Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích và nêu cảm nhận sau khi xem diễn hoặc đọc cảnh III trong Tôi và chúng ta

Văn mẫu lớp 9: Phân tích và nêu cảm nhận sau khi xem diễn hoặc đọc Cảnh III trong Tôi và chúng ta dưới đây gồm nhiều dạng văn mẫu đã được VnDoc.com tổng hợp và sưu tầm gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Phân tích cảnh III trong Tôi và chúng ta

Trong giai đoạn 1985 đến 1989, cái tên Lưu Quang Vũ nổi lên như một hiện tượng xuất chúng. Tất cả những sân khấu kịch khi ấy không tối nào ngơi ánh sáng và âm thanh, người ta đổ xô nhau đi xem những vở kịch đã đi vào huyền thoại của làng văn nghệ sân khấu Việt Nam như Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Điều không thể mất, mùa hạ cuối cùng,... Được viết vào năm 1985, khi đất nước chuẩn bị bước vào giai đoạn quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, "Tôi và chúng ta" là một trong những tác phẩm nổi tiếng đương thời của Lưu Quang Vũ, viết về hoàn cảnh của xí nghiệp nơi anh Hoàng Việt công tác. Hồi thứ III của vở kịch này đã phản ánh được những bước chân đầu tiên của sự giao thoa giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ và cái bảo thủ tại xí nghiệp Thắng Lợi.

Đoạn trích xoay quanh nhân vật Hoàng Việt. Sau một năm giữ chức quyền giám đốc xí nghiệp Thắng Lợi, Hoàng Việt nhận ra công ty đang đứng bên bờ vực phá sản, tất cả những dự án đều được nhân viên hoàn thành một cách giả tạo và không hề có thật. Chỉ còn Hoàng Việt, kĩ sư Lê Sơn và kíp trưởng Thanh là những người nhìn ra sự thiếu sót và sai lầm trong cách thức điều hành xí nghiệp nhưng đều không dám có ý kiến. Anh quyết tâm thay đổi phương thức quản lý, củng cố bộ máy hoạt động xí nghiệp nhưng lại vấp phải sự phản đối bởi chính những cộng sự, những người bảo thủ và thiếu quyết đoán, đặc biệt là phó giám đốc Nguyễn Chính. Những mâu thuẫn về mở rộng sản xuất, ngân sách đầu tư, khúc mắc tài chính giữa các bên đã tạo nên xung đột, mâu thuẫn kịch tính.

Giữ tư tưởng bảo thủ, lỗi thời, Phó giám đốc Nguyễn chính cho rằng, muốn sản xuất thì cần phải đi theo đúng lộ trình đã được thực thi bao lâu nay, phải bắt đầu từ "cấp trên", tuyển công nhân viên phải theo chỉ tiêu biến chế sẵn có. Cùng phe với Nguyễn Chính, Trưởng phòng Tài vụ cũng cho rằng "không có quỹ lương cho thợ hợp đồng", ngoài ra, muons cải tổ, mua sắm vật tư sản xuất cũng cần "làm đúng những quy định". Trái ngược hoàn toàn với họ, giám đốc Hoàng Việt, một người có học thức và tầm hiểu biết rộng tuyên bố: "chúng ta phải chủ động đặt ra kế hoạch, phải tuyển thêm thợ hợp đồng, mức sản xuất của xí nghiệp sẽ tăng lên năm lần, lương mỗi công nhân sẽ tăng bốn lần. Phải dừng việc xây nhà khách để trả lương công nhân trong hai tháng, sau đó sẽ hoàn lại.". Những quyết định này đi ngược lại hoàn toàn với mớ quy định cứng nhắc hẹp hòi, nhưng lại là con đường duy nhất cứu cả xí nghiệp khỏi bờ vực phá sản. Lấy người công nhân làm gốc rễ của vấn đề, anh cho rằng, muốn tăng năng suất trước hết phải từ con người, chấm dứt tình trạng bất công, bao cấp, người làm người biếng hưởng lợi như nhau " người chăm và kẻ lười được đối xử như nhau, người tài năng và kẻ dốt nát đều hưởng chung một mức quyền lợi, thậm chí có những kẻ không làm gì cả, chỉ ngồi phán thôi, lại được vị nể hơn những người đã vất vả cống hiến".

Xí nghiệp Thắng Lợi giống như một mô hình thu nhỏ của xã hội Việt Nam đương thời, khi người nông dân quây quần thành một hợp tác xã, tiền công tính theo "ngày công", chỉ cần có mặt sẽ được tính là một "ngày công", dẫn đến việc kẻ ăn người làm. Tình trạng bất hợp lý kéo dài khiến ngay cả những người vốn chăm chỉ, nhiệt huyết cũng không còn muốn làm việc, vì phúc lợi xã hội được hưởng như nhau. Ngoài ra, cần cắt giảm những nhân sự thừa thãi, không có tác dụng như quản đốc Trương, bổ nhiệm vào vị trí khác vì "Không có chức vụ nào quan trọng cả. Chỉ có hiệu quả công việc là quan trọng", đồng thời đưa ra lối tư tưởng tân tiến: ai làm nhiều được hưởng nhiều, ai làm kém bị phạt tiền. Động thái đúng đắn này đã nêu ra con đường cải cách, giải thoát cho toàn bộ xí nghiệp và cả những nhân viên chăm chỉ, lành nghề, tạo cơ hội cho họ phát triển và được đối xử xứng đáng.

Giải quyết xong vấn đề nhân lực, muốn phát triển sản xuất cần đẩy mạnh, cải tạo máy móc, nhiên nguyên vật liệu, sửa chữa hoặc thanh lý các máy móc hỏng, lỗi thời. Để thực hiện được điều này cần có nguồn kinh tế. Hoàng Việt đã lệnh cho phòng Tài vụ phải cấp tiền nhằm tổ chức mua sắm, sửa chữa và nhận trách nhiệm về chính mình. Tuy nhiên, hành động này của Hoàng Việt bị vấp phải những sự chống cự của phe bảo thủ. Bà trưởng phòng tài vụ không chịu thông qua, phó giám đốc Nguyễn Chính phê bình: "Đồng chí bất chấp các quy định nghiêm ngặt của cả một hệ thống các cơ quan tài chính, ngân hàng, lao động, vật tư...". Đối với họ, cái quan trọng không phải công tác lao động hay sản phẩm, chất lượng mà là những nguyên tắc, nghị quyết của Đảng ủy. Thậm chí, họ còn lôi cả ân tình, đạo đức để biện minh cho suy nghĩ tồi tàn, lạc hậu: "Cái cơ chế mà đồng chí mạt sát ấy tồn tại bền vững mấy chục năm nay. Nhờ nó mà chúng ta hôm nay có chủ nghĩa xã hội như ngày hôm nay, hạt gạo đồng chí ăn, cái áo đồng chí mặc và cả chính con người đồng chí nữa đã được rèn luyện và trưởng thành trong cơ chế ấy. Đừng vội phủ nhận". Chế độ bao cấp quan liêu đương thời đã làm cho con người bị mụ mị đầu óc, không có nhu cầu thay đổi dù những hậu quả ngày càng nặng nề. Lực lượng sản xuất không phù hợp với phương thức sản xuất thì cần thay đổi là tất lẽ dĩ ngẫu, nhưng vì suy nghĩ đã bị bào mòn bởi tư tưởng bảo thủ, lề thói cứng nhắc khiến họ không thể mở rộng cách đánh giá, nhìn nhận thực tế. Trong hoàn cảnh đó, quan điểm của Hoàng Việt được đánh giá là tiến bộ, mới mẻ, chỉ rõ sự lỗi thời trong quan điểm của đối phương: "Sự vật không đứng yên, cuộc sống không đứng yên một chỗ, có cái hôm qua đúng, hôm nay nó là vật cản. Phải tìm cách phá bỏ."

Tuy thế, phó giám đốc Nguyễn Chính vẫn không dễ dàng nhận sai và thay đổi. Với Trần Khắc, đại diện Ban thanh tra của Bộ chống lưng, hắn không ngần ngại gây khó dễ cho Hoàng Việt nhằm cản trở sự đổi mới của xí nghiệp, tiếp tục lừa dối công nhân và nuôi âm mưu lật đổ chức Giám đốc của anh. Thật đáng buồn cho một xã hội, nơi mà những người tài giỏi lại không được trọng dùng, còn những kẻ xu nịnh, đi theo lối mòn của cơ chế bao cấp lạc hậu lại được cho là "tuân theo con đường sáng suốt của Đảng và Nhà nước". Cái tôi mạnh mẽ của Hoàng Việt đã bộc lộ thái độ rõ ràng, dứt khoát "Tôi làm tôi chịu trách nhiệm", không ngần ngại đứng lên đẩy lùi những cái xấu xa cũ kỹ để mở đường cho sự thay đổi mới mẻ, lạc quan vì sự phát triển giàu đẹp của Tổ quốc

Nhan đề "Tôi và chúng ta" đã nêu bật lên được tư tưởng và chủ đề của hồi III vở kịch này. Tôi và chúng ta là sự đổi mới, tiến bộ, vì dân, vì nước, đặt nền móng đầu tiên cho cải cách bộ máy quản lý xí nghiệp lao động nói riêng hay toàn thể bộ máy cai trị nhà nước nói chung. Ngày nay, sau gần ba mươi năm tiến lên chủ nghĩa xã hội, "Tôi và chúng ta" đã cho thấy tính đúng đắn và tầm nhìn xa rộng của những cá nhân theo chủ nghĩa cải cách, hiện đại đương thời.

Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Phân tích và nêu cảm nhận sau khi xem diễn hoặc đọc cảnh III trong Tôi và chúng ta cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 9 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 9 và biết cách soạn bài lớp 9 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 9, đề thi học kì 2 lớp 9 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.

Các bài liên quan đến tác phẩm:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 9 Sách mới

    Xem thêm