Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Những bài văn mẫu hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu

Thế kỉ XX, đặc biệt là những năm đầu, đất nước, nhân dân ta đã ghi nhận nhiều gương mặt các nhà cách mạng, nhà chí sĩ yêu nước lỗi lạc như Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng,… và không thể không kể đến Phan Bội Châu. Đóng góp to lớn của ông đối với thời đại khó mà kể hết được, trước hết là tinh thần yêu nước. Đã nhiều lần ông gửi gắm điều ấy trong các sáng tác sục sôi ý chí căm hơn, thúc giục thế hệ trẻ phải đứng lên đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Một trong số đó, có Lưu biệt khi xuất dương đã khắc họa thành công hình ảnh người chí sĩ yêu nước lúc lên đường thực hiện ước mơ lớn:

Làm trai phải lạ ở trên đời

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi

Thật chẳng khó nhận ra, những năm đầu của thế kỉ XX tinh thần yêu nước đã lớn mạnh như thế nào, trước hết xuất phát từ những bậc nho sĩ. Thất bại của phong trào Cần Vương, hay câu chuyện “Bình Tây phục quốc” không thành… đất nước vẫn rơi vào tay giặc là hiện thực buồn bã của dân tộc. Nhưng sức mạnh của truyền thống yêu nước cả ngàn năm dội về, cùng với những “tân thư” mới mẻ của thời đại, đã tạo ra những phong trào: Duy tân, Đông Du, Đông kinh nghĩa thục… làm thức tỉnh cả một lớp nhà nho nhiệt huyết. Họ đã hành động theo tiếng gọi của lịch sử: kẻ cắt phăng búi tóc trên đầu mà đoạn tuyệt với lối học cử tử để đi tìm lí tưởng mới, kẻ tạm biệt gia đình, người thân, quê hương đi Tàu, đi Xiêm, đi Nhật để hướng về một chân trời mới đầy hi vọng và ước mơ. "Tất cả chí hướng của thế hệ trí thức yêu nước đã nhằm vào một mục tiêu vĩ đại: "khôi phục nước nhà" (Đặng Thai Mai). Phan Bội Châu cũng mưu đồ sự nghiệp ấy tới đất nước Nhật Bản. Chưa bàn con đường ấy đúng sai, nhưng ông đã tạo nên một luồng sinh khí mạnh mẽ thổi bùng khát vọng đấu tranh của dân tộc trong một thời gian dài. Lưu biệt khi xuất dương ra đời trong bối cảnh như thế. Khúc trang ca khi lên đường này ông viết để giã từ bạn bè, đồng chí nhưng đã khắc họa đầy chân thực và lãng mạn hình ảnh người chí sĩ yêu nước trong lúc ra đi.

Chân dung bậc nho sĩ ái quốc hiện lên trong dáng vẻ phi thường thách thức cả không gian và thời gian:

Làm trai phải lạ ở trên đời

Sau này muôn thuở há không ai?

Người chí sĩ đó vẫn mang theo khát vọng chí làm trai thuở trước, nhưng khát vọng ấy thật oai hùng, phi thường của một bậc vĩ nhân. Có hai vấn đề, mà không phải là sự nghiệp “công danh” thông thường đấng nam nhi hay nghĩ tới, đó là phải lạ giữa càn khôn và phải cần có tớ trong khoảng trăm năm này. Phan Bội Châu lựa chọn không gian và thời gian đặc biệt để cái chí của kẻ làm trai được thỏa sức tung hoành. Cái lạ là phải làm nên được những điều kì diệu, phi thường không phải ở đời mà phải giữa càn khôn. Suốt một trăm năm đời người không thể sống hoài, sống phí mà phải trở thành nhân vật lịch sử lớn lao. Ý thức cá nhân, bản ngã lịch sử đẩy tâm tư của người chí sĩ thoát khỏi những suy nghĩ thông thường mà khát vọng mưu đồ việc lớn, xoay chuyển càn khôn, cụ thể là đất nước lâm nguy thì cần phải ra tay cứu nước. Tớ cần phải xoay vần vũ trụ, phải làm điều kinh thiên động địa trong thế kỉ này. Ở Phan tiên sinh, cái tôi yêu nước đầy chủ động, không trông chờ, không hô hào mà trở thành lý tưởng hành động.

Bởi vậy cái phải lạ không phải là một lời nói suông, mà trở thành hành động thực sự:

Non sông đã chết sống thêm nhục

Hiền thánh còn đâu học cũng hoài.

Người chí sĩ yêu nước như nhân vật trữ tình trong bài thơ này thật khiến người ta thán phục. Cái tráng lệ trong tinh thần không chỉ toát ra từ ý thức cá nhân đầy mạnh mẽ mà ở cả nhận thức đã hoàn toàn chuyển mình. Nhiều nhà nho thời ấy đều biết sự nhục nhã khi phải sống trong cảnh ngoại bang xâm lăng, sự vô nghĩa khi giá trị của nền học vấn cũ giờ đây đã không còn phù hợp. Nhưng để viết nó ra một cách đầy khảng khái, khí chất chỉ có Phan Bội Châu. Cách ông hình tượng hóa hiện thực đất nước rất chân thực: non sông đã chết. Nó không đơn thuần còn là lẽ sống vinh nhục, mà là nỗi đau của nước mất nhà tan. Từ đó không chỉ riêng ông mà biết bao người chí sĩ đã từng là “sản phẩm” của một nền Hán học uy nghi, vững chãi cả ngàn năm, đã từng xuất thân từ chốn cửa Khổng sân Trình cũng đau đớn nhận ra, cái hiền thánh năm xưa đã không còn. Nếu ở trên, hình ảnh người chí sĩ yêu nước thật ngang tàng, thách thức, có phần bướng bỉnh trước vũ trụ, cuộc đời, thì đến đây còn trở nên quật cường, quyết liệt hơn trong nhận thức. Còn sống là còn nhục, còn học là còn ngu. Táo bạo, dứt khoát, người chí sĩ ấy không né tránh mà đối diện với hiện thực thật oai hùng. Bởi vậy điều lạ trong con người của nhân vật trữ tình đã đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy yêu nước của thời đại.

Muốn làm điều kinh thiên động địa, muốn làm cho đất nước thoát cảnh lầm than, muốn thay đổi con đường cứu nước cho dân tộc, người chí sĩ đã vượt xa hơn lời nói mà trở thành hành động cụ thể, đó là: xuất dương.

Muốn vượt bể đông theo cánh sóng

Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

Hai câu thơ cuối hình ảnh người chí sĩ lên đường thật phi thường, oai hùng mà lãng mạn. Cái nhất thể giữa tự nhiên và con người, giữa ngoại cảnh và ý chí đã đẩy bức chân dung nhân vật lịch sử năm ấy như một bức tượng đài sừng sững, nguy nga. Vẫn là không gian rộng lớn của biển khơi, vẫn là cái mạnh mẽ của muôn trùng sóng bạc nhưng lại hòa cùng nhau mà đẩy khát vọng, hoài bão của người chí sĩ vút cao. Ba chữ nhất tề phi bản dịch đã không nhắc tới, khiến sắc thái, tinh thần của kẻ sĩ lên đường chưa thể lột tả hết được. Cảnh tượng cuối bài thơ đã cho thấy một bầu nhiệt huyết sục sôi, lý tưởng lớn lao của bậc sĩ phu yêu nước khi lên đường. Điều đó đã tạo nên một khúc khải hoàn ca thật tráng lệ, hào hùng để mang theo bao hi vọng, bao niềm tin, bao ước mơ về một tương lai tươi sáng của dân tộc.

Tinh thần yêu nước của nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu không phải tự nhiên có sức ảnh hưởng to lớn đến thời đại mà ông sống đến vậy. Bởi tinh thần đó đã khai sáng biết bao nhiêu kẻ sĩ còn mò mẫm trên hành trình phục sinh Tổ quốc. Dẫu Phan tiên sinh sau này vẫn chưa thành công được trong sự nghiệp kinh bang tế thế, nhưng lòng yêu nước và sức mạnh quả cảm của tấm lòng ấy mãi mãi trở thành ngọn lửa sáng rực cả bầu trời Cách mạng những năm nửa đầu thế kỉ XX. Lưu biệt khi xuất dương bởi vậy không còn là bài thơ giãi bày cảm xúc lưu luyến, bịn rịn trong cảnh chia tay thông thường mà là ý chí quyết tâm ra đi để mưu đồ nghiệp lớn. Bài thơ mãi mãi còn đó sự bất diệt trong khát vọng đấu tranh và tinh thần yêu nước cho những thế hệ sau này.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Phân tích hình tượng người chí sĩ yêu nước trong bài thơ Lưu biệt khi xuất dương của Phan Bội Châu. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Phân tích nghệ thuật trào phúng trong đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Học tốt Ngữ Văn lớp 11

    Xem thêm