Phụ cấp thâm niên nhà giáo: Quy định mới nhất theo Nghị định 77

VnDoc mời các bạn cùng theo dõi bài viết Phụ cấp thâm niên nhà giáo: Quy định mới nhất theo Nghị định 77 để hiểu hơn về mức phụ cấp thâm niên mới dành cho giáo viên có gì khác so với trước đây.

Ai được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo? Cách tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên, thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên,... trong bài viết này VnDoc sẽ nói cụ thể, chi tiết về Quy định mới về phụ cấp thâm niên giáo viên theo Nghị định 77 giúp thầy cô hiểu đúng và rõ hơn.

1. Cơ sở pháp lý tính phụ cấp thâm niên

  • Nghị định 77/2021/NĐ-CP chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo
  • Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.
  • Nghị định 17/2013/NĐ-CP về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang
  • Nghị định 38/2019/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

2. Phụ cấp thâm niên là gì?

Phụ cấp thâm niên là một trong những chế độ phụ cấp được ghi nhận trong hợp đồng lao động cùng với các chế độ phụ cấp, tiền thưởng, nâng bậc lương hay các chế độ khuyến khích khác.

Sở dĩ phụ cấp thâm niên được quy định, là một trong những hình thức khuyến khích của người sử dụng lao động đối với người lao động để họ có thể gắn bó và làm nghề lâu dài, đồng thời cũng là để tạo động lực cho người lao động làm việc hiệu quả hơn.

Người lao động càng có nhiều năm gắn bó với nghề thì càng có nhiều kinh nghiệm làm việc hơn, mà trong bất cứ nghề nghiệp nào, kể cả làm việc trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp, công ty bên ngoài, kinh nghiệm cũng là điều vô cùng quan trọng, người lao động có kinh nghiệm có thể nắm bắt công việc dễ dàng hơn, làm việc với hiệu suất cao hơn…

Phụ cấp thâm niên là khoản phụ cấp dành cho những người công tác lâu năm trong ngành. Khoản phụ cấp này có ý nghĩa khích lệ, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức gắn bó lâu dài với nghề. Trên thực tế, thu nhập của nhà giáo vẫn ở hàng thấp trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Nhà giáo vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt khi về hưu.

Nhà giáo là lực lượng lao động và làm nên chất lượng giáo dục, họ rất cần được quan tâm. Một trong những biểu hiện của sự quan tâm đó là làm sao đảm bảo chính sách để nhà giáo yên tâm tu dưỡng nghề nghiệp, thu hút người giỏi vào làm việc trong ngành, đồng thời cũng giữ nhà giáo ở lại trong ngành để cống hiến vào sự nghiệp trồng người.

Như vậy, phụ cấp thâm niên chính là một chế độ khuyến khích được ghi nhận trong hợp đồng làm việc mà người sử dụng đưa ra cho người lao động để người lao động có thể làm việc tích cực, hiệu quả và gắn bó với nghề hơn.

Chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo được quy định tại định 77/2021/NĐ-CP, trong đó quy định về đối tượng, thời gian tính hưởng, thời gian không tính hưởng và mức phụ cấp thâm niên.

3. Ai được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo?

Nếu như trước đây, Điều 1 Nghị định 54/2011 nêu đối tượng giáo viên hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục tại các cơ sở giáo dục công lập, đã chuyển, xếp lương theo chế độ tiền lương của viên chức tại Nghị định 204/2004 thì nay, tại Nghị định 77, Chính phủ quy định cụ thể các đối tượng hưởng, gồm:

- Viên chức ngành giáo dục đào tạo mang mã số có các ký tự đầu là V.07 và viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp có mã số ký tự đầu là V.09 thuộc danh sách trả lương của cơ quan có thẩm quyền, đang giảng dạy tại cơ sở công lập được Nhà nước cấp kinh phí hoạt động.

- Nhà giáo thuộc danh sách trả lương được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đang giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thí nghiệm tại các tàu huấn luyện, xưởng trưởng, trạm, trại, trung tâm thực hành, phòng thí nghiệm, phòng bộ môn của cơ sở giáo dục phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp, đại học công lập.

Những đối tượng này đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 68 năm 2011 nhưng Thông tư liên tịch này không quy định cụ thể đối tượng viên chức phải có ký tự đầu là V.09 mà chỉ yêu cầu các hạng có ký tự đầu là V.07 hoặc ký tự đầu của mã số ngạch là 15.

Có sự điều chỉnh là do từ năm 2011 đến thời điểm hiện tại, viên chức giáo dục có ký tự đầu của mã số ngạch là 15 đã được chuyển đổi sang hạng viên chức tương đương V.07 hoặc V.09.

Đặc biệt, Nghị định nêu rõ: Các đối tượng khác mà giữ mã số có các ký tự đầu là V.07 và V09 không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Tuy nhiên, nhà giáo đang giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập vẫn giữ ngạch viên chức có hai chữ số đầu của mã số ngạch là 15 mà chưa được chuyển sang xếp lương theo chức danh nghề nghiệp có mã số V.07 hoặc mã số V.09 thì vẫn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo (theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 77).

Như vậy, mặc dù chưa được chuyển sang hạng viên chức có mã V.09 hoặc V.07 nhưng nếu nhà giáo đang giảng dạy trong các trường công lập thì vẫn được hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo. Chỉ những đối tượng khác, không giảng dạy thì mới không được hưởng loại phụ cấp này.

4. Cách tính thời gian hưởng phụ cấp thâm niên

Đây là một trong những nội dung nổi bật tại Nghị định 77 so với Nghị định 54 trước đây. Cụ thể:

Nghị định 54/2011 quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên gồm thời gian giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục; thời gian hưởng phụ cấp thâm niên ở các ngành, nghề khác được cộng dồn với thời gian trên.

Nghị định 77/2021 quy định thời gian tính hưởng phụ cấp thâm niên được xác định bằng tổng các thời gian:

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc trong cơ sở giáo dục công lập;

- Thời gian giảng dạy, giáo dục có đóng BHXH bắt buộc trong cơ sở giáo dục ngoài công lập với giáo viên có thời gian trước đây giảng dạy tại cơ sở giáo dục ngoài công lập.

- Thời gian làm việc tính hưởng phụ cấp thâm niên ở ngạch hoặc chức danh chuyên ngành: Hải quan, Tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự, kiểm lâm, dự trữ quốc gia, kiểm tra Đảng; trong quân đội, công an, cơ yếu và ở ngành, nghề khác (nếu có).

- Thời gian đi nghĩa vụ quân sự mà trước khi đi đang ghưởng phụ cấp thâm niên nghề.

Những nội dung tại Nghị định 77 này mặc dù mới so với Nghị định 54/2011 nhưng đã được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 68.

5. Thêm nhiều khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên

So với quy định tại khoản 3 Điều 2 Nghị định 54 thì khoản 2 Điều 3 Nghị định 77 quy định các khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên sau đây:

- Thời gian tập sự (quy định cũ là thời gian tập sự, thử việc hoặc thời gian hợp đồng làm việc lần đầu).

- Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 01 tháng trở lên (giữ nguyên).

- Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn quy định (giữ nguyên).

- Thời gian đi làm chuyên gia, đi học, thực tập, công tác, khảo sát ở trong và ngoài nước vượt quá thời hạn được quyết định (mới).

- Thời gian bị tạm đình chỉ công tác hoặc bị tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử (giữ nguyên).

- Thời gian không làm việc khác ngoài các khoảng thời gian nêu trên (mới).

Như vậy, quy định mới bổ sung thêm một số khoảng thời gian không tính hưởng phụ cấp thâm niên.

6. Quy định cụ thể cách tính phụ cấp thâm niên hàng tháng

Đây có lẽ là một trong những điểm đáng chú ý nhất tại Nghị định 77.

Mặc dù phụ cấp này vẫn được tính theo nguyên tắc: Giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1% như Thông tư liên tịch số 68.

Tuy nhiên, Chính phủ đã nêu cụ thể công thức tính tiền phụ cấp thâm niên hàng tháng:

Mức tiền phụ cấp thâm niên

=

Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp viên chức cộng với hệ số phụ cấp chức danh lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng

x

Mức lương cơ sở do Chính phủ quy định

x

Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng

Việc đưa chính xác công thức tính khiến các cơ quan, đơn vị cũng như nhà giáo thuận tiện hơn trong các tính.

7. Phụ cấp thâm niên thế nào khi cải cách tiền lương?

Theo tinh thần của Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, khi thực hiện cải cách tiền lương thì sẽ bỏ phụ cấp thâm niên vượt khung của nhà giáo. Đây cũng là quy định tại Luật Giáo dục năm 2019.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch kéo dài, chủ trương này đã phải lùi lại hai năm liên tiếp. Ban đầu Trung ương dự kiến lùi thời điểm cải cách tiền lương một năm so với mục tiêu ban đầu, tức là từ 1/7/2022 thay vì 1/7/2021. Sau đó các cấp có thẩm quyền tiếp tục quyết định chưa thực hiện trong năm 2022. Đồng thời, phụ cấp thâm niên nhà giáo cũng không bị cắt theo quy định của Luật Giáo dục mà vẫn tiếp tục được áp dụng theo Công văn số 460/BGDDT-NGCBQLGD.

Do đó, hiện nay, phụ cấp thâm niên của giáo viên vẫn đang được áp dụng. Tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 77 này, Chính phủ một lần nữa khẳng định:

Chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo quy định tại Nghị định này được áp dụng từ ngày 01/7/2020 cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới theo quy định của Chính phủ

Các địa phương, cơ sở giáo dục công lập đã chi trả chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo từ 01/7/2020 đến nay thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định này và giải quyết truy lĩnh, chi trả phụ cấp này cho các đối tượng hưởng kể từ 01/7/2020.

Đã có Đề xuất khởi động cải cách tiền lương vào năm 2023. Do đó, dự kiến đến năm 2023, nhà nước sẽ thực hiện chế độ lương mới và đến thời điểm đó thì phụ cấp thâm niên giáo viên mới bị loại bỏ.

Đánh giá bài viết
5 17.502
Sắp xếp theo

    Văn bản giáo dục

    Xem thêm