây ra: Là rủi ro do những nguyên nhân bên ngoài gây nên. Những nhân tố rủi ro ngoại sinh thường gặp như lạm phát, thị trường, tính sẵn có của lao động và nguyên liệu, độ bất định về chính trị, do ảnh hưởng của thời tiết, bao gồm:
– Môi trường thiên nhiên: Động đất, núi lửa, bão, lũ lụt… làm cho dự án có thể bị thiệt hại nặng nề.
– Môi trường văn hóa, xã hội: Do thiếu hiểu biết về phong tục, tập quán, tín ngưỡng, hành vi con người… của người dân địa phương nơi có dự án, từ đó dẫn đến cách ứng xử không phù hợp, gây ra những thiệt hại mất mát.
– Môi trường chính trị, luật pháp: Khi chính trị, luật pháp thay đổi có thể gây nhiều ảnh hưởng đến dự án.
– Môi trường kinh tế: phát triển, suy thoái kinh tế, lạm phát…đều ảnh hưởng trực tiếp đến các dự án.
– Môi trường công nghệ, thông tin: tiến bộ trong khoa học, công nghệ, thông tin có thể mang lại những cơ hội cũng như sự đe dọa đối với các hoạt động của dự án.
2. Phân loại theo đối tượng rủi ro
Rủi ro về tài sản: Các rủi ro xảy ra làm tài sản bị hư hỏng, hao mòn vô hình và hữu hình.
Rủi ro về nhân lực: Các rủi ro gây ảnh hưởng đến nhân lực dự án. Ví dụ nhu cầu thị trường về nhân lực cao hay thấp sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng và điều phối nhân lực dự án.
Rủi ro về trách nhiệm pháp lý: Các nguyên nhân gây rủi ro có thể do các sai sót trong phân định trách nhiệm, kiểm tra giám sát, điều kiện hợp đồng của dự án không phù hợp...
3. Phân loại theo lĩnh vực hoạt động
Theo tiêu thức này rủi ro được phân loại theo các lĩnh vực hoạt động như sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống. Cụ thể rủi ro bao gồm: rủi ro trong công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh thương mại, rủi ro trong hoạt động ngoại thương, kinh doanh ngân hàng, du lịch, rủi ro đầu tư, rủi ro trong ngành xây dựng, rủi ro trong giao thông vận tải…
4. Phân loại theo bản chất rủi ro
Rủi ro thuần tuý: Là loại rủi ro mà khi xảy ra thì sẽ gây thiệt hại về kinh tế như hoả hoạn, mất cắp, tai nạn lao động… Loại rủi ro này có đặc điểm sau: Thứ nhất, rủi ro thuần túy nếu xảy ra thường đưa đến kết quả mất mát hoặc tổn thất. Thứ hai, rủi ro thuần túy là loại rủi ro liên quan đến việc phá hủy tài sản (nếu hỏa hoạn thì tòa nhà bị phá hủy). Thứ ba, biện pháp đối phó với rủi ro này là bảo hiểm.
Rủi ro suy tính: Còn được gọi là rủi ro đầu cơ, là loại rủi ro mà khi nó xảy ra có thể dẫn đến kết quả là được hoặc mất, do ảnh hưởng của những nguyên nhân rất khó dự đoán, phạm vi ảnh hưởng rất rộng lớn. Rủi ro suy tính là loại rủi ro thường xảy ra trong thực tế. Ví dụ, rủi ro thay đổi giá cả, mức thuế không ổn định, tình hình chính trị không ổn định. Tăng giá có thể mang lại nhiều lời cho người có tồn kho nhiều và giảm giá làm họ bị thua thiệt lớn. Đặc điểm cơ bản của loại rủi ro này là thường không được bảo hiểm nhưng có thế đối phó bằng biện pháp rào chắn (hedging). Mọi dự án đều bị buộc phải chấp nhận một số rủi ro đầu cơ.
5. Phân loại theo khả năng lượng hóa
Rủi ro có thể tính toán được: Là loại rủi ro mà tần số xuất hiện và mức độ tác động của nó có thể tiên đoán được ở một mức độ tin cậy nhất định.
Rủi ro không thể tính toán được: Tần số xuất hiện và mức độ tác động quá bất thường và rất khó dự đoán được.
6. Phân loại theo khả năng bảo hiểm
Rủi ro có thể bảo hiểm: Là những rủi ro nếu xảy ra sẽ dẫn đến các thiệt hại, và người ta giảm nhẹ thiệt hại đó bằng cách mua bảo hiểm trước. Ví dụ như bảo hiểm cháy nổ, bảo hiểm tài sản…
Rủi ro không thể bảo hiểm: Bao gồm rủi ro cờ bạc và đầu cơ, không biết rõ kết cục nên không thể bảo hiểm được. Ví dụ các phương án đầu tư vào thị trường chứng khoán hoặc bất động sản.
7. Rủi ro hệ thống và rủi ro không hệ thống
Rủi ro hệ thống: Một yếu tố nào đó như khủng hoảng thị trường, suy thoái kinh tế khu vực xuất hiện gây ảnh hưởng đến mọi dự án trong xã hội.
Rủi ro không hệ thống: Các rủi ro chỉ xảy ra đối với mỗi dự án cụ thể, như sự xuất hiện của đối thủ cạnh tranh, hoặc quản lý không có hiệu quả.
Ngoài các cách phân loại thông thường kể trên, có thể phân theo các tiêu thức gắn liền với đặc thù của dự án như phân loại rủi ro theo góc độ của các bên liên quan đến dự án, tức là phân theo rủi ro do chủ đầu tư, người thực hiện dự án, tư vấn... phải chịu. Phân theo các giai đoạn dự án, tức là phân loại rủi ro trong giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn thực hiện và giai đoạn kết thúc dự án. Có thể phân theo đối tượng tác động của dự án, rủi ro liên quan đến chi phí dự án, rủi ro liên quan đến thời gian và chất lượng dự án.
---------------------------------------
Chúng tôi đã giới thiệu nội dung bài Phân loại rủi ro dự án về đặc điểm và cách phân loại theo bản chất rủi ro, phân loại theo khả năng lượng hóa, theo khả năng bảo hiểm, tủi ro hệ thống và rủi ro không hệ thống...
Trên đây, VnDoc đã giới thiệu tới các bạn Phân loại rủi ro dự án. Ngoài ra, các bạn có thể tham khảo thêm nhiều tài liệu Cao đẳng - Đại học cũng như Cao học khác để phục vụ quá trình nghiên cứu hiệu quả hơn.